NSGN - Sự chế ngự hay hướng dẫn đúng đắn các giác quan chính là cách thức phát triển những giai đoạn sống cao hơn.
Chế ngự bản thân, ở trong nhiều tôn giáo, được dạy như một đức hạnh. Thiên Chúa giáo, Bà-la-môn và Khổng giáo đều xem nó như vậy. Phật giáo cũng là một tôn giáo đề cao điều này. Chế ngự giữ một vị trí quan trọng trong phẩm hạnh đạo đức Phật giáo. Khắp kinh tạng Pali, chúng ta tìm thấy phẩm hạnh này được dạy trong nhiều dạng thức khác nhau. Ở đây chỉ đề cập một vài trường hợp trong số đó: indriyesu guttavarata (phòng hộ những cánh cửa giác quan), rakkhitamanasano (bảo vệ tâm của mình), vijitindriyo (một người đã chế ngự các giác quan của mình), danto santo niyato (người được kiểm soát, trầm tĩnh và tự chủ), bhavitam cittam (tâm được rèn luyện/tu tập), samvuto patimokkhasmim (người chế ngự bản thân bằng những phương tiện giới bổn/patimokkha), cittam me susamahitam vimuttam (tâm của tôi đã được làm cho yên tĩnh và giải thoát), cittam yassa vasibhutam (người mà tâm được chế ngự), vacanurakkhi (canh chừng lời nói của mình), santa vaca ca kamma ca (lời nói và hành động được làm cho điềm tĩnh), ahare udare yato (kiềm chế trong việc nhận thực phẩm và thọ thực), hattha sannato padasannato vacaya sannato sannatuttamo (một người đã kiềm chế tay, chân và lời nói, và người đã kiềm chế bản thân bằng cách thức khả dĩ nhất). Nhiều từ khác có từ nguyên và nghĩa tương tự được sử dụng để diễn đạt phẩm hạnh này. Sự thật này đủ chứng tỏ sự quan trọng của nó.
Có thể gọi Phật giáo là một tôn giáo của sự chế ngự bản thân. Nếu những ai rèn luyện hoàn mãn ở nơi phẩm hạnh này, vị ấy có thể được nói là một Phật tử hoàn hảo. Những phẩm hạnh đạo đức Phật giáo tất cả hợp nhất trong phẩm hạnh này. Chúng ta không thể nói đơn giản rằng, như Aristotle nói, kiềm chế là một đức hạnh và rằng chúng ta cần rèn luyện cho việc đạt lấy điều đó. Kiềm chế như Phật giáo dạy có một ý nghĩa rộng hơn việc chỉ “tuân theo sự quân bình về niềm vui”. Nó bao hàm tất cả những phẩm hạnh Phật giáo; ở trong một ý nghĩa nó là điểm bắt đầu của việc tu học theo Phật giáo, và đồng thời nó cũng là điểm giữa và kết quả của nó; và việc rèn luyện ở trong phẩm hạnh này phải tiếp tục thông qua cả đời người. Là một Phật tử chân thực, vị ấy phải không được chệch ra khỏi nó dầu chỉ trong chốc lát. Nếu chúng ta không chệch ra khỏi nó dù cố ý hay vô ý, sự tu tập của ta như những Phật tử đã được hoàn thiện. Do đó, nó là phần đầu cũng như phần cuối của việc tu tập Phật giáo.
Bắt đầu với sáu giác quan, chúng luôn được xem như là những cánh cửa (dvara) mà thông qua đó những thứ xấu ác có thể xâm nhập vào trong tâm con người; và do đó canh giữ và bảo vệ chúng, chế ngự, làm yên tĩnh và thanh tịnh chúng thì được xem là việc làm đáng tán thán. Kiểm soát các giác quan và ngăn chặn chúng rong ruổi đã hình thành nên một phần quan trọng của việc tu tập Phật giáo. Đức Phật phân chia hội chúng Tỳ-kheo thành hai phần, theo cách họ được rèn luyện trong việc kiểm soát các giác quan của họ hay không. Thứ nhất là hội chúng của những người kiêu căng, ngã mạn, không kiên định, ba hoa, lắm lời, cẩu thả, lơ đễnh, không điềm tĩnh, tâm thức rối loạn, và buông lung các giác quan của họ (pakatindriya); và thứ hai là những người ngược lại với những người trên, mà điều cuối cùng là các giác quan của họ được khéo rèn luyện (samvutindriya). Ngài gọi nhóm trước là hội chúng thiển cận, và nhóm sau là hội chúng sâu sắc. Như vậy, những người mà các giác quan của họ bị bỏ mặc cho rong ruổi theo trạng thái tự nhiên của chúng và những người khéo rèn luyện giác quan của họ được tách ra một cách rõ ràng. Điều này cho thấy cách Đức Phật nhấn mạnh vào việc kiểm soát các giác quan như thế nào. Con người là những động vật vốn có những cảm xúc hay bản năng mạnh, và vốn khao khát thỏa mãn chúng.
