GNO - Tối qua, 7-3, tại chùa Phổ Quang (quận Tân Bình), lễ hội văn hóa Ấn Độ tại TP.HCM do Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM phối hợp cùng Bộ Văn hóa Ấn Độ, Bộ VH-TT&DL VN, UBND TP.HCM, GHPGVN và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM tổ chức đã chính thức khai mạc.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM đã gửi lời chào mừng, nhiệt liệt tán dương hoạt động văn hóa vô cùng có ý nghĩa của lễ hội.
>> Lễ hội văn hóa Ấn Độ tại VN: Vẽ Mandala cát
Chư tôn thiền đức chứng minh, niệm Phật khai mạc lễ hội
Hòa thượng khẳng định: “Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng đầu tiên cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ cách đây 50 năm về trước, quan hệ Việt - Ấn luôn là mối quan hệ đặc biệt chân thành, thắm thiết, sâu sắc nghĩa tình”.
Hòa thượng bày tỏ tin tưởng: “Với các hoạt động văn hóa phong phú, ý nghĩa: tổ chức giảng dạy, biểu diễn yoga miễn phí, múa dân gian Ấn Độ, triển lãm Phật giáo “Dharam Darshan” trưng bày các hiện vật Phật giáo thể hiện tư tưởng và cuộc đời Đức Phật, thực hiện hình vẽ, điêu khắc biểu tượng Phật giáo sẽ khắc sâu và tôn vinh giá trị văn hóa Ấn Độ trong lòng Việt Nam, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị ban giao lâu đời giữa hai dân tộc Việt - Ấn”.
Tổng lãnh sự quán Ấn Độ, Vụ trưởng Ban Văn hóa Ấn Độ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã có mặt tại buổi lễ khai mạc thắm tình hữu nghị, giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt - Ấn
HT.Thích Trí Quảng phát biểu chào mừng
Đáp lại lời chào mừng của GHPGVN, Quốc Vụ Khanh Bộ Văn hóa Ấn Độ, ông Ravindra Singh đã bày tỏ niềm vui và cho biết: “Mục đích tổ chức một chuỗi triển lãm Đạt Ma trong lễ hội Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam là để phổ biến thông điệp không bạo lực và chân lý yêu chuộng hòa bình; thông qua các nhân vật lỗi lạc, các vị sư, vẽ tranh trên cát, điêu khắc chất liệu bơ và tụng kinh Lama”.
Khi nhận được thông báo, Việt Nam sẽ cùng Ấn Độ tham gia, biểu diễn những nghi lễ Phật giáo đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc cho Phật tử hai nước chiêm ngưỡng, phía Ấn Độ đã rất hoan hỷ.
Quốc Vụ Khanh Bộ Văn hóa Ấn Độ, ông Ravindra Singh cảm ơn GHPGVN đã đồng hành, góp phần quan trọng đến sự thành công của lễ hội
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu
HT.Thích Thiện Nhơn phát biểu
Đúc kết để chương trình lễ hội nhanh chóng diễn ra, HT.Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN kêu gọi: “Nội dung các mục tụng kinh, vẽ Mandala, niệm thần chú, âm nhạc, nhạc khí, pháp khí... là nói lên tất cả những ý nghĩa cần thiết đã đề cập. Chỉ còn mời gọi sự chiêm nghiệm, thưởng thức, thể nhập của mỗi con người chúng ta trong phương pháp hành trì và niềm tin tôn giáo để cùng chia sẻ sự tu tập, hành trì, giao lưu văn hóa nghệ thuật tâm linh trong thời đại tự do tín ngưỡng”.
Nghi thức cắt băng khai mạc đã diễn ra ngay sau đó. Nhiều tiết mục văn nghệ, trình diễn nghi lễ tâm linh được các vị sư, tăng đoàn đến Ấn Độ và chư tăng Việt Nam biểu diễn xen kẽ, gửi đến 1.500 Phật tử tham dự.
Những phần quà hữu nghị - tâm linh được trao tặng tới chư tôn đức
Cắt băng khai mạc
Tại buổi lễ, lãnh đạo GHPGVN đã trao - nhận quà lưu niệm, gửi lời chúc mừng, cầu nguyện lễ hội Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng thành công mỹ mãn. Đồng thời, đại diện phía Ấn Độ cũng tặng những ấn phẩm văn hóa tâm linh, đặc thù của văn hóa Ấn đến chư tôn Hòa thượng, khách quý tham gia lễ khai mạc.
Được biết, lễ hội văn hóa Ấn Độ tại TP.HCM sẽ kéo dài từ ngày 6 đến ngày 15-3. Chùa Phổ Quang (quận Tân Bình) và chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) là một trong hai địa điểm thường xuyên diễn ra các chương trình văn hóa tâm linh Việt - Ấn.
Phần trình diễn của chư vị Lama đến từ Ấn Độ
Phần trình diễn nghi thức dâng hương của chư Tăng Việt Nam
Phần trình diễn Lục cúng của nhóm nam nữ Phật tử Việt Nam
Tặng phẩm vật lưu niệm đến chư vị Lama Ấn Độ
Chụp hình lưu niệm
Tin, ảnh: Hạnh Ý - Bảo Toàn