Chư Tổ khai truyền đạo mạch...

GN - Nhắc về quá trình hình thành và phát triển Phật giáo tỉnh Ninh Thuận, chư tôn đức Tăng Ni thuộc Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khẳng định rằng: những gì còn lại cho thấy đạo mạch Phật giáo Ninh Thuận được khai truyền từ khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII…

Khai truyền đạo mạch…

Trao đổi với PV Giác Ngộ, Ni trưởng Thích nữ Mỹ Đức (Trưởng ban Văn hóa THPG Ninh Thuận) cho biết: “Theo những nghiên cứu của các học giả văn hóa về Phật giáo Ninh Thuận, mà cụ thể là tác giả Thông Thanh Khánh với tác phẩm Chùa Ninh Thuận - NXB TP.HCM thì vào những năm cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII đã đón nhận bước chân hoằng hóa của Tổ dòng Lâm Tế đời thứ 37, húy Liễu Minh, hiệu Đức Tạng. Ngài là tổ trụ trì đầu tiên của chùa Thiền Lâm (thôn Đắc Nhơn, Ninh Sơn) cũng vừa là tiền hiền khẩn hoang, di dân lập ấp vùng Đồng Mé, Ma Vương, Đắc Nhơn…”.

Ảnh chùa Sùng Ân, VP BTS THPG Ninh Thuận.jpg

Chùa Sùng Ân - Văn phòng BTS THPG tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: P.Châu

Trong hiểu biết và nghiên cứu của nhà giáo Võ Tấn Khanh, giáo thọ Trường Trung cấp Phật học tỉnh Ninh Thuận, ông cũng khẳng định rằng Phật giáo truyền vào Ninh Thuận trong khoảng thời gian như trên do chiến lược của chúa Nguyễn đưa dân vùng phía Bắc, Ngũ Quảng vào khẩn hoang nhằm bình ổn, kiến thiết vùng đất Pânduranga. 

Theo đó, tác giả Nguyễn Đình Tư trong tác phẩm Non nước Ninh Thuận cũng đề cập: Tổ Liễu Minh - Đức Tạng từ miền Thuận Hóa vân du vào Nam và lập thảo am tu hành, hóa độ chúng sanh với ngôi chùa khai sơn đầu tiên là Thiền Lâm (cùng dòng với ngài Liễu Quán, khai sơn chùa Thuyền Tôn ở Huế). Một năm sau khi khai sơn chùa Thiền Lâm, Tổ Liễu Minh - Đức Tạng còn khai sơn chùa Phước Long (thôn Lương Can, Nhơn Sơn, Ninh Sơn), đóng góp to lớn vào công cuộc hoằng dương Chánh pháp tại Ninh Thuận, là sơ tổ đầu tiên xây dựng nên nền móng Phật giáo Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, bên kia sông Dinh thuộc địa phận thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận, Ninh Phước có Tổ An Bình từ Phú Yên tìm đến hành đạo tại Ninh Thuận. Tại đây, Tổ nhận thấy địa thế khả quan, tương lai Chánh pháp có thể hoằng truyền nên Ngài quyết định lập thảo am để tu tập, hành đạo. Dần dần, người dân biết tới đã tìm đến đây quy y Ngài, tiếng lành đồn khắp vùng Ninh Phước và Phan Rang. 

Từ một thảo am nhỏ đến việc hình thành nên ngôi cổ tự An Lạc là cả một quá trình truyền bá Chánh pháp, được sự ủng hộ của tín thí Phật tử. Sau đó, sự nghiệp của Tổ được truyền lại cho ngài Thanh Lễ, đệ tử của Tổ An Bình, ngôi chùa An Lạc từ đó được tiến hành trùng tu, giáo pháp được tiếp tục xiển dương cho đến khi ngài Thanh Lễ viên tịch, đạo mạch lại được truyền cho hàng đệ tử kế thế…

Tuyên lưu và phát triển

Theo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2007-2012, THPG Ninh Thuận hiện quản lý 125 cơ sở thờ tự, trong đó có 107 ngôi tự viện, 8 tịnh xá, 3 tịnh thất và 7 niệm Phật đường. Tăng Ni có 340 vị, trong đó có 80 Tỳ-kheo, 120 Tỳ-kheo-ni, 40 Thức-xoa, 40 Sa-di và 75 Sa-di-ni. 

Trải qua hàng trăm năm, sự nghiệp hoằng truyền Phật pháp tại vùng Thuận Hải (gồm tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận) luôn được kế thừa và phát triển không ngừng. 

Riêng, Phật giáo Ninh Thuận ngày nay được tiếp nối trên tinh thần và những thành tựu của thế hệ đi trước. Nhất là kể từ khi tách tỉnh Thuận Hải (năm 1992) thì Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Thuận được thành lập và tiến hành đại hội. Lúc bấy giờ, theo TT.Thích Hạnh Thể (Phó ban Trị sự THPG tỉnh Ninh Thuận) thì HT.Thích Minh Tâm được đại hội suy cử làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng chỉ sau đó một năm, năm 1993 thì HT.Thích Minh Tâm viên tịch và TT.Thích Đồng Tâm được đề cử đảm nhiệm Trưởng ban Trị sự THPG tỉnh Ninh Thuận. 

