Nói đến cái vừa qua và cái đang đến thì 365 ngày, ngày nào cũng như vậy cả. Nếu nghĩ “nhàm chán” thì không chỗ nào dưới gầm trời này thoát khỏi sự nhàm chán có tính quy luật cứ nở rồi lại tàn ấy.
Cho nên, Tết chỉ giống như một khoảng dừng xã hội ngắn ngủi để nhìn kỹ hơn cảnh vật thịnh suy chung quanh mình.
Ảnh: Tịnh Cốc Trà |
Mọi vật như được khoác lên mình chiếc áo mới, sạch đẹp hơn từ cái lọ cắm tăm xỉa răng, nhà vệ sinh, phòng ngủ, đến bát hương, tôn tượng, ảnh thờ.
Bên ngoài, thiên nhiên cũng vần chuyển năng lượng để thức mầm, đâm chồi nảy nụ.
Nhìn thấy vô thường trong đó nhưng hương vị sắc màu làm cho cảnh và người cùng chung một thức hân hoan.
Đôi khi nấn ná với Tết chỉ vì cái mùi hương trầm, hương mộc, hương ngâu, hương mai đã in trong tiềm thức, phảng phất dịu nhẹ thoảng đưa trong gió.
Cúi đầu trước Phật, cúi đầu trước hoa mai, hay trước giọt mồ hôi của người nông phu cũng như vậy thôi, muôn màu như một thể, chẳng dễ tách rời.
Lạc thụ dụng và lạc sở hữu, trời đất ban cho hương sắc gì cũng là “hữu ý” với người có duyên. Tùy cách thức vận hành của nhân quả, vô thường và trạng thái tâm thức mà buồn vui đậm nhạt.
Cuộc đời nói chung vẫn là khổ, khổ ngay cả trong việc đi tìm hương vị của Tết xưa, Tết nay.
Nghi lễ rườm rà chỉ là vẻ ngoài, còn tâm linh đến rất tự nhiên, trong veo và tịnh mặc giữa mọi ồn ào…
Giữa mùa xuân, không cần phải gồng mình lên đi tìm giải thoát và an lạc, bởi nhân gian này vốn chẳng xa rời tịnh độ. Không gian Tịnh độ, tâm Di Đà cũng do chính mình kiến tạo nên.
Ảnh: Quảng Đạo |
Đôi khi Tịnh độ đơn giản là một bức thư tình mà thiên nhiên vừa gửi tới.
Đọc lại bài thơ của nhiều lần 365 ngày về trước mà vẫn thấy tinh khôi.
“Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ mầu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem”.
Ai tinh tế hơn cụ Nguyễn Trãi khi đứng trước cây chuối đang ra đọt non mà mượn làn gió xuân mở nhẹ bức thư tình của trời đất…
Xuân đến trước hiên nhà rồi, có ai gửi thư tình cho tôi không?