Chuyển đổi số sau cổng chùa

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1185 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1185 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ở Việt Nam hiện nay, việc Tăng Ni tham gia mạng xã hội không phải là điều quá lạ lẫm. Giáo hội, các tự viện, cá nhân Tăng Ni dần chú ý hơn đến việc hoằng pháp trên mạng xã hội, các nền tảng phương tiện số đã trở thành phương tiện phổ biến với số đông, đặc biệt là giới trẻ.

Cách đây vài ngày, người viết ghé lại một gánh xôi bán rong bên vỉa hè để mua thức ăn sáng. Những gánh hàng rong là hiện thân cho một hình thái thương mại thô sơ nhất mà chúng ta từng biết, có lẽ vậy. Người bán hàng rong tôi gặp sáng hôm ấy là một phụ nữ tuổi độ 60, rất xởi lởi, với chất giọng đặc sệt miền Tây. Mọi chuyện diễn ra êm đềm cho đến khi tôi nhận ra mình quên mang ví. Đang loay hoay không biết cách giải quyết thế nào, thì cô gái khách hàng đến sau tôi cất tiếng hỏi: “Có Momo không cô?”.

Câu hỏi có vẻ khôi hài, đối với tôi khi ấy. Một người bán hàng rong có thể nhận thanh toán bằng một tiện ích giao dịch điện tử mới xuất hiện cách đây không lâu? Câu trả lời ngắn gọn sau đó đã đánh vỡ định kiến trong đầu tôi: “Có luôn!”. Bấm… quẹt… ting ting! Vậy là xong! Một giao dịch điện tử vừa diễn ra ở một gánh hàng rong vỉa hè. Và tất nhiên, tôi là người tiếp theo thực hiện cách thanh toán ấy với cô bán hàng rong, vì tôi quên mang ví mà.

Chuyển đổi số

Câu chuyện có thật kể trên là minh chứng rõ ràng nhất cho việc “chuyển đổi số” (digital transformation) đang âm thầm len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống thành thị, bằng người thật việc thật. Vài năm gần đây, chúng ta thường nghe đến những thuật ngữ “thời đại 4.0”, “chuyển đổi số”, “tiện ích công nghệ”,… được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn thuyết về xu hướng phát triển của tương lai, các diễn đàn công nghệ, kinh doanh, v.v…

Hai năm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khi các khuyến cáo tiếp xúc trực tiếp giữa người với người được đặt ra hay trong thời điểm giãn cách xã hội được thực hiện, là lúc chúng ta bị buộc phải học cách sử dụng các tiện ích công nghệ để phục vụ các nhu cầu cá nhân, kể cả việc mua sắm thông thường hay chợ búa. Đó cũng là thời điểm trên màn hình điện thoại của mỗi người, già có trẻ có, được làm đầy thêm với biểu tượng những app mua sắm, thanh toán,…

Bên cạnh đó, chúng ta còn nhận thấy rõ bằng mắt và tai sự phát triển của hàng loạt các tiện ích giải trí, nền tảng mạng xã hội. Facebook “giảm nhiệt” theo cùng với sự thịnh hành của Tiktok hay Instagram. Những tiện ích giúp con người kết nối với thế giới xung quanh nhiều hơn, nhưng cũng đồng thời chi phối đời sống của mỗi cá nhân đến mức không tưởng.

Hai thập niên trước, ở những vùng nông thôn, có khi cả làng chỉ có một hai chiếc điện thoại bàn, thì giờ đây, smartphone đã trở thành một vật dụng phổ biến trong toàn xã hội. Cũng trong khoảng chừng ấy thời gian, nếu trước đó người ta phải mất có khi gần cả tháng để chuyển một văn bản theo đường bưu điện đến một địa điểm cách vài ngàn cây số thì giờ đây, với internet tốc độ cao, chúng ta chỉ cần gửi “mail” đi với chưa đầy một phút.

Thời đại thay đổi, con người cũng buộc phải thay đổi, đó là điều tất yếu mà chúng ta đã và đang trải qua bằng chính việc vào mạng xã hội mỗi ngày hay thỉnh thoảng, cài thêm app tiện ích trong điện thoại của mình.

Hoằng pháp trên mạng

Những biến đổi ấy của xã hội có tác động đến tôn giáo không? Xin thưa là có. Ở Việt Nam hiện nay, việc Tăng Ni tham gia mạng xã hội không phải là điều quá lạ lẫm. Giáo hội, các tự viện, cá nhân Tăng Ni dần chú ý hơn đến việc hoằng pháp trên mạng xã hội, các nền tảng phương tiện số đã trở thành phương tiện phổ biến với số đông, đặc biệt là giới trẻ. Mặt tích cực lẫn tiêu cực được nói đến rất nhiều.

Việc lan truyền những thông điệp sống tốt đẹp theo tinh thần Phật giáo trong công chúng đã được ghi nhận; việc lạm dụng mạng xã hội để gây nên những điều làm mất thiện cảm về giới Phật giáo cũng xuất hiện và được cảnh báo liên tục. Dù muốn hay không, ảnh hưởng của công nghệ số đến phạm trù tôn giáo là điều không thể phủ nhận. Cần hơn hết có lẽ là thái độ tiếp nhận và ứng xử với nó như thế nào.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Có một hiện tượng thiết nghĩ cần dẫn giải ra đây để làm minh chứng. Khoảng một tháng nay, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện các đoạn video ngắn, trích ra từ chuỗi podcast ghi lại cuộc trò chuyện giữa một vị thiền sư và người dẫn chương trình trong khung cảnh thiên nhiên yên bình, nhẹ nhàng. Câu chuyện thực tế, những chia sẻ, giải đáp dưới góc nhìn Phật giáo, chạm đến những vấn đề mà rất nhiều người vấp phải trong cuộc sống, đặc biệt là tuổi trẻ thành thị.

