NSGN - LTS: Trong thời hiện đại, giáo dục Phật giáo nói chung dường như đã không bắt kịp với xu hướng giáo dục của xã hội. Tuy nhiên đây đó vẫn có những cá nhân và tổ chức Phật giáo đã nỗ lực chung tay với xã hội trong việc phát triển giáo dục. Những chia sẻ dưới đây của HT. Wei Wu về giáo dục Phật giáo tại Malaysia là một trong những trường hợp đó.
Qua những chia sẻ này, bạn đọc phần nào thấy được những nỗ lực của Hòa thượng trong việc phát triển một mô hình giáo dục Phật giáo từ cấp mẫu giáo cho đến đại học của chùa Than Hsiang (Đàn Hương tự/檀香寺)ở Malaysia. Đặc biệt, mô hình giáo dục này không chỉ dành riêng cho giới xuất gia mà còn dành cho mọi người trong xã hội. Mặc dù đây chưa phải là một mô hình giáo dục Phật giáo có tầm mức lớn, nhưng đó cũng là một đóng góp đặc thù về việc phát triển giáo dục Phật giáo mà những tổ chức Phật giáo khác có thể tham khảo.
NSGN
--------------------------------------
Nhiều năm trước, khi tôi ở Hồng Kông, tôi được giới thiệu đến một vị bảo trợ chùa chiền hảo tâm. Bà này đồng ý hiến tặng 4 triệu đô-la Hồng Kông cho một trong những trường cao đẳng Phật giáo quốc tế. Sau khi thực hiện xong việc hiến tặng đó, bà đưa tôi ra sân bay Hồng Kông.
Trên đường ra sân bay, bà nói với tôi rằng bà rất buồn vì đã gửi con gái của mình đến học tại một trong những ngôi trường tốt nhất ở Hồng Kông. Tôi nghĩ nhiều người trong quý vị biết rằng hầu hết những ngôi trường tốt, bao gồm những ngôi trường tốt nhất, là do những người Thiên Chúa giáo điều hành, đặc biệt là những người Công giáo, bởi vì họ đã điều hành trường học từ rất lâu. Sau khi con gái của bà học ở trường đó một thời gian, cô bé này không còn muốn theo mẹ đến chùa nữa. Vị thí chủ hảo tâm này thuật lại sự việc cho tôi.
Ảnh minh họa
Gần đây, khoảng một tháng trước, tôi viếng thăm Miến Điện. Quý vị biết Miến Điện là một quốc gia rất sùng mộ đạo Phật nhưng bây giờ tôi nhận thấy rằng có nhiều trường quốc tế ở đó mà chúng do người nước ngoài điều hành, có lẽ là những nhà thờ và họ có biểu học phí rất cao. Tuy nhiên, nhiều người Miến Điện vẫn đưa con cái đến những ngôi trường này bởi vì họ muốn sự giáo dục tốt nhất cho con cái của họ.
Tôi đến Miến Điện dịp đó để tham gia hội thảo lần hai của Hiệp hội những trường đại học Phật giáo Theravāda và có một nhóm tham gia về Phật giáo nhập thế. Khi chúng tôi thảo luận về đề tài này, có một sự đồng ý mạnh mẽ rằng chúng ta nên làm gì đó để tránh loại tình huống này tiếp tục. Vì vậy có lẽ chúng ta nên tự hỏi tại sao Phật giáo không thể xây dựng và điều hành những ngôi trường chất lượng.
Tất cả chúng ta biết rằng những người Thiên Chúa giáo đã xây dựng và điều hành những cơ sở giáo dục từ tiểu học cho đến đại học từ rất lâu. Trong suốt thời kỳ thuộc địa, ở nhiều quốc gia thuộc địa bao gồm cả đất nước chúng ta (Malaysia), những người Thiên Chúa giáo đã tiến hành đẩy mạnh giáo dục và điều hành trường học. Kết quả, ngày nay chúng ta nhìn thấy ở đất nước này, nhiều trường học hàng đầu từ mẫu giáo đến đại học do người Thiên Chúa giáo điều hành.
