Ký ức của thời gian
Niệm Phật đường Liên Trì tọa lạc trên tầng cao của chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q.3) |
Cứ đúng 3 giờ chiều mỗi ngày, từng hồi chuông quen thuộc ngân vang trên tầng cao của chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q.3). Âm thanh này đã trở thành một phần trong nhịp sống hàng ngày của những người dân đang sống nơi đây. Dựa vào âm thanh, chúng tôi men theo lối cầu thang đã cũ lên tầng 3, nơi cao nhất của chung cư. Bóng lưng gầy gò của một vị Sư cô già dưới ánh nắng chiều bên cửa sổ, hòa với tiếng kinh cầu nguyện dường như đã vượt ra khỏi cảnh tấp nập, nhộn nhịp bên dưới.
Sau khi hoàn thành thời khóa của mình, Sư cô Thích nữ Huệ Trí, một trong hai người lớn tuổi hiện đang sinh hoạt nơi đây tâm sự, niệm Phật đường Liên Trì này đã tồn tại từ trước 1975, có từ những ngày đầu xây dựng ngôi chung cư này. Ban đầu nó là một ngôi nhà nằm trong chợ Bàn Cờ, chủ nhân là ông Nguyễn Trí Phương, sau đó hiến cúng cho Thượng tọa Thích Minh Cảnh làm nơi thờ Phật và sinh hoạt tôn giáo. Năm 1969, khu vực đó bị giải tỏa, chính quyền đền bù một căn hộ trong chung cư Nguyễn Thiện Thuật để di dời đến đây. Đến khi Thượng tọa trụ trì viên tịch thì Phật tử thay nhau trông coi, hương khói.
“Sau khi thọ giới Tỳ-kheo-ni tại chùa Huệ Lâm, 3 năm sau (1985), tôi có cơ duyên theo Ni trưởngNhư Thông, nguyên Trưởng Phân ban Ni giới Q.3 về tiếp quản niệm Phật đường này với sự tín nhiệm của Ban Hộ tự”, vừa lật lại những tư liệu cũ, Sư cô hồi tưởng.
Lúc còn sinh thời, Ni trưởng đã mua thêm một căn hộ kế bên để mở rộng diện tích của niệm Phật đường nhằm thuận tiện cho việc tu học của Phật tử gần xa. Ni chúng nơi đây cũng rất tích cực trong các hoạt động phụng sự xã hội, giúp đỡ bá tánh nên đã tạo dựng lòng tin và tổ chức quy y cho nhiều cư dân sinh sống trong căn chung cư này.
Sư cô Thích nữ Huệ Trí đang thực hiện nghi thức đánh chuông vào 3 giờ chiều |
Tuy nhiên, lịch sinh hoạt nơi đây rất đơn giản và khép kín, thỉnh thoảng chỉ có vài nhóm người viếng thăm. Chánh điện thường xuyên đóng cửa, mỗi ngày chỉ có 2 thời tụng kinh Tịnh độ, hạn chế âm thanh để tránh ảnh hưởng người dân xung quanh. Cư dân mỗi khi đi ngang qua chỉ đứng ngoài chắp tay, hướng vào đảnh lễ Đức Phật ở bên trong. Điều đặc biệt là nơi đây không thờ tro cốt, chỉ có di ảnh của những người đã mất được người thân mang đến gửi để nhờ các Sư cô tụng kinh cầu siêu.
Dù diện tích khá khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn 2 căn hộ nhưng niệm Phật đường Liên Trì đã chứng kiến biết bao thăng trầm, thay đổi của thành phố, là dấu tích rõ nét còn lại của tháng ngày đã qua. Đây còn là nơi mà nhiều người trong chung cư này gửi gắm tâm hồn của mình giữa bộn bề của cuộc sống.