Nếu là người sử dụng nhiều nền tảng mạng xã hội, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra tốc độ lan tỏa và “phủ sóng” của chuỗi podcast này. Người viết cũng chú ý quan sát một thời gian và nhận ra được rằng đa số những người chia sẻ chuỗi đối thoại ấy đều trẻ, làm công việc văn phòng, là những người chịu áp lực bởi cuộc sống hiện đại. Tạm không nói đến tác động về mặt hình ảnh “social” mà có thể nói, chuỗi podcast ấy đã thực hiện thành công. Rõ ràng rằng, đó có thể coi là một dạng thức hiệu quả để mang giáo pháp đi vào đời, trong thời buổi hiện nay, nếu thật sự biết cách và đầu tư một cách chỉn chu, chừng mực.

Tuy nhiên, mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông số cũng là môi trường rất dễ gặp “tai nạn”. Một lời nói hớ, một hành vi chưa chuẩn mực, hay một hình ảnh phản cảm vô tình lọt vào khung hình ngay lập tức có thể được lan đi với tốc độ khủng khiếp, và hệ quả sau đó đôi khi khó có thể đo lường được. Cách đây vài năm, trường hợp đáng tiếc của Thiền sư Haemin ở Hàn Quốc là một ví dụ đơn cử.

Vậy nên, điều cần hơn hết, để việc ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt của Phật giáo trở nên hiệu quả, trước hết cần phải có nhận thức một cách đúng đắn và phù hợp. Cần phải hiểu mình có gì trong tay, biết được số đông cần gì, điều gì nên làm lẫn không nên, cần và không cần đưa ra với công chúng. Giống như cách mà toàn xã hội đang đề cập, nhiều diễn ngôn trong giới Phật giáo cũng đang nói về chuyển đổi số, trong việc hoằng pháp hay quản lý chẳng hạn.

Quan trọng hơn hết, liệu chúng ta có đang thực sự hiểu rõ chuyển đổi số là gì? Nếu không hiểu được điều đó, cũng như không hiểu được số đông cần gì, có thể tiếp nhận điều gì, chúng ta rất dễ bị nhấn chìm trong biển thông tin hay tự ngộ nhận theo xu hướng của công chúng. Nhưng nếu hiểu sai đi về chuyển đổi số, về cách thức thích nghi với thời đại, chúng ta cũng rất dễ lạc đường, “lộng giả thành chân”, bởi sự dẫn dắt của những người có chủ ý khác nhưng nhân danh truyền bá Phật giáo.

*

Chúng ta đang đặt những bước đi đầu tiên vào năm mới 2023. Dẫu đang đi về phía trước với tốc độ nhanh chưa từng có, chúng ta vẫn không biết điều gì sẽ chờ đợi con người ở phía trước. Lùi lại thời điểm cách đây hơn 2 năm, vào cuối năm 2019, khi những thông tin ít ỏi đầu tiên được lan đi về một chủng vi-rút lạ xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, không một ai có thể mường tượng được rằng đến ngày 11-3-2020, WHO phải phát đi tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu và rất nhanh sau đó, nhân loại phải chứng kiến biến cố kinh hoàng nhất của thế kỷ XXI.

Chúng ta không biết điều gì sẽ chờ đợi con người ở phía trước, nhưng cũng không cần quá bận tâm về điều đó. Covid-19 và hàng loạt biến cố khác trong lịch sử đã từng dạy cho con người rằng phải chuẩn bị thật tốt cho tất cả, ngay chính trong hiện tại. Chúng ta đã xoay xở rất nhanh, với những gì mà tiến bộ khoa học và công nghệ mang lại, để vượt qua biến cố của đại dịch.

Có thể người bán xôi mà tôi gặp trong buổi sáng hôm trước cũng đã bắt đầu học cách thanh toán điện tử từ sau thời gian giãn cách xã hội, nhưng rõ ràng, điều đó cho thấy họ nhận ra rằng điều đó là cần thiết, để thích nghi. Và như đã nói, ngay hiện tại, khi biết được điều gì cần và không cần, nên và không nên, chúng ta sẽ biết bản thân có thể làm gì tiếp theo mà không cần băn khoăn quá nhiều về những điều xa xôi.

Năm ngoái, trong khi đang lướt Facebook, người viết bắt gặp một đoạn đăng tải rất thú vị. Đó là bài nói chuyện của nhà báo Đinh Đức Hoàng trong buổi khai giảng của Đại học Fulbright với chủ đề đánh động dư luận về “trọc phú kiến thức”. Bài nói chuyện khá dài, nhưng cái khiến tôi nhớ nhất là đoạn trích dẫn từ kinh Tăng chi bộ được anh dẫn giải. Tìm thêm thông tin, đó là một trong bốn điều được Đức Phật nhắc nhớ các thầy Tỷ-kheo trong một thời Ngài trú tại Kosambi:

“Tâm tư thế giới, này các Tỷ-kheo, không thể nghĩ đến được, nếu nghĩ đến thời người suy nghĩ có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.