Đó là chuông đại hồng tại Trường Trung cấp Phật học Bình Định - tu viện Nguyên Thiều - nơi tôi đến theo đoàn làm phim về vị cao tăng của Phật giáo tỉnh này. Nhìn chiếc chuông, nhiều cảm xúc, trong đó có nỗi nhớ chùa xưa ở quê mình.
1. Đúng 30 năm trước tôi biết chùa. Vì khổ quá. Có lẽ đây là một mô thức của khá nhiều người khi tìm về của Phật. Chốn từ bi. Nhà thiền vẫn được ví như thế vì thường ôm hết mọi nỗi niềm đau khổ của chúng sinh.
Khổ nên tìm đến chùa. Điều đó chẳng có gì xấu hổ. Nếu không có khổ, con người sẽ tự mãn rồi lạc hoài trong vòng xoáy tử sinh mà không biết mình đang lạc. Hồi đó, nhiều lúc tôi đến chùa là để khóc kể với Bồ-tát Quán Thế Âm, trong hình ảnh một vị Bạch y Đại sĩ luôn nở nụ cười bao dung, nhìn xuống chúng sinh để lắng nghe nỗi khổ.
“Con không biết làm gì để giúp cho má mình bớt đau ốm. Nhà con nghèo quá, con muốn được vượt thoát cái nghèo để có thể mua cho ngoại con chiếc chăn bông lành lặn, thật ấm. Con thương má, ngoại con lắm Bồ-tát ơi”. Tôi nhớ mình đã từng thỏ thẻ cầu nguyện dưới chân Ngài. Có lẽ Bồ-tát cũng đã nghe thấy và rồi gửi tới cho ngoại tôi một chiếc mền từ suất quà từ thiện của những Phật tử từ TP.HCM trong đợt lụt năm chín mươi mấy. Rồi Ngài chỉ cho má tôi một vị thầy thuốc mát tay, ông châm cứu, hốt thuốc miễn phí, giúp má tôi khỏi hẳn cơn đau lưng dai dẳng.
Bồ-tát thị hiện qua những con người bình thường mà nếu không để ý ta sẽ khó nhận ra.
2. Trở lại với ngôi chùa làng ngày xưa. Ngôi chùa có tên “Viên Minh tự” nằm ở giữa cánh đồng bình yên. Thầy trụ trì hài hước, trí tuệ. Ngài khéo khuyến tấn Phật tử tu hành bằng những mẩu chuyện nhân quả. “Quý vị thấy đó, mình gieo hạt ớt sao có được quả xoài. Cũng rứa, mình làm việc xấu mà ưng hanh thông, may mắn là chuyện khó xảy ra”, rồi thầy cười. Tiếng cười hoan hỷ, bình yên.
Ở chùa, lầu chuông lầu trống chưa có như hiện tại nên chuông trống Bát-nhã để bên trong chánh điện. Thực ra, nói là đại hồng chung nhưng kỳ thực đó là vỏ quả bom, được “cải tạo” thành chiếc chuông. Dù vậy, âm thanh của chiếc chuông này khá thanh và vang xa. Giữa điệp trùng núi rừng, đồng bãi, có nhiều hôm thanh vắng, tiếng chuông chùa từ vỏ bom cũng vang ra đến nhà tôi dù cách chùa khá xa.
Tiếng chuông chùa nhắc nhở người ta quay về. “Giờ ni mấy chú thỉnh chuông, đừng có nói bậy, nghĩ bậy, làm bậy”. Những Phật tử lớn tuổi nhắc nhở con cháu. Tôi nghe vậy cũng ý thức dần. Giờ thỉnh chuông thường lúc 6g chiều và 4g sáng mỗi ngày. Ở chùa, các chú tiểu thường được phân công nhiệm vụ này. “Hồng chung sơ khấu/ Bảo kệ cao âm/ Thượng thông thiên đường/ Hạ triệt địa phủ”. Tiếng chuông mầu nhiệm như vậy đó. Âm thanh tỉnh thức có thể vượt không gian hữu hình đến với thế giới vô hình, đi từ cái nghe vật chất (bằng tai) đến cái nghe vô hình (bằng tâm), đánh thức Phật tánh ngủ yên hay bị che lấp trong mỗi chúng sinh.
