GN - Hầu như ngôi chùa nào ở Bắc Bộ cũng lưu giữ những truyền thuyết riêng, nhưng hiếm thấy ngôi chùa nào có nhiều truyền thuyết được ghi trong chính sử như chùa Thánh Chúa. Bởi đây là ngôi chùa có quan hệ mật thiết với hai vị vua nổi tiếng là bậc minh quân trong lịch sử: Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.
Tam quan chùa Thánh Chúa
Chùa Thánh Chúa được khởi dựng từ thời Lý tại làng Vòng (Dịch Vọng) - một làng cổ, nơi sản sinh ra cốm Vòng nổi tiếng. Tiền đường chùa ngày nay còn đôi câu đối: “Lý triều ngự giá quang lâm tích niên bút lực/ Bắc quốc tượng công kiến trúc kim nhật trùng tu”. Nghĩa là, Xa giá của vua triều Lý đến đây năm xưa ghi lại, Thợ của nước phương Bắc xây dựng ngày nay trùng tu.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lý, phần Thánh Tôn hoàng đế chép: “Quý Mão, Chương Thánh Gia Khánh năm thứ 5 (1063) (Tống Gia Hựu năm thứ 8). Vua tuổi lớn, 40 tuổi chưa có con trai, sai chi hậu nội nhân là Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, đến sau Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh Thái Tử Càn Đức, tức là Nhân Tôn. (Tục truyền rằng vua cúng khấu cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi khắp các chùa quán. Xe vua đi đến đâu, con trai, con gái đổ xô đến đấy xem không ngớt, duy chỉ một người con gái hái dâu cứ đứng tựa vào bụi cỏ lan. Vua trông thấy, cho đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Vua muốn có con trai, sai Bông đem hương cầu đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông cái thuật đầu thai thác hóa. Bông nghe theo. Việc phát giác, đem Bông chém ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Đồng Bông ở phía Tây trước cửa chùa, nay hãy còn)”.
Truyện thơ “Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn” kể chi tiết hơn về sự việc này: Khi Ỷ Lan đã vào cung, vua sai Thái giám Nguyễn Bông đi cầu tự. Ông này bèn đến chùa Thánh Chúa gặp nhà sư Đại Điên. Nhà sư bày kế cho Nguyễn Bông đầu thai để kiếp sau được làm hoàng đế. Trở về cung, Nguyễn Bông rình trộm Ỷ Lan tắm, bị các cung nữ bắt gặp. Vua đem Bông ra xử tội chém. Sau đó, Ỷ Lan có thai, đủ tháng sinh được con trai là Lý Càn Đức. Nhà vua mừng rỡ phong Ỷ Lan làm Thần phi. Ít năm sau (1068), lại sinh thêm một người con trai nữa phong tước Sùng Hiền hầu... Tương truyền, Thánh Chúa tự là một trong số 100 chùa chiền được Ỷ Lan thái phi tu sửa, nơi đây nguyên phi và các vị vua nhà Lý thường lui tới để nghiên cứu Phật pháp.
Vào thời nhà Lê, chùa Thánh Chúa gắn bó với tuổi thơ của vua Lê Thánh Tông, một vị minh quân, một nhà văn hóa lớn trong lịch sử của dân tộc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép truyền thuyết linh dị về sự ra đời của Thánh Tông hoàng đế: “Mẹ là Quang Thục hoàng thái hậu Ngô thị, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, Phủ Thanh Hóa. Lúc đầu thái hậu còn làm Tiệp dư, đi cầu tự, chiêm bao thấy đến chỗ Thượng đế. Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con của thái hậu. Tiên đồng ngần ngừ không chịu đi, Thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu ra. Sau tỉnh dậy thì sinh ra vua, ở trán có vết như thấy khi chiêm bao, mãi đến khi chết vết ấy vẫn còn. Năm Nhâm Tuất Đại Bảo thứ 3, tháng 7, ngày 20 sinh ra vua. Vua sinh ra, tư trời rạng rỡ, thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, chững chạc, thực là bậc thông minh đáng làm vua, bậc trí dũng giữ nước…”.
Không gian tâm linh ngôi chùa gắn với hai vua
Vua Lê Thánh Tông có tuổi thơ lận đận và vô cùng gian lao. Theo bản ngọc phả hiện còn lưu ở chùa Thánh Chúa, cũng như các sách chính sử ghi chép, mẹ của vua là bà Ngô Thị Ngọc Dao (1421-1496). Mười sáu tuổi, bà Ngọc Dao được tuyển vào làm cung tần, đến tháng 6 năm Canh Thân (1440) thì được sách phong làm Tiệp dư (đứng đầu trong 6 bậc nữ quan, nhưng thấp hơn tam phi).
Trước đó, Lê Thái Tông sủng ái bà phi Dương Thị Bí và sinh ra con trưởng là Lê Nghi Dân vào năm 1439. Năm 1440, Thái Tông bắt đầu sủng ái Nguyễn Thị Anh và lấy cớ Dương Thị Bí kiêu ngạo nên truất làm Minh nghi. Năm sau một người con trai thứ hai là Lê Khắc Xương ra đời, nhưng mẹ cũng không được vua yêu. Cùng năm đó Nguyễn Thị Anh sinh được Lê Bang Cơ (1441-1459), Thái Tông liền phế truất Nghi Dân khi ấy mới 2 tuổi xuống làm Lạng Sơn vương và lập Bang Cơ làm Thái tử.
