Khác với chùa làng của người Kinh, những ngôi chùa làng bản của người Mường ở Hòa Bình thường rất nhỏ, không có sư trụ trì, đặc biệt “tượng Phật” thường chỉ là những tảng đá tự nhiên. Việc thờ ông Bụt đá của người Mường thực chất bắt nguồn từ tín ngưỡng vạn vật hữu linh đã được Phật hóa.
Người Mường là “gốc” của người Kinh
Tháng 12-2022, chúng tôi tham gia đoàn Famtrip điền dã văn hóa các bản làng của người Mường do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức. “Mường” là tên mà người Kinh gọi dân tộc này, thực ra người Mường từ xưa thường tự gọi mình là Mol, Moan, Mual. Theo Kết quả điều tra dân số tại Việt Nam năm 2019, tổng số người Mường tại nước ta có gần 1,5 triệu người, tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình và các tỉnh lân cận là Thanh Hóa, Phú Thọ, Sơn La, Ninh Bình v.v…
Vào thời Pháp thuộc, các nhà nghiên cứu người Pháp khi nghiên cứu nhân chủng học ở Đông Dương, đã xếp người Kinh và người Mường vào cùng một chủng tộc, với ngôn ngữ thuộc nhóm Việt - Mường trong ngữ chi Việt thuộc ngữ tộc Môn - Khmer của ngữ hệ Nam Á. Các nhà dân tộc học đưa ra thuyết cho rằng người Mường và người Kinh có nguồn gốc chung là người Việt - Mường cổ.
Vào các thời đại vua Hùng dựng nước, cư dân của đất nước Văn Lang chủ yếu là người Mường. Đến thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, người Mường từ đồi núi đã chuyển xuống sống ở vùng đồng bằng, có sự hòa trộn với người từ phương Bắc di cư xuống về văn hóa, ngôn ngữ và nhân chủng thì thành người Kinh.
Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, Hòa Bình có 4 vùng Mường lớn: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. Mường là đơn vị tổ chức xã hội, tập hợp nhiều làng trong cùng một thung lũng, hay nhiều thung lũng, liền kề nhau.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi trong chuyến điền dã lần này là Bảo tàng Không gian văn hóa Mường nằm trên con đường Tây Tiến, cách trung tâm thành phố Hòa Bình 7km. Đây là bảo tàng tư nhân do họa sĩ Vũ Đức Hiếu xây dựng, tọa lạc trong thung lũng núi đá vôi nhỏ có diện tích khoảng 5ha.
Chùa Kẻ và các cây đa cổ thụ ở huyện Tần Lạc, tỉnh Hòa Bình |
Chị Bùi Thị Vân, hướng dẫn viên của bảo tàng này cho biết từ trước năm 1945, người Mường chia làm 4 giai cấp chính: Nhà Lang là người thống trị cả Mường; Ậu là những người giúp việc cho nhà Lang; Noóc là tầng lớp dân thường; Noóc trọi là lớp người bần cùng trong xã hội Mường xưa kia. Chức Lang được truyền theo hình thức cha truyền con nối, và nhà Lang thường cử người nhà làm Lang đạo ở các xóm trong Mường.
Người Mường ở Hòa Bình có 4 dòng họ chính: Đinh, Quách, Bùi, Hà. Họ Đinh đều là con cháu của nhà Lang, từ Quan lang, đến các chức Ậu, các Lang đạo đều là người thuộc dòng họ này. Ba họ còn lại đều là dân thường, trong đó họ Bùi đông nhất.
Độc đáo nhà Lang
Ấn tượng nhất với chúng tôi là nhà Lang trong Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, đây là ngôi nhà Lang duy nhất còn sót lại của tỉnh Hòa Bình. Chị Vân cho biết chủ của ngôi nhà này trước đây là bà Lợi - con gái của một Quan lang thời Pháp thuộc. Ngôi nhà này được di dời về bảo tàng vào năm 2007, khi đó bà Lợi đã 108 tuổi. Tuy nhiên, ngôi nhà cổ hơn 100 tuổi này đã bị cháy vào tháng 10-2013, nên sau đó phải phục dựng lại theo nguyên mẫu nhà xưa.
Nhà Lang được ví như trung tâm quyền lực của xứ Mường, nên thường được dựng ở vị trí đắc địa. Ở giữa có một ngôi nhà sàn lớn để điều hành tất cả các công việc, gọi là nhà sàn chính, xung quanh có các dãy nhà của người hầu, nhà kho...
Ngôi nhà sàn chính cũng là nơi để hội họp, đưa ra những quyết sách về quản lý và điều hành của nhà Lang. Điểm độc đáo nhất trong ngôi nhà Lang là có tới hai bếp lửa, một bếp ở gian cuối dùng để nấu nướng, sinh hoạt chung cho gia đình Quan lang, một bếp ở gian đầu hồi dùng để giải quyết việc công và tiếp khách. Theo quan niệm của người Mường thì chỉ có nhà Lang mới được xây 2 bếp, nhà dân thường chỉ có một bếp.
Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là bàn thờ trong nhà Lang có một chiếc cột cái chắn giữa, điều này khác với nhà của người Kinh. Trước bàn thờ có treo lịch Đoi, gồm những que tre vót tròn có khắc nhiều vạch. Đây là bộ lịch cổ xưa nhất của người Mường. Tại mỗi gian nhà sàn đều được bày biện và treo những đồ vật linh thiêng như trống đồng, cồng chiêng, súng nỏ… tượng trưng cho sự giàu có và uy quyền tối cao của chế độ nhà Lang. Cồng chiêng là loại nhạc cụ chủ đạo của người Mường, sử dụng trong cả đám cưới, đám ma, giỗ, Tết… Bộ cồng chiêng bao gồm 12 chiếc từ to đến nhỏ, ứng với 12 tháng trong năm.
