Chữ “ngờ”

Chữ “ngờ”

GN - Thương mẹ con thề làm việc phải/ Kính cha con nguyện nói lời hay...

Hôm ấy Chủ nhật, Trang Phúc đến chùa thăm sư cô cùng với hai người bạn ở chung phòng. Cô đã ra trường và đi làm gần ba năm nay, nơi làm việc cũng không xa ngôi chùa này. Những khi rảnh rỗi Trang Phúc thường xuyên lui tới chùa thăm viếng sư cô, mỗi lần trò chuyện sư cô đều nêu ra một đề tài thú vị.

- Sống trên đời cái gì dễ nhất và cái gì khó nhất? Tìm một từ cho cái dễ nhất và một từ cho cái khó nhất. Từ đó phải là động từ. Ai nói đúng thì sẽ có thưởng.       

Với Trang Phúc, sư cô là ân nhân, đã cưu mang cho cô tá túc 5 năm học đại học. Nếu không có duyên lành này thì chưa chắc cô được như ngày hôm nay. Trang Phúc đã không phụ lòng, nỗ lực học tập, tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại làm giảng viên của một trường đại học khá nổi tiếng của thành phố hoa lệ bậc nhất này.

- Dạ, bạch sư cô khó quá, chúng con nghĩ không ra, hi hi…

Vẫn coi Trang Phúc như cô bé sinh viên ngày nào, với nụ cười trên môi, sư cô chậm rãi giảng giải:

- Cái dễ nhất có thể nói là “yêu” vì ai cũng yêu được. Còn khó nhất là “ngờ” vì có ai học được chữ ngờ.

Trang Phúc lắng nghe chăm chú từng lời sư cô như một đứa học trò ngoan, càng suy ngẫm càng thấm thía. Phải rồi, yêu rất là dễ, mẹ đã dạy yêu miễn phí từ khi còn là thai nhi cơ mà! Nhưng mà yêu đương thì coi chừng bị cuốn theo dòng sông yêu: “Ái hà thiên xích lãng/ Khổ hải vạn trùng ba” (Sông yêu dài muôn dặm/Biển khổ sóng vạn tầm). Sư cô như nhắc Trang Phúc, một cô gái chập chững bước vào đời, giữa chốn đô thành hoa lệ, nhịp sống xô bồ nghiêng về phía hưởng thụ, sống gấp; suýt nữa cô đã bị cuốn theo cạm bẫy của cái dòng sông yêu nghiệt ngã ấy.

Hiện Trang Phúc đã vững vàng hơn với hành trang cuộc sống là tri thức cùng bốn chữ từ-bi-hỷ-xả. Cô hiểu thế nào là ban vui, cứu khổ; thế nào là hoan hỷ, xả buông. Đó là tất cả ẩn ý của sư cô trong câu hỏi hóc búa hôm nay như một công án. Cuộc sống luôn luôn sát cánh một chữ ngờ. Đúng! Không ai có thể học được chữ ngờ. Nó không hẹn mà đến, không chờ mà đi. Có thể là điều như ý hoặc không như ý. Cho nên khi đã hiểu được rồi thì đâu có gì phải sợ. Ngờ là cái bất ngờ, không thể ngờ. Đó chính là cái vô thường của đạo Bụt.

Trang Phúc đã trải qua 5 năm học tập, 3 năm đi làm tại thành phố này. Cô đã có thêm nhiều bạn bè thân quen, nhưng chiều chiều vẫn ra đứng ngõ sau trông về… miền Trung quê cha đất tổ. Nhiều lúc Trang Phúc cảm thấy rất cô đơn, cô đến chùa tìm sự ấm áp, an ủi tinh thần. Mỗi lần thăm chùa về, Trang Phúc vui lắm, hai bạn chung phòng trọ cũng vui lây.

Cái chữ “ngờ” sư cô đề cập thiệt hay! Từ chữ “ngờ” lý thú đó, Trang Phúc đã tạo ra điều bất ngờ trong một dịp đáng nhớ. Tại chùa của sư cô, Vu lan năm nào Trang Phúc cũng hát một bài về mẹ. Năm nay cũng vậy không ngoại lệ, nhưng bài hát cô chọn là bài hát mới của bố, người đệm đàn cho cô cũng là bố, và đặc biệt người song ca với cô là mẹ.

Khi tiếng hát trong veo như chuông của mẹ cất lên, rồi lần lượt Trang Phúc cất tiếng hòa theo, lời bài hát Hiếu đầu tiên của bố âm vang réo rắt du dương, từng lời tha thiết chạm đến ngõ ngách sâu thẳm cảm xúc lòng người: “Này em, trời đất có bốn mùa/ Xuân là mùa đầu tiên đẹp nhất/ Này anh, người có trăm nết hạnh/ Hiếu là hạnh đầu tiên đẹp nhất… Con xin dâng lên mẹ bông hồng tươi thắm/ Con kính dâng lên cha hoa hiếu hạnh thơm lừng/ Thương mẹ con thề làm việc phải/ Kính cha con nguyện nói lời hay…”.

Trang Phúc đã có dự tính lâu rồi, sẽ đưa bố mẹ vào Nam thăm chùa, thăm sư cô để nói một lời tri ân. Hôm nay Trang Phúc đã toại nguyện, đem đến điều bất ngờ cho sư cô. Hóa ra trong đám nông dân nghèo chân lấm tay bùn ở một nơi tận miền Trung xa xôi ấy lại có những tâm hồn nghệ sĩ, tâm đạo sáng ngời. Dù làm lụng vất vả, mỗi khi đêm về họ không quên có mặt trong ngôi chùa làng kệ kinh, nguyện sống thiện lành.

Bố Trang Phúc từng mơ ước có một cây đàn Yamaha chính hiệu để đệm cho mẹ hát. Hôm nay bố đã được toại nguyện, nhận món quà Vu lan từ người con gái yêu quý. Đêm nay Trang Phúc đã chuẩn bị khá nhiều quà, quà cho sư cô, quà cho bố mẹ… Ai cũng vui, nhưng có lẽ người vui nhất là Trang Phúc vì cô đã tạo ra được chữ “ngờ”, một bất ngờ thú vị.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.