Thế nhưng, để xây dựng một gia đình lý tưởng, đong đầy hạnh phúc, lại không phải là chuyện dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi mỗi người phải biết tự mở rộng dung lượng trái tim, bỏ đi “cái ta” cá nhân hẹp hòi, để thật sự hiểu và thương người kia như thương chính bản thân mình vậy.
Theo nhà Phật, những chất liệu làm nên một gia đình hạnh phúc là người vợ phải biết chung thủy, yêu thương, kính trọng chồng; luôn làm tốt bổn phận của người vợ mẫu mực, khéo quản lý tốt tài sản của gia đình; hành xử mực thước với kẻ trong người ngoài, sống tích cực theo năm điều đạo đức. Người vợ như vậy được Đức Phật tán dương là vị “thiên nữ” trong gia đình.
Đồng thời, bổn phận làm chồng cũng luôn cần quan tâm đến vợ; yêu thương, thủy chung, tôn trọng; giao quyền quản lý gia đình, nuôi dạy con cái cho vợ; cùng vợ thực hành tâm từ bi, không sát nhân hại vật, không gian tham trộm cướp, không mê hoa đắm sắc, không lừa dối, đâm thọc, không say sưa nghiện ngập. Người chồng với những đức tính tốt đẹp như vậy, cũng được Đức Phật xem là một vị “thiên nam” ở nhà.
Không chỉ thế, gia đình còn là nơi tiếp nối, duy trì, phát huy những giá trị tốt đẹp và truyền thống quý báu mà tổ tiên, cha ông đi trước đã gầy dựng, từ đó truyền tải đến các thế hệ con cháu kế thừa. Thuần phong mỹ tục, nề nếp gia phong của cả hai họ cần được trân quý như viên ngọc ma-ni vô giá, hầu nêu cao tinh thần hiếu đạo, kính trên nhường dưới, cảm thông chia sẻ, thương yêu đùm bọc giữa mỗi thành viên trong gia đình với nhau.
Vì lẽ, gia đình là nơi mà ai cũng cần được thừa hưởng tình yêu thương vô điều kiện, không ai bị bỏ lại sau lưng, nhất là khi yếu thế, buồn lòng. Người kia luôn có cảm giác được người này nâng đỡ, và ngược lại, người này cũng luôn được người kia cảm thông, trợ lực những lúc khó khăn. Thậm chí, kể cả khi mất niềm tin, chán đời, tuyệt vọng, họ lại càng nhận được sự bao dung, tha thứ, động viên của những người thân trong gia đình.
Một gia đình không thể được gọi là hạnh phúc, nếu mỗi người trong ấy chỉ biết sống vị kỷ cho riêng mình, “việc ai nấy làm”, phớt lờ đi nỗi khổ niềm đau của người kia, hờ hững trước niềm vui, sự thành đạt của vợ chồng, con cái. Bởi lẽ, trong mối tương quan duyên sinh, thì hạnh phúc của cả gia đình phải được xây đắp bằng hạnh phúc của từng người. Nó cần được gắn kết với nhau bằng chất liệu keo sơn đặc biệt của tình thương, sự hiểu biết, tinh thần tin yêu, tôn trọng, cảm thông, chia sẻ, tha thứ,...
Hơn ai hết, mỗi người tự hiểu rõ chính mình và hiểu rõ những điểm ưu nhược của gia đình mình nhất. Giống như việc xây sửa một ngôi nhà, hễ thiếu vật dụng, chất liệu gì, thì bổ sung, bù đắp; hễ chỗ nào cần gia cố, điểm tô, thì hết sức gia tâm, cẩn trọng. Từng ngày tháng để hết tâm trí chăm lo, vun đắp cho gia đình, chắc chắn bạn sẽ có một tổ ấm như mong đợi.
Thích Tuệ Nhật
Phó Thư ký, Phó Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN