Lâu nay, rất nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ đã viết về rồng, phần lớn đều cho rằng rồng thời Lý thân trơn như lươn, chưa có vảy, rồng thời Trần trở đi mới bắt đầu xuất hiện vảy. Thế nhưng thực tế quan sát của chúng tôi, thấy nhiều hình rồng của Phật giáo thời Lý đã có vảy.
Hình rồng xuất hiện sớm nhất ở nước ta khi nào?
Mặc dù theo Đại Việt sử ký toàn thư và nhiều thư tịch cổ, ở phần Ngoại kỷ - “Kỷ Hồng Bàng thị” kể rằng khởi thủy của nước Văn Lang từ Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ sinh một trăm người con trai, trong đó con trưởng là Hùng Vương nối ngôi làm vua nước Văn Lang. Tích này cũng là truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” khai mở nước Văn Lang. Trống đồng thời Đông Sơn (niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 - 2.500 năm) - những di sản lớn nhất của thời đại Văn Lang còn lại đến ngày nay, với những hoa văn tinh xảo, trên đó khắc họa rất nhiều hình ảnh đời sống của người Việt - Mường cổ. Trên mặt các trống đồng thời Đông Sơn, chạm khắc hình rất nhiều loài vật, như chim Lạc (cò, vạc, diệc), chim công, hươu, cáo, voi, hổ. Tuy vậy, điều đáng ngạc nhiên, trong khi Lạc Long Quân theo thư tịch cổ được gắn với hình ảnh rồng, thì trên mặt tất cả các trống đồng thời Đông Sơn lại không thấy bất cứ hình rồng nào.
Nếu như ở Trung Quốc cổ đại, phương tiện di chuyển của con người chủ yếu là cưỡi ngựa, thế nhưng phương tiện đi lại của cư dân Văn Lang - Đông Sơn được khắc họa trên mặt trống đồng chủ yếu là thuyền, mà không có hình ảnh con ngựa, hay người cưỡi ngựa. Điều này chỉ có thể lý giải rằng cư dân người Việt cổ thời Văn Lang rất ít có mối liên hệ với người Trung Hoa cổ đại (từ thời Xuân Thu Chiến Quốc trở về trước), mà gắn với phong tục tập quán sông nước của người Nam Đảo. Hình tượng rồng vốn xuất hiện ở Trung Hoa từ thời cổ đại, và có lẽ chỉ truyền đến nước ta từ thời Bắc thuộc. Và, truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ chỉ được “sáng tác” từ thời kỳ Bắc thuộc trở về sau.
Câu hỏi đặt ra: Hình ảnh rồng trên di vật cổ nhất của nước ta là của thời đại nào? Đọc các bài viết của các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, thấy rất nhiều bài về hình tượng rồng. Nhưng chúng tôi chưa thấy thông tin nào đề cập đến hình tượng rồng niên đại cổ nhất hiện còn ở Việt Nam, phần lớn đều phân chia hình tượng rồng theo các thời đại: Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc, Lê trung hưng, Nguyễn. Tìm đọc các di vật thời Bắc thuộc, cũng hầu như không thấy đề cập về rồng. Tuy vậy, người viết tìm thấy trong bài nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu Đinh Khắc Tuân, Nguyễn Thành Thược, Đặng Kim Ngọc về chuông chùa Thanh Mai (công bố năm 1986), có đề cập quai chuông hình đôi rồng đấu đuôi vào nhau.
Chuông chùa Thanh Mai được các nhà nghiên cứu khảo cổ khẳng định là quả chuông cổ nhất hiện còn ở Việt Nam, đã được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội. Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng có phiên bản của quả chuông này. Theo các nhà nghiên cứu nêu trên, thì chuông Thanh Mai có trọng lượng chỉ 36kg, được đúc rất khéo bằng khuôn đúc hai mang, chuông cao 60cm; quai chuông 8cm; thân cao 52cm; đường kính miệng chuông 39cm; đường kính đỉnh 28cm. “Quai chuông kết cấu đơn giản, hình dáng đôi rồng đấu lưng vào nhau rất quen gặp trên chuông đồng truyền thống. Rồng quai chuông còn đơn giản, không có vảy, đầu to, miệng ngậm tì xuống đỉnh chuông. Đỉnh chuông trang trí hoa văn mây xoắn, xen kẽ 12 đồng tiền. Một gờ chỉ nối chạy suốt mép đỉnh chuông. Các đường chỉ đúc nổi trên thân chia chuông làm 4 ô trên và 4 ô dưới. Hai núm gõ hình tròn với nhiều cánh phụ xung quanh được đúc nổi trên thân chuông”.
Bài minh văn chữ Hán khắc trên chuông Thanh Mai khoảng 1.500 chữ không có tựa đề, cũng không chia thành từng phần như trên những chuông thường gặp mà liên tục khắc kín tám ô của thân chuông. Đoạn văn mở đầu bài minh: “Duy Trinh Nguyên thập tứ niên tuế thứ, Mậu Dần tam nguyệt, Tân Tỵ sóc tráp nhật Canh Tuất, Tùy hỷ xã ngũ thập tam nhân công tạo minh chung nhất khẩu, dung đồng cửu thập cân lưu thông cúng dường…”. Dịch nghĩa: “Vào ngày 20 tháng 3 năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên (niên hiệu vua Đức Tông nhà Đường của Trung Quốc) thứ 14 (tức năm 798 dương lịch), 53 người trong hội Tùy hỷ (một tổ chức của Phật giáo) cùng đúc một quả chuông bằng đồng hết 90 cân lưu truyền cúng lễ”.
Như vậy, có thể quai chuông chùa Thanh Mai chính là hình rồng cổ nhất hiện còn trên đất nước ta. Tuy vậy, vấn đề này rất cần các nhà nghiên cứu quan tâm khẳng định, hoặc nếu có thì tìm và chỉ ra được hình rồng có niên đại sớm hơn.
Rồng thời Lý đã có vảy?
Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày một tảng đá kê chân cột cỡ lớn còn nguyên vẹn, niên đại 1057, nguồn gốc từ chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Tảng đá hình vuông, kích thước mỗi chiều 1m, vòng chân cột có đường kính 60cm. Quanh chân cột là vòng cánh sen được chạm nổi vô cùng tinh tế, với 16 cánh sen chính, cùng 16 cánh sen phụ xen kẽ. Mỗi cánh sen chính trông giống như những mai rùa, trên mặt chạm đôi rồng đối xứng hai bên ẩn hiện trong mây, ôm lấy lạc thư ở giữa.
Tại chùa Phật Tích ngày nay hiện có báu vật trứ danh là pho tượng A-di-đà, niên đại tạc năm 1057 là pho tượng cổ nhất miền Bắc, được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2012. Bảo tượng A-di-đà chùa Phật Tích có kích thước cao 2,8m (tính cả bệ). Tòa sen tượng ngự là đóa hoa mãn khai với hai tầng cánh, ngự trên bệ đá tám cạnh hình tháp. Bệ bát giác được trang trí phủ kín bề mặt là những hình rồng vờn đuổi nhau trong dày đặc mây lửa. Những hình rồng ở đây tạo theo thế lượn sóng nằm ngang, đầu ngẩng cao, miệng há to. Quan sát miệng rồng, thấy mép trên không có mũi và được kéo dài ra như một chiếc vòi với độ mềm mại uốn lượn, vươn cao. Mình rồng dài, dọc sống lưng là một hàng vảy thấp tỉa từng cái tách biệt, đầu vây trước tua vào hàng vây sau, bụng có đốt ngắn như của rắn. Cả bốn chân rồng đều có khuỷu phía sau và cũng có móng giống như chân chim. Những hình rồng trên đế bát giác của tượng A-di-đà chùa Phật Tích toát lên sự cao quý và thể hiện sức sống mãnh liệt.
Chùa Phật Tích có một công trình ao rồng (Long Trì) hình chữ nhật có chiều dài 7m, rộng 5m, sâu 2,2m, bốn bờ được kè đá tảng thẳng đứng dưới đáy ao. Đáy có thềm đá hình bán nguyệt đường kính 3,8m, chỗ nhô cao nhất 1,9m, ở mỗi nửa thềm đá chạm nổi một con rồng khá lớn, giữa thềm đá chạm nổi hình sóng nước nhô cao (thủy ba). Tương truyền, xưa kia từ dưới ao rồng nổi lên một cột đá chạm búp sen rồng cuốn, ngày nay trụ đá này đã không còn, nhưng vẫn còn dấu tích đế cột với các mảng cửu sơn bát hải (hình sóng và núi). Theo mô tả của nhà nghiên cứu Pháp - Bezacier, với một bài báo khoa học xuất bản vào năm 1954, cho biết trên trụ đá chạm rồng giữa Long Trì của chùa Phật Tích, ngự một pho tượng Thích-ca sơ sinh trong tư thế đứng trên trụ đá. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, trụ trì chùa Phật Tích cho hay, trong một bức ảnh chụp thời Pháp, phía trên phần trụ đá Phật Tích có đặt tượng Thích-ca sơ sinh.
