Từ năm 2000 đến năm 2005, thầy trụ trì Thích Huệ Tánh, đời thứ 44 phái thiền Lâm Tế đã tổ chức đại trùng tu chùa, đặt 15 vườn tượng Phật tích và nhiều cây kiểng ở sân chùa.
Ngôi chính điện hai tầng và hai lầu chuông, trống nổi bật với các mảng ghép sành sứ về nhiều đề tài trên các phù điêu, hoa văn, hàng cột ..., đặc biệt là linh vật Rồng 5 móng được thể hiện trên các công trình ghép sành sứ từ nóc mái đến bao lam, cửa sổ, hàng cột ... với 22 loại.
Thầy trụ trì cho biết hơn 48 tấn mảnh sành được chở từ miền Bắc vào, miền Nam ra, đã được nhóm thợ người Huế chủ lực lựa chọn sử dụng khoảng 2 tấn. Chính mảng ghép sành sứ mang tính mỹ thuật và kỹ thuật cao đã tôn ngôi chùa vẻ đẹp vừa hiện đại vừa cổ kính theo phong cách kiến trúc Á Đông.
Chùa có hai điện Phật được bài trí trang nghiêm. Tầng trên là điện Phật thờ đức Phật Thích Ca, hai bên vách tường có bộ tượng phù điêu Thập Bát La Hán. Điện Phật tầng dưới thờ bộ tượng Di Đà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, hai vị Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí) và tượng Bồ tát Địa Tạng.
Chùa đang lưu giữ bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ có ghi đời vua Lê Thuần Tông (1699-1735). Đây là bộ kinh khắc gỗ đầy đủ với 60.000 chữ Hán khắc ngược cả hai mặt trên 118 tấm ván bằng gỗ thị, mỗi tấm dài 0,68m, rộng 0,26m, dày 0,03m, được nhà sư Thiện Huệ thực hiện suốt 28 năm, từ năm 1704 đến năm 1732, dưới sự chủ trì của Thiền sư Minh Dung và sự hỗ trợ của nhà sư Thiện Pháp và 59 nam nữ Phật tử.
Bộ kinh này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) xác lập kỷ lục vào ngày 02-01-2006 và đã phối hợp với Báo Giác Ngộ tổ chức trao giấy chứng nhận và cúp lưu niệm cho chùa Phật Quang - ngôi chùa có Bộ kinh Pháp Hoa khắc gỗ đầy đủ và xưa nhất Việt Nam.
Chùa còn có hai kỷ lục khác, đó là quả chuông và cặp mõ gia trì đặt trong chính điện.
Quả chuông gia trì có đường kính 1,2m, cao 1m, nặng khoảng 400kg. Chuông do nhóm thợ người Quảng Nam thực hiện. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vào ngày 07-11-2006, trao giấy chứng nhận và cúp lưu niệm cho chùa Phật Quang - ngôi chùa có Quả chuông gia trì lớn nhất Việt Nam trong Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần 6 chủ đề : Kỷ lục Phật giáo Việt Nam do Trung tâm phối hợp với Báo Giác Ngộ tổ chức.
Cặp mõ gia trì ở điện Phật, mỗi chiếc cao 0,8m, ngang 0,92m, làm bằng gỗ mít lấy từ huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, do 3 người thợ ở Quảng Nam thực hiện trong 7 năm (1997-2004).
Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vào ngày 23-10-2007, trao giấy chứng nhận và cúp lưu niệm cho chùa Phật Quang - ngôi chùa có Mõ gia trì bằng gỗ lớn nhất Việt Nam trong Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần 10 chủ đề : Đêm hội tôn vinh kỷ lục Việt Nam tại Bình Thuân do Trung tâm phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức.
Chùa là ngôi cổ tự nổi tiếng ở Bình Thuận xưa nay.
Chùa Phật Quang ngày nay là một ngôi phạm vũ tráng lệ, đã được khánh thành vào ngày 05-3-2006 (nhằm ngày 06 tháng 2 năm Bính Tuất). Chùa được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và các công ty du lịch trong nước và nước ngoài nên số du khách và Phật tử đến viếng chùa thật đông đảo mỗi ngày.
Cổng tam quan
Mặt tiền chùa xưa
Điện Phật chùa xưa
Chùa Phật Quang
Điện Phật
Điện thờ Di Đà Tam Tôn
Tượng Thái tử đản sinh
Tượng Đức Phật tu khổ hạnh
Tượng Đức Phật nhập Niết bàn
Tượng Bồ Tát Di Lặc
Tượng Kim Cương
Tượng Kim Cương
Bản kinh Pháp hoa khắc trên ván
Bản kinh Pháp khoa khắc trên ván
Đại hồng chung
Trống
Chuông gia trì lớn nhất Việt Nam
Mõ gia trì lớn nhất Việt Nam