GN - Núi Bà Đen là một ngọn núi nổi tiếng của miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng. Nơi đây có nhiều quần thể chùa chiền hang động phục vụ cho đời sống văn hóa tâm linh của nhiều người. Đối tượng thờ cúng ở đây ngoài các vị thần Phật thì Linh Sơn Thánh Mẫu, hay còn gọi là Bà Đen, được xem là đối tượng chính. Nhưng về gốc tích của Bà cũng như tên địa danh Bà Đen này vẫn còn là một huyền tích gây nhiều tranh cãi.
Chùa Bà Đen (Linh Sơn Tiên Thạch tự) - Ảnh: vntrip.vn
Có thể nói, cho đến nay, trong dân gian đang tồn tại 5 truyền thuyết khác nhau giải thích nguồn gốc của địa danh này. Xin tóm tắt như sau: 1- Nàng Đênh quyết chí đi tu ở núi, vì cha mẹ ép duyên nên nàng trốn biệt tích, tên núi Bà Đênh nói chệch thành Bà Đen. 2- Nàng Lý Thị Thiên Hương, quê Trảng Bàng, yêu và định lấy một chàng trai tên Lê Sĩ Triệt, nhưng bị tên công tử bắt cóc, nàng tuẫn tiết, sau vua phong cho nàng là Linh Sơn Thánh Mẫu. 3- Nàng Rê Đeng cùng chàng trai đắp núi thi; cuối cùng nàng thắng, tên nàng trở thành tên núi. 4- Nữ Oa và Tứ Tượng thi đắp núi, nếu Tứ Tượng thắng thì thành vợ chồng, cuối cùng nàng thắng, núi nàng đắp trở thành núi Bà Đen. 5- Có một nữ thần của người Khmer, gọi là Mẹ Đen - Néang Khmâu - mà hòn núi là bàn chân của Bà nên trước đây thường gọi là Phnom Chơn Bà Đen.
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có chép: “Núi này đất đá lởm chởm cao, cây cối xanh tốt, có suối nước ngọt, đất đai màu mỡ, trên có chùa Vân Sơn, dưới có chằm hồ, cảnh trí thực là u nhã, rừng rú, hang hố sâu thẳm, có thôn xóm của người Thổ (Miên) và người Việt ở la liệt…”. Sách Đại Nam liệt truyện, mục nói về Nguyễn Cư Trinh cho biết, vào năm 1755, ông đưa 5.000 người dân Côn Man (Chăm) về đóng dưới chân núi Bà Đinh Sơn. Trong Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển cũng chép: “Bà Đinh Sơn tên Hán núi Bà Đinh, chữ ‘đinh’ viết đúng chữ ‘đen’. Đúng ra là núi Bà Đen, ở Tây Ninh, Cơ Me gọi Pnom Yeay Khmau (khmau là đen). Vì bà có công nên vua Gia Long phong Linh Sơn Thánh Mẫu”.
Trong Từ điển địa danh văn hóa Việt Nam, Nguyễn Như Ý ghi: “Ngôi chùa ở núi Bà Đen có tên chữ là Tiên Thạch tự, nằm ở lưng chừng núi, chùa cách thị xã Tây Ninh khoảng 12km. Chùa gồm Tiên Thạch tự và chùa Hang đều lấy Bà Đen làm trung tâm Phật điện. Ngày nay chùa có thêm nhiều tượng Phật, tượng Quan Âm Bồ-tát và tượng các thần tướng. Tượng Bà đặt ở cả hai chùa, to gần bằng người thực, theo hình dáng tượng mẫu, màu ngăm đen. Giữa một bàn thờ ở chùa Hang còn thấy một trụ đá đặt trên một dĩa đá (cao xấp xỉ 50cm) gần gũi với bộ Linga - Yoni theo tín ngưỡng thờ Âm - Dương, thờ đá, thờ phồn thực cổ đại… Truyền thuyết kể rằng có một người con gái tên là Đênh (sau gọi chệch là Đen) sùng đạo Phật, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do bị ép duyên, nàng Đênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo, rồi chết ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng nàng Đênh bằng đồng đen và sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh Mẫu”. Các câu chuyện kể dân gian và các nguồn tư liệu trên cho ta thấy địa danh Bà Đen bắt nguồn từ ba nguồn gốc khác nhau là: Việt - Khmer - Chăm, người phụ nữ có màu da ngăm đen, đắc vị thành thần linh hiển và được sắc phong. Vậy đâu là nguồn gốc chính của huyền tích này? Có thể nhìn lại một chút từ văn hóa bản địa.
