NSGN - Như cánh cửa để độc giả Việt Nam đi vào văn học Nhật Bản, Kawabata Yasunari từ lâu đã được nhiều người Việt Nam hâm mộ. Và đến những năm gần đây, độc giả Việt Nam lại đón nhận tác phẩm “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh - một nhà văn đạt nhiều giải thưởng trong nước. (Ở đây, tôi chỉ chọn tác phẩm này làm tác phẩm tiêu biểu để phân tích).
Với tác phẩm này, người đọc bị lôi cuốn vào những cuộc phiêu lưu bất ngờ của nhân vật. Qua đó người đọc cũng nhận thấy nhiều gặp gỡ kỳ lạ giữa hai tác giả. Hai tác giả cùng chịu ảnh hưởng của thiền, mỹ học thiền và văn hóa Phật giáo cổ truyền. Dù bản sắc văn hóa của hai truyền thống Việt - Nhật có những điểm không hoàn toàn giống nhau nhưng cả hai đã trao cho người đọc những cảm hứng về cái đẹp bay bổng, kỳ diệu với chất nhân bản, Phật bản độc đáo. Nhiều khi hai tác giả đã đưa độc giả tiếp cận cảnh giới, tự do… Ở những góc độ vừa chung, vừa riêng, hai tác giả đã thiền giải cuộc sống bằng nghệ thuật riêng của mình.
Kawabata Yasunari, 1946
Thiền vốn bàng bạc trong văn học Nhật, trong sáng tác Kawabata Yasunari. Còn ở Việt Nam, văn thiền là dòng chủ lưu của văn học thời Lý-Trần. Nhưng trong văn học tự sự Việt Nam hiện đại, tác phẩm đậm chất thiền có số lượng không nhiều. “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh là một hiện tượng độc đáo. Đọc sáng tác của hai nhà văn, ta nhận thấy sự gặp gỡ kỳ lạ, không hẹn nhưng cùng gặp.
Thiền vốn là một mạch ngầm trong đời sống người Nhật, chi phối hoạt động xã hội, chi phối hoạt động văn học - nghệ thuật Nhật Bản từ bao đời, mãi cho đến hôm nay. Về phương diện môi trường văn hóa, Việt Nam và Nhật Bản cùng chịu ảnh hưởng Phật giáo Bắc tông. Nhân vật Vô Trần trong “Đội gạo lên chùa” - lúc làm chính ủy đã xác nhận: “Không phải người Việt Nam nào cũng hay lên chùa. Nhưng dù có đi chùa hay không, bất cứ người Việt nào có chút Phật giáo trong huyết quản”. Đó là bản sắc, là cơ tầng văn hóa cơ bản của văn hóa hai nước.
Cả hai tác giả đều đã dùng nhiều bút mực miêu tả hay đề cập đến những ngôi chùa; chùa Rêu, thiền viện Ryoanji… ở Kyotô; thánh địa Yên Tử của Thiền phái Trúc Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Sọ… ở Việt Nam. Những thiền sư danh tiếng của hai quốc gia cũng được viện dẫn trong sáng tác của họ: Dogen, Ikkgu, Fugai,… (Nhât); Tuệ Trung thượng sĩ, Phật hoàng Trần Nhân Tông… (Việt)…
Tính chất thiền trong văn hóa Nhật thường có sự song hành với văn hóa Thần đạo cùng với các lễ hội, vườn cảnh, trà đạo… Thiền ở Việt Nam là mạch ngầm phức hợp. Ta thấy Thiền lẫn với Tịnh độ tông, xa xa là ảnh hưởng của văn hóa thánh mẫu - đặc điểm của văn hóa nông nghiệp. Sư Vô Úy và nhân vật An… vừa ngồi thiền vừa niệm Phật A Di Đà, niệm Phật Quán Thế Âm…
Kawabata Yasunari đã kết hợp truyền thống văn hóa cổ truyền Nhật Bản với những những giá trị mới của Đông - Tây, đó là mỹ cảm phù thế trong giao lưu hội nhập với phương Tây sau Chiến tranh thế giới lần II. Nguyễn Xuân Khánh đã kết hợp truyền thống với hội nhập. Từ tinh thần hội nhập, tác giả nhìn lại những câu chuyện lịch sử dân tộc từ góc nhìn của một tu sĩ thiền, một thiền sinh ở chùa Sọ. Từ đó, nhân vật đi qua cuộc chiến chống Pháp, cải cách ruộng đất, chiến tranh thống nhất đất nước và xây dựng đất nước.