Từ những tư liệu này, cùng với khảo tả thực tế ao rồng hiện tại, nhóm SEN Heritage đã nghiên cứu phỏng dựng Tòa Tu-di Thích-ca sơ sinh thời Lý. Tác phẩm phỏng dựng gồm 3 phần. Dưới cùng là phần chân trụ, gồm một phiến đá 6 cạnh, giật 3 cấp. Phần 2 là thân trụ, gồm: đồ án cửu sơn bát hải, song long hiến châu, và tòa sen. Trên thân trụ đá, nổi lên hình đôi rồng tuyệt đẹp cuốn quanh thân trụ. Thân rồng uốn lượn tinh xảo. Hai đầu rồng hướng lên trên đối xứng hai bên trụ đá. Hai tay trước của rồng giơ lên phía trước đỡ lấy tòa sen. Ở trên cùng của tác phẩm là tượng Thích-ca sơ sinh.
Trong khi phần lớn các nhà khảo cổ học trước đây đều cho rằng: “Rồng thời Lý không có vảy, thân trơn như da lươn”. Khi ngắm nhìn tác phẩm phục dựng Tòa Tu-di Thích-ca sơ sinh thời Lý, điều khiến tôi ngạc nhiên là thân rồng nổi lên vảy kín khắp. Tôi đem thắc mắc này hỏi TS.Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cũng là thành viên của nhóm SEN Heritage, và là đồng tác giả phỏng dựng Tòa Tu-di Thích-ca sơ sinh thời Lý. TS.Trần Trọng Dương khẳng định: Rồng thời Lý đã có vảy. Bằng chứng là rồng trên cột đá chùa Dạm nhìn thấy rõ hình những chiếc vảy trên thân rồng. Để minh chứng luận điểm này, TS.Trần Trọng Dương cùng tôi đến chiêm ngắm lại cột đá ở chùa Dạm. Chùa Dạm được xây dựng từ thời nhà Lý, xưa có các tên chữ Đại Lãm Thần Quang tự, Cảnh Long Đồng Khánh tự (tên do vua Lý Nhân Tông đặt), ngự ở phía Nam sườn núi Dạm (nay thuộc thành phố Bắc Ninh) từng là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Đại Việt xưa. Ngôi chùa cổ xưa đã bị phá hủy hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp, nay đang được phục dựng lại. Di vật trứ danh nhất ở chùa Dạm còn lại là một cột đá cao 5m (không kể phần ngọn đã bị gãy nát) - đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia.
Cột trụ đá chạm rồng chùa Dạm đã được khẳng định niên đại tạo tác thời nhà Lý – triều vua Lý Nhân Tông. Cột đá dựng theo phương thẳng đứng, cao 525cm, có kết cấu liền khối, phần lộ thiên nhận thấy rõ được phân thành ba đoạn. Phần dưới là khối trụ hình chữ nhật, cao 300cm, có cạnh hình chữ nhật, rộng 144 - 140cm, dài 158 - 162cm, vát hình thang, phần chân trụ nằm khuất sâu trong lòng bệ. Phần trên cùng là khối trụ hình lục giác, cao 118cm, có 6 cạnh đều nhau, mỗi cạnh khoảng 81cm. Trên thân và đỉnh trụ hiện xác định được 21 dấu lỗ mộng, cấu trúc thành 4 lớp với cao độ bằng nhau và kích thước khác nhau.
Phần giữa là khối trụ hình tròn chạm khắc hình rồng, cao 107cm, có đường kính 137cm, đây là nơi chạm nổi phù điêu hai hình rồng đối xứng, thân uốn nhịp uyển chuyển uốn lượn như đang bay trên nền các cụm mây và điểm nhấn các viên ngọc có dải lụa. Đôi rồng ngoắc đuôi vào nhau quấn quanh cột, chân trước hai con chụm vào cùng nâng đỡ một viên ngọc. Hai đầu trong tư thế chầu nhau, ở giữa có một lá đề chạm nổi. Trong miệng mỗi con rồng ngậm một viên ngọc, mắt sáng trong tư thế hướng lên bầu trời. Đứng từ xa quan sát, cảm giác như thân rồng trơn không vảy, nhưng lại gần, hoặc chụp ảnh và zoom ảnh to lớn, thấy rõ những vết vảy trên thân rồng đã bị mài mòn bởi thời gian mưa nắng, nhưng hình vảy vẫn rất rõ. Từ đó, đủ để khẳng định: Hình rồng thời Lý đã có vảy.
