Sự tôn kính mà người đời sau dành cho vị Đại Tổ lừng danh này không phải chỉ vì những đóng góp của Ngài cho sự định hình và phát triển tông phái Tào Động mà còn bắt nguồn từ chính cuộc đời nhiều sóng gió và huyền thoại của Tổ…
Cơ duyên
Keizan Jokin sinh năm 1268, quê ở Echizen, nước Nhật. Chuyện kể rằng, mẹ ông mãi tới năm 37 tuổi mới mang thai và sinh hạ ra ông. Sử sách không thấy ghi chép gì về cha của Jokin, chỉ biết rằng, sau khi sinh hạ ra ông thì mẹ ông tới chùa Thành Tựu (Jojuji) xuất gia và sau đó trở thành nữ Tu viện Trưởng của ngôi chùa này.
Trong cuốn tự truyện viết những năm cuối đời, Jokin ca ngợi mẹ mình hết lời và nói rằng, bà là một người thầy không chính thức trong sự nghiệp tu học Thiền tông của mình. Tuy nhiên, có lẽ người có ảnh hưởng lớn nhất tới thiền sư Jokin trong những năm đầu đời không phải là mẹ mà chính là bà ngoại ông, bà Myochi.
Sau khi mẹ ông xuất gia, trong suốt 8 năm đầu đời, Jokin sống dưới sự chăm sóc và bảo trợ của bà ngoại. Bà Myochi là một trong những người rất sùng mộ thiền sư Dogen (Đạo Nguyên Hi Huyền), khi ông mới kết thúc chuyến viễn du Trung Quốc và trở về Nhật Bản truyền bá Thiền tông, sáng lập tông phái Tào Động tại đây. Có lẽ đây chính là lý do khiến bà Myochi đã quyết định gửi Jokin lên chùa Vĩnh Bình, trung tâm của tông phái Tào Động khi ông vừa tròn 8 tuổi.
Tại chùa Vĩnh Bình, Jokin bắt đầu làm quen với cuộc sống nơi tu viện dưới sự giám hộ và chăm sóc của thiền sư Tettsu Gikai (Triệt Thông Nghĩa Giới), người sau này trở thành tổ thứ 3 của tông phái Tào Động và cũng là thầy chính thức của thiền sư Keizan Jokin.
Năm năm sau đó, năm 1280, ở tuổi 13, Keizan Jokin chính thức thụ giới và trở thành một đệ tử chính thức của thiền sư Koun Ejo (Cô Vân Hoài Trang), tổ thứ hai của tông phái Tào Động và đang là trụ trì chùa Vĩnh Bình lúc bấy giờ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, thiền sư Ejo viên tịch.
Chùa Tổng Trì
Sau đó, ông lại tới thăm núi Tỉ Duệ và lưu lại đây để nghiên cứu những giáo lý của Thiên Thai Tông. Tiếp đó, sư cũng đến tham vấn thiền sư Tâm Địa Giác Tâm, người đã đem tập công án quan trọng Vô môn quan từ Trung Quốc về truyền bá tại Nhật Bản. Và sau khi trở về với thiền sư Gikai, chính tập công án này đã giúp Keizan Jokin đại ngộ để trở thành một đại sư, rồi người kế thừa Gikai phát triển tông Tào Động khi tông phái này bước vào giai đoạn trầm lắng nhất. Tuy nhiên, đó là chuyện mãi về sau này.
Sau bốn năm du hành khắp nơi để tu tập Thiền tông, khi Keizan Jokin vừa trở về tới chùa Vĩnh Bình thì một biến cố lớn đã xảy ra. Do ý kiến bất đồng về việc truyền pháp, thiền sư Nghĩa Giới, thầy của Jokin và một thiền sư khác trong chùa Vĩnh Bình tên là Nghĩa Diễn đã nổ ra một cuộc tranh cãi kịch liệt. Kết quả, thiền sư Nghĩa Giới mang theo những người ủng hộ mình, trong đó có đệ tử Keizan Jokin rời khỏi chùa Vĩnh Bình tới chùa Đài Thừa.
Việc rời bỏ chùa Vĩnh Bình của vị tổ thứ 3 tông Tào Động thực chất là một cuộc ly khai khỏi bộ máy tăng đoàn vốn đã rất ì trệ tại “trụ sở” của tông phái này tại chùa Vĩnh Bình. Tuy nhiên, sự ra đi của vị tổ chính thức thứ 3 cũng như sự chia rẽ trong nội bộ tăng đoàn đã khiến ảnh hưởng của tông Tào Động trong xã hội Nhật Bản lúc đó ngày một suy giảm. Tình trạng này còn kéo dài cho mãi tới khi Keizan Jokin kế thừa thiền sư Nghĩa Giới trở thành tổ thứ tư của tông phái này.
