GN - Mỗi năm, cứ đến mùa Phật đản, tôi nhớ đến cha tôi như hình ảnh một cư sĩ hoạt động hăng hái vì Phật sự. Gia đình tôi, dĩ nhiên ai ai cũng hân hoan đón mừng Phật đản, nhưng cha tôi là người chuẩn bị sớm cho mùa lễ trọng đại này, không chỉ trong nhà mà cho khuôn hội và Gia đình Phật tử (GĐPT) địa phương, nhất là với GĐPT.
Đoàn sinh GĐPT
Cha tôi là một nhà giáo. Thuở thiếu thời ở nông thôn khó khăn, may mắn được học bổng theo bốn năm đầu bậc trung học, tốt nghiệp sư phạm, cha tôi được bổ nhiệm vào dạy học tại thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Mãi cho đến thời gian đó, cha tôi không nói gì về chuyện theo Phật, mà tôi chỉ nghe cha tôi theo phong trào Hướng đạo, say mê những bài hát về thanh niên, hứng thú với cắm trại, đi bộ dã ngoại, với sinh hoạt tập thể, với rèn luyện cá nhân. Thế rồi cha tôi được thuyên chuyển về thị xã Quảng Trị, tại đây sừng sững một ngôi chùa trang nghiêm và hiền hòa bên dòng sông Thạch Hãn, dân gian gọi là chùa Tỉnh Hội, rộng mở cho cha tôi vào tu tập và sinh hoạt tại chùa, như cá gặp nước, để cho ông nhà giáo và ông hướng đạo hòa quyện vào nhau thành một người cư sĩ Phật tử trong sáng phục vụ đạo pháp.
Hồi đó, tôi còn quá nhỏ, trong nhà có bốn anh em, với ba trai đầu và một em gái (say này tôi có thêm một em gái nữa, cả thảy là năm anh em). Cứ mỗi sáng Chủ nhật, cha tôi cùng ba anh em trai đi chùa, lạy Phật, thẩn thơ trong chùa và ngoài sân, trong chùa có Phật, ngoài chùa có hoa lá, hàng cây phượng và dòng sông. Lần đầu tiên đến chùa, đang còn rụt rè, cha tôi kêu: “Con đến chào thầy đi con!”. Tôi đến, lớ ngớ không biết chào như thế nào, ai nấy đều cười, riêng thầy, chỉ cười nhẹ và xoa đầu tôi. Từ đó, thầy khai mở tâm hồn tôi theo Phật, và không ngờ, đệ tử này lớn lên vẫn may mắn được hầu thăm, đảnh lễ thầy, vì sau này thầy chính là Ôn trụ trì chùa Kim Tiên ở Huế, và tôi cũng đã ở Huế. Ở chùa Tỉnh hội Quảng Trị, cha tôi đã xin thầy cho ba anh em tôi quy y Tam bảo, thầy hoan hỷ và đặt pháp danh, lần lượt là Tâm Bồ, Tâm Đề, Tâm Kiên, và đặt luôn pháp danh cho đứa em gái ở nhà là Tâm Cố (ba anh em thì vui, còn đứa em gái thì hơi rầu rầu một chút - Tâm Cố, nghe răng mà lạ! - thế nhưng lớn lên, em tôi rất vui được thầy đặt pháp danh rất hay, với ý nghĩa Bồ Đề Kiên Cố, rất độc đáo cho cả bốn anh em).
Trong thời gian ở Quảng Trị, cha tôi là hiệu trưởng trường tiểu học, nghiêm nghị tại trường, nhưng về chùa lại rất hiền hòa, có thế mới là cư sĩ chủ chốt của đạo tràng và GĐPT chứ! Trong mấy anh em, chỉ có tôi được đến GĐPT, chứ hai anh thì đã vào Huế học, nhưng tôi chỉ sinh hoạt một thời gian rất ngắn và cũng chỉ… ăn theo, làm theo như là dự bị. Đi trại thì đi cho vui, cũng mang theo gạo, củi…, cũng thổi lửa, cũng nối dây thân ái… Sau này tôi quên khá nhiều thời thơ ấu, thế nhưng các bài hát là không quên: Trầm hương đốt xông ngát mười phương… Dòng A-nô-ma sóng nhấp nhô bờ lau xanh… Ngày mồng tám tháng Tư về đây (1)… Còn bài hát nữa, hình như cha tôi nhập từ hướng đạo: Cơm canh kia rồi, chúng ta cùng ngồi ăn, cùng ngồi ăn. Nhưng anh em nên nhớ rằng, hạt cơm kia từ mấy tháng trời, anh em nông phu ra công cày công xới, bao mồ hôi…
Niên thiếu ở Quảng Trị qua đi, gia đình tôi vào Huế từ khi tôi vào trường trung học. Anh em chúng tôi mải mê theo việc học, không ai theo GĐPT. Cha mẹ tôi cũng không ép. Mẹ tôi theo Phật cung kính tại nhà, hương hoa chu đáo, thỉnh thoảng đến chùa Kim Tiên và khuôn hội lễ Phật, vấn an thầy, thăm bà vãi và các chú, các điệu, còn cha tôi, sinh hoạt Phật sự không suy suyển, trái lại, còn đa dạng hơn, như cùng các bác ở địa phương mua đất, xây dựng và thành lập khuôn hội, thành lập GĐPT địa phương, mở các lớp học mầm non tại khuôn hội.
