Thực phẩm cho cỗ Tết.
Lá dong gói bánh chưng - mặt hàng không thể thiếu trong các phiên chợ áp Tết.
Chọn hoa quả để bày mâm ngũ quả ngày Tết.
Mua hoa, cây cảnh trang trí nhà cửa.
Trẻ em vẫn thích thú với đồ chơi tò he nhiều màu sắc.
Thưởng thức chút quà quê.
Một góc chợ Sai Nga (Phú Thọ).
Mua bán các mặt hàng truyền thống dùng trong ngày Tết.
Thường cứ sau cái lễ đầu tiên cúng ông Công, ông Táo về trời (ngày 23 tháng chạp), thì đi khắp chốn cùng quê, đâu cũng có thể cảm nhận rất rõ không khí tưng bừng, náo nức của Tết qua các chợ quê lớn nhỏ. Các gian hàng trong chợ đều bày la liệt đủ thứ: nào tranh ảnh, câu đối, nào quần áo mới, bánh kẹo, trái cây cùng rực rỡ sắc màu của các loại hoa. Người ta còn bày bán cả những thứ thường ngày không thấy bán, đó là những cành đào, cành mai, cây quất trĩu quả, là những tấm phong bao lì xì, lá dong gói bánh chưng… Đối với mỗi người Việt, Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm, kết thúc một năm cũ đã qua và đón một năm mới đến nên việc đón Tết hết sức cẩn trọng và ai cũng mong có một cái Tết đủ đầy.
Người Việt chuẩn bị Tết từ sớm, nhưng các phiên chợ từ 27 đến 30 Tết là các phiên chợ đông vui, náo nhiệt nhất. Những hôm trước đó, người tachủ yếu tập trung vào việc sắm Tết, riêng những phiên chợ cuối cùng của năm thì mọi người, từ già trẻ, trai gái đến chợ chủ yếu là chơi vui. Mặc cho trời lạnh, mưa phùn gió bấc, mọi người vẫn đổ xô đi chợ Tết. Bởi chợ quê ngày Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi, để xem thiên hạ mua bán, để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương. Người lớn thì đi mua sắm, trẻ em thì diện quần áo mới đi chợ, trai gái đến chợ chơi như một cách du xuân… Chợ quê không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là nơi trao đổi những nụ cười, những lời chào, lời chúc thân ái bước vào một năm mới đầy hạnh phúc và may mắn. Chợ quê ngày Tết của hôm nay cũng vẫn như chợ Tết xưa, cũng đông vui và đầy ắp mọi thứ, thậm chí các mặt hàng bày bán còn đa dạng và phong phú hơn cả về số lượng lẫn chất lượng.