GN - Tọa lạc tại số 133 đường Hai Bà Trưng, phường 6, TP.Đà Lạt, tổ đình Linh Quang được xem là ngôi chùa đầu tiên đặt nền móng khơi nguồn đạo pháp tại phố núi cao nguyên, Lâm Đồng.
Năm 1921, HT.Thích Nhơn Thứ, người tỉnh Phú Yên, pháp danh Tâm Trung, pháp tự Nghĩa Đạo thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 43, theo chân đoàn người di dân từ Khánh Hòa vào Đà Lạt lập nghiệp, lúc bấy giờ nơi đây chỉ là rừng thiêng thú dữ, quanh năm sương mù rét lạnh, dân cư thưa thớt. Sau khi tìm được một khu đất hẻo lánh rộng khoảng 1ha trên một ngọn đồi chưa có người khai phá, Ngài dừng chân và tạo dựng một ngôi thảo am đặt tên hiệu là Linh Quang tự. Ngoài việc tu tập hành trì, hoằng dương Chánh pháp, khai nguồn đạo Phật tại đất Lâm Đồng (lúc này còn mang tên là Đồng Nai Thượng), Hòa thượng Nhơn Thứ còn được biết đến như một vị thiền sư võ nghệ cao cường, y thuật uyên thâm chữa được nhiều bệnh nan y cho bà con quần chúng, tiếng lành đồn xa, tín đồ Phật tử vân tập về tu học ngày một đông.
Đến năm 1933, được sự cúng dường của quý Phật tử Đỗ Sinh, Trần Văn Tài, Trương Văn Nhàn, Nguyễn Văn Nhạn, Lê Văn Cam, Hòa thượng đã cho xây dựng chùa Linh Quang từ ngôi thảo am trở thành ngôi Tam bảo vách ván ngo, lợp tôn với diện tích bề ngang 7m, bề dọc 7m, cao 6m.
Do cảm mến đức độ của Hòa thượng và được biết Linh Quang tự là ngôi chùa đầu tiên tại vùng đất “Hoàng triều cương thổ” tỉnh Đồng Nai Thượng nên vào ngày 27-9-1938 (niên hiệu Bảo Đại thứ 13), Đức Đoan Huy hoàng thái hậu và vua Bảo Đại đã ban biển ngạch “Sắc tứ Linh Quang tự”.
Năm Tân Tỵ (1941), HT.Thích Nhơn Thứ viên tịch, thọ 70 tuổi, kế thế trụ trì là HT.Thích Quảng Nhuận. Hòa thượng đã cho trùng tu chùa, tiếp tục sự nghiệp hoằng dương đạo pháp. Đời trụ trì thứ 3 là HT.Thích Minh Cảnh người Thừa Thiên. Trụ trì đời thứ 4 là TT.Thích Thanh Tân hiện là Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Từ thiện Phật giáo Lâm Đồng, Phó ban Thường trực Ban Đại diện Phật giáo TP. Đà Lạt từ khóa I đến nay.
Tổ đình Linh Quang có lối kiến trúc cổ kết hợp giữa nghệ thuật Trung Hoa và Việt Nam, mái kép uốn cong tại bốn góc của nóc chùa được chạm trổ hình Long, Lân, Qui, Phụng cùng các con giao uốn lượn gắn ghép nhiều mảnh sành sứ đủ màu sắc. Tiền diện chùa quay hướng về phía Đông bắc, chánh điện được xây dựng theo hình chữ Đinh dài 20m, rộng 15m, gồm 3 gian nhà kết cấu liên thông nhau. Ngôi tiền sảnh có lối kiến trúc 3 gian, hai chái có mái kép, trên hai đầu đỉnh nóc có gắn hai con rồng theo thế hồi long, cùng chầu vào một mặt hổ phù, phía trên mặt hổ phù là bánh xe chuyển pháp luân. Trên các đầu đao của mái trên là các cặp lưỡng long, lưỡng phụng chầu vào, ở hai đầu đao mái dưới là một cặp lưỡng long vươn ra, khoảng giữa của hai mái là các bức trang trí hồi long đối xứng qua bảng hiệu bằng chữ Hán “Linh Quang tự”, tiền điện chùa có 4 trụ đắp rồng và sát hai trụ cột ngoài cùng là hai mảnh tường hẹp đắp nổi phong cảnh vườn Nai.
Trong chánh điện tôn trí tượng Đức Bổn Sư, ngự trên tòa sen, hai bên thờ Đức Hộ pháp và Tiêu diện, sau chánh điện là hậu tổ, thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, chư vị Hòa thượng quá cố, hai bên là bàn thờ chư vị nam nữ quá cố chư hương linh, sau Tổ đường là nhà Tăng, tàng kinh các. Trong khuôn viên chùa, ngoài ba bảo tháp còn có một tượng đài Quán Thế Âm lộ thiên thị hiện trên thân rồng dài 100m, đường kính 2m, vườn Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật đản sanh. Các công trình này được thực hiện từ năm Canh Thìn (2000).
Tổ đình Sắc tứ Linh Quang tính đến nay đã tròn 91 năm, đã trải qua nhiều thế hệ trụ trì là những bậc cao tăng đức độ. Cổ tự Linh Quang ngày nay còn được biết đến như là một địa danh tham quan du lịch tâm linh nổi tiếng, luôn hiện diện trong hành trình của những khách hành hương khi đặt chân đến với thành phố hoa Đà Lạt. Ngoài ra, đây còn là một địa chỉ ấm áp tình người của những mảnh đời bất hạnh, luôn đi đầu trong các công tác từ thiện xã hội, ngõ hầu làm lợi lạc cho mọi loài chúng sanh, báo Phật ân đức, kế vãng khai lai, lưu truyền hậu thế.