Cái đẹp trong văn chương Kawabata Yasunari là sự phát hiện, chiêm ngưỡng cái đẹp trong lòng nhân sinh. Cái đẹp trong sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh là cái đẹp của sự trong sáng, thánh thiện và cảm động trong cõi nhân gian thật gần gũi, chính trong mỗi con người. “Đừng tìm ở đâu cả. Hãy dựa vào mình. Hãy tìm ở bản thân mình…” [12; 786]. Ở đó có đủ hết mọi điều, có những cái cao cả và hùng tráng…
Kawabata có cái nhìn trẻ thơ, vô chấp, giàu cảm xúc. Nguyễn Xuân Khánh có cái nhìn chân chất nhưng nặng lòng với quá khứ, với lịch sử dân tộc. Kawabata Yasunari đem đến cho tiểu thuyết thấm đẫm chất thiền và thơ. Nguyễn Xuân Khánh đem đến cho tiểu thuyết chất thiền, chất lịch sử, lòng hoài cổ và mong ước giải tỏa những nỗi niềm quá khứ.
Thiền học Việt Nam hiện đại là sự pha trộn, xâm lấn của Tịnh độ tông. Phương thức tu thiền dựa vào công án vẫn được bảo lưu trong “Đội gạo lên chùa”. Công án có thể hiểu như là một câu nói làm cho người học suy tư cả đời, nghi vấn cả đời để đạt đạo. Sư vô chấp kiểm chứng sự giác ngộ của đệ tử Vô Trần bằng công án “Trúc biếc xanh xanh là pháp thân…” (Thanh thanh thúy trúc tống thị pháp thân). Tiếng suối cũng là công án [12; 769]. Tiếng chuông cũng là công án [12; 771].
Tiếng chuông chùa cuối năm ở Kyoto (“Đẹp và buồn"), tiếng chuông chùa ở Kamakura (“Tiếng rền của núi”)… thu hút khách mười phương. Với Nguyễn Xuân Khánh, đó thực sự là một công án để thức tỉnh tâm hồn.
Trong “Đẹp và buồn” (chương Vườn đá), “Otoko chỉ muốn tới tĩnh tọa. Sợ du khách qua lại sẽ tò mò vì nàng ngồi một chỗ quá lâu, nàng làm bộ vẽ để được tự nhiên. Ở Nguyễn Xuân Khánh, nhân vật An cũng cảm nhận như vậy. “Những buổi chiều tôi đi lang thang một mình”. Anh em đơn vị bảo: Lạ thật. An có biết đâu, lúc ấy là lúc tôi đang hoài niệm về sự cô độc” [12; 854]. Phải chăng đó là thiền, là nét đẹp wabi, là đi dần đến “vô niệm, vô tướng”.
Từ vô niệm, ánh sáng được biểu hiện như là bản thể, không còn phân biệt chủ thể và đối tượng. Kawabata nhắc đến điều đó trong diễn từ Nobel. Myoe (Minh Huệ) sau đêm ngồi thiền đã không biết ánh sáng từ trăng hay từ Myoe. Đôi mắt đỏ kỳ ảo trong đêm rọi vào Đức, làm Đức quên đi trả thù: “Có thể đôi mắt đó là lương tâm của tôi, có khi đó là hóa thân của Phật” [12; 863].
Kawabata Yasunari diễn tả khái niệm vô ngã: “Trong suốt thời gian dài người ngồi thiền im lặng bất động nhắm mắt cho đến khi đạt trạng thái vô niệm vô tướng”. Khi ấy cái “ngã” (tôi) biến mất và bắt đầu cái “vô”… Đó là khoảng không, nơi vạn vật tồn tại ngoài mọi rào cản, mọi giới hạn, trở nên tự thân. Đó là vũ trụ vô tận của tâm hồn” [4; 242-243].