Đến nay, sau bốn nhiệm kỳ (từ 1992 đến 2012) TT.Thích Đồng Tâm (nay là HT.Thích Đồng Tâm, Trưởng ban Trị sự nhiệm kỳ 2007-2012) dù bệnh duyên, ở tuổi 78, nhưng dưới sự dẫn dắt của ngài, Phật giáo Ninh Thuận đã có những thành tựu đáng kể.

Ảnh Trường TCPH Ninh Thuận.jpg

Cơ sở Trường TCPH tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: P.Châu

ĐĐ.Thích Hạnh Huệ, thành viên tổ chức Đại hội thay mặt chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo tỉnh Ninh Thuận đã trình bày nhiều thành tựu nổi bật của Phật giáo tỉnh Ninh Thuận trong nhiệm kỳ 2007-2012 như: tổ chức những ngày lễ lớn của Phật giáo cũng như của dân tộc, được đón nhận Huân chương Đại đoàn kết dân tộc do Chủ tịch nước trao tặng và Bằng khen của Thủ tướng…

Trong công tác hoằng pháp được đánh giá là khá tốt và là trọng tâm của hoạt động Phật sự tại Ninh Thuận. Cụ thể, chư tôn đức đã khéo léo vận dụng các ngày lễ lớn, tổ chức thuyết giảng lời Phật dạy một cách thường xuyên. Đặc biệt là đã sáng tạo tổ chức khóa tu “Một ngày pháp lạc” thu hút hàng chục ngàn Phật tử tham gia trong suốt 33 kỳ qua. 

TT.Thích Hạnh Thể chia sẻ: “Đây là thành công của ngành hoằng pháp tỉnh Ninh Thuận và cũng là thành công chung của Phật giáo Ninh Thuận, bởi không chỉ chương trình thu hút đông Phật tử tham gia mà từ khóa tu này nhiều người chưa là Phật tử cũng có cơ hội tiếp xúc đạo Phật”. Trao đổi với PV, TT.Thích Hạnh Thể còn cho biết việc kiểm duyệt các băng đĩa giảng lưu hành đến Phật tử cũng được đích thân Thượng tọa làm một cách kỹ càng, do vậy cơ bản đã tránh được chuyện đĩa giảng thiếu tính định hướng hoặc chưa sát với lời Phật dạy, sai về lịch sử truyền bá tùy tiện đến Phật tử”.

Trong lĩnh vực giáo dục Tăng Ni cũng được chú trọng, với cơ sở đào tạo là Trường Trung cấp Phật học tỉnh Ninh Thuận, hiện đang có Tăng Ni sinh theo học khóa thứ V. Với đặc thù của tỉnh, số lượng Tăng Ni địa phương khá ít nên lớp học duy trì được là một cố gắng lớn của chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự. Được biết 4 năm nhà trường mới mở một khóa đào tạo với số lượng chừng 50 Tăng Ni sinh. Sau khi tốt nghiệp trung cấp thì quý Tăng Ni có nhu cầu đi học đều được Ban Trị sự khuyến khích tham gia các lớp cao đẳng Phật học, Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế, TP.HCM…

Một hoạt động khác cũng khá tốt và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận của Phật giáo Ninh Thuận chính là ngành văn hóa, từ thiện xã hội. Ngoài những chương trình lễ thường niên hoặc theo mùa thì ngành văn hóa do Ni trưởng TN.Mỹ Đức làm Trưởng ban cũng đã thành lập được một thư viện Phật giáo với trên 2.000 đầu sách, chư tôn đức Tăng Ni lãnh đạo Giáo hội cũng như Phật tử rất hoan hỷ. 

Ngoài ra, Ni trưởng Trưởng ban Văn hóa còn tổ chức thực hiện tờ nội san Hoa Từ dành cho Tăng Ni, Phật tử, đến nay đã ấn hành được 9 số. Theo đánh giá của chư tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự thì tờ Hoa Từ là món ăn tinh thần cho Tăng Ni, Phật tử, góp phần làm cho giáo lý được truyền đi sâu rộng… 

Còn ngành từ thiện xã hội cũng có những đóng góp đáng kể, tạo được ảnh hưởng trong dư luận, từ đó làm cho quần chúng biết đến đạo Phật, hướng về quy y Tam bảo, thực tập đời sống hướng thượng. Trong đó, đặc biệt là việc mở trường học (từ mẫu giáo đến hết tiểu học, đào tạo miễn phí hoặc thu phí với giá thấp để vừa hoằng pháp, vừa làm từ thiện). Bên cạnh đó, các cơ sở khám bệnh, bốc thuốc miễn phí cũng phát triển song song với hoạt động cứu trợ, tặng quà, giúp đồng bào dân tộc, đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa…

>> TT.Thích Hạnh Thể: "Phật giáo Ninh Thuận đi lên từ trong nghèo khó..."

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.