Do đó, nếu họ không được kiềm chế bằng những phương tiện tôn giáo, hay tu tập tâm, tức là, nếu họ bị bỏ mặc cho chạy theo bản tính tự nhiên của họ mà hoàn toàn không có kiềm chế, kết quả sẽ là sự suy thoái đạo đức con người và sự hủy diệt trật tự xã hội. Do đó họ phải được kiểm soát và dẫn dắt đúng thông qua sức mạnh của lý trí và nỗ lực của ý chí, mà chúng lần lượt phải được rèn luyện đúng đắn. Đây là một trong những chức năng mà những tôn giáo tiến bộ phải đảm nhận.
Thêm nữa, chúng ta hòa nhập vào trong xã hội như là những con người xã hội, chúng ta không thể hoàn toàn tránh khỏi việc tiếp xúc với những điều không tốt hay không đúng. Chúng ta không thể chỉ “không nhìn điều bất chính; không nghe điều bất chính”, như Khổng Tử đã nói.
Chúng ta sẽ phải đối mặt với những điều bất chính, cho dù muốn hay không. Và trong những trường hợp như vậy chúng ta sẽ không có phương tiện nào bảo vệ bản thân tốt hơn kiểm soát các giác quan. Khi ấy, với những thứ cám dỗ bên ngoài, chúng ta sẽ thấy là dễ dàng để cưỡng lại chúng. Kiềm chế các giác quan, do đó, là điều quan trọng nhất trong rèn luyện đạo đức. Trong sự liên hệ này chúng ta có thể trích ra nhiều đoạn trong kinh tạng Pali.
Đức Phật nói như sau, trong việc tán thán một vị Tỳ-kheo không bị tác động bởi những đối tượng bên ngoài mà vị ấy nhìn hay nghe: “Ở đây, này các Tỳ-kheo, là một vị Tỳ-kheo người nhìn thấy với mắt, nhưng không bị tác động bởi hình sắc và những đặc điểm của nó. Nếu (vị ấy bị tác động bởi chúng) và sống mà không kiểm soát nhãn căn, như một kết quả, sự khao khát, thất vọng, và những thứ xấu ác sẽ xảy ra với vị ấy. Còn nếu vị ấy thực hiện các bước kiểm soát nó, thì vị ấy canh giữ nhãn căn, và đưa nó vào trong sự kiểm soát hoàn toàn”. Điều tương tự cũng được lặp lại về việc kiểm soát năm giác quan khác của vị ấy là tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Như người xưa bảo vệ thành phố của họ bằng tường thành kiên cố và chỉ cho dân chúng của họ cũng như người ngoại quốc đi qua những lối đi hẹp sau khi khám xét nghiêm ngặt, cũng vậy chúng ta phải kiểm soát những điều mà chúng đi đến tiếp xúc với giác quan của chúng ta và canh chừng chúng, canh giữ chúng tránh bị lôi cuốn và bị làm phân tán bởi những gì chúng ta nhận được ngang qua các giác quan của chúng ta, đặc biệt bởi những điều mà chúng xấu về đạo đức, nhưng mang khoác hình tướng hấp dẫn, và như vậy rèn luyện (danta), chinh phục (vijita) và làm điềm tĩnh (samahita) chúng. Khi chúng hoàn toàn được kiểm soát, việc tu tập của người Phật tử trong một ý nghĩa có thể được nói là hoàn hảo.
