“Chọn đồ thờ cúng để biết tôn kính tổ tiên, hiểu hơn về truyền thống và nếp nhà”

Giác Ngộ - Chọn đồ thờ cúng cho gia đình là việc nhỏ nhưng rất quan trọng, nó không chỉ thể hiện được giá trị của đồ vật mà còn thể hiện rất nhiều những giá trị sống, giá trị tâm linh nếu ta biết trân trọng và nâng niu phần thuộc về sự tự tôn dân tộc mình".

Đồ thờ cúng Việt bị lấn át

Người Việt có một truyền thống tốt đẹp, đó là lòng hiếu đễ, chính vì thế trong ngôi nhà luôn dành một nơi trang trọng nhất làm bàn thờ, thờ Phật, thờ ông bà tổ tiên. Trong những ngày xuân, bàn thờ trong gia đình càng trở nên quan trọng. Ông bà xưa thường nói, hãy nhìn vào chiếc bàn thờ giữa nhà để biết gia đình ấy thế nào. Có truyền thống tôn kính tổ tiên, cha ông ra sao, chiếc bàn thờ cũng "nói" nhiều về tấm lòng hiếu kính của con cháu thế nào. Vì lẽ đó, đồ thờ trên bàn thờ cũng được chọn lựa sao cho vừa với khả năng, giữ được nét tôn kính trang nghiêm vừa thể hiện tấm lòng của con cháu.

Wtc (2).JPG

Tượng, đồ thờ cúng sản xuất từ Trung Quốc hoàn toàn lấn át hàng Việt

Để chọn cho gia đình những bộ đồ cúng trên bàn thờ Phật, tổ tiên thì nhiều người cũng bỏ thời gian đi tìm kiếm những bộ đồ thờ cúng. Địa chỉ đến là các phòng phát hành kinh sách tại quận, huyện, các chùa và các trung tâm phát hành, siêu thị Phật giáo. Nhiều nhất phải kể đến các loại lư hương bằng gốm sứ, lư đồng mắt cua, các loại chuông mõ, bình cắm hoa, trang thờ, tượng Phật, Bồ tát, chân đèn, các loại bình xông hương trầm…

Đồ thờ cúng rất phong phú và đa dạng nhưng cũng thật khó để chọn sản phẩm nào đặt cho phù hợp với bàn thờ Phật, gia tiên. Vì lẽ, rất nhiều đồ thờ cúng ở các cửa hàng đều rất đẹp. Người mua rất dễ bị hớp hồn trước nhiều chủng loại, sự sắp xếp bắt mắt và trước sự đa sắc, thể hiện tài lộc "phủ phê" mà chỉ cần nhìn sơ qua cũng nhận ra là đồ thờ cúng có xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc.

Trong khi đó, nhiều đồ thờ cúng bằng đồng như lư hương, đỉnh hương, chân đèn; các loại chuông, khánh có xuất xứ từ các làng đúc nổi tiếng ở Huế và làng Ngũ Xã (Hà Nội) rất nổi tiếng phía Bắc lại bị "co lại" trên kệ của cửa hàng. Dù vậy, người tìm thỉnh nếu chịu khó cũng sẽ tìm được những thứ mình cần, nhiều người còn tinh tế nhận diện được các loại lư đồng ở phía Bắc bởi sản phẩm vừa có độ dày chắc chắn vừa có âm thanh trong trẻo mỗi khi gõ vào. Nhiều trang thờ, bàn thờ bằng gỗ mít, trắc, lim của Việt Nam cũng được người Việt mình chọn thỉnh về nhà bởi tính năng vừa chắc lại vừa đẹp. Đã có nhiều người đến thỉnh tượng Phật mang dáng dấp người Việt Nam nhưng rất khó vì chỉ còn vài tượng Bổn sư đã sờn, có nơi cũng còn không trưng bày tượng gốm Việt.

Một chủ cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM cho biết: "Cửa hàng có rất đông khách đến mua đồ thờ cúng nhưng ít người chọn mua sản phẩm có xuất xứ của Việt Nam nên chúng tôi cũng không mặn mà lắm. Nhiều sản phẩm của Trung Quốc, Đài Loan, Tây Tạng được nhiều người chọn vì đồ thờ cúng bằng gốm sứ có màu sắc phong phú, đẹp, giá lại rẻ. Các loại tượng gốm sứ Việt cũng có nhưng không được ưa chuộng nên ít ai thỉnh, nói chung khách chọn loại nào mình cung cấp loại đó thôi".

Wtc.JPG

Ngay cả chọn cho gia đình một bó nhang thơm thắp cúng cũng đắn đo vì cửa hàng giới thiệu nhiều loại nhang trầm xuất xứ từ Trung Quốc, Tây Tạng. Từ nhang thẻ, viên, vòng với các mùi hoa sen, lá bưởi, hoa lài, đàn hương, đinh hương của Trung Quốc cho đến các loại nhang thẻ, làm từ thuốc Bắc có tác dụng thư giãn, giảm stress… đã làm lép vế nhang mang "nhãn hiệu made in Vietnam". Chính vì lẽ đó, nhiều cửa hàng đã không ngại tuyển chọn nhiều đồ thờ cúng phần nhiều có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan… nó có màu sắc tươi vui bắt mắt và đặc biệt giá cả cũng mềm. Điều này thể hiện rõ sự lấn át giữa một bên sản phẩm văn hóa bản địa và văn hóa ngoại lai.