Tiếng chuông chùa như là công án giúp An (“Đội gạo lên chùa”) đạt được cảnh giới chân ngã đó. Tiếng chuông chùa gắn liền với kinh nghiệm tâm linh. “… Tôi thả tiếng chuông chùa ngân nga hòa vào khúc nhạc đồng quê. Tôi nằm đấy cũng là thiền chứ sao. Tan vào khúc nhạc kỳ diệu, chẳng còn thấy mình đâu cả, cuộc sống đã chẳng là thiền đến từng giây phút hay sao…” [12; 776].
Từ cảm thức chân không-diệu hữu đó, hai tác giả thể hiện và cảm nhận các nét đẹp qua các tên gọi khác nhau. Đó là ware, sabi, yogen… (theo cách gọi của người Nhật) hay cảm thương trước cái đẹp hữu hạn, vô thường, tâm bình thường, cái đẹp không lời…. (theo cách nói của người Việt). Những cái đẹp này thường hòa lẫn, thẩm thấu vào nhau trước cái đẹp hữu hạn của cuộc đời. Nói chung, chúng là biểu hiện của hài hòa, thanh sạch và yên tĩnh. Ở Nhật, đôi khi những cái đẹp này không chỉ “hòa”, “thanh”, “tĩnh” mà còn thêm vào phạm trù “kính” (thành kính). Những quan niệm mỹ học đó là kết quả của sự hội tụ mỹ cảm do thiền đem lại, giác ngộ cảnh giới vô ngã mang lại. Có khi ở một khía cạnh khác, người ta gọi nó là thi pháp chân không, mỹ học của chân không… Nói chung, nó là bản chất mỹ học chịu ảnh hưởng của Phật giáo mà trực tiếp là thiền. Mỹ học thiền, mỹ học của chân không, thẩm thấu, tương nhập với những ấn tượng, những hình ảnh tượng trưng, những ẩn thức tâm lý của hai tác giả. Nó tương đồng với mỹ học về thể của Đạo trong Lão-Trang, Chân ngã (Braman) của Ấn Độ giáo. “Thấu cảm được mỹ học thiền, ta sẽ mở rộng vô cùng giới hạn của bản thể trong những triết lý về nhân sinh vũ trụ, ta sẽ hiểu một giọt sương có chiều sâu của đại dương vĩ đại, một cánh hoa anh đào rơi gợi cảm giác phù du vô thường của mọi kiếp sinh linh” (Khương Việt Hà) [3; 28]. Đó là “cái đẹp vĩnh cửu của hiện thực tích cực, giàu sức sống và thuần khiết” [3; 7].
Bi cảm, cảm thương trước sự hiến dâng được tìm thấy khi Kawabata miêu tả cuộc đời của các cô gái trẻ như trong “Người đẹp say ngủ”, “Tiếng rền của núi”… Cái giản dị đời thường thể hiện trong những câu chuyện không có chuyện trong “Xứ tuyết”, “Ngàn cánh hạc”…
“Đội gạo lên chùa” có những đoạn miêu tả rất khéo những xúc cảm nảo lòng, không thể nói nên lời. Sau chiến tranh tàn khốc, An bỏ áo lính về lại mái chùa xưa. Cảnh vật đổi thay đến không ngờ. Đi qua chiếc giếng thơm, nơi Rêu đã tắm dưới trăng để không gian tinh khiết ngát hương và cũng là nơi nàng tìm đến cái chết. “Một làn gió thơm, đám mây trắng bay trên nền trời xanh đang loãng ra. Quá khứ chỉ còn sót lại từng ấy thôi ư…” [12; 851]. Phải chăng An đã cảm nhận cuộc sống bằng sự xao xuyến não lòng của cảnh, của tình…
Sau khi hối hả vào chùa, sư phụ đã khuất, chỉ còn lại kỷ vật của thầy là hai chữ ‘tùy duyên” được cắt ra từ “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên” cũng là đoạn khéo tả cuộc sống vô thường trong tâm hồn người trở lại cố hương.
Nguyễn Xuân Khánh với Đội gạo lên chùa
Kế đến là đoạn An tìm Huệ. Lúc này Huệ chỉ còn một chân do chiến tranh và sống trong một xóm nghèo bên bờ sông Hồng. “Huệ chống nạng phơi áo ở sân, vừa nhìn thấy tôi đã sững người ra, đánh rơi cả chiếc áo xuống đất” [12; 355]… Phải chăng trong hai nhân vật đều không khỏi xao xuyến và buồn đến nao lòng. Lúc đó, An tự thú: “Tôi chẳng biết nói gì với Huệ” [12; 356]. Đó phải chăng là cái đẹp, cái cảm động tiềm ẩn, bỏ lửng, không nói ra, yogen?