Tiếp theo việc chế ngự sáu giác quan, chúng ta phải xem xét lời nói và thân hành, hai trong ba dạng thức hành động, cái thứ ba thuộc về tâm ý. “Chế ngự thân hành là tốt, chế ngự lời nói là tốt” là lời Đức Phật thường dạy. Một điều thú vị trong việc liên hệ với điều này là rằng ba dạng thức của hành vi, tức là thân, khẩu và ý, được xem như là những “cánh cửa”, như là sáu giác quan. Quan niệm dường như rằng những hành vi của chúng ta được thể hiện qua ba hình thức biểu đạt này, hay nói cách khác, chúng đi ra thông qua những cánh cửa này. Từ samvara, từ nguyên của nó là sam (khéo léo) + vr (che đậy), có nghĩa là bao phủ, che đậy, đóng lại, khép lại, kìm giữ, ngăn giữ, kiềm chế”. Như vậy khi chúng ta nói indriyasamvara, chúng ta muốn nói “khép lại” (cánh cửa) của sáu giác quan, để không có những điều xấu ác có thể xâm nhập vào tâm, mà theo quan điểm của Đức Phật, nên giữ không để ô nhiễm, không bị xáo trộn, hay không bị rối loạn. Đức Phật thuyết rằng tâm con người vốn rất sáng rõ, nhưng nó bị ô nhiễm bởi những thứ ô uế. Những thứ xấu ác, rất nhiều, nó dường như, luôn luôn tìm cơ hội thâm nhập tâm thức, và đi thông qua cánh cửa của sáu căn.
Do đó phận việc khôn ngoan của ta là canh chừng chúng, và ngăn những điều xấu ác thâm nhập vào tâm. Chúng ta như vậy một mặt khép lại “cánh cửa” các giác quan, hay canh chừng chúng chống lại những điều xấu ác, và mặt khác khép lại “cánh cửa” hành vi, vì sợ rằng cái xấu ác phát xuất từ chúng. Samvuto tihi thanehi hay “người kiềm chế bản thân trong ba nơi”, là người không phạm những điều xấu ác ở nơi thân, khẩu và ý, và vị ấy là một vị Bà-la-môn chân thật. Nếu chúng ta không cho những điều xấu ác xâm nhập vào thông qua “cánh cửa” của sáu giác quan, và đi ra thông qua ba “cánh cửa” của hành vi, sẽ hoàn toàn không có những điều xấu ác. Điều này dường như là quan điểm của Đức Phật trong việc dạy về chế ngự, và lý do tại sao Ngài hầu như sử dụng từ ngữ có nguồn gốc như vậy, samvara, samvuta, susamvara, susamvuta, cho cả hai trường hợp.
Tuy nhiên, đối tượng chính của chế ngự là tâm. Nếu tâm được kiềm chế tốt, năm giác quan và hai dạng thức khác của hành vi sẽ được kiềm chế tốt. Đây là tại sao việc kiềm chế tâm rất được nhấn mạnh. Nó phải được rèn luyện (bhavita), chế ngự (danta), bảo vệ (gutta), canh giữ (rakkhita), kiềm chế (samvuta), chinh phục (vasikata); nó phải được hướng dẫn đúng đắn (sammapanihita), làm cho trầm tĩnh (santa), làm cho điềm tĩnh (susamahita), và đưa đến sự bất động (thita), hay một trạng thái hoàn toàn bất động (santhita), khi không có điều gì sẽ có thể khuấy động nó. Không có đối tượng xấu ác nào khi tiếp xúc với tâm tu tập cao sẽ có thể khuấy động nó. Một tâm thức như vậy là hoàn toàn thoát khỏi mọi loại xấu ác, và do đó nó nhận lấy tên gọi vimuttacitta hay “tâm được giải thoát”, hay tâm mà nó đã đạt được sự tự do hoàn toàn. Đức Phật nói, “Đây là một Tỳ-kheo với tâm giải thoát hoàn toàn. Nhiều hình sắc, mà chúng có thể được nhận biết qua nhãn căn, đi vào trong cái nhìn của con mắt, nhưng chúng không nắm lấy tâm của vị ấy, mà nó được thanh lọc (amissikata), được làm cho bất động (thita), và vững chãi (anejjappatta). Ngài lại nói, “Do đó, này Tỳ-kheo, các thầy nên tu tập tự thân như sau: nội tâm của tôi sẽ được làm cho bất động, hoàn toàn bất động, và không có điều xấu ác nào, những đối tượng xấu ác nào mà nó sanh khởi sẽ nắm giữ lấy nó”. Đây là điều kiện mà chúng ta được dạy để hướng đến việc tu tập tâm theo Phật giáo.
