Chữ mẹ trăm năm

GN - Tôi chưa từng để tâm đến chữ của mẹ tôi như thế nào - vô tình như cách của những đứa con lớn lên rồi làm cánh chim bay - cho đến khi nhận về một lá thư mẹ viết trên tờ lịch cũ.

Anh Vu lan 2.jpg


Tác giả Tiểu Quyên và mẹ trong một lần đi du lịch - Ảnh: NVCC

Mẹ tôi chưa học hết cấp ba, chưa từng viết những lời văn hoa mỹ, chưa từng biên thư rồi lén nhét vào bịch đồ ăn cho ai. Ngày tôi nhận được những dòng chữ nghiêng ngả thời gian, tóc mẹ đã trắng mái đầu. Đó là khi mẹ nhìn thấu buồn đau trong lòng đứa con gái xa nhà mà nó đã không chọn cách về bên mẹ.

Những dòng thư của mẹ được viết bằng cây bút bi màu đỏ - loại bút mẹ vẫn hay dùng ghi sổ sách lúc còn bán hàng ở chợ năm xưa. Màu mực ấy nổi bật, để mẹ dễ nhìn. Chữ của mẹ bao năm vẫn chỉ là dãy số ghi tiền còn nợ của người này kia, là ngày tháng năm được biên cẩn thận, theo thứ tự trước sau rất rõ ràng. Ngày trước, tôi từng cầm trên tay những cuốn sổ chợ của mẹ, nói vui rằng sau này những quyển sổ chắc sẽ trở thành kỷ vật quý của mẹ, của cả nhà. Lúc ấy, tôi đã không nghĩ rằng rồi sẽ có một lúc nào đó trong đời, chữ-của-mẹ làm mình bật khóc…

Bà đã cặm cụi gò từng nét chữ, nhưng vẫn không tránh được những nét xiêu vẹo run run. Bà viết gần hết bề mặt tờ lịch treo tường, không có tính từ nào diễn tả cảm xúc nhưng từng con chữ đã là một nỗi thương không thể nói thành lời. Đọc thư của mẹ, bỗng thấy những lo lắng của mình trở nên nhẹ hẫng. Mẹ đã tính toán hết cho cả những trăn trở, nỗi niềm của con gái. Như thể mẹ đã là một “soái mẫu”, rằng con cứ sống vui sống khỏe, thế giới để mẹ lo. Không phải mẹ đã tìm được cách giải quyết thấu đáo cho mọi vấn đề tôi gặp phải trong cuộc sống thường hằng, mà là cách trấn an đầy yêu thương ấy khiến lòng tôi thấy nhẹ. Chuyện chẳng có gì.

Như đứa trẻ ngày xưa đã ngủ ngon ngủ ngoan trong lòng mẹ suốt những đêm mưa bão. Như bữa cơm nhà luôn có cá thịt ngon lành dù mẹ có phải nhịn khát tiết kiệm từ 500 tiền trà đá. Đứa con gái còi cọc ấy vẫn đến trường, vẫn có quần áo đẹp dù mẹ có đi chân trần, áo vá suốt những mùa lúa vàng lúa xanh, chân trần trên bờ ruộng trơ cỏ rạ. Đứa con gái trưởng thành, lấy chồng và đã làm chủ mọi thứ trước cuộc đời, vậy mà chỉ cần thấy nó không được vui, mẹ đã những đêm sâu trở giấc.

Mẹ tôi - như bao người đàn bà của cánh đồng quê xưa. Nghèo, lam lũ, lấy chồng sớm, đời làm dâu khổ ải, qua mùa tan tác chia ly… Những buồn đau mà tôi cho rằng quá lớn trong cuộc đời mình hoặc với bao người trẻ cùng thế hệ có lẽ cũng chẳng bằng một góc nhỏ xíu những đoạn trường của những người mẹ trên đời. Những đứa trẻ có chân trời rạng rỡ, cũng dễ thường quên mẹ. Chỉ trở về những khi lòng xơ xác tơi bời...

Anh Hai tôi vừa đăng ký tour du lịch Hàn Quốc dẫn mẹ đi, công ty du lịch cho biết người già sau 78 tuổi sẽ không đặt được tour đi nước ngoài được nữa. “Vậy mẹ còn ba năm, mà đi được chuyến Hàn Quốc đã vui lắm rồi” - mẹ nói vậy. Tôi nghe muốn khóc. Năm tháng của các con là những chân trời mới, là những cuộc gầy dựng đến bến bình yên. Còn năm tháng của mẹ là những thăng trầm vất vả, đến khi được hưởng thanh nhàn thì cuộc đời không biết còn được bao nhiêu năm nữa.

Vác ba-lô lên và… đưa mẹ đi chơi. Ngay lúc này, trong lòng tôi chỉ còn mỗi mong ước như vậy. Người trẻ còn rất nhiều cơ hội, nơi chốn để khám phá. Nhưng bầu trời của cha mẹ đã hẹp dần lại theo tuổi tác. Hãy đưa mẹ đi khám phá trời cao biển rộng nhé, chúng ta!

Tiểu Quyên

Mời bạn đọc viết "Vu lan trong tim con"

Tháng Bảy - mùa Vu lan - mùa Hiếu hạnh. Đây là dịp để mỗi người ôn nhắc công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ; ơn giáo dưỡng của thầy tổ... trong Tứ trọng ơn Phật dạy. Và đây cũng là cơ hội để những người con, học trò giãi bày với cha mẹ, thầy mình về những lỗi lầm lỡ phạm, kỷ niệm đã qua và lòng biết ơn sâu sắc.

Lời sám hối, câu xin lỗi không bao giờ muộn, giúp hòa giải và gắn kết, để mỗi người được nuôi dưỡng nguồn mạch tình thương, vun bồi cội rễ tâm linh cao đẹp.

Đức Phật dạy, hạnh Hiếu là hạnh Phật. Hiếu với người tạo nên hình hài, dưỡng nuôi tâm thức, trao truyền giá trị tốt đẹp để mình có thể thấy trời cao, đất rộng... còn là đạo lý dân tộc. Vì thế, tháng Bảy - Vu lan, nếu bạn có những xúc cảm nào cần bày tỏ, những nỗi niềm nào cần được chia sẻ..., hãy gửi cho Giác Ngộ - chúng tôi tình nguyện bắc một nhịp cầu để bạn được trải lòng một cách nhẹ nhàng, bình an.

Biết đâu, mỗi con chữ của bạn sẽ trở thành món quà ý nghĩa, thành đóa hoa tươi thắm dâng tặng đấng sinh thành, tỏ lòng biết ơn người một đời giáo dưỡng để mình nên huệ mạng?

Mọi chia sẻ và bài viết của bạn đều được chúng tôi trân trọng đọc, chọn đăng trên tuần báo Giác Ngộ và Giác Ngộ online - để cùng góp tay khơi dậy tinh thần hiếu đạo nơi mỗi người, giúp mỗi người neo đậu lòng mình trước phong ba cuộc đời...

Bài vở (nếu được, có thể gửi thêm hình ảnh nhân vật trong câu chuyện) hoan hỷ gửi về: onlinegiacngo@gmail.com (ghi rõ: gửi mục Vu lan trong tim con); nhận bài đến ngày 25-8 (rằm tháng Bảy).

Kính chúc quý bạn đọc có một mùa Vu lan an lạc, tinh tấn.

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.