GNO - Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê ngoại thành, chính vì thế mà ký ức tuổi thơ tôi luôn đầy ắp biết bao những kỷ niệm, những hình ảnh thân thuộc, mộc mạc và bình dị của dòng sông, con đê, khói bếp lam chiều, cánh đồng lúa, luỹ tre làng và cánh cò thơ mộng…
Với tôi, cũng như bao đứa trẻ quê thì kỷ niệm về những buổi được theo bà theo mẹ đi chợ, nhất là trong phiên chợ Tết ngày cuối năm là niềm vui sướng tột cùng với ký ức đẹp khó lòng mờ phai.
Chợ quê ngày giáp Tết - Ảnh minh họa
Nếu như ở thành phố, sẽ chẳng nói làm gì, bởi lẽ ở đâu cũng có chợ và chợ họp thường nhật mỗi ngày, vì thế mà chuyện mua sắm quá đơn giản, thuận tiện. Ở quê tôi và những vùng quê khác đều quy định họp theo phiên, nghĩa là chợ sẽ được họp vào những ngày nhất định nào đấy trong tuần, trong tháng. Nhiều nơi, do nhu cầu mua sắm và trao đổi hàng hoá lớn nên phiên chợ nọ chỉ cách phiên chợ kia vài, ba ngày. Có chỗ, chợ phiên cách nhau cứ 5-10 ngày mới họp một lần.
Tuy nhiên, có một ngày duy nhất trong năm mà các chợ phiên đều… “phá lệ”, vì dẫu không phải là ngày phiên song vẫn họp đều đặn vào ngày 30 Tết cuối năm. Sở dĩ như vậy vì ngày cuối cùng trong năm này nhà ai cũng cần mua, bán trao đổi rất nhiều loại sản phẩm hàng hoá phục vụ cho tiêu dùng mấy ngày đầu năm mới. Vì lẽ đó nên chợ quê ngày 30 Tết bao giờ cũng là phiên chợ đông đúc nhất, nhiều hàng hoá nhất và vui nhất…
Ngày ấy, niềm vui của trẻ con chúng tôi là được bà, mẹ hay anh, chị hứa cho đi chợ Tết. Thường thì lời hứa được nói ra từ mấy hôm trước đấy nên niềm vui trong tôi luôn trào dâng, mong mỏi để cho ngày 30 Tết đến thật nhanh. Đêm trước hôm đi chợ Tết, thường là tôi không ngủ được vì vui sướng và hồi hộp. Mới tờ mờ sáng, khi sương còn nặng hạt, cái lạnh còn tái tê, mọi người đã trở giấc và gọi nhau í ới, râm ran cả đường làng. Nhà ai cũng có người đi chợ và đều cho trẻ con đi theo vì vậy không khí vui vẻ, nhộn nhịp chẳng khác gì đi trẩy hội.
Chợ cách nhà khoảng gần chục cây số là khá xa nên ai cũng phải đi thật sớm để mua sắm cho kịp. Chỉ có ít người có chiếc xe đạp cà tàng làm phương tiện đi lại, chứ đại đa số người dân đều… cuốc bộ tới chợ. Chợ họp trên khoảng diện tích rộng tới mấy mẫu ruộng vậy mà chật kín không còn lấy một chỗ trống. Chợ đông như nêm cối khi người nọ kề vai, chen chân người kia để di chuyển.
Năm nào chợ cũng đông như vậy, vì ngoài nhu cầu mua sắm ra thì một số người vẫn còn có thói quen đi chợ để ngắm không khí Tết ngoài chợ.
Cái chợ quê ngày ấy bây giờ đã được xây dựng khang trang với tường bao quy hoạch gọn gàng và những dãy cầu chợ nền cao vững chãi, rộng rãi chứa được rất nhiều hàng hoá… Thế nhưng trong tâm trí tôi ngày xưa ấy vẫn còn mãi hình ảnh của khung cảnh phiên chợ quê với các dãy cầu chợ lợp tranh, mái liêu xiêu, nền đất bên trong có những người đàn bà hàng xén răng đen nón mê áo rách…
Niềm vui sướng trong những lần đi chợ Tết ấy là thoả thích và khó lòng tả nổi khi không chỉ được ngắm nhìn, được chơi chợ… mà bọn trẻ chúng tôi chắc chắn sẽ được người thân mua cho quần áo mới, quà bánh, đồ chơi và nhiều thứ khác nữa. Lúc chợ tan, trên suốt hành trình trở về nhà qua các thửa ruộng, trong lúc người lớn gồng gánh, vác nhiều loại hàng hóa thì bọn trẻ chúng tôi tung tăng thoả thích đánh chén các thứ quà. Nào thì bỏng ngô, kẹo bột, oản đường; nào lại mía, táo, quýt cam, bưởi bòng…
… Năm tháng qua đi, lứa trẻ thơ chúng tôi ngày ấy đã lớn khôn lên và tuy không có điều kiện được sống cùng mẹ để thường xuyên đi chợ quê, nhưng ngày cuối cùng của năm bao giờ tôi cũng cố gắng để trở về cùng mẹ đi mua sắm trong phiên chợ Tết.
Chợ của thời bây giờ hàng hoá đủ đầy và chẳng hề thua kém các chợ hay siêu thị lớn nhỏ nào nơi thành phố. Chợ hiện đại, con người ngày một hiện đại và đủ đầy hơn… đó là điều tất yếu của một xã hội phát triển, song tôi thấy hơi buồn vì cái hồn quê nơi chợ Tết không còn nữa, nó đã mai một mất rồi. Đó là sự vắng bóng của của những hàng tranh Tết Đông Hồ với “Gà lợn nét tươi trong”, là sự mất đi của các quầy câu đối với những ông đồ khăn đóng áo the ngồi bán chữ…
Nguyễn Thị Loan
(Học viện Thanh thiếu niên, Hà Nội)
Giác Ngộ online xuân Bính Thân 2016 chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: giacngoxuan@gmail.com.