Tôi nhớ vào buổi gặp mặt giới thiệu ở Kuala Lumpur khi chúng tôi đang lập kế hoạch cho trường cao đẳng này (International Buddhist College), một trong những thính giả Phật tử đã hỏi tôi, “Sao ông muốn xây dựng một trường đại học khác (đại học thứ ba) ở Thái Lan?”. Ông ấy nói rằng ở đó đã có hai trường đại học được nhà nước bảo trợ rồi. Một số trong quý vị biết hai trường đại học này là Đại học Mahamakut và Mahaculalongkorn với phương tiện giảng dạy chính là tiếng Thái.
Vì vậy, khi chúng tôi quyết định thành lập Viện Phật giáo quốc tế, chúng tôi quyết định sử dụng một ngôn ngữ quốc tế. Chúng tôi chọn tiếng Anh và sau đó cũng chọn tiếng Trung. Vì đây là câu hỏi đặt ra cho tôi, nên trả lời, tôi đã hỏi vị ấy, “Ông có biết có bao nhiêu trường đại học Thiên Chúa giáo ở Thái Lan không?”. Đây là một quốc gia Phật giáo nhưng thực sự có bảy trường đại học của Thiên Chúa giáo ở đó, và tuy thế chúng ta đang than phiền rằng chúng ta có quá nhiều. Thực ra, nó không chỉ là con số, mà còn là chất lượng…
Hiện giờ, đại học của Công giáo có 20.000 sinh viên. Trong số đó có 2.000 sinh viên nước ngoài và chúng ta không nói đến người Thái gốc Hoa. Chỉ có 1.000 sinh viên đến từ Trung Quốc. Như vậy đây là một đại học tư hàng đầu ở Thái Lan. Trong khi ở Malaysia này, chúng ta có Đại học Hồi giáo Quốc tế (International Islamic University). Đó không phải là đại học duy nhất, mà ở nhiều quốc gia khác theo đạo Hồi ngay cả ở Indonesia, cũng có nhiều đại học như vậy. Tất nhiên ở nhiều quốc gia Trung Đông, họ cũng có nhiều trường đại học. Tất cả những trường đại học này đã sản sinh nên một số lượng hùng hậu những học giả Hồi giáo hàng năm. Như vậy ngay trong việc so sánh với Hồi giáo, chúng ta đã thua xa họ. Đó là để nói rằng chúng ta xúc tiến quá trễ và cũng trong khi những tôn giáo khác đang đẩy mạnh giáo dục của họ bằng việc tích cực xây dựng các trường đại học, chúng ta lại phần nào bảo thủ.
Ở những quốc gia như Ấn Độ (nơi Phật giáo từng hưng thịnh), Sri Lanka, Thái Lan, Tây Tạng, chùa chiền từng là những trung tâm giáo dục. Trong thực tế, nếu quý vị muốn nhận sự giáo dục tốt bao gồm cả giáo dục thế tục, quý vị đến chùa. Ngay cả ngày nay ở Sri Lanka, có một số trường học hay những cơ sở truyền thống mà chúng từ xưa thuộc chùa chiền Phật giáo.
Có những ngôi trường đặc biệt nhưng tất nhiên do vì ở vùng đó họ không có những trường học khác. Vì vậy khá thú vị là một số học sinh của những tín ngưỡng khác đôi khi học ở những ngôi trường này, thậm chí học chung với các sư chú trẻ. Ở Thái Lan, nhiều ngôi trường, dù là trường tiểu học hay trung học, được xây trong khuôn viên của chùa. Nhưng chúng không hẳn do chùa điều hành bởi vì bộ giáo dục từ lâu đã sử dụng các ngôi chùa như những trung tâm giáo dục. Nhưng sau đó như ở hầu hết các quốc gia, chính quyền nắm giữ vai trò và trách nhiệm giáo dục; và tất nhiên chúng ta cũng biết rằng trong một vài quốc gia tiên tiến, trường và đại học tư đang làm việc tốt hơn những ngôi trường và đại học do nhà nước bảo trợ.
Ở chùa Than Hsiang, chúng tôi đã tham gia vào giáo dục chính quy với một trường mẫu giáo vào năm 1991. Ngôi chùa tọa lạc ở giữa công viên công nghệ cao. Tôi thật sự thấy được nhu cầu có một trường mẫu giáo với những phương tiện tốt dành cho người trẻ ở đó bởi vì nhiều đôi vợ chồng trẻ vào thời điểm ấy chỉ mới có con và chúng sắp vào mẫu giáo.
Vì vậy chúng tôi quyết định bắt đầu một trường mẫu giáo và 18 năm sau, chúng tôi bây giờ điều hành 6 trường ở những bang miền Bắc, không chỉ ở đảo và ở đất liền của bang Penang mà cũng ở bang Kedad. Thực sự, phương pháp của chúng tôi hiện nay là tiếp cận cộng đồng và điều hành trường mẫu giáo nhỏ với ít hơn 100 học sinh mỗi trường. Chúng tôi có trường mẫu giáo chính ở chùa Than Hsiang với khoảng 350 học sinh. Nhưng năm trường khác thì tương đối nhỏ hơn. Như vậy, hoàn toàn dễ dàng để điều hành và quản lý một trường mẫu giáo nếu quý vị có 80 đến 100 học sinh.
Bên cạnh, chúng tôi cũng điều hành nhà dưỡng lão. Hiện tại, chúng tôi thử đặt nhà trẻ và nhà dưỡng lão gần nhau. Chúng tôi cố gắng mang trẻ em và người già lại với nhau. Điều này thực sự rất tốt bởi vì với việc công nghiệp hóa hiện đại của chúng ta, nhiều cặp vợ chồng trẻ phải đi làm việc, vì vậy chúng ta đối diện với hai vấn đề.
Không giống 50 năm trước, hay ngay cả 30 năm trước, khi ấy chúng ta có một cấu trúc gia đình mở rộng. Khuynh hướng bây giờ là những cặp vợ chồng trẻ bắt đầu gia đình riêng của họ và sống riêng biệt trong một căn hộ. Đôi khi, những đứa trẻ hiếm gặp cha mẹ chúng suốt những ngày trong tuần. Mặt khác, những người già cũng đối diện tình huống là không có con cái chăm sóc bởi vì chúng đang làm việc. Vì vậy, nhằm phục vụ cộng đồng và xã hội, chúng tôi vận hành và cố gắng có trung tâm này không chỉ vì những sinh hoạt tôn giáo, mà cũng điều hành những nhà mẫu giáo cũng như nhà dưỡng lão quy mô nhỏ. Chúng tôi cũng lên kế hoạch điều hành những nhà dưỡng lão quy mô nhỏ với khoảng 25 người. Đây là giải pháp mới của chúng tôi cho cả nhà trẻ và nhà dưỡng lão.
Bây giờ, tôi muốn chia sẻ với các bạn về viện Phor Tay. Từ Phor Tay tiếng Sanskrit là Bodhi, mà nó đề cập đến sự giác ngộ của Đức Phật. Vào năm 1935, một vị Ni từ Hạ Môn, Trung Quốc đến Penang và thiết lập viện Bodhi. Đây là một Ni viện, và bà quyết định đặt tên là Phor Tay, cho thấy rằng ngay khi thành lập, Ni sư này đã có quan điểm rằng giáo dục là quan trọng. Không chỉ những phục vụ tôn giáo, mà ngay cả việc giáo dục cũng được nhấn mạnh.
Ni sư sau đó cùng làm việc với những đệ tử và học trò của mình. Đầu tiên, họ khởi xướng một trường học Phật giáo miễn phí để đem giáo dục miễn phí đến cho những người thiếu may mắn, những trẻ em và thực tế họ cũng thiết lập một trại mồ côi. Cuối cùng, thấy cần thiết nên họ thành lập một trường tiểu học cho trẻ em. Khi những học sinh tiểu học hoàn tất chương trình giáo dục tiểu học của mình, họ tiếp tục lập kế hoạch và sau đó xây Trường Trung học Phor Tay.
Đây là một Ni sư đặc biệt, bà đã bắt đầu tất cả các trường học này từ thập niên 30 thế kỷ trước. Thế rồi ngày nay ở viện Phor Tay này, họ điều hành một trường mẫu giáo, một trường tiểu học và hai trường trung học. Trường trung học được thành lập vào năm 1954 và sau đó vào 1962. Nhiều người thuộc trường trung học nói tiếng Trung chấp nhận sự bảo trợ của chính phủ nhưng trường Board tiếp tục vận hành một trường trung học tư thục. Vì vậy kết quả là, có hai loại trường, một được chính phủ hỗ trợ và một là trường trung học tư thục.
Gần đây trường học được chính phủ bảo trợ được di chuyển đến khu vực công nghiệp và cũng không xa chùa Than Hsiang. Do đó, chúng tôi xây lại trường trung học này thành một trường rất lớn…
Cuối cùng cho phép tôi chia sẻ với các bạn về nỗ lực của chúng tôi trong giáo dục đại học, đặc biệt là Phật học. Năm 1992, khi tôi đang học ở New Zealand, tôi có hai người bạn học đại học - Hòa thượng Giáo sư Dhammajoti và Hòa thượng Mahinda. Hòa thượng Dhammajoti đến Sri Lanka và rồi ở đó để hoàn tất khóa cao học và tiến sĩ và tiếp tục giảng dạy ở đó. Ông sống khoảng 25 năm ở Sri Lanka và khi tôi viếng thăm Sri Lanka, ông đề xuất ý tưởng về việc thành lập một cơ sở để đẩy mạnh nghiên cứu Phật học ở Malaysia. Dựa trên sự giúp đỡ của ông, chúng tôi đã làm việc với Đại học Pāli và Phật giáo của Sri Lanka và vào năm 1992, chúng tôi lần đầu tiên mở khóa học chứng chỉ và sau đó là khóa cử nhân.
Trong suốt thời gian đó, Giáo sư Karunadasa đến giảng dạy ở Penang và ông rất tâm đắc sự hợp nhất của Phật giáo Malaysia. Ở đó, ông thấy sự gặp nhau của hai truyền thống Phật giáo lớn là Theravāda và Đại thừa Trung Hoa. Thời điểm đó, Phật giáo Tây Tạng cũng đã bắt đầu đến Malaysia. Ông đã đề xuất ý tưởng thiết lập một trường đại học mà nó dung nạp cả ba truyền thống lớn. Như vậy, ông là người khởi xướng ý tưởng này.
Sau khi xem xét nghiêm túc, chúng tôi thấy Thái Lan là nơi hợp lý để mở đại học này. Có hai lý do chính. Thứ nhất là bởi Thái Lan là một quốc gia Phật giáo. Thứ hai, Thái Lan về vị trí địa lý là trái tim của Đông Nam Á ở khu vực châu Á. Vì vậy, nó ở vị trí trung tâm. Bên cạnh đó, chúng tôi chọn Thái Lan bởi vì nó nằm cận Malaysia và chúng tôi chọn khu vực phía Nam Thái Lan bởi vì đó là nơi gần với chúng tôi nhất.
Năm 1999, chúng tôi chính thức thành lập Quỹ Than Hsiang Thái Lan để đăng ký IBC (International Buddhist College). Thế là chúng tôi tuyển một nhóm cố vấn. Đầu tiên, chúng tôi muốn gọi ngôi trường này là Đại học Phật giáo Quốc tế (International Buddhist University) nhưng sau đó theo lời khuyên của nhóm cố vấn chúng tôi chọn cao đẳng (college) vì không có nhu cầu cho chúng tôi thiết lập ba hay bốn phân khoa bởi vì nếu chúng tôi thành lập nhiều phân khoa, chi phí sẽ càng nhiều. Vì vậy, nếu chúng tôi chỉ đáp ứng nghiên cứu Phật học, thì chúng tôi chỉ cần thiết lập hai khoa, một khoa về nghiên cứu Phật học hay khoa nghiên cứu tôn giáo và một khoa là nghệ thuật tự do bởi vì hệ thống giáo dục Thái là dựa trên hệ thống kiểu Mỹ.