Rồng ở tòa Cửu Long và Rồng đội Quan Âm
Chiêm ngưỡng hình ảnh rồng trong chùa có lẽ đặc sắc nhất, chính là ở những tòa Cửu Long. Rất nhiều ngôi chùa ở nước ta có tòa Cửu Long rất đẹp, được tạo tác công phu, niên đại từ thời Mạc đến thời Nguyễn. Các tòa Cửu Long luôn diễn tả sinh động và đầy đủ truyền thuyết Đức Phật đản sinh, lấy cây Vô ưu làm bối cảnh, cùng với bầu trời đan bởi chín con rồng phun nước, Đế Thích, Phạm Thiên cùng các thiên thần dâng hoa ca múa chào mừng Đức Phật ra đời.
Ngày nay, rất nhiều ngôi cổ tự còn lưu giữ được những tòa Cửu Long do người xưa tạo tác có tính nghệ thuật thẩm mỹ cao độ. Tòa Cửu Long niên đại thế kỷ XVII ở chùa Keo (tỉnh Thái Bình) được đánh giá là một trong những tòa Cửu Long cổ nhất nước ta. Chùa Phúc Khánh tọa lạc tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa (Hà Nội) có một tòa Cửu Long thời Tây Sơn vô cùng tinh xảo. Linh Ngai tự còn gọi là chùa Lái, tọa lạc ở thôn Vị Khê (Quảng Yên, Quảng Ninh) một tòa Cửu Long được đúc bằng đồng, niên đại thế kỷ XVII. Rồng trên tòa Cửu Long của Linh Ngai tự có đầu mập hơn so với thân, với nét đặc trưng: mắt quỷ, miệng sói, mũi sư tử, râu cá trê, sừng nai… Càng quan sát kỹ những con rồng, ta có cảm giác như chúng đang thỏa sức vờn mây nhưng lại thật hung dữ trong biểu hiện sức mạnh uy quyền. Trên tòa Cửu Long có những chi tiết diễn tả sấm gọi gió mây, mưa, chớp… toát lên ý nguyện về nông nghiệp.
Chùa Ngọc Trục tọa lạc ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) có tòa Cửu Long với nhiều chi tiết khá đặc biệt: Đức Phật sơ sinh ngự trong cỗ ngai rồng, cùng một chú ngựa hồng biểu trưng cho uy quyền của Thái tử Tất-đạt-đa. Ba vị Thiên đứng dưới chân Đức Phật. Chín con rồng được tạo tác vô cùng tinh xảo, xoắn bện nhau kết thành vòm trời. Rất nhiều chư vị Bồ-tát (Di-lặc, Tuyết Sơn, Quan Âm, Địa Tạng…) đứng vân du trên những đám mây tỏa ra từ thân rồng. Đỉnh tòa Cửu Long được tạc ba lớp tượng Phật, trên cùng là Di-đà Tam tôn.
Chùa La Khê ở quận Hà Đông (Hà Nội) nổi danh là ngôi cổ tự lưu giữ nhiều tòa Cửu Long cổ, nơi đây có 4 tòa Cửu Long được xếp vào loại vô cùng quý hiếm ở nước ta, niên đại thế kỷ XVIII. Tòa Cửu Long ở chùa Cả Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) cũng là một trong số hiếm hoi các tòa Cửu Long thế kỷ XVIII còn lưu giữ được trên đất nước ta. Tác phẩm Cửu Long nơi đây chạm khắc hình vòm cầu, cao 74cm, không kể bệ.
Nếu như hầu hết những pho tượng Phật, Bồ-tát đều thuộc loại điêu khắc nhân dạng, diễn tả từng vị Phật, thì tòa Cửu Long là cả một quần thể gồm rất nhiều pho tượng đặt trong sự phối cảnh phức hợp. Tên gọi “tòa” đã nói lên lòng tín ngưỡng của con người. Nội dung cốt lõi của tác phẩm phải diễn tả thấu triệt ý nghĩa thâm diệu của sự kiện Đản sinh. Bối cảnh lấy trời đất vũ trụ (gồm cả “Thiên thượng” và “địa hạ”) bao bọc, đồng thời làm nền tôn cao chân ngã Như Lai. Phật là biểu tượng của cả Vô tướng và Thực tướng. Hình ảnh chín con rồng là sự kết hợp tuyệt vời giữa triết lý Phật giáo với tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ, thể hiện lòng cầu mong của người làm ruộng được mưa thuận gió hòa để có được vụ mùa bội thu. Phật ra đời là một đấng cứu tinh, đem lại mưa móc cho ruộng đồng, tốt tươi cây cỏ nơi hạ giới, chư Thiên hết thảy đều vui mừng, con người đều sung sướng.
