Cha tôi

GN - Cha đã gửi tiền rồi con nhé. Tròn mười nghìn đô. Có gì cha con mình nói chuyện sau. Chào con.

Vừa trông thấy tôi lom khom cởi giày trên bậc thềm, đang nói chuyện qua điện thoại với anh An, vội vàng tắt máy, cha khẽ cười rồi nói:

- Con trai của cha về đấy rồi à?

- Vâng ạ - Tôi uể oải đáp lại.

- Đợt này được nghỉ lâu không con?

- Dạ, bọn con được nghỉ giữa kỳ, hẳn một tuần luôn.

- Để ba-lô đấy cha cất cho - Cha vừa nói, vừa giúp tôi cởi bỏ chiếc ba-lô đựng đầy sách vở, quần áo xuống - Con nghỉ ngơi chút rồi đi tắm đi, nước nóng cha đã bật sẵn cho con rồi đấy.

Tôi đáp lại lời cha bằng tiếng thở dài thườn thượt và vẻ mặt thất thểu, chán chường…

chavacon.jpg

Sau hơn hai tiếng đồng hồ đứng chôn chân trên chuyến xe buýt đông nghịt người ngày thứ Bảy, cuối cùng tôi cũng về đến nhà. Trở về nhà vào dịp cuối tuần luôn là cơn ác mộng của tôi. Cứ nghĩ tới cái cảnh chen chúc, nghĩ tới mùi xăng và những thứ mùi hỗn tạp khác phảng phất trên xe, tôi lại thấy đầu hơi nhưng nhức. Đó chính là nguyên nhân khiến tôi luôn trả lời “tuần này con bận học thêm” mỗi khi cha hỏi “bao giờ con về?” Nhưng lần này, dù rất ngán ngẩm, tôi vẫn quyết định đối mặt với cơn ác mộng ấy để về nhà vào một buổi chiều miên man gió lạnh…

*

Bữa cơm tối được cha chuẩn bị rất chu đáo, toàn là những món tôi thích ăn. Gắp một miếng đùi gà chiên vào bát tôi, cha bảo:

- Ăn nhiều vào còn lấy sức học tập con à.

- Con cảm ơn cha!

Tôi chậm rãi cắn từng miếng nhỏ rồi dè chừng nhìn cha. Thấy thế, cha hỏi:

- Hôm nay con mệt à? Hay là thức ăn cha nấu không ngon?

- Không phải thế đâu ạ - Tôi đáp - Gà chiên rất giòn và thơm cha ạ.

- Thế mà cha cứ sợ lâu ngày rồi không làm món này nên nêm thiếu gia vị.

Cha lại cười. Khi cười, trông cha thật hiền từ và phúc hậu. Và tôi thầm tin rằng, lúc tôi nói ra điều mong muốn này, cha cũng sẽ mỉm cười như thế.

- Cha ơi… - Tôi lí nhí - Cha… cha cho con tiền mua một chiếc Air Blade nhé. Đi xe buýt bất tiện lắm cha à. Với lại con cũng sắp thực tập tốt nghiệp cuối khóa rồi, nên cần đi lại nhiều.

Nét mặt bỗng nhiên thay đổi, cha đặt đôi đũa xuống bát rồi ngập ngừng nói:

- Mấy tháng nay buôn bán ế ẩm, với lại anh con… - Đang giải thích, như chợt nhớ ra điều gì, cha bỗng chuyển chủ đề - Xe máy cha vẫn còn ngon đấy, hay con lấy đi tạm nhé.

Chiếc xe máy cha đang đi đã tróc sơn, hoen gỉ, cũ mèm, lại còn là kiểu xe lỗi mốt từ rất lâu rồi. Tưởng tượng đến cảnh đám bạn cùng trường sẽ ồ lên cười nhạo khi nhìn thấy tôi điều khiển con xe ấy, tôi thà đi bộ còn hơn.

Không nói năng gì, vội vã và nốt miếng cơm còn lại trong bát, tôi phụng phịu đứng dậy rồi lẳng lặng bỏ lên gác.

*

Tôi mang ba-lô và lặng lẽ đi luôn trong đêm. Cha tất tưởi đuổi theo ra tận điểm đợi buýt.

- Sao lúc nãy con bảo được nghỉ một tuần cơ mà?

Tôi nói dối, giọng khô khốc:

- Ở trường, con còn một số giấy tờ cần hoàn tất trong ngày mai.

- Cũng muộn rồi con ạ, vào nhà nghỉ ngơi một đêm, ngày mai cha sẽ dậy sớm chở con xuống trường - Cha ôn tồn.

- Sáng mai cha còn phải đi lấy hàng nữa mà. Con lớn rồi. Con không muốn làm phiền ai hết. Cha yên tâm, đi buýt cũng an toàn mà.

Chữ “làm phiền” được tôi cố nhấn mạnh với hàm ý dỗi hờn, trách móc. Đúng lúc ấy, chuyến buýt cuối cùng của ngày dừng tại điểm đợi, tôi vội vàng bước lên xe mà không thèm quay lại nhìn cha…

Chẳng còn cái cảnh chen lấn như hồi chiều, xung quanh xe buýt chỉ có lèo tèo vài ba vị khách ngồi ở hàng ghế đầu. Không gian vô cùng im lặng. Nhưng cái mùi xăng xe cứ thế xộc lên làm tôi cảm thấy hơi rờn rợn và chóng mặt. Để rồi, hơn bao giờ hết, lúc này đây, tôi thấy giận cha ghê gớm.