Vì vậy, để bắt đầu chúng tôi cũng đưa ra một vài môn học chung - bốn môn học cốt lõi thuộc nghệ thuật tự do - ngôn ngữ, nhân chủng học, tin học và thống kê để có một nền tảng rộng được xây dựng cho những sinh viên của chúng tôi học cử nhân. Chúng tôi có giấy phép để điều hành cao đẳng này và một năm sau, chúng tôi tiếp nhận khối sinh viên cử nhân đầu tiên đó là vào năm 2004. Sự thực, khi chúng tôi bắt đầu mở khóa cử nhân, chúng tôi thậm chí không biết rằng chính sách giáo dục Thái Lan là rất tự do. Chúng tôi đệ trình xin mở khóa học chỉ bằng tiếng Anh và chúng tôi không bị bắt buộc phải dạy tiếng Thái. Rồi sau đó, sinh viên của chúng tôi trong hai năm đầu, đặc biệt với một số sinh viên đến từ Trung Quốc, phải vật lộn vất vả với tiếng Anh. Họ phải học tiếng Anh trước, đôi khi một năm và số khác có thể cần hơn một năm để nâng cao tiếng Anh trước khi có thể học khóa cử nhân. Đối với họ, chúng tôi thấy rằng nếu chúng tôi cũng có thể mở những khóa học bằng tiếng Trung, điều đó sẽ dễ dàng cho những sinh viên đến từ Trung Quốc và cũng một vài đến từ Đông Nam Á, từ Malaysia và Singapore.
Kết quả là, khi chúng tôi bắt đầu khóa cao học, chúng tôi có chương trình giảng dạy của mình cả bằng tiếng Trung và tiếng Anh và không có vấn đề gì. Nó được chấp nhận. Vì vậy vào năm 1996, chúng tôi tiếp nhận khối sinh viên cao học đầu tiên, sự thực là hai lớp - cả bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Năm rồi, chúng tôi đã bế giảng khối cử nhân và khối cao học đầu tiên. Đồng thời, sau khi bế giảng khóa cao học, một số sinh viên muốn tiếp tục, vì vậy chúng tôi mở khóa tiến sĩ, cũng bằng hai ngôn ngữ và điều đó cũng được chấp thuận.
Về các khóa cử nhân và cao học, chúng tôi trải qua một tiến trình công nhận và chúng tôi làm điều này rất tốt. Hội nghị đầu tiên được tổ chức vào ngày 20 tháng Tám năm ngoái và hiện nay chúng tôi cũng có bốn nghiên cứu sinh tiến sĩ, hai người đăng ký làm bằng tiếng Trung và hai người đăng ký làm bằng tiếng Anh. Chúng tôi cũng đệ trình một chương trình giảng dạy có sửa chữa dành cho cử nhân và bây giờ những sinh viên của chúng tôi cũng được phép chọn hoặc tiếng Trung hoặc tiếng Anh làm phương tiện truyền đạt. Do đó hiện nay, chúng tôi đưa cả tiếng Anh và tiếng Trung vào các khóa cử nhân, cao học và tiến sĩ.
Khoảng một tháng trước, chúng tôi phải trải qua một đánh giá từ bên ngoài về hệ thống đảm bảo chất lượng cho giáo dục cao mà nó tương tự với ISO9000. Ở Thái Lan, tất cả các đại học cho dù là công hay tư phải trải qua việc đánh giá chất lượng này năm năm một lần. Vì năm này là năm thứ năm của chúng tôi trong việc điều hành đại học, vì vậy chúng tôi phải trải qua sự kiểm định này mà nó được ONESCA tổ chức. Thực sự, chúng tôi đã trải qua sự kiểm định này với một kết quả rất tốt. Sự nhấn mạnh của chúng tôi là để chọn một giải pháp bắt đầu với một khối sinh viên nhỏ và chúng tôi đã tiếp tục cách này trong năm năm. Đó là một cơ hội cho chúng tôi nghiên cứu thông qua tiến trình này. Thật sự là một quyết định khôn khéo là bắt đầu với mô hình nhỏ và tập trung vào giáo dục có chất lượng thay vì cố gắng tuyển thật nhiều sinh viên. Chúng tôi thật sự nhấn mạnh vào chất lượng thay vì số lượng.