Chùa của người Mường
Những ngôi chùa làng bản của người Mường ở Hòa Bình thường rất nhỏ, có khi là ngôi nhà sàn bằng gỗ thờ Phật, nhưng cũng có khi chỉ là am nhỏ. Phần lớn chùa làng của người Mường thường chưa có sư trụ trì, dân làng cử người trông coi và gọi là sãi. Nhiều ngôi chùa của người Mường thường làm ở gần nơi có hang động, hoặc lấy chính hang động làm chùa.
Thực ra, người Mường cũng có một số ngôi chùa lớn nổi tiếng. Đơn cử, Chùa Tiên - Đầm Đa ở xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy là một quần thể du lịch bao gồm nhiều hang động, đền chùa tuyệt đẹp nằm bên kia sườn dãy núi Hương Sơn - Chùa Hương của huyện Mỹ Đức. Chùa Tiên mới được xây dựng lại với quy mô to lớn, nhiều tầng mái ngói đỏ cong vút với phong cách kiến trúc vừa đẹp vừa độc đáo, không giống với bất cứ công trình tôn giáo tín ngưỡng nào.
Nhà Lang tại Bảo tàng Mường ở TP.Hòa Bình |
Quần thể chùa Tiên nổi tiếng còn là bởi các hang động, với các khối nhũ kỳ ảo lấp lánh giữa ánh đèn trông như ngọc. Chùa Tiên - Đầm Đa không chỉ thờ Phật, mà còn thờ Mẹ theo tín ngưỡng bản địa nguyên thủy của người Việt cổ. Gần động chùa Tiên còn có động Mẫu Âu Cơ, có dòng suối chảy qua động tương truyền là nơi Mẫu Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng sau nở thành trăm người con trai.
Cùng với chùa Tiên, người Mường ở Hòa Bình còn có nhiều chùa nổi tiếng khác. Đó là hang Bụt nằm ở dãy núi đá vôi thuộc thị trấn Mãn Đức của huyện Tân Lạc. Trước kia, ở ngã ba Mãn Đức có một ngôi chùa gọi là chùa Lim. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa bị phá, người dân địa phương đã rước bát hương, tượng Phật vào hang để thờ cúng nên hang này được gọi là hang Bụt.
Ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy có hang Chùa và chùa Hang, tên chữ Thanh Lam tự, tọa lạc trong núi Lăng Tiêu. Nằm trong lòng núi là động Văn Quang và 2 ngôi chùa cổ kính. Nằm giữa những bản làng của người Mường, hang Chùa và chùa Hang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Lễ hội chùa Hang diễn ra vào tháng giêng âm lịch hàng năm.
Đến Mường Kè (xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc), chúng tôi được chứng kiến một ngôi chùa bản hoang phế. Theo lời kể, ban đầu ngôi chùa được xây dựng với 3 gian và làm hoàn toàn bằng gỗ. Kiến trúc bố cục của chùa được thiết kế theo dạng “tiền Bụt, hậu Thánh”. Có nghĩa là gian đầu tiên là thờ “Bụt”, hai gian sau thờ “Bà chúa Mường Kè” và Phật Bà Quan Âm.
Tích xưa kể rằng, năm 1938, vì biết Mường Kè có chùa thiêng là nhờ một bức tượng Bụt bằng đá nên Quan lang Chiềng Khến bấy giờ đã bí mật sai quân của mình gồm 8 người đang đêm đến lấy trộm Bụt chùa Kè. Pho tượng nhỏ chỉ cao vài gang tay, nhưng 8 người đàn ông lực lưỡng vẫn không thể khiêng nổi pho tượng. Nhóm người này tức giận dùng búa ghè gãy đầu tượng Bụt, đem vứt ra bờ tre gần đó rồi bỏ đi.
Sau đó, một người dân là bà Đinh Thị Huyến, trong một lần đi xúc cá ở “khoang thạch” suối đá nhưng cả buổi chỉ xúc được một hòn đá to bằng nắm tay. Bà ném hòn đá lên bờ, rồi tiếp tục xúc cá. Nhưng lần nào xúc lên cũng không thấy cá mà chỉ thấy hòn đá đó. Thấy sự lạ, bà Huyến đã mang hòn đá đó về và kể cho mọi người trong bản nghe. Tất cả người Mường trong bản đều tin rằng hòn đá ấy chính là đầu tượng Phật đã bị những kẻ gian ghè gãy và ném đi.
Dân làng đem hòn đá gắn vào thân tượng đá thì thấy vừa khít, bèn dùng vôi để gắn lại đầu Bụt giống như cũ. Từ đó, Mường Kè có tục lễ “bôi vôi đầu Bụt” vào ngày mùng 1 Tết âm lịch hàng năm.
Tượng Phật đá chùa Kè còn nổi tiếng với chuyện “Bụt đẻ”. Người dân Mường Kè kể rằng, đã nhiều lần chứng kiến pho tượng đá mọc ra thêm những hình thù giống như một đứa trẻ con. Có người vì thấy sự lạ nên đã lấy vôi để đánh dấu những hình thù đó lại, vậy mà đến năm sau khi kiểm tra lại thấy mọc thêm 2 hình thù nữa. Chính vì thế mà người ta vẫn gọi là hiện tượng “Bụt đẻ”.
Người dân ở đây tin rằng hiện tượng Bụt đẻ là điềm báo cho sự phát triển thịnh vượng của người Mường nơi đây. Vì cha ông đời trước đã làm nhiều việc tốt, “tu nhân tích đức” nên đời sau được hưởng thành quả.