Sự ảnh hưởng có thể nhìn thấy của sự chế ngự là thái độ điềm tĩnh. Đề cập ở đây cũng là những vị Tỳ-kheo có sự chế ngự viên mãn và kết quả là phong thái điềm tĩnh của họ đã cảm kích ngay cả tâm những vị ngoại đạo, và nhờ đó chuyển hóa được họ. Sariputta đã ấn tượng bởi phong thái trầm tĩnh của Assaji, điều đưa ngài đến quy y với Phật. Phong thái của Assaji được mô tả như sau: “Ông đi tới và đi lui, nhìn thẳng và hai bên, kéo tay ra sau và duỗi chúng ra, tất cả đều oai nghiêm; ông hướng mắt xuống đất, và có oai nghi ở trong hành vi”. Những lời tương tự cũng thường được sử dụng trong việc miêu tả một người có chế ngự. Vị ấy không bao giờ đánh mất ý thức trong bất kỳ tình huống nào mà mình hiện diện. Trong đi, đứng, ngồi, ngủ và thức, khi nói hay im lặng, vị ấy luôn hành động một cách có ý thức.
Đức Phật từng được một vị Bà-la-môn của gia đình Vaccha, cư dân thành phố Venaga, tán thán, “Như một đồ trang sức bằng vàng, hỡi Gotama, mà nó được khéo luyện bởi một thợ hoàn kim thiện xảo, và khéo được chế tác bởi một người thợ khéo tay, phát ra và phản chiếu ánh sáng, như vậy hỡi Gotama, các căn của Ngài thanh tịnh, và sắc da của Ngài sáng chói và thanh khiết”. Như vậy là sự diễn tả về những người có chế ngự. Tâm là khó để chế ngự; nhưng nó có thể chế ngự, như Bhagavadgita nói, và khi nó được chế ngự, phước đức tối thượng sẽ đến.
Về phương diện tâm linh, những người có sự chế ngự bản thân hưởng được phước đức lớn mà người khác không có được. Và đây là đối tượng chính của việc tu tập này, sự điềm tĩnh của người thực hành phẩm hạnh này chính là kết quả tự nhiên của nó.
Pancakamaguna hay “năm lạc thú” mà chúng đi ngang qua năm giác quan nói chung bị loại trừ như là những điều kinh tởm nhất. Niềm vui chân thực thì không thể đạt được bằng việc truy đuổi theo những đối tượng mà chúng làm thích thú con mắt hay những giác quan khác của con người phàm tục (puthujjana), bởi vì cách tìm kiếm niềm vui này chỉ có thể làm chúng ta đạt được niềm vui giới hạn ở trong chừng mực hay ở một vài dịp đặc biệt. Một tâm thức hăng say trong việc tìm kiếm những loại niềm vui này sẽ bị thất vọng và chán nản khi nó không đạt được chúng hay khi chúng không còn vui thú nữa. Do đó chúng ta nhất thiết phải kiểm soát chính mình tránh tìm kiếm những loại niềm vui này, và đặc biệt những loại niềm vui có bản chất xấu ác, hay tránh việc tìm kiếm niềm vui trong việc tiếp xúc của chủ thể và đối tượng bên ngoài. Hướng về tâm của chính mình và cố gắng tìm niềm vui bên trong, bạn sẽ luôn tìm thấy ở đó có sẵn một nguồn vui vô tận dành cho bạn. Đây là những gì Phật giáo khuyến giáo.