Một trong những hình ảnh rồng trong chùa rất đáng quan tâm là Quỷ biển đội tòa sen Quan Thế Âm ngự, xuất hiện tại nhiều ngôi chùa cổ. Ở miền Bắc nước ta, tượng Quan Âm Nam Hải thường thấy ở các ngôi chùa ven các triền sông, như một yêu cầu của nghề sông nước. Rồng nhô lên từ biển để đội tòa sen của Đức Quan Âm cũng được quan niệm như là kẻ đại diện cho thế giới đen tối bên dưới. Và như vậy, cử chỉ đội tòa sen là một biểu hiện của thái độ quy phục của Phật bà, cải tà quy chính của Quỷ biển.
Một trong số đó, pho tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn của chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh) được coi là kiệt tác bậc nhất trong nền nghệ thuật Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia vào năm 2012. Bảo tượng do nghệ nhân Trương Thọ tạc vào mùa thu năm Bính Thân, triều Lê trung hưng (1656).
Tượng được làm từ gỗ sơn son thếp vàng, kích thước cao 3,7m; rộng 2,1m; dày 1,15m. Tượng có đủ 1.000 bàn tay tạo cảm giác trùng trùng điệp điệp. Ngoài hai đôi tay chính chắp trước ngực theo kiểu “liên hoa hợp chưởng” và được đặt trên đùi theo kiểu “thiền định”, có 40 cánh tay lớn nằm ở hai bên. Đằng sau lưng Phật có 958 cánh tay nhỏ, được sắp xếp theo 14 lớp vòng tròn đồng tâm và đặt so le nhau ở từng lớp, tạo thành những vòng hào quang cho tượng.
Đặc biệt ở tác phẩm nghệ thuật này, phía dưới đài sen, là bệ hình lục giác. Nổi bật nhất ở đây, là đầu con rồng (còn gọi là Quỷ biển) đội tòa sen. Mặt rồng nhấn mạnh chất hung dữ, bằng cách cố tình để mọi chi tiết hiện lên gồ ghề. Tóc rồng mọc quanh đầu, và từng món tóc lại xoắn thành ốc lớn ở đầu tử. Má gồ. Đôi môi mỏng bạnh ra. Tai rồng đeo khuyên tròn. Rồng chỉ ló đầu trên mặt biển, hàng râu phủ lên mặt nước. Ngang tầm đầu, đôi tay quỷ nhô lên từ lòng biển để đỡ tòa sen. Trên da tay có rất nhiều vảy nhìn giống như da rắn.
Chiêm ngưỡng những tượng rồng ở chùa Trăm Gian
Nếu muốn chiêm bái những kiệt tác rồng của Phật giáo, nên đến chùa Trăm Gian - ngôi chùa cổ nổi tiếng ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Sở dĩ gọi là chùa Trăm Gian, vì theo cách tính cứ 4 góc cột là một "gian" thì chùa có cả thảy 104 gian. Tại đây có 153 pho tượng, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất nung, đặc biệt quý là tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Thế Âm Bồ-tát. Đặc biệt, chùa hiện có 5 đôi rồng bằng đá. Lối đi lên chùa hiện có 3 đôi rồng đá thời Trần được chạm khắc vô cùng tinh xảo, với những kiểu dáng khác nhau, con rồng nào cũng bệ vệ uy nghiêm, theo kiểu tượng khối tròn đầy đủ các bộ phận từ thân, chân, móng, mây… Đặc biệt, các đầu rồng được chạm khắc rất tỉ mỉ, công phu, từ bờm, tóc, mí mắt, râu, miệng, răng… Đây đều là những hiện vật rồng thuộc loại hiếm quý, niên đại thời Trần có một không hai trên đất nước ta và đều còn rất nguyên vẹn. Trên thành bậc lên chánh điện chùa, còn có 2 đôi rồng đá thời Trần lan can thành bậc cửa chùa, có thân dài mập nhưng ghép đầu rồng thời Nguyễn, thể hiện sự tiếp biến văn hóa trong nghệ thuật tạo hình tại Việt Nam.
Suốt bao đời nay, chùa Trăm Gian được coi là một di sản độc đáo và cũng chính là một niềm tự hào của người dân Chương Mỹ. Chùa được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam chứng nhận di tích lịch sử quốc gia.