Tọa lạc trên ngọn đồi mang tên Long Bích, phía Bắc thành Đồ Bàn cũ nên toàn cảnh chùa Thập Tháp trông rất nên thơ và hùng vĩ. Từ kiến trúc cho đến cảnh quan thiên nhiên, tất cả hòa quyện như một bức tranh thủy mặc sống động. Trước cổng chùa là hồ sen rộng 500m2, quanh năm sen nở thơm ngát một vùng. Sau lưng chùa được bao bọc bởi chi lưu sông Kôn, phía Bắc là sông Bàn Khê. Bước vào tam quan, mọi sự nhiễu nhương của cuộc đời dường như khép lại, du khách như thể tận hưởng một luồng khí ấm ấp từ những hàng cây cổ thụ rợp bóng mát. Trước chùa là một khoảng sân rộng trồng nhiều hoa thơm cỏ lạ. Chùa có kiến trúc hình chữ Khẩu, mái lợp ngói âm dương, chia thành bốn khu vực: chánh điện, phương trượng, Đông đường và Tây đường. Các khu này nối liền nhau bằng một khoảnh sân trong gọi là “giếng trời”. Chánh điện là công trình chính, kiến trúc theo kiểu nhà rường, gồm ba gian hai chái được kết cấu bởi 4 hàng cột cái, 4 hàng cột quân, 8 cột con và 16 cột hiên. Những đoạn trích cấu tạo kiểu giá chiêng, hai đầu chạm hoa cuộn. Bên trong chánh điện bài trí khám thờ. Ngoài kiến trúc bên trong, chùa Thập Tháp còn làm du khách ngỡ ngàng đến khâm phục khi chiêm ngưỡng khu vườn tháp cổ với 24 bảo tháp lớn nhỏ mang hình thái kiến trúc của nhiều thời đại khác nhau. Tất cả đều xây dựng từ thế kỷ XIX-XX. Nét độc đáo của từng ngôi tháp được thể hiện qua những tầng mái cong vút và những nét chạm trên thân tháp.
Như nhiều ngôi chùa ở Đàng Trong, chùa Thập Tháp thờ Tam thế Phật, tả hữu thờ Tôn giả A Nan, Ca Diếp được tôn trí trong khám thờ cao 5m, bên trên chạm hoa văn “lưỡng long triều nguyệt”, hai bên khám trang trí long phượng cách điệu. Hai bên chánh điện thờ Quan Thế Âm Bồ tát và Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma. Đặc biệt là các pho tượng Thập bát La hán và Thập điện Minh vương bài trí hai bên hông chánh điện. Đây thực sự là những tác phẩm không chỉ độc đáo về nghệ thuật mà còn mang nét dung dị của đời thường. Từng nụ cười, ánh mắt của mỗi pho tượng đều hàm chứa những triết lý về cõi nhân sinh, cuộc sống và sự vĩnh hằng. Ngoài những bức hoành phi, bao lam, tủ thờ, bàn ghế được chạm khắc, cẩn xà cừ công phu tỉ mỉ, chùa còn lưu giữ đôi câu đối do chính chúa Nguyễn Phúc Chu viết tặng năm 1691; bức hoành phi của vua Minh Mạng ban tặng và bộ kinh cổ làm bằng giấy khổ lớn, chữ to bằng đầu ngón tay út. Được biết, bản kinh cổ này do Thiền sư Nguyên Thiều thỉnh từ Trung Hoa sang lúc phụng mệnh chúa Nguyễn về nước vào cuối thế kỷ XVII. Đó thực sự là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị về lịch sử, văn hóa của Phật giáo Việt Nam.
Trong tất cả các chùa chiền ở miền Trung Việt Nam được xây dựng vào thời Lê-Nguyễn thì chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định là ngôi chùa cổ thuộc phái thiền Lâm Tế. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, dù cái cũ và mới đan xen nhưng chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa. Năm 1990, chùa Thập Tháp Di Đà được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là Di tích văn hóa-lịch sử cấp quốc gia. Hàng năm, chùa đón tiếp hàng ngàn Phật tử và du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm bái.
Đây là một số hình ảnh của ngôi Chùa
Mặt tiền chùa Di Đà Thập Tháp
Hồ Sen trước mặt tiền Chùa
Bộ tượng A La hán