Cùng lên chùa nhưng ở hai tác giả xây dựng cho nhân vật của mình bằng những cách thức khác nhau. Takichiro Xada khao khát sự cô tịch nên thuê một buồng trong chùa (“Cố đô”), Oki lên chùa vì muốn nghe tiếng chuông và tìm kỷ niệm (“Đẹp và buồn”). An đến chùa vì chiến tranh, vì cha mẹ bị giặc sát hại, phải nương nhờ cửa Phật.
Trong sáng tác của Kawabata Yasunari, ngoài cảnh chùa xinh đẹp, thiên nhiên hữu tình còn có những cô gái Nhật trẻ trung, yêu kiều. Những cô gái được miêu tả bằng sự thanh khiết và lòng ngưỡng mộ, thành kính. Đó là Komako tươi mát (“Xứ tuyết”), Yoko trong trắng (“Xứ tuyết”), Yoko thủy chung (“Thủy nguyệt”), Fumiko tế nhị, kín đáo, sâu sắc (“Ngàn cánh hạc”)…
Tuy không phải là người nghệ sĩ duy mỹ như Kawabata, Nguyễn Xuân Khánh đã phản ánh vẻ đẹp Việt Nam trong sáng và đáng yêu bằng mối từ tâm. Thiên nhiên đất nước Việt Nam và những cô gái như Nguyệt, Rêu, Huệ, Hiếu… làm người đọc khó quên. Không có những suối nước nóng, những mùa hoa anh đào nhưng ta có thể bắt gặp những lũy tre làng, giếng nước thơm và trong, những mái tóc xanh chấm gót… Tác giả say đắm trước vẻ đẹp truyền thống Việt Nam bằng cái nhìn dung dị, bằng tình thương yêu rộng mở. Đôi khi tác giả giải thích bằng hình tượng những tiên nữ rải hoa xuống trần gian để ẩn dụ lòng yêu thương lan tỏa. Tác giả say mê miêu tả vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trong khói lửa, đẹp tươi, đầy sức sống nhưng kín đáo khép sau bộ áo nâu sồng cũ kỹ, chiếc khăn vuông… không trang điểm. “Chị tôi gội đầu và hong tóc bên bờ ao dưới ánh nắng chiều… thật yểu điệu” [12; 85]. Có phải tác giả có chút liên tưởng đến nét đẹp cổ mẫu “yểu điệu thục nữ” không?
Bên cạnh đó là Rêu với nét đẹp mong manh, dễ vỡ. Rêu lén tắm ở giếng thơm trong chùa Sọ làm cho đất trời tỏa hương thơm mãi [12; 234]. Nhà văn còn tìm thấy ở Huệ nét đẹp riêng: “Ở cô toát ra sự thanh sạch và hiền hậu” [12; 629]. Nét đẹp ở Hiếu là tình cảm trong sáng của người con, người cháu hiếu thảo gây xúc động lòng người… Họ là những con người trong sáng, lương thiện, là tinh túy của đất trời, mỗi người một vẻ nhưng ở họ có thể thâu tóm nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Ở họ cũng có phảng phất cuộc đời hoạn nạn của Kiều trong tác phẩm kiệt tác của Nguyễn Du…
Ở Kawabata Yasunari, ta ít thấy những tuyến nhân vật chính và phản diện, những nấc thang giá trị luân lý. Đó phải chăng là do tinh thần vô phân biệt của thiền đem lại. Ở Nguyễn Xuân Khánh, ta thấy có đoạn nói về tâm yêu thương: “Tâm từ là thương yêu tất cả chúng sinh. Tâm bi là thương xót người đang gặp đau khổ… tâm xả không dính chấp tới những được thua ở đời” [12; 74]. Tác giả đã dày công xây dựng nhân vật An với tâm yêu thương rộng mở trong giải quyết các vấn đề ân - oán, thù - bạn…
Bên cạnh An, các nhân vật khác như Rêu, Huệ, Hiếu, Đức… cũng có những biểu hiện sinh động khác nhau trong những thời điểm khác nhau của lòng từ. Tuy nhiên nhiều chỗ trong “Đội gạo lên chùa” có những quan điểm đạo lý dân tộc. Tác phẩm cũng tiếp nhận văn hóa dân gian trong việc thể hiện những nét đẹp có sắc màu cổ tích và tên tác phẩm đã là mở đầu một bài ca dao “Ba cô đội gạo lên chùa…”. Tác phẩm không có mô hình tài tử - giai nhân nhưng có mô hình tu sĩ - giai nhân. Tác giả cũng ý thức được sức hút ghê gớm của đạo Phật và sức mạnh của nữ sắc và ý thức giới luật…
Có thể tác giả “Đội gạo lên chùa” đã đọc những tác phẩm của Kawabata Yasunari nhưng chủ yếu là sự gặp gỡ từ hai mạch văn hóa truyền thống nằm sâu trong lòng thời đại.