Khi Ngô Thị Ngọc Dao có thai, Nguyễn Thị Anh sợ đến lượt mẹ con mình bị phế, nên đã bịa tội vu khống Ngọc Dao và xin Thái Tông khép tội voi giày, nhưng nhà vua chỉ ra lệnh đày đi nơi xa. Biết chuyện, Nguyễn Trãi bàn với vợ thứ là Nguyễn Thị Lộ, lúc này đang làm Lễ nghi Học sĩ, vào xin vua cho đổi án của Ngọc Dao sang án giam, được vua chấp thuận. Nhờ vậy, Ngọc Dao chỉ bị giam lỏng ở chùa Huy Văn, tọa lạc tại ngõ Văn Chương, trong kinh thành Thăng Long. Tại chùa Huy Văn, vào ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), bà Ngô Thị Ngọc Dao sinh hoàng tử Tư Thành. Sau đó, vì sợ Nguyễn Thị Anh tiếp tục ám hại, Nguyễn Trãi cho người đưa mẹ con bà Ngọc Dao trốn biệt ra trấn An Bang (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh).
Ngày 4 tháng 8 cùng năm Nhâm Tuất, vua Thái Tông chết đột ngột ở vườn Lệ Chi, thuộc Gia Bình, Bắc Ninh. Mấy ngày sau (ngày 12 tháng 8), Thái tử Bang Cơ lên ngôi (tức vua Lê Nhân Tông), Nguyễn Thị Anh trở thành Thái hậu nhiếp chính. Sau đó, Nguyễn Trãi bị triều đình do bà Anh cầm đầu khép tội giết vua và bị tru di tam tộc… Đến năm hoàng tử Tư Thành được bốn tuổi, thì Tuyên Từ thái hậu Nguyễn Thị Anh mới ăn năn cho người tìm rước mẹ con bà Ngọc Dao về kinh đô, phong cho Tư Thành làm Bình Nguyên vương, sau đổi làm Gia vương.
Ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão (1459), Lê Nghi Dân cùng các thủ hạ đem hơn trăm quân đang đêm trèo vào cung cấm giết chết Lê Nhân Tông và Nguyễn Thị Anh, rồi tự lên ngôi vua. Trong cơn tao loạn, Ngọc Dao cùng con trai chạy ra lánh nạn ở chùa Thánh Chúa. Suốt một năm, Tư Thành phải mặc áo cà-sa, ở lẫn với Tăng tiểu tại chùa Thánh Chúa để ẩn náu, tránh sự truy sát của bè lũ Nghi Dân. Năm sau, Canh Thìn 1460, các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm… đã làm cuộc đảo chính, phế truất Nghi Dân. Đinh Liệt cùng Nguyễn Xí đem xe kiệu đến chùa Thánh Chúa rước Tư Thành vào triều, tôn lên ngôi báu. Vài năm sau, vua Lê Thánh Tông cho lật lại vụ án Lệ Chi viên, xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Ông ca ngợi Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Tấm lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê).
Chùa có hệ thống tượng cổ phong phú với 77 pho
Văn bia tại chùa Thánh Chúa
Chùa Thánh Chúa được coi là nơi cầu tự ứng nghiệm để sinh ra vua Lý Nhân Tông, và hơn 400 năm sau là nơi nương náu, nuôi dưỡng vua Lê Thánh Tông, bởi vậy trong dân gian xưa kia lưu truyền câu ca dao:
“Ngàn năm nay có mấy chùa
Như chùa Thánh Chúa hai vua tôn thờ”.
Ngày nay, chùa Thánh Chúa tọa lạc trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Chùa có cảnh quan kiến trúc quy củ. Tam quan được xây bằng gạch, hai tầng, tầng trên có 3 cửa tò vò treo chuông đồng được đúc vào năm Mậu Tý - niên hiệu Minh Mạng thứ 9 (1828) và khánh đồng kiểu cánh dơi, nặng 125kg, niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845).
Chùa chính kiến trúc chữ Đinh, với tiền đường 7 gian, đầu hồi bít đốc, bộ vì nóc kiểu chồng rường giá chiêng. Tại đây có nhiều viên gạch vồ lớn giống như loại gạch vồ xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rất có giá trị về mặt nghiên cứu. Trong chùa còn một số bút tích và hiện vật quý hiếm nói đến lịch sử ngôi chùa như câu đối treo ở tiền đường, bản ngọc phả ghi những truyền thuyết liên quan đến 2 vị vua nổi tiếng trong lịch sử, cùng hệ thống tượng cổ phong phú với 77 pho, gồm cả tượng gỗ và tượng đất nung. Trong đó, có nhiều pho tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.
Ngoài thờ Phật, chùa Thánh Chúa còn có điện thờ nguyên phi Ỷ Lan kiến trúc 3 gian, ngự trên bàn thờ ở gian giữa có tượng Ỷ Lan nguyên phi và hai nữ hầu cận. Vào năm 1959, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thấy hội trường xây trước cửa tam quan của chùa Thánh Chúa, Người đã đề nghị dỡ bỏ. Chùa Thánh Chúa được Bộ Văn hóa công nhận di tích lịch sử - văn hóa vào năm 1989.