Nơi tôi ở là một nơi khá phức tạp, ngoài một số nhà tương đối khá giả ở trục đường chính, còn phần lớn là các gia đình nghèo khó, nhà cửa tuềnh toàng chi chít như bàn cờ, tập trung trong một xóm, và tất nhiên nghèo khó thì dễ đi kèm với tệ nạn. Thế mà GĐPT được thành lập, như là một điểm sáng giáo dục và tôn giáo mà dân địa phương bảo bọc gìn giữ, và họ đã gửi gắm con em họ cho mái nhà thiếu nhi Phật tử này.
Cha tôi là bác gia trưởng của GĐPT, và thiên chức nhà giáo trong cha tôi biến thành nhiệm vụ cố vấn, hướng dẫn, chăm sóc, và dạy cho đoàn sinh GĐPT. Nhiều khi đời sống khó khăn, các em đi sinh hoạt thất thường, cha tôi vào trong xóm thăm gia đình, động viên các em trở lại sinh hoạt. Không nề hà sức khỏe, tuổi tác, cha tôi dự tất cả các sinh hoạt của GĐPT, nhiều khi rất vất vả. Sinh hoạt ấn tượng nhất trong năm là trại GĐPT mùa Phật đản. Sáng ngày 14, trại khai mạc, rồi sinh hoạt, học tập, vui chơi suốt ngày, tối đến là lửa trại. Đoàn sinh ở lại trại để hôm sau, rằm tháng Tư, trời chưa sáng, đã lên đường về chùa Diệu Đế để tham gia tuần hành rước Phật từ chùa Diệu Đế đến chùa Từ Đàm, và dự Đại lễ Phật đản tại chùa Từ Đàm. Thế là cha tôi cũng theo GĐPT trong suốt lộ trình đó, giờ giấc không sai khác. Những trại khác của GĐPT, cha tôi cũng dự, dầu cho thời tiết lạnh lẽo của xứ Huế. Một hoạt động nữa gây ấn tượng là tổ chức cho GĐPT rước đèn đêm Trung thu, thường kéo dài hai đêm. Cha tôi cũng đi từ đường này qua đường khác, xóm này qua xóm khác, đi về những nơi xa, phía trước ông là ông lân, ông địa, là đuốc sáng trong đêm, là hàng hàng các em đoàn sinh, là trống thùm thụp, là cắc tùng xèng tùng xèng… Đâu đâu cũng được dân thương, dân thưởng, và tiền thưởng đó được góp vào quỹ sinh hoạt GĐPT. Kết thúc trong thắng lợi, đoàn trở về, quây quần hể hả bên nồi chè ngon lành. Nhiều khi tôi thắc mắc, sao ông đi theo làm gì, tội thân già, nhưng rồi tôi phải hiểu: ngoài bản tính gần gũi với trẻ, ông phải làm trách nhiệm giữ gìn trật tự, tránh xảy ra sự việc không hay, và nhắc nhở đoàn sinh hòa nhã với mọi người.
Nội dung sinh hoạt GĐPT có phần học giáo lý, rất khó để mời người phụ trách, cho nên nhiều khi cha tôi đảm đương luôn, nhất là trong những dịp Đại lễ. Đến mùa Phật đản, cha tôi giảng về sự tích Đức Phật, về lịch sử Phật giáo; đến ngày Vu lan, cha tôi giảng về gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên, về ý nghĩa Bông hồng cài áo…
Thời cuộc biến chuyển, từ sau năm 1975, nhiều gia đình tứ tán, Phật tử khuôn hội và đoàn sinh GĐPT đi kinh tế mới, hoặc đi làm ăn và học tập nơi xa, một số còn ở lại thì do đời sống quá khó khăn, lại thêm Niệm Phật đường đã biến thể, nên không đến sinh hoạt Phật sự như trước. Riêng cha tôi vẫn cứ bám trụ nơi đó, cùng với các bác đạo hữu chèo chống sinh hoạt đạo tràng, tụng kinh Pháp hoa. Đến lúc GĐPT ở đây phải lùi xa thì cha tôi cũng không còn trên cõi đời này. Nhưng ba tiếng Bác Gia trưởng vẫn còn được những thế hệ GĐPT tại địa phương khó khăn này nhắc nhở một cách kính trọng và thân thương, mỗi khi các em về thăm gia đình chúng tôi. Thì ra anh em chúng tôi và các em đó cùng có chung một người cha!
Cao Huy Hóa
_____________
(1) Hồi đó, lễ Phật đản cử hành vào ngày 8 tháng Tư âm lịch.