3. Tiếng chuông chùa quê với đại hồng chung làm từ vỏ bom mang giá trị văn hóa riêng mà có lẽ chỉ riêng có ở Việt Nam. Đại hồng chung thường đúc bằng đồng, còn chùa quê Việt Nam, có những thời đoạn, chuông chùa được cải tạo từ vỏ bom đạn.
Hình ảnh ấy nhắc nhở về thời điểm khó khăn chung của đất nước, khi non sông vừa thống nhất, hòa bình chưa lâu. Điều kiện kinh tế của người dân sau chiến tranh thiếu thốn trăm bề. Chùa Việt cũng chung cái khó ấy. Nhưng chuông chùa không thể thiếu. Vì tiếng chuông là âm thanh tỉnh thức, nhắc nhở chúng sinh quay về chùa, nhớ Tam bảo tự thân, vén màn vô minh u tối. Vì vậy, sử dụng vỏ bom làm chuông là “phương tiện”.
Chính hình ảnh đó cũng gợi lên suy nghiệm về chiến tranh và hòa bình vốn cũng ở ngay nơi ta, nếu con người biết dừng lại (tu tập) thì bùn sẽ hóa sen, phiền não hóa Bồ-đề, chiến tranh hóa hòa bình. Bom đạn vốn là công cụ để sát thương, phương tiện trong các cuộc chiến tranh khiến không chỉ con người mà các loài đều khiếp sợ. Tiếng súng nổ, tiếng bom rơi vẫn còn đâu đó và có lẽ, chưa bao giờ vắng bặt hoàn toàn trên hành tinh này. Vì sân hận và lòng tham, sự si mê dẫn lối mà con người đã gây ra rất nhiều cuộc chiến, có thể bằng ngôn từ, có thể bằng súng đạn.
Sát thương, gây khổ đau, tranh giành, rồi hận thù chất chồng đều do tham-sân-si gây nên. Lòng người, thế giới đảo điên cũng vì ba món độc ấy.
Nhưng để có thể dừng lại, để biến một quả bom thành tiếng chuông tỉnh thức cần phải nỗ lực rất nhiều. Tất nhiên, không ngoài chữ buông.
Phiền não, khổ đau của vạn loại rốt cuộc vẫn chỉ vì không buông xuống được sự sân hận, lòng tham, chưa thắp sáng được đèn thiền. Vì tham, sân mà nghĩ, nói, làm điều ác. Tâm ý không thanh tịnh thì nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, ngó quanh đều thấy đáng lo, đáng ngại.
Hồi mới đi chùa, thấy chiếc chuông lạ nhưng tôi cũng không để ý nhiều, cũng chỉ là phương tiện để đánh lên âm thanh (boong…). Nhưng khi đã ít nhiều “thấm tương chao”, hiểu rõ hơn về tiếng chuông tỉnh thức thì mới thấy, các bậc tiền nhân đã gửi vào hình ảnh chuông chùa từ vỏ bom ước vọng hòa bình. Rằng chiến tranh chỉ kết thúc thực sự khi con người biết dừng lại, tỉnh thức, hiểu và thương nhau.
4. Chiến tranh vẫn diễn ra đâu đó trên thế giới. Người dân những nước có chiến sự vẫn nơm nớp vì tiếng súng, động cơ máy bay gầm rú và những quả bom rơi xuống phá nát quê nhà của họ. Con người cứ thế, mọi thứ xây lên thật khó nhưng phá bỏ thì chốc lát. Vun trồng đức hạnh thật lâu nhưng thối tâm chỉ một phút giây có thể tạo tội ác khiến cả đời, thậm chí nhiều đời đọa lạc. Đánh mất mình chỉ một ý niệm, nên Phật dạy “Ý dẫn đầu các pháp/ ý làm chủ, ý tạo”.
Trong mỗi thời kinh lắng sâu hay mỗi giờ ngồi yên, nghe hơi thở vào-ra nhẹ nhàng, có thể nhớ về tiếng đại hồng chung vang vọng để nhất tâm hướng đến những nơi, những người đang rơi vào cảnh loạn ly chinh chiến. Cầu nguyện cho thế giới hòa bình thực ra cũng là cầu nguyện cho mình bình an.
Cầu nguyện cho từng tiếng nổ vang trời của bom đạn sẽ dừng lại để tiếng chuông đại hồng vang lên yên bình mỗi sớm chiều yên an…