Chư tôn đức niêm hương tưởng niệm |
Chứng minh, tham dự, có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Thành viên Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Huệ Khai, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, cùng chư vị Ni trưởng, Ni sư Phân ban Ni giới T.Ư, TP.HCM tham dự.
Trước lễ tưởng niệm, chư tôn đức trong tông phong đã quang lâm đại hùng bảo điện trì tụng kinh chú, cúng ngọ và cung tiến Giác linh.
Ni trưởng Thích nữ Như Thủy cung tuyên tiểu sử, dâng lời tưởng niệm |
Trước Giác linh đài tôn trí di ảnh của cố Ni trưởng, chư tôn đức giáo phẩm Tăng, Ni đã thắp hương tưởng niệm công đức của cố Ni trưởng Thích nữ Như Thanh đã có nhiều đóng góp cho đạo pháp, dân tộc.
Tại lễ tưởng niệm, đại diện môn đồ đệ tử, Ni trưởng Thích nữ Như Thủy dâng lời tác bạch và cung tuyên tiểu sử của Ni trưởng Thích nữ Như Thanh.
Thành kính tưởng niệm |
Theo đó, Ni trưởng Thích nữ Như Thanh (Đàm Thanh), húy thượng Hồng hạ Ẩn, tự Diệu Tánh, thế danh Nguyễn Thị Thao, sinh năm 1911 (Tân Hợi), tại làng Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức (nay là TP.Thủ Đức).
Năm 1932, Ni trưởng xin xuất gia làm đệ tử sư tổ Pháp Ấn chùa Phước Tường (TP.Thủ Đức), thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ, đời thứ 40. Năm 1939, Ni trưởng thọ Đại giới tại chùa Phúc Loại, tỉnh Hà Đông, được ban pháp hiệu Đàm Thanh.
Ni trưởng cùng các Ni trưởng Diệu Tịnh, Diệu Tấn, Diệu Thuận xây dựng chùa Ni, lấy hiệu Từ Hóa tại làng Tân Sơn Nhì, Bà Quẹo, tỉnh Gia Định (Sài Gòn), nay là Hải Ấn tự. Đây là ngôi chùa Ni đầu tiên do chư Ni kiến lập.
Cung tiến Giác linh |
Giáo hội Tăng-già Nam Việt thành lập, Ni trưởng bày tỏ ý nguyện thống nhất Ni bộ và được chư tôn đức trong Giáo hội ủng hộ. Ni trưởng đứng ra lãnh trách nhiệm đi đến khắp các chùa Ni trải dài trên hai miền Nam, Trung để kêu gọi chư Ni hợp nhất thành một đoàn thể - mở đầu cho thời kỳ thống nhất Ni bộ.
Ngày 6 và 7-10-1956, tất cả chư Ni tựu về chùa Huê Lâm và đã thành lập Ban lãnh đạo Ni bộ lâm thời. Trong kỳ đại hội này, Ni trưởng đã được đề cử Trưởng ban Quản trị Ni bộ Nam Việt, lãnh đạo Ni chúng.
Sau khi Giáo hội Tăng-già Nam Việt giao chùa Dược Sư cho Ni bộ Nam Việt quản lý. Ni trưởng và toàn thể Ban Quản trị Ni bộ vâng lời chư Tăng đứng ra lãnh trách nhiệm quản lý chùa Dược Sư, trụ sở Ni bộ cũng được dời về đây.
Năm 1957, Ni trưởng cùng chư Ni trong Ban Quản trị Ni bộ kêu gọi thành lập chùa Từ Nghiêm để làm trụ sở của Ni bộ. Năm 1962, ngôi chùa hoàn thành khang trang, sau lễ khánh thành, Ban Quản trị Ni bộ đã mở Phật học viện tại chùa Từ Nghiêm để đào tạo Ni tài.
Năm 1972, Giáo hội chính thức giao chức Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông cho Ni trưởng Thích nữ Như Thanh.
Lễ tưởng niệm húy nhật lần thứ 25 của cố Ni trưởng Thích nữ Như Thanh diễn ra trang nghiêm |
Ni trưởng là vị Ni thành lập Ban lãnh đạo Ni bộ lâm thời. Trong kỳ đại hội này, với tư cách là vị đứng đầu Ban Quản trị Ni Bộ Nam Việt. Trong suốt quá trình tu tập và hành đạo, Ni trưởng có nhiều đóng góp to lớn cho đạo pháp và dân tộc.
Sinh thời, Ni trưởng đã mở nhiều trường dạy Phật học, giới luật, giáo lý, giáo dục, văn hóa cho chư Ni, Phật tử; mở ký nhi viện, cơ sở từ thiện nhân đạo phụng sự xã hội; trùng tu, xây dựng nhiều ngôi tự viện trong Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh: chùa Hải Ấn, chùa Hội Sơn, Huê Lâm I, Từ Nghiêm, Phổ Đà, Hải Vân, Quy Sơn, Huê Lâm II, Quan Âm Phật đài, Quan Âm bảo điện, Pháp Hoa tịnh viện... Ni trưởng cũng đảm nhiệm trụ trì chùa Huê Lâm, Hội Sơn.
Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh Ban đạo từ |
Ni trưởng đã để lại nhiều trước tác, dịch thuật các tác phẩm có giá trị, là vị giảng sư Ni nổi tiếng ở miền Nam.
Ni trưởng viên tịch ngày 13-3-1999 (nhằm 26-1-Kỷ Mão); trụ thế 89 năm, 67 hạ lạp.
Đạo từ, Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh ôn lại công hạnh của cố Ni trưởng, tán thán công đức trùng hưng, kiến tạo các chốn Tổ, tự viện của Ni trưởng, làm nơi tu học cho các thế hệ Ni giới ngày nay.