Trong văn hóa Khmer, có nhiều câu chuyện mang mô-típ trai gái thi nhau đắp núi, phe nào đắp cao hơn thì giành phần thắng, buộc bên kia phải đi cưới. Và đa phần là bên gái thắng do siêng năng chăm chỉ, bên trai thua do ham chơi, ỷ lại sức khỏe. Trong huyền tích này thì phe nữ đắp núi Bà Đen còn phe nam đắp núi Cậu. Bên phe nam thua nên xua voi, heo, gà đến phá núi và kết quả là đều bị nàng Mê Đênh hóa phép biến thành những ngọn đồi núi thấp xung quanh núi Bà. Và hiển nhiên ngọn núi của phe thắng cuộc sẽ được mang tên của người chỉ huy - Phnom Mê Đênh (núi nàng Đênh). Về sau đọc trệch từ Đênh ra Đinh rồi thành Đen. Nhưng dân gian hay kiêng cữ nên gọi là Bà Thâm, tránh dùng tên tộc của thần! Bên cạnh truyền thuyết, người Khmer cũng có tập tục tín ngưỡng thờ Á rặc. Á rặc là một vị nữ thần được xem như bà tổ của một dòng họ, được định danh theo tên gọi sắc màu như Á rặc cà hom (Á rặc đỏ), Á rặc khiêu (Á rặc xanh) và Á rặc khmau (Á rặc đen)… Trong đó Á rặc đen là được thờ phổ biến nhất. Từ Á rặc khmau được thay thế bằng “Dây Khmau” và tiếng Việt là Bà Đen là chuyện hoàn toàn có thể không có gì bàn cãi.
Bên cạnh Khmer, người Chăm cũng đã định cư ở vùng núi này khá lâu đời. Tác động của tín ngưỡng Chăm vào địa danh Bà Đen là chuyện hoàn toàn có thực trong quá trình giao lưu văn hóa. Bằng chứng là hai cái tên Núi Bà (Tây Ninh) và Núi Cậu (Dầu Tiếng). Trong văn hóa tín ngưỡng dân gian Chăm, Bà - Cậu có gốc từ việc thờ Mẹ Xứ Sở - Po Inư Nagar. Mà việc thờ Mẹ Xứ Sở chính là thờ Thiên Y Ana. Bà kết hôn với thái tử Bắc Hải (Trung Hoa) sinh ra Cậu Tài và Cậu Quý, được thờ rất phổ biến ở Nam Bộ. Một chứng tích là trên Điện Bà còn thờ bộ Sinh thực khí và ngôi Miếu Cậu, mà người Chăm gọi là Muk Juk được hiểu là Bà Đen. Vậy có thể nói, trong tâm thức văn hóa tín ngưỡng Chăm ở đây là có sự đồng nhất giữa Po Inư Nagar với Bà Đen (Muk Juk). Và đó chính là thần Mẹ Xứ Sở.