Anh Lê Minh Hào (54 tuổi), người giữ xe phía dưới căn chung cư, khi được hỏi về lịch sử của niệm Phật đường đã cho biết, từ khi anh sinh ra thì đã thấy nó, tuổi đời của anh xấp xỉ với niệm Phật đường Liên Trì, chứng kiến bao người đến kẻ đi nhưng đây vẫn là nơi đặc biệt đối với những cư dân nơi này. “Nó là một phần rất quan trọng trong tuổi thơ của tôi, là dấu ấn tâm linh sâu đậm mà những người dân trong khu chung cư như tôi mang theo trong suốt cuộc đời của mình”, vừa ngước nhìn lên niệm Phật đường anh Hào vừa xúc động nói.
Thay đổi để thích ứng
Chùa Từ Đức nổi bật giữa những căn hộ trên tầng 4 của chung cư số 100, đường Hùng Vương (Q.5) |
Cũng như niệm Phật đường Liên Trì, chùa Từ Đức ở tầng 4 của chung cư số 100, đường Hùng Vương (Q.5), cũng có tuổi đời ngang với chung cư mà nó tọa lạc. Ngôi chùa này được hoàn thành vào năm 1974 và mang những đặc thù rất riêng của cộng đồng người Hoa đang sinh sống tại đây.
Theo Thượng tọa Thích Huệ Công, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Đại diện Phật giáo người Hoa tại TP.HCM thì chùa Từ Đức được hình thành do Hòa thượng Thích Phước Quang mua lại với diện tích là 10 căn liền kề, ở tầng cao nhất của chung cư vào năm 1973. Một năm sau chùa khánh thành và gia nhập vào Giáo hội cho đến ngày hôm nay.
Bảng hiệu chùa Từ Đức |
Kiến trúc của chùa Từ Đức mang đậm nét đặc trưng của Phật giáo người Hoa với chủ đạo là tông màu đỏ, vàng nổi bật. Tuy nhiên, nếp sinh hoạt của ngôi chùa này khác biệt rất nhiều so với các nơi khác. “Ban ngày chùa chỉ mở cửa đến 5 giờ chiều để bà con đến lễ Phật và hạn chế tối đa các hoạt động cúng kiếng, thời khóa tu học cũng được điều chỉnh với việc sáng, tối không tụng kinh, đánh chuông gõ mõ để tránh ảnh hưởng những căn hộ xung quanh”, Thượng tọa Thích Huệ Công cho biết.
Một khóa lễ của Phật giáo người Hoa trong ngày rằm tại chùa Từ Đức |
Ngoài ra, vì đặc thù văn hóa của cộng đồng người Hoa nên nơi đây vẫn thờ gần 1.000 hũ tro cốt của người đã mất. Mỗi khi đến tiết Thanh minh hay Trùng cửu thì chùa cũng sẽ tổ chức tụng kinh cầu siêu theo nghi lễ truyền thống của Phật giáo Hoa tông, để người dân tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên của mình. Tuy vậy, các hoạt động này chỉ diễn ra trong vòng nửa ngày, đến 4 giờ chiều là hoàn tất. Khi diễn ra lễ hội thì chùa đều cắt cử đội ngũ Phật tử kiểm soát và hạn chế tiếng ồn để không gây phiền lòng cho mọi người.
Vấn đề vệ sinh, an toàn của chung cư cũng được nhà chùa xem trọng với việc vận động Phật tử giảm thiểu đốt nhang, vàng mã và sử dụng các vật liệu khó gây cháy trong việc thờ cúng. Đối với những cốt gửi lâu, không có thân nhân hoặc nếu người dân đăng ký thì chùa sẽ tổ chức thả xuống sông, ngoài ra chư Tăng cũng thường xuyên khuyến tấn mọi người thực hiện các việc này, tránh để thờ quá nhiều.
Một người dân đang thắp hương cho người đã mất tại nơi thờ tro cốt của chùa |
Thượng tọa Thích Huệ Công cũng chia sẻ thêm, trước đây, cộng đồng người dân sinh sống trong chung cư hầu hết là người Hoa nên họ cũng hiểu được đặc thù của ngôi chùa này. Thời gian sau, nhiều người mới chuyển đến nên chưa quen, chư Tăng vừa giải thích để cho họ hiểu, vừa thay đổi cách thức sinh hoạt của mình để phù hợp với mọi người nhưng vẫn cố gắng giữ lại những nét văn hóa riêng của mình.