Chính sách nội trị & ngoại giao của nhà Tiền Lê qua thi pháp của Thiền sư Đỗ̉ Pháp Thuận

Chính sách nội trị & ngoại giao của nhà Tiền Lê qua thi pháp của Thiền sư Đỗ̉ Pháp Thuận
Giác Ngộ - Ý tưởng đại đoàn kết toàn dân, bậc nhân chủ phải vì quyền lợi của nhân dân mà hành động được Thiền sư Pháp Thuận trả lời vua Lê Đại Hành cách đây hơn mười thế kỷ được xem như là một luận điểm chính trị vượt thời gian và không gian. Đây chính là bí quyết để đất nước thái bình, nhân dân an lạc.

Chiến thắng Bạch Đằng (938) đã đập tan âm mưu lâu dài của phong kiến phương Bắc muốn biến nước ta thành quận, huyện của thiên triều Trung Quốc, mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ cho đất nước. Nhưng do chính sách đô hộ kéo dài của phong kiến phương Bắc, sau khi giành được độc lập, đất nước đứng trước những thách thức to lớn. Nạn tái xâm lăng nước ta từ phía phong kiến phương Bắc vẫn mang tính thường trực; trong lúc đó các triều đại độc lập đầu tiên (Ngô, Đinh) đang còn non trẻ, chính sách cai trị, luật pháp, kỷ cương phép nước đang còn phôi thai(1) dễ dẫn đến nội bộ triều đình phân hóa, mâu thuẫn(2) mỗi khi giặc xâm lăng bên ngoài đã bị đẩy lùi.

doingoai-1.gif

Trước một tình thế như vậy, nên ở vào buổi đầu khởi nghiệp, vua Lê Đại Hành đã mời Thiền sư Đỗ Pháp Thuận tham gia vào việc trù định kế sách của triều đại. Thiền sư Đỗ Pháp Thuận sinh năm 915, mất năm 990. Sách Thiền uyển tập anh viết: "Thiền sư Pháp Thuận ở chùa Cổ Sơn, Thừ Hương, quận Ải. Không biết người ở đâu(3). Sư họ Đỗ, học rộng, thơ hay, có tài giúp vua, rõ việc đương thời. Nhỏ xuất gia, thờ Thiền sư Phù Trì chùa Long Thọ làm thầy. Khi đã đắc pháp, nói ra lời nào cũng hợp với sấm ngữ. Đương lúc nhà Lê mới dựng nghiệp, trù định kế sách, Sư tham dự đắc lực. Đến khi thiên hạ thái bình, Sư không nhận phong thưởng. Hoàng đế Lê Đại Hành càng kính trọng, thường không gọi tên, chỉ gọi Đỗ Pháp sư, đem việc văn thư giao phó cho Sư"(4).

Sử liệu trên đây giúp chúng ta hiểu được Thiền sư Đỗ Pháp Thuận là người được vua Lê Đại Hành kính trọng vào bậc nhất trong số các vị thiền sư lúc bấy giờ, vua thường không gọi tên, chỉ gọi Đỗ Pháp sư. Không những thế, vua Lê Đại Hành đã đặt hết niềm tin ở Thiền sư Pháp Thuận khi đem việc văn thư giao phó cho Sư, đặc biệt vua Lê Đại Hành đã tham vấn Sư về vận nước, nghĩa là vấn đề sinh tử, tồn vong của triều đại (triều Tiền Lê). Khi được hỏi về vận nước, Đỗ Pháp Thuận đã trả lời vua Lê Đại Hành bằng một bài kệ:

Vận nước như mây quấn,
Trời Nam hưởng thái bình.
Vô vi trên điện các,
Chốn chốn dứt binh đao.

Nguyên văn:

Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.

Sự xuất ngôn của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận với bài kệ trên đây đặt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nguy cơ của cả thù trong lẫn giặc ngoài, vận mệnh triều đại đang bị đe dọa nghiêm trọng như đã nêu. Bằng thiên tư trí tuệ, sự nhạy bén về chính trị, Thiền sư Đỗ Pháp Thuận khẳng định chắc nịch rằng, để đất nước thái bình, triều đại trường tồn, điều quan trọng bậc nhất là toàn dân đoàn kết (cuộn mây). Từng cá nhân riêng rẽ̉ giống như từng sợi mây tất sẽ trở nên yếu đuối không tránh khỏi bị tiêu diệt mỗi khi kẻ thù ngó tới, nhưng khi toàn dân đoàn kết như một cuộn mây thì không một kẻ thù nào địch nổi.

Về sau, vấn đề đoàn kết, nhân dân ta thường sử dụng hình ảnh bó đũa hoặc: Đoàn kết là sống, chia rẽ̉ là chết; Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công,đại thành công.

