Chị tôi và Sài Gòn

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Những ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở nước ta, đặc biệt là ở TP.HCM, tôi và gia đình vô cùng lo lắng. Nỗi lo lắng ấy càng nhiều hơn khi tại một số khu công nghiệp có ca mắc Covid-19.

Bởi lẽ, chị gái tôi đang làm việc tại công ty giày da Pouyuen, nơi cách đây không lâu ghi nhận ca dương tính với nCoV.

Quê tôi ở một tỉnh của miền Tây. Cũng như bao người dân ở quê, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, chị rời quê lên Sài Gòn để làm việc cho công ty giày da của nước ngoài. Tôi biết, chị buồn lắm, bởi chị vẫn có những ước mơ, hoài bão cho riêng mình. Thế nhưng, vì hoàn cảnh gia đình nên chị đã nhường lại cơ hội học tập cho các em.

Vậy là cũng hơn 15 năm nay, chị tôi đã gắn bó với mảnh đất Sài Gòn. Mỗi năm chị vẫn về thăm nhà, thăm quê. Theo thời gian, qua câu chuyện của chị, tôi thấy rằng, chị đã phải lòng nơi này. Cũng phải thôi, tình yêu làm đất lạ hóa quê hương mà.

Khu C Công ty Pouyuen bị phong tỏa, chiều 9-6
Khu C Công ty Pouyuen bị phong tỏa, chiều 9-6

Vào những ngày dịch bắt đầu bùng phát ở TP.HCM, mỗi ngày tôi đều gọi điện hoặc nhắn tin hỏi thăm chị về tình hình dịch bệnh ở trên đó, cũng như nhắc nhở chị cẩn thận hơn trong việc phòng, chống dịch.

Có lần, tôi đã bày tỏ ý nghĩ với chị: Hay là xin nghỉ hết các ngày phép năm rồi về quê cho an tâm hơn. Thế nhưng, chị đã gạt ngay ý nghĩ của tôi. Chị nói: "Lúc này, ai ở đâu thì nên ở đó, với lại dù dịch bệnh nhưng cũng phải cố gắng làm việc cùng công ty".

Ngay sau khi TP.HCM ghi nhận ca mắc Covid-19 ở khu C của công ty Pouyuen, tôi càng lo lắng hơn. Vì chị cũng đang làm cùng khu với ca mắc Covid-19 nhưng khác tầng.

Có lẽ, khi gắn bó với Sài Gòn lâu thì con người ta càng yêu thương, đồng hành, chia sẻ với mảnh đất này. Chị vẫn bình tâm, còn lòng tôi thì như lửa đốt. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm xong, hằng ngày chị vẫn đến công ty làm. Tại công ty, các biện pháp phòng chống dịch được đặt ở mức độ cao.

Và những ngày qua, khi quận Bình Tân có nhiều ca mắc Covid-19, tôi cũng gọi điện cho chị bảo nên mua thức ăn để dự trữ, hạn chế đi ra ngoài khi hết giờ làm. Chị bảo: "Mọi người ở đây đều có ý thức tốt trong việc phòng dịch. Các cửa hàng thiết yếu vẫn mở cửa bán".

Qua điện thoại, chị còn trấn an tôi: "Ở đây không có lo đói đâu. Bên ngoài vẫn có những cửa hàng giá 0 đồng, ATM gạo, rồi các nơi cung cấp đồ ăn miễn phí. Kẹt quá ra đó xin về ăn. Sài Gòn đâu có để cho ai đói trong mùa dịch mà em sợ".

Cây ATM gạo "mọc" lên trong mùa dịch bệnh ở mảnh đất Sài Gòn - TP.HCM

Cây ATM gạo "mọc" lên trong mùa dịch bệnh ở mảnh đất Sài Gòn - TP.HCM

Qua lời kể của chị về Sài Gòn - TP.HCM trong những ngày dịch bùng phát mạnh mẽ, tôi dần cảm thấy yên tâm hơn cho chị - người đang sống và làm việc từ vùng dịch. Và cũng qua lời kể của chị, tôi lại càng cảm nhận về tình đất, tình người ở nơi ấy.

Có lẽ, lúc này, lòng chị cũng như bao người dân Việt Nam vẫn luôn cầu mong dịch bệnh sớm hết. Đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, doanh nghiệp trở lại bình thường. Sự rộn ràng, náo nhiệt của Sài Gòn sẽ trở lại như xưa. Và cũng có thể, người ta vẫn thèm nhìn cảnh đông đúc mỗi khi tan tầm.

Từ một nơi cách xa Sài Gòn, lòng tôi vẫn luôn mong Sài Gòn bình an. Dịch Covid-19 sớm được khống chế để trả lại cho Sài Gòn - TP.HCM vẻ đẹp vốn có và sự ồn ào, hối hả trên từng con đường.

Hẹn nhé Sài Gòn, hết dịch tôi sẽ đến thăm.

Thu Thủy

Bài viết về Sài Gòn mùa giãn cách của bạn xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn, sẽ được chọn đăng trên Giác Ngộ Online và báo in Giác Ngộ (Chủ đề xin ghi: Sài Gòn mùa giãn cách).

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.