Con người, giống như muông thú, vốn hướng đến việc tìm kiếm việc thỏa mãn bản năng. Trong đó có sự khao khát và mong muốn sinh sản, mà nó cốt yếu cho sự hiện hữu của chính họ và cho sự tương tiếp của dòng giống mà họ thuộc về. Sự thỏa mãn những ham muốn này ở trong trường hợp của con người không hoàn toàn có nghĩa là sự thoái hóa đạo đức, với điều kiện là nó được thực hiện theo cách thức đúng, và ở trong một mức độ chừng mực. Nhưng nếu chúng được thỏa mãn theo một cách thức sai hay ở một mức độ quá mức, chúng sẽ gây nên những thương tổn đạo đức. Như bướm đêm bị lôi cuốn đến ngọn lửa bởi sự thúc đẩy tự nhiên của nó, và nó bị thiêu chết ngay lập tức, cũng vậy con người khi quá hăng hái thỏa mãn những bản năng này là không biết về những kết quả đáng sợ của nó mà sự thỏa mãn của chúng có thể mang đến cho họ. Sự thiếu lý trí và yếu ý chí thường dẫn người ta đến những kết quả đáng tiếc này. Do đó, chúng ta phải rèn luyện bản thân để thỏa mãn những mong muốn này trong một cách thức đúng hay ở trong một mức độ chừng mực và hợp lý, hay nuôi dưỡng một sức mạnh bên trong chúng ta mà có thể giúp chúng ta kháng lại được.
Con người, theo một cách, như là những muông thú luôn tìm cách thỏa mãn những tham muốn bản năng của họ, nhưng cách khác, mặc dù nghe có vẻ phần nào nghịch lý, họ khát vọng thanh tịnh hay làm cho mình cao cả hơn, mà theo cách ấy hướng đến một đời sống cao quý hơn. Đây là một đặc ân mà chỉ con người trong số tất cả loài vật có thể thực hiện. Con người rõ ràng có những bản chất đối nghịch này. Họ, khi bản năng tự nhiên được quan tâm, thì giống như muông thú hay con người nguyên thủy; và khả năng bất ngờ có thể biến con người văn minh thành muông thú hay con người nguyên thủy trong chốc lát. Chúng ta thường nghe về “một khoảnh khắc yếu đuối”. Ở khía cạnh này nền văn minh cao của xã hội hay nguyên tắc cao của con người không phải là một sự bảo vệ hoàn hảo chống lại điều xấu có kết quả từ sự xúi giục của cảm xúc. Mà, cách khác, đạo đức, trí tuệ, văn hóa thẩm mỹ mà chúng được mang theo từ thế hệ này sang thế hệ khác đã làm cho họ cách xa với muông thú hay con người nguyên thủy.
Xã hội càng có tu dưỡng, về phương diện đạo đức và những phương diện khác, thì nó được hiểu là xã hội tiến bộ. Nó cũng giống với con người. Một xã hội hay cá nhân càng giàu có trong trí tuệ, đạo đức, hay niềm vui thẩm mỹ, hay ở trong niềm vui tâm linh, thì vật chất càng ít đi. Nói cách khác, khi thú vui mang tính bản năng loài vật càng giảm, thì xã hội hay con người càng thêm văn minh.
Nếu người nào không chế ngự được các giác quan, đạo đức của người ấy sẽ không được giữ gìn tốt; nếu đạo đức của vị ấy không được giữ gìn tốt, chánh định sẽ không đạt được; nếu chánh định không đạt được, trí tuệ mà nó nhìn mọi vật như chúng thật sự là sẽ không đạt được; nếu điều này không đạt được, sự nhàm chán những thứ hảo huyền thế tục và việc giải thoát cảm xúc con người sẽ không đạt được; nếu điều này không đạt được, sự giải thoát, tuệ quán sẽ không đạt được. Sự chế ngự hay hướng dẫn đúng đắn các giác quan chính là cách thức phát triển những giai đoạn sống cao hơn. Đây là điểm bắt đầu của đời sống con người cao quý. Bằng khả năng kiềm chế như những bản kinh được trích dẫn nói, đạo đức sẽ được giữ gìn không bị phá vỡ, và sự định tâm, trí tuệ, những điều mở đầu cho việc chứng đạt quả vị A-la-hán, giải thoát và giác ngộ, sẽ đạt được.
Shundo Tachibana* - Đăng Nguyên dịch
(Nguồn: Shudo Tachibana, Ethics of Buddhism, Curzon Press, London 1994, pp.101-110)
_______________
* Nguyên giáo sư giảng dạy Pali và Phật giáo Nguyên thủy tại Đại học Komazawa-Daigaku (Câu Trạch Đại học/駒澤大學), Tokyo.