Giữ gìn giá trị Việt

Ông Nguyễn Thanh Tân, từ TP.Phan Thiết (Bình Thuận) đến một cửa hàng tại TP.HCM chọn thỉnh một pho tượng Phật Bổn sư đặc trưng Việt để tôn trí trên sân thượng nhưng đã qua bốn cửa hàng rồi mà ông chưa ưng ý. Ông tâm sự: "Nhà tôi đã có bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên rất đơn sơ nhưng ấm cúng. Tôi muốn gia đình mình giữ được những giá trị tinh thần qua việc thờ cúng nên tôi rất chú trọng đến đồ thờ trên những chiếc bàn thờ, nơi tôn trí cao nhất và trang trọng nhất. Bàn thờ nhà tôi không sang trọng, không ánh sáng màu xanh đỏ, hai chân đèn bằng đồng mắt cua xuất xứ từ miền Bắc, hai chiếc lư hương bằng đồng ở phường đúc Huế và pho tượng Bổn sư nhỏ được một người bạn tặng có xuất xứ từ gốm Bình Dương. Chỉ vậy thôi. Nhưng, tôi cốt đến đây tìm thêm một pho tượng Bổn sư và đồ cúng do người Việt mình sản xuất. Nó có nguồn gốc từ đất của quê mình, từ lửa của rơm rạ, từ giọt mồ hôi của người thợ của anh em mình. Nên, chiếc bàn thờ đó dù có đơn sơ nhưng rất ấm cúng. Nó không chỉ thể hiện giá trị của thực chất mà còn làm nên những giá trị văn hóa khác cao quý hơn đó là mỗi khi con cháu mình đến lễ lạy. Và, chọn đồ thờ cúng để biết tôn kính tổ tiên, hiểu hơn về truyền thống, về nếp nhà".

Dòng gốm sứ bình dân Triều Châu và dòng gốm sứ Giang Tây của Trung Quốc "đổ bộ" vào những phòng phát hành Phật giáo mà đặc biệt là thể hiện trên dòng sản phẩm đồ thờ cúng, trang trí đã kéo một lượng khách hàng đáng kể về phía mình. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là bề nổi và số lượng khách hàng chạy theo thị hiếu, ưa chuộng nhiều màu sắc. Trong khi đó, gốm sứ Bát Tràng dù không được bày bán nhiều ở các phòng phát hành của Phật giáo nhưng không phải là vắng mặt hẳn. Bộ đỉnh và đôi hạc đội hoa sen được chế tác bằng men rạn rất đẹp, trưng bày tại Phòng phát hành Nhật Quang (Q.10) tỏ ra không hề thua kém.

Wtc (1).JPG

Bộ đỉnh và đôi hạt đội hoa sen, gốm Bát Tràng thể hiện truyền thống Việt

Bên cạnh đó, đồ thờ cúng Việt được sản xuất từ các làng đúc nổi tiếng hàng trăm năm ở phía Bắc và các làng đúc ở Huế đã làm người tiêu dùng vô cùng tin cậy. Và, gốm sứ Việt như: Phù Lãng, Bát Tràng, Biên Hòa, Cây Mai... đã làm lừng danh xứ Việt. Trong những gia đình Việt, đồ thờ cúng bằng đồng và những sản phẩm gốm sứ Việt bao gồm các mẫu tượng Phật, Bồ tát, lư hương, đỉnh hương, đỉnh trầm, chân đèn… đã được người Việt chọn và có mặt trên bàn thờ làm nên nét duyên cho văn hóa Việt, gia đình Việt.

Anh Hồng Danh (Q.Tân Bình) cho biết: Tôi tin rằng người Việt ưa chuộng cái đẹp tinh tế, đơn giản và gần gũi. Bộ phận những người thích vẻ đẹp đa sắc hay "a dua" chạy theo những quảng cáo, chạy theo thị hiếu. Chắc chắn chiếc bàn thờ tổ tiên của họ cũng bắt đầu bị lai tạp nếu họ cứ mãi chạy theo thị hiếu dễ dãi. Chúng ta không thua trên sân nhà nếu biết tự tin và tự tôn rằng các sản phẩm của mình ít ra nó cũng được làm từ đôi bàn tay và trí óc của người dân mình. Chọn đồ thờ cúng cho gia đình là việc nhỏ nhưng rất quan trọng, nó không chỉ thể hiện được giá trị của đồ vật mà còn thể hiện rất nhiều những giá trị sống, giá trị tâm linh nếu ta biết trân trọng và nâng niu phần thuộc về sự tự tôn dân tộc mình".

Chị Phi Nga, Việt kiều Mỹ cho biết: Giữ gìn văn hóa truyền thống qua việc thờ cúng trong mỗi gia đình là một việc làm cần thiết và càng quan trọng hơn trong thời buổi mà sự du nhập các văn hóa ngoại lai. Gian thờ trong gia đình không chỉ thể hiện sự hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà mà đó còn có sự kết nối truyền thống nhiều đời thể hiện văn hóa, tâm linh của cả một gia tộc. Và vì thế, bàn thờ ngày đầu năm ấm cúng cho mọi người cảm nhận sự tròn đầy và hanh thông trong cả một năm và còn thể hiện sự hiếu đễ của con cháu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.