Trở lại Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức ghi ngôi chùa trên núi là Vân Sơn, nhưng sách Đại Nam nhất thống chí lại ghi là Linh Sơn. Về mặt chữ ta có thể thấy chữ “vân” [雲] và chữ “linh” [靈] khá giống nhau nên sách chép nhầm “Linh Sơn” thành “Vân Sơn” là chuyện hoàn toàn có thể. Nếu hai chữ “Vân Sơn” thiên về Tiên đạo thì “Linh Sơn” chánh cống của Phật đạo. Mà hầu hết các công trình thờ cúng trên núi Bà Đen thì đều thờ Phật và Bà Đen chứ không thờ các vị tiên trong Đạo giáo. Và hai chữ Linh Sơn trong Từ điển Phật học tinh tuyển của Thích Nguyên Tâm cho biết là tiếng gọi tắt của Linh Thứu sơn, Phạn ngữ là Gṛdhrakūṭa, phiên âm Hán là Kỳ-xà-quật sơn, tên ngọn núi nằm ở phía Đông Bắc thành Vương Xá nước Ma-kiệt-đà, đây là một trong những thánh địa của Phật giáo, Đức Phật nhiều lần thuyết pháp ở đây. Theo đó, ở những xứ khác theo Phật giáo như Việt Nam, Trung Hoa thường đặt tên các ngôi chùa trên núi là Linh Sơn tự…. Theo việc truyền thừa của Phật giáo núi Bà thì Linh Sơn do Hòa thượng Thiện Hiếu thuộc phái Lâm Tế đời thứ 36 khai sơn. Sau ngài về tu tại chùa Hưng Long ở Bưng Đĩa, huyện Thủ Dầu Một. Theo tư liệu cho biết, Hòa thượng Thiện Hiếu nhập tịch ngày 20 tháng 12 năm 1860, như vậy có thể khẳng định Bà Đen được Phật giáo hóa vào khoảng thế kỷ XIX. Và trước đó nơi đây chỉ có tục thờ Mẫu, thờ nữ thần bảo hộ - Á rặc của người Khmer và sau đó là thờ Mẹ Xứ Sở của người Chăm mà thôi.
Một điều khá quan trọng khác mà ta thường thấy là Phật giáo du nhập vào Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa bản địa. Nó không còn tính bay bổng của xứ Ấn Độ và cũng không thần bí như ở xứ Trung Hoa, Phật giáo Việt kết hợp hài hòa với tục thờ Mẫu trong nền văn minh lúa nước của người Việt từ xa xưa. Vì vậy cho nên trong các ngôi chùa Việt đều có tượng thờ Mẫu. Trong khi đó, người Khmer và người Chăm cũng có tục thờ nữ thần bảo hộ. Chính điều này đã kết hợp khá hài hòa trong văn hóa tín ngưỡng của quá trình giao lưu cộng cư.
Trở lại các huyền tích dân gian trên, ta thấy chuyện Nàng Đênh mộ đạo đi tu hay nàng Lý Thị Thiên Hương mộ đạo lên núi, giữ tiết hạnh… sau thành Phật đều mang dấu ấn tâm thức Việt. Dân gian dựa vào các mô-típ phổ biến rồi xây dựng thành huyền tích chứ không có cơ sở chắc chắn. Vì nếu nàng Đênh người Khmer thì nàng phải theo Phật giáo Tiểu thừa của Khmer chứ không thể theo hướng khác. Còn chuyện Lý Thị Thiên Hương thì mang dấu ấn của Nho giáo hơn là Phật giáo. Chuyện trai gái thi đắp núi, chuyện Nữ Oa.. thì đơn giản chỉ là chuyện kể dân gian không thể thành thần tích được… Chỉ có thần tích về một nữ thần của người Khmer, gọi là Mẹ Đen - Néang Khmâu - mà hòn núi là bàn chân của bà nên trước đây thường gọi là Phnom Chơn Bà Đen là hoàn toàn phù hợp hơn cả. Có thể nói, đây mới chính là cái gốc để từ đó phát triển ra các vấn đề liên quan khác mà trong quá trình giao lưu tín ngưỡng, cộng cư với Khmer - Chăm mà người Việt đã sáng tạo ra.
Tượng ngọc Linh Sơn Thánh Mẫu - Bà Đen (Tây Ninh)
Qua các phần đã trình bày trên, có thể nói nội dung tín lý của tập tục thờ Bà Đen của người dân Tây Ninh là một tiến trình lâu dài, có sự tích hợp, biến đổi mang tính lịch sử từ nữ thần của Khmer đến nữ thần Chăm và đến Linh Sơn Thánh Mẫu của người Việt. Từ tập tục thờ nữ thần dân gian mang tính bảo hộ, phồn thực đến Phật giáo hóa. Và người dân đã đưa tư tưởng Nho giáo vào Phật giáo để phù hợp với ý thức, tâm thức Việt… Chính vì vậy, khách hành hương đến núi Bà Đen thưởng lãm danh lam thắng cảnh cần phải hiểu một cách đúng đắn về đối tượng thờ cúng tín ngưỡng và cần xác định đó là văn hóa tâm linh, phong tục mang tính bản sắc của người dân bản địa. Có như vậy mới tránh được những trò thần quyền mê tín do cách hiểu sai, hiểu mơ hồ mà ra.