Không chỉ toàn dân đoàn kết, mà hơn thế nữa, để toàn dân đoàn kết, Pháp Thuận đòi hỏi bậc nhân chủ phải hành xử vì quyền lợi nhân dân, tức là phải vô vi (vô vi trên điện các). Với Phật giáo, vô vi (asamskrta) tức là "cẩn thận không kiêu ngạo, là hạnh của học sĩ, bỏ lòng dơ ân ái, không lấm bụi bặm của sáu tình, không để các ái nhỏ như tóc tơ che giấu trong lòng mình thì các niệm lắng diệt"(5). Vô vi mới tạo được niềm tin trong nhân dân, để từ đó họ xả thân bảo vệ đất nước, vương triều.

doingoai-2.gif

Ý tưởng đại đoàn kết toàn dân, bậc nhân chủ phải vì quyền lợi của nhân dân mà hành động được Thiền sư Pháp Thuận trả lời vua Lê Đại Hành cách đây hơn mười thế kỷ được xem như là một luận điểm chính trị vượt thời gian và không gian. Đây chính là bí quyết để đất nước thái bình, nhân dân an lạc. Nó đã trở thành một di sản quý báu của dân tộc, được phát triển qua dòng thời gian và đã trở thành chiếc "gươm thần" để nhân dân ta quật đổ bao kẻ thù hung bạo, giữ vững được nền tự chủ của đất nước.

Trên mặt trận ngoại giao, đóng góp của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận cũng hết sức nổi bật. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Năm Đinh Hợi Thiên Phúc thứ 8 (987) mùa Xuân,... nhà Tống lại sai Lý Giác đến. Tới chùa Sông Sách, vua sai Pháp sư tên Thuận giả làm giang lệnh đi đón. Giác rất giỏi văn chương. Bấy giờ, gặp lúc có hai con ngỗng bơi trên mặt nước, Giác vui ngâm:

Ngỗng ngỗng cả bầy ngỗng(6)
Ngửa mặt ngó ven trời.
 
Nguyên văn:
 
Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha.

Pháp Thuận đang cầm chèo liền nối vần ngay:

Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân trời hồng.

Nguyên văn:

Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba.

Hầu như lâu nay trong giới nghiên cứu đều thống nhất rằng, chính sự nối vần, hay nói cụ thể hơn là tài ứng xử bằng văn thơ của Pháp Thuận làm cho Lý Giác vô cùng thán phục, nên khi đến sứ quán, Lý Giác đã có bài thơ tặng Pháp Thuận:

May gặp thời minh giúp được mưu
Một thân hai lượt sứ Giao Châu
Đông Đô đôi biệt lòng thêm luyến
Nam Việt muôn trùng ngóng chửa bưa
Ngựa đạp mây mù qua sóng đá
Xe rời núi biếc thả dòng đưa
Ngoài trời lại có trời soi nữa
Sóng lặng khe đầm ngắm nguyệt thu.

Nguyên văn:

Hạnh ngộ minh thời tán thịnh du
Nhất thân nhị độ sứ Giao Châu
Đông Đô lưỡng biệt tâm vưu luyến
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu,
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch,
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.

Đỗ Pháp Thuận đem bài thơ dâng lên vua Lê Đại Hành. Vua hỏi Khuông Việt Thái sư. Khuông Việt nói: "Bài thơ này tôn trọng bệ hạ cùng với chúa nó không khác". Ứng xử ngoại giao của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận đã khiến Lý Giác đi từ chỗ thán phục thần dân Đại Cồ Việt đến sự ngưỡng mộ vua Lê Đại Hành không khác gì hoàng đế triều Tống.

doingoai.gif

Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ

Tuy nhiên, sự nhận thức về mặt chính trị qua cách ứng xử ngoại giao của Pháp Thuận không chỉ có thế. Bởi không chỉ là một sự nối vần sắc sảo của Pháp Thuận mà dẫn đến sự thán phục và sự ngưỡng mộ của Lý Giác đối với thần dân và bậc nhân chủ của Đại Cồ Việt như đã đề cập ở trên. Chắc chắn trong cách ứng xử ngoại giao giữa Pháp Thuận và Lý Giác còn ẩn chứa những ý nghĩa cao hơn mà chính những người uyên Phật, thâm Nho như Pháp Thuận mới với tới.

Ngỗng ngỗng cả bầy ngỗng
Ngửa mặt ngó ven trời.

Thực ra, đây là một lối chơi chữ mang tính kiêu ngạo của sứ thần Lý Giác, mà không chỉ riêng Lý Giác, đây là thái độ phổ biến của sứ thần phương Bắc. Ý Lý Giác xem vua và dân Đại Cồ Việt như là bầy ngỗng đang ngẩng mặt hướng về thiên triều thần phục. Ngôn ngữ ngoại giao mà Lý Giác sử dụng, thoạt nhìn thật là nhẹ nhàng, bay bổng; song nhìn kỹ quả thực là một sự nhục mạ, một thách thức lớn lao đặt ra với Đỗ Pháp Thuận.

Với trách nhiệm một công dân, cao hơn còn là một vị thiền sư giữ trọng trách đối với vận nước Đại Cồ Việt, Đỗ Pháp Thuận hiểu hết thâm ý của sứ thần Lý Giác nhưng vẫn với thái độ ung dung tự tại, nối vần một cách hết sức sắc sảo, để từ hai câu thơ của Lý Giác trở thành một bài thơ hoàn chỉnh. Nhưng sự nối vần của Đỗ Pháp Thuận ở đây không chỉ nhìn đơn thuần về mặt thi ca mà phải được hiểu đây là một thái độ ứng xử chính trị trên phương diện ngoại giao.

Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân trời hồng.

Lông trắng ở đây được hiểu là sự công khai (bạch hóa). Một sự công khai được phô bày nơi công cộng (lục thủy). Ở đây, Pháp Thuận muốn tỏ cho sứ thần Lý Giác hiểu rằng Đại Cồ Việt đã giành được độc lập và công khai sự độc lập này đối với thiên triều qua Lý Giác. Và nếu có chăng một thế lực nào đó, dù là thiên triều đi nữa, với âm mưu xâm phạm nền độc lập, nhân dân Đại Cồ Việt sẵn sàng đứng lên bảo vệ bằng chính sức mạnh của mình (hồng trạo). Hồng trạo ở đây được hiểu là mái chèo màu hồng, thuyền lướt được là nhờ mái chèo, cũng có nghĩa Đại Cồ Việt sẽ vững bước lướt qua mọi phong bao bão táp mà tiến lên bằng sức mạnh của chính mình (màu hồng tượng trưng cho sức mạnh).

Như chúng ta đã biết, trước lúc tiến hành cuộc xâm lược Đại Cồ Việt năm 981, Triệu Khuông Nghĩa, hoàng đế triều Tống đã gửi thư cho Lê Đại Hành, do Lư Đa Tốn mang qua năm 980, với lời lẽ đe dọa: "Ta đang chuẩn bị xe ngựa quân lính, sắp xếp các thứ chiêng trống, nếu quy phục thì ta tha cho, nếu trái lệnh thì ta quyết đánh. Theo hay chống, lành hay dữ, tự ngươi xét lấy"(7). Nhưng rồi quân Tống đã bị thất bại nhục nhã. Năm 986, Lý Giác được triều Tống cử đi sứ Đại Cồ Việt, được vua Lê Đại Hành trao trả hai tên tướng là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân, bị bắt trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Cồ Việt năm 981. Phải chăng sự thất bại của quân Tống vẫn còn ám ảnh Lý Giác, nên khi nghe Đỗ Pháp Thuận nối vần bằng hai câu thơ, y đã phải giật mình hiểu tại sao quân Tống thất bại và ngay cả chính bản thân mình giờ đây cũng phải chuốc lấy thất bại trên mặt trận ngoại giao. Điều này giúp chúng ta nhận thức được vì sao Lý Giác đã có bài thơ chứa đựng lời lẽ đầy thán phục Đỗ Pháp Thuận và ngưỡng mộ Lê Đại Hành như đã đề cập ở trên.

Rõ ràng qua công tác ngoại giao mà Đỗ Pháp Thuận góp sức, cho thấy ý thức dân tộc Việt từ thời Tiền Lê đã vững mạnh, vị thế Đại Cồ Việt trên trường quốc tế, nói cụ thể hơn trong quan hệ với Tống triều Trung Quốc, đã được nâng lên một tầm cao mới. Tác giả Lê Mạnh Thát đã có lý khi cho rằng: "Sự kiện đối đáp giữa Pháp Thuận và Lý Giác đã chứng tỏ sự trưởng thành của ý thức dân tộc trong mọi người dân, nhất là trong tầng lớp trí thức Phật giáo, mà Pháp Thuận là một đại biểu xứng đáng. Họ ao ước làm thế nào để nâng thể diện quốc gia trước sứ bộ đối phương, mà cho đến lúc ấy vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược và quận huyện hóa đất nước Đại Cồ Việt. Nền độc lập dân tộc vì thế cần phải được bảo vệ dưới mọi hình thức. Nhận thức được ý nghĩa của sự kiện trên, mấy trăm năm sau, Lê Quý Đôn còn phải ngỡ ngàng để ghi nhận trong Kiến văn tiểu lục:

Thuận sư thi cú

Tống sứ kinh dị"(8).

Di thảo của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận chúng ta chỉ tìm thấy vỏn vẹn chưa đến hai bài thơ, chính xác là một bài rưỡi, gồm cả thảy 6 câu 30 chữ. Nhưng đây chính là sự kết tinh nhuần nhuyễn giữa tư tưởng siêu việt của Phật giáo và trí tuệ Đại Cồ Việt mà người thể hiện là Thiền sư Pháp Thuận. Sáu câu thơ nhưng hàm chứa những tư tưởng lớn về nội trị và ngoại giao của một đất nước, thật là điều hiếm có trong lịch sử. Làm được như vậy, Pháp Thuận đã hành hóa theo đúng "tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng yên vui và no ấm"(9). Tinh hoa Phật giáo Đại Cồ Việt qua sự chứng ngộ của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận thực sự đã chuẩn bị cho sự thăng hoa của Phật giáo Đại Việt vào thời đại Lý - Trần; và điều như là hiển nhiên trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, tinh hoa Phật giáo Đại Cồ Việt cần phải được phát huy bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một"(10).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.