Chạm tới cảnh giới khác

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1190 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1190 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 (Nguyên tiêu xuân Quý Mão) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Hoàng Thành, người yêu thơ rất ấn tượng khi được chiêm ngưỡng “Đường thơ”.

Tại đó trưng bày 100 câu thơ có thể được gọi là “tinh túy” của nền thơ Việt từ cổ chí kim, được thể hiện trang trọng trên những chiếc hộp bề thế.

Dạo trên Đường thơ, ta được tái ngộ với nhiều câu thơ vừa mang thiền vị, vừa đầy chất trí tuệ, vừa như chạm tới cảnh giới khác. Đứng ở đầu Đường thơ là câu thơ của Đạo Hạnh thiền sư:

“Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không”.

Từ Đạo Hạnh (1072-1116) là Thiền sư đời Lý, ông nổi tiếng với bài kệ “Hữu không” đã gom được hết ý cơ bản của Thiền tông. Bài kệ có nguyên văn chữ Hán: “Tác hữu trần sa hữu/ Vi không nhất thiết không/ Hữu vô như thủy nguyệt/ Vật trước hữu không không”; được học giả Phan Kế Bính dịch như sau:

“Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Kìa xem bóng nguyệt lòng sông

Ai hay không có, có không là gì?”

Theo diễn giải của tiền nhân, thì nội dung bài kệ chỉ ra rằng: có thì hạt cát, hạt bụi cũng là có; nếu quyết là không thì tất cả đều không. Có/không như bóng trăng dưới nước. Chớ cho rằng cái không có. Bài kệ toát lên quan điểm của Phật giáo, cho rằng cái hữu không (Sắc tức thị không) và cái không lại cũng là không nốt cho nên nếu cố chấp ở cái không hiện hữu là đã rơi vào một sai lầm mới. Triết lý nhà Phật chủ trương không-không (néant) tĩnh tại và an lạc.

Trong tư tưởng đạo Phật, thế gian vốn “vô thường” luôn luôn biến dịch giống như chiếc bánh xe luôn quay hoặc như một dòng suối triền miên tuôn chảy, dù trong một khoảnh khắc thật ngắn vẫn chuyển tiếp đến sự kế tục. Vô thường chính là vạn vật biến dịch, nó phát sinh từ cái khác rồi lại chuyển biến thành cái khác nữa; không những vô thường trong từng năm, tháng, ngày, giờ mà còn vô thường trong từng sát-na sanh diệt luân hồi và đau khổ triền miên. Vì vậy, tất cả cái có đều sẽ biến mất theo quy luật “Thành - Trụ - Hoại - Không”, để rồi rốt cuộc cái không mới chính là Niết-bàn. Niết-bàn là thường, lạc, ngã, tịnh.

Tuy nhiên, những diễn giải phân tích của tiền nhân về bài kệ của Đạo Hạnh thiền sư với những kiến giải cao siêu thâm hậu đó, với người ở mức sơ ngộ như tôi chưa dễ gì lĩnh hội được đủ đầy. Bởi vậy, suốt hàng chục năm nay, tôi cứ tự nghiền ngẫm về câu thơ này, với mong muốn có thể diễn giải được theo cách hiểu của riêng mình.

Tôi muốn đi ngược lại hành trình câu kệ để tìm về khởi nguồn thủy cội, từ ý niệm Thiền tông tất cả đều là “không”, là ảo ảnh như ánh trăng nơi đáy nước, tôi đi ngược về câu mở đầu: “Có, thì có tự mảy may”. Chợt hoát ngộ, tất cả đều là có. Ngay cả ánh trăng nơi đáy nước không phải là ảo ảnh, mà chính là sự thực hiện hữu khi ta được chiêm ngưỡng cảnh đó. Đó chính là cảnh giới thực.

Bấy lâu nay, ta cứ xoáy tròn với câu hỏi: cõi người, cõi động vật là có thực vì ta luôn nhìn thấy. Nhưng cõi Trời (Phạm thiên), cõi A-tu-la, cõi Ngạ quỷ có thật hay không? Đạo Phật nói, cõi Trời, cõi A-tu-la, cõi Ngạ quỷ là những cảnh giới khác với cảnh giới mà ta không nhìn thấy, chỉ có những người đạt đến độ nhận thức được cảnh giới khác, thì mới nhìn thấy các Phạm thiên, các A-tu-la, Ngạ quỷ.

Vì sao ta không thể nhận biết được những cảnh giới khác? Bởi vì, chúng ta chỉ có 5 giác quan: mắt để nhìn, tai để nghe, lưỡi để nhận vị giác, mũi để nhận khứu giác, các xúc giác ở da và tay để nhận cảm giác. Muốn nhận biết được các cõi khác, cần phải có những giác quan khác, mà những giác quan này không có ở con người.

Khi đọc những câu chuyện về địa ngục, về chuyện những người mắc tội khi chết phải chịu đựng cực hình trong địa ngục, rất nhiều người đã hồ nghi với câu hỏi: Địa ngục ở đâu? Bởi dưới lòng đất không có bất cứ địa ngục nào. Khi đọc chuyện ngài Mục Kiền Liên có nhãn quan thần thông nhìn thấy mẹ trở thành quỷ đói ở dưới địa ngục, trước đây tôi cũng tưởng tượng ra một địa ngục ở đâu đó, dưới lòng đất, với người đàn bà đau đớn và đói lả, nhưng bao nhiêu thức ăn đưa đến trước miệng đều cháy thành tro không thể nào ăn được.

Địa ngục đó ở đâu, hình ảnh đó thật là vô lý. Ngẫm nghĩ qua mấy chục năm tuổi đời, tôi ngộ ra rằng, chẳng có địa ngục nào ở dưới lòng đất cả. Khi ta chết đi, nếu nghiệp chướng bị đày làm ngạ quỷ, tức là ta sẽ tái sinh vào một cảnh giới với thân xác không có đủ các giác quan và các bộ phận toàn vẹn của cơ thể người, tức là không có miệng để ăn, nhưng vẫn có giác quan để cảm nhận cái đói. Khi đó, giác quan đói sẽ liên tục truyền về thần thức cái cảm giác đói giày vò, nhưng ta không thể ăn được thức ăn, sẽ quanh năm chịu đựng cảm giác đói.

Cũng vậy, nếu những thụ cảm giác quan nóng bức liên tục truyền về cảm giác nóng, ta sẽ như người bị đốt trong lửa. Nếu ta tái sinh vào một thân thể với đầy đủ những thụ cảm giác quan đau đớn về thần thực, mà thiếu đi những phần thân thể, hay những giác quan khác, thì ta sẽ suốt ngày phải chịu đựng sự đau đớn. Địa ngục là như vậy, chứ không phải là có những cai ngục đánh đập, hay đốt cháy thân xác chúng ta ở một cõi nào đó.

Từ khi ngộ được câu thơ “Có thì có tự mảy may”, tôi đã hiểu rằng, tất cả đều có thật, những cảnh giới mà ta còn hồ nghi là bởi ta không có được những giác quan khác để nhận thức về những cảnh giới đó. Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã chạm được tới những cảnh giới khác, nên mới đúc kết được thành câu kệ: “Có, thì có tự mảy may/ Không, thì cả thế gian này đều không”. Đó không chỉ nhận định rằng “cả thế gian này đều không”, mà khẳng định: Tất cả đều có, một mảy may gì cũng có, cũng thật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.