Vào năm tuyển sinh đầu tiên, chúng tôi có 65 người nộp đơn từ Trung Quốc và họ nộp đơn cho khóa học thông qua internet. Trong số này, chúng tôi chỉ chấp nhận 13 người. Nhưng trong số 13 người này, chỉ có tám người đến bởi vì tại nhiều khu vực ở Trung Quốc, nếu quý vị đang sống ở một thành phố lớn, quý vị có thể có hộ chiếu nhanh chóng. Nhưng nếu quý vị đang sống ở những vùng xa xôi, thì mất hơn nửa năm để xin hộ chiếu. Vì những người đó không thể có hộ chiếu đúng thời hạn, họ không thể tham gia với chúng tôi.
Mỗi năm vào tháng Tư, chúng tôi tổ chức một Dhammaduta Tour. Năm đại học thứ năm của chúng tôi đi qua. Vào năm thứ năm, chúng tôi có khoảng 80 sinh viên. Chúng tôi cũng bắt đầu một giai đoạn thí điểm về việc học qua internet, chọn một vài môn học từ chương trình cử nhân của chúng tôi. Hiện chúng tôi đang lập kế hoạch mở khóa cao học 3 năm thông qua học từ internet từ tháng 9 năm này. Giải pháp học qua internet này là rất quan trọng đối với chúng tôi. Có hai lý do cho việc giới thiệu phương pháp học qua internet này. Tất nhiên internet bây giờ quá phổ biến. Nếu quý vị truy cập internet, quý vị có thể học bất cứ nơi đâu ở trên thế giới và chúng ta có thể đi đến một mục tiêu rất rộng.
Dựa trên những kinh nghiệm của chúng tôi trong năm năm đầu, phần khó khăn nhất trong điều hành IBC không phải về mặt học thuật, mà vấn đề của sinh viên. Do đó, nếu những sinh viên đang ở tại nhà, thực hiện kỳ học của họ, chúng tôi không phải lo lắng về nơi ở của họ cũng như vấn đề sinh viên đến từ những quốc gia khác. Sự thực, mặc dù chúng tôi có 80 sinh viên, những họ đến từ hơn 14 quốc gia với những truyền thống Phật giáo khác nhau và nói những ngôn ngữ khác nhau.
Trước tiên, nó rất khó khăn cho chúng tôi quản lý những sinh viên này bởi nền tảng xuất thân khác nhau của họ. Dù thế nào đi nữa, sau khi họ có thể sống ở IBC, tôi nghĩ họ hiểu giá trị của sự đa dạng này bởi vì họ có thể học hỏi những truyền thống Phật giáo khác nhau từ những sinh viên cùng học và nhiều điều thú vị khác.
Chỉ ở Thái Lan mà chúng tôi có thể bắt đầu một đại học bằng trước hết tập trung vào nghiên cứu Phật học. Một số trong các quý vị biết rằng trong 20 năm qua, nhiều tổ chức Phật giáo đã bắt đầu những đại học ở Đài Loan, nhưng tất cả những đại học này chỉ mới đây thôi, chúng không được phép mở khoa nghiên cứu Phật học. Họ đang điều hành những khóa học thế tục nhờ đó số lượng đầu tư vào mới lớn. Đối với một số trong những trường đại học này, nghiên cứu Phật giáo không thuộc phân khoa Phật học mà thuộc về triết học và tôn giáo so sánh.
Khi chúng tôi điều hành một đại học ở Thái Lan, trước tiên chúng tôi mở nghiên cứu Phật học. Nhưng từ những kinh nghiệm mà chúng tôi có được ở Malaysia này, qua việc điều hành trường mẫu giáo, nhà dưỡng lão, những trung tâm tư vấn, chúng tôi cũng muốn mở những khóa học này. Thực ra, tâm lý học Phật giáo rộng hơn tâm lý học phương Tây. Quan điểm của chúng tôi là mở khóa học tư vấn và mang vào đó yếu tố tâm lý Phật giáo. Thêm nữa, ở hầu hết tất cả các quốc gia, dân số đang già đi, vì vậy chúng tôi cần chăm sóc người già. Do đó, việc chăm sóc người già cũng là một khóa học mà nó sẽ rất hữu ích. Chúng tôi cũng sẽ mở khóa y học Trung Quốc bởi vì chúng tôi đang điều hành phòng phám chữa bệnh sử dụng sự phục vụ của bác sĩ Trung Quốc ở Penang và những khu vực khác ở bang miền Bắc đã hơn 20 năm. Vì vậy, kế hoạch của chúng tôi là lần lượt giới thiệu những khóa học thế tục này vào trong IBC.
Thực ra, điều đầu tiên mà chúng tôi có khả năng sẽ tập trung vào là giáo dục mẫu giáo bởi vì những trường mẫu giáo mà chúng tôi đã điều hành, chúng tôi điều hành rất tốt. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục với quan niệm nhận cái tốt nhất của cả giáo dục truyền thống Đông phương qua đó những trẻ em học tụng đọc kinh điển và cũng từ giáo dục phương Tây dưới dạng giáo dục mẫu giáo mà nó sẽ giúp trẻ em học thông qua chơi. Cả hai hệ thống giáo dục trước khi đến trường này có giá trị tương ứng. Khi chúng tôi kết hợp hai điều này, chúng tôi tạo ra sự hợp nhất.
Kết luận
Nhận xét của tôi là thế này: Nếu chúng ta không đầu tư vào giáo dục, Phật giáo, như là tôn giáo với hầu hết tín đồ ở châu Á, sẽ bị thay thể bởi những tôn giáo khác. Hiện tại ở nhiều quốc gia châu Á, Phật giáo vẫn có số tín đồ đông nhất nhưng nếu chúng ta tiếp tục bước đi như hiện nay của mình, chúng ta sẽ bị thay thế. Một ngày nào đó, chúng ta có thể trở thành không còn thích hợp. Hiện tượng này thật sự đã xảy ra ở Nam Hàn rồi.
Mới đây, khi đến Trung Quốc để tham dự Diễn đàn Phật giáo Thế giới, tôi cũng nhận thấy điều như vậy ở đó. Những người Thiên Chúa giáo đang xông xáo đến đó, bởi vì ở phương Tây, những giáo hội Thiên Chúa giáo, đặc biệt là Công giáo truyền thống, họ từng có những nhà thờ lớn nhưng bây giờ lại có rất ít tín đồ. Kết quả, họ dùng các nguồn đầu tư vào Malaysia rất năng nổ. Ngay cả ở Thái Lan, họ cũng rất xông xáo. Hòa thượng Dhammodaya nói với tôi rằng Sri Lanka cũng đang đối mặt với điều tương tự. Ở Nam Hàn cũng vậy, đã có nhiều người Thiên Chúa giáo hơn Phật tử rồi. Nếu chúng ta không thay đổi thái độ, điều này sẽ xảy ra ở Trung Quốc, có thể trong tương lai không xa. Ước đoán của tôi là trong 20 năm nữa điều này sẽ xảy ra.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cho phép chúng tôi phản ánh về điều này và nhấn mạnh vào giáo dục Phật giáo. Một điều buồn rằng là khi chúng tôi muốn xây dựng chùa, có nhiều người ủng hộ. Nhưng khi chúng tôi muốn thúc đẩy giáo dục Phật giáo, người ta không nhiệt tâm ủng hộ. Sau cùng, tôi thấy vui là được chia sẻ với quý vị những quan sát của tôi và một vài đề án giáo dục Phật giáo ở Malaysia cũng như Trường Cao đẳng Phật giáo Quốc tế (IBC).
HT.Wei Wu
Nguyên Hiệp lược dịch
từ thanhsiang.org