GNO - Phố của ngày cuối năm, những con đường vắng hơn nhiều. Những chiếc xe ôm thường ngày thành xe chở hoa.
Có là chở củi về rừng? - Ảnh: TT
Xe chở cúc, vạn thọ, chở mai, mãn đình hồng… len lỏi giữa dòng người tất bật cuối năm, thấy Tết về giữa lòng phố. Mừng cho những bác xích lô và xe ôm, Tết có thêm thu nhập, bữa cơm chắc sẽ ấm lòng hơn.
Tôi thích đi giữa phố ngày cuối năm, không để làm gì, chỉ để nhìn ngắm những chiếc xe hoa, nhìn đường Sài Gòn “chậm”, cái chậm hiếm hoi của thành phố này. Chắc chẳng có nơi nào trên đất nước Việt Nam mà người xe đông đúc như Sài Gòn, chủ yếu là người nhập cư. Thế nên, Sài Gòn vắng là Sài Gòn của những ngày Tết. Người về quê háo hức chắc không nhớ lắm Sài Gòn, nhưng Sài Gòn hẳn nhớ những con người quê khác, xứ khác ấy.
Những người quê khác chở Tết từ Sài Gòn về bằng nhiều cách. Có khi là những quà bánh, trái cây, đôi khi là hoa Tết mua từ Sài thành đem về quê, ngỡ như hành động ấy là “chở củi về rừng” nhưng nó là thứ niềm vui mang tên “Tết” mà người ta không thể cưỡng lại được.
Tết, tết, tết đến rồi... - Ảnh: Ng.Khánh - TTO
Tự dưng thấy ấm áp vô ngần khi xem tấm hình một người đàn ông cầm nhành đào mà nhìn chăm chú rồi cười tươi roi rói, mãn nguyện. Nụ cười mùa xuân, chắc cái tên này đã được nhiều người dùng để đặt cho những vô lo đời thường giữa phố, giữa rừng khi xuân về.
Tự dưng thấy những chậu cúc mâm xôi, cúc đại đóa hay hoa vạn thọ… trở thành chất liệu của Tết, của mùa xuân và gieo vào lòng mình, lòng người những cảm xúc hồn nhiên vô đối.
Mình thích vạn thọ không chỉ vì cái tên mà còn vì nó gần gụi, thân thương. Mình đã lớn lên bên những gốc vạn thọ má trồng, hồi bé bé con con từng đem hoa vạn thọ đi bán để phụ má sắm Tết. Nhớ thế nên gọi về lần nào cũng hỏi má có trồng vạn thọ không, hoa sắp nở chưa, đẹp không? Cứ nhấn nhá màu hoa ấy trong lòng mình bởi nó chưng vừa đẹp lại có một thứ hương đặc trưng thoang thoảng.
Màu hoa thương nhớ - Ảnh: Internet
Có lẽ nhiều người thích vạn thọ nên những xe hoa chở vạn thọ về cũng đầy phố. Góc Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) vạn thọ “tập kết” về từ 27, 28 Tết. Thấy thương những bó vạn thọ được gói ghém trong giấy báo kỹ càng và người người mua về chưng Tết.
Phố đông rồi lại vắng, mỗi người sẽ bằng cách riêng của mình mà chở Tết về nhà. Đó có thể là nhánh mai, cành đào, bó vạn thọ, chậu cúc… hay đơn giản chỉ là về cho có mặt đông đủ, đem con cháu về thăm ông bà để Tết không phải là tiếp nối chuỗi ngày quạnh quẽ tuổi già của người lớn tuổi cũng chính là “chở Tết về nhà” rồi!
Chúc Thiệu