Bên cạnh yếu tố thiền, sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh còn có những vấn đề lịch sử, chiến tranh, đạo đức xã hội… Yếu tố thiền ở đây tất đậm đà và có nhiều đoạn, nhiều điểm nhịp nhàng, tương ứng, có thể đối sánh với sáng tác của Kawabata. Đó là sự giao lưu văn hóa tự nguyện, tất yếu. Nó làm phong phú thêm cho văn học các nước khác nhau trên thế giới, làm cầu nối và mối thông cảm giữa những người đem lại những giá trị nghệ thuật, những giá trị nhân văn cho cuộc sống…
TS.Huỳnh Quán Chi (Đại học Tiền Giang)
Tài liệu tham khảo
1- Nhật Chiêu (1994), Basho và thơ Haiku, NXB. Văn học và ĐHTH TP.HCM.
2- Nhật Chiêu (2003), Nhật Bản trong chiếc gương soi, NXB.Giáo Dục Hà Nội.
3- Khương Việt Hà (2012), Mỹ học Kawabata Yasunari, http://vienvanhoc.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/VanHocNuocNgoai/View_Detail.aspx?ItemId=16
4- Đào Thị Thu Hằng (2007), Văn hóa Nhật Bản và Yasunari Kawabata, NXB.Giáo Dục Hà Nội.
5- Kawabata Yasunari (1969), Ngàn cánh hạc, Trùng Dương dịch, NXB.Trình bày, Sài Gòn.
6- Kawabata Yasunari (1988), Cố đô, Thái Văn Hiếu dịch, NXB. Hải Phòng.
7- Kawabata Yasunari (1989), Tiếng rền của núi, Ngô Quý Quang dịch, NXB.Thanh niên, Hà Nội.
8- Kawabata Yasunari (1998), Thủy nguyệt, Nguyễn Đức Dương dịch, trong “Đốm lửa lạc loài”, NXB.Văn nghệ, TP.HCM.
9- Kawabata Yasunari (2009), Đẹp & buồn, Mai Kim Ngọc dịch, NXB.Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM.
10- Kawabata Yasunari (2012), Người đẹp ngủ mê, Quế Sơn dịch, NXB.Hội Nhà văn, Hà Nội.
11- Kawabata Yasunari (2000), Vũ nữ Izu, Mỹ Hà dịch, trong Truyện ngắn Nhật Bản, NXB.Trẻ, TP.HCM.
12- Nguyễn Xuân Khánh (2006), Mẫu Thượng Ngàn, NXB.Phụ nữ, Hà Nội.
13- Nguyễn Xuân Khánh (2010), Hồ Quý Ly, NXB.Phụ nữ, Hà Nội.
14- Nguyễn Xuân Khánh (2011), Đội gạo lên chùa, NXB.Phụ nữ, Hà Nội.
15- Hữu Ngọc (2006), Dạo chơi vườn văn Nhật Bản, NXB.Văn nghệ, TP.HCM.
16- Daiset T. Suzuki (1973), “General Remarks on japanese art culture”, in “Zen and Japanese culture”(p.19- p.38), Princeton University Press.
17- D.T.Suzuki (2013), Thiền và văn hóa Nhật Bản, Thích Nhuận Tánh dịch, NXB.Hồng Đức, Hà Nội.