Tại chùa Đại Thừa ở Ishikawa, thiền sư Nghĩa Giới đưa cho Keizan Jokin công án thứ 17 của tập Vôn môn quan để nghiên cứu. Đây là công án nói về cuộc đối đáp giữa thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện trả lời sư Triệu Châu Tòng Thẩm.
Công án có câu nói: “Tâm bình thường là đạo”. Khi Keizan Jokin đang mải suy nghĩ để trình bày với sư phụ Nghĩa Giới về cái gọi là “bình thường tâm” thì Nghĩa Giới bèn đưa tay đánh ngay vào miệng Jokin. Ngay lúc này, Keizan Jokin đại ngộ, mắt mở sáng, hét lớn: “Con biết rồi!”. Nghĩa Giới cười nói: “Ngươi biết gì?”. Keizan Jokin đáp: “Đi trong đêm tối như mực”.
Nghĩa Giới nói: “Vị tại!”. Keizan Jokin lại đáp: “Gặp trà uống trà, gặp cơm ăn cơm”. Nghĩa Giới lúc này vui mừng nhìn đệ tử của mình nói: “Sau này sự hưng thịnh của tông Tào Động tùy thuộc cả vào con!”. Từ đây, Keizan Jokin chính thức trở thành một thiền sư.
Hoằng pháp
Ít lâu sau đó, năm 1303, Nghĩa Giới viên tịch đã truyền tâm pháp lại cho Keizan Jokin. Keizan Jokin chính thức trở thành tổ thứ 4 của tông Tào Động tại Nhật Bản kể từ thời Đạo Nguyên Hy Huyền và giữ chức trụ trì chùa Đại Thừa. Cũng bắt đầu từ đó, chùa Đại Thừa trước đây vắng vẻ thì nay các tín đồ, học chúng từ khắp nơi trong cả nước đổ về học thiền sư Keizan Jokin.
Chẳng bao lâu sau, chùa Đại Thừa trở thành một trung tâm Phật giáo – Thiền tông quan trọng ở miền Đông Bắc của nước Nhật lúc bấy giờ. Cũng tại nơi đây, thiền sư Keizan Jokin đã hoàn thành hai tác phẩm rất quan trọng trong sự nghiệp của mình là “Truyền quang lục” và “Tọa thiền dụng tâm ký”, hai tác phẩm vẫn còn được các đệ tử thiền thuộc nhiều tông phái khác nhau sử dụng cho tới tận ngày nay.
Là vị tổ thứ 4 kế thừa Đạo Nguyên Hi Huyền tuy nhiên thiền sư Keizan Jokin không hề kế thừa những người tiền nhiệm của mình một cách cứng nhắc. Nếu như trong giáo pháp của mình, Đạo Nguyên chỉ chú trọng tới việc tọa thiền thì Keizan Jokin, nhờ thời gian tu tập và tham học rất nhiều tông phái khác nhau nên hấp thu nhiều yếu tố tích cực của họ vào việc tu hành của tông Tào Động. Chẳng hạn, Keizan Jokin đem vào tông Tào Động rất nhiều nghi thức của tông Lâm Tế hay Thiên Thai tông.
Tướng Keizan Jokin
Năm 1322, dưới sự phát triển không ngừng của tông phái Tào Động, Keizan Jokin cùng các đệ tử của mình quyết định xây dựng chùa Tổng Trì làm trụ sở mới để truyền bá Thiền tông. Sự lớn mạnh của chùa Tổng Trì thời gian sau đó đã dẫn tới quyết định của Thiên hoàng Go Daigo, nâng cấp Tổng Trì tự lên ngang hàng với chùa Vĩnh Bình và gọi nơi đây là Đại bản sơn của tông phái Tào Động.
Ngoài chùa Tổng Trì, thiền sư Keizan Jokin còn xây dựng nhiều ngôi chùa khác như chùa Vĩnh Quang, chùa Tịnh Trụ và Viên Thông Viện, hình thành một hệ thống cơ sở truyền bá giáo lý Tào Động cho giai đoạn sau.
Trong khoảng thời gian cuối đời, Keizan Jokin lui về chùa Vĩnh Quang và giao phó việc quản lý chùa Tổng Trì cho vị đại đệ tử của mình là Nga Sơn Thiều. Trong thời gian sống tại chùa Vĩnh Quang, Keizan Jokin còn soạn tập “Oánh Sơn thanh quy”. Tới ngày 29/9/1325, Keizan Jokin viên tịch ở chùa Vĩnh Quang khi 58 tuổi. Tro cốt của Keizan Jokin được chia ra và thờ cúng tại bốn ngôi chùa: Đại Thừa, Vĩnh Quang, Tổng Trì và Tịnh Trụ.