Buýt dừng ở điểm tiếp theo, tôi xách ba-lô rồi bước xuống. Không hiểu tại sao, tôi lại có quyết định như vậy, trong khi đường đến trường vẫn còn đến mấy chục điểm đợi buýt? Tôi sẽ đi đâu bây giờ? Bất chợt, trong đầu tôi hiện lên hình ảnh ngôi nhà chòi lụp xụp lợp mái cọ tựa mình dưới chân ngọn đồi nhỏ ở quê nội…

*

Mẹ mất sau một vụ tai nạn năm tôi năm tuổi. Từ ấy, để bù đắp khoảng trống trong tâm hồn những đứa con tội nghiệp, cha luôn chở che, chăm sóc và yêu thương hai anh em tôi hết mực. Hơn mười bảy năm qua, cha tôi vẫn ở vậy nhẫn chịu cảnh gà trống nuôi con mà chưa bao giờ có ý định đi bước nữa. Mấy năm trước, cha lấy số vốn đã dành dụm cả nửa đời người để mở một tiệm tạp hóa tại trung tâm thị trấn, làm ăn rất phát đạt. Anh em tôi thì học hành ngày càng tiến bộ. Thế nên, trong xứ ai cũng khen cha tôi đã giỏi buôn bán, lại khéo chăm con.

Anh trai tôi đỗ thủ khoa một trường đại học danh tiếng rồi được cấp học bổng sang Singapore du học. Còn tôi, một năm sau cũng vừa đủ điểm đỗ vào ngôi trường báo chí mà mình vẫn hằng ao ước. Cha tôi đi đâu cũng tự hào khoe: “Thằng An nhà tôi được những hai mươi chín điểm rưỡi khối A đấy, giờ đang du học bên Sing. Còn thằng Bình là sinh viên trường báo dưới Hà Nội”.

*

Chẳng ai biết đến sự tồn tại của tôi trong căn nhà chòi chật chội này. Còn nhớ, cha tôi từng kể, nhà chòi có từ thuở cha còn để tóc ba chỏm trái đào. Sau này, chú thím tôi cố công sửa lại để thằng Tũn và cái Tém có chỗ trú mưa, tránh nắng trong những ngày chăn trâu trên đồi. Những mùa hè ấu thơ, khi được cha đưa về quê ngoại, tôi vô cùng thích thú được theo chân hai đứa em họ lên đồi thả trâu và ngồi trên nhà chòi ngắm nhìn thế giới muôn màu mở ra vô tận trong đôi mắt thơ ngây. Cảnh xóm làng, đồng ruộng bát ngát như bức tranh thanh bình quá đỗi. Hồi ấy, tôi cứ ước được mãi mãi là một chú bé mục đồng, chiều chiều đi chăn trâu và thỏa thích đùa chơi trên căn nhà chòi luôn ríu rít tiếng chim và ngập tràn ánh nắng...

Rồi chú thím tôi bán bầy trâu và mở ki-ốt bán lân đạm; cu Tũn, cái Tém lớn lên đi học trường huyện, căn nhà chòi trở thành dĩ vãng, nơi lưu giữ những miền kỷ niệm đẹp đẽ, êm đềm của biết bao thế hệ…

Những ngày sống trong căn nhà chòi này, tôi tắt nguồn điện thoại, ăn bánh mì qua bữa và uống nước lọc đóng chai để tự cô lập mình với cuộc sống bên ngoài. Mỗi lần xé những vụn bánh mì khô nhạt cho vào miệng, tôi lại nghĩ về cha nhiều hơn. Từ trước đến nay, cha luôn chìu chuộng và cố gắng thực hiện những mong ước của tôi. Nhưng bây giờ thì…

Trong thị xã, nhà tôi thuộc dạng khấm khá. Vậy mà, chả nhẽ cha không thể trích ra một phần vốn liếng trong suốt mấy năm buôn bán tích cóp để mua cho tôi một con xe mới hay sao? Tôi đã lớn rồi, việc thực tập trước mắt và công việc sau này rất cần đến một chiếc xe máy. Bọn bạn tôi, nhiều đứa từ hồi cuối năm hai, đầu năm ba đã có xe máy riêng cả gần trăm triệu. Có đứa còn được bố mẹ mua cả chung cư ở thành phố. Còn tôi, rốt cục trong mấy năm qua vẫn phải đối mặt với những chuyến buýt đầy chật để đi lại đấy thôi. Lẽ nào, cha không thấu hiểu và thương tôi?

Bỗng nhớ đến cuộc nói chuyện vội vã của cha và anh An chiều hôm thứ Bảy, tôi giật mình. Anh An làm gì mà cần đến những chục nghìn đô? Sao anh ấy cần một khoản tiền lớn vậy cha vẫn có thể đáp ứng được trong khi tôi chỉ xin cha mua một chiếc xe máy chưa đầy một phần năm số tiền ấy, cha lại viện lý do này nọ? Giá mẹ còn sống, có lẽ mọi chuyện sẽ khác? Cái gì cha cũng thiên vị cho anh An. Tại sao? Tại sao?

Và tôi tự an ủi mình rằng, cũng đúng thôi, anh An đã học giỏi lại còn nhiều tài lẻ. Suốt những năm tháng học tập nơi đất khách quê người, anh không chỉ nhận được bằng khen loại xuất sắc mà còn đoạt huy chương vàng giải cờ vua do lưu học sinh Việt Nam tại Singapore tổ chức. Còn tôi được đào tạo trường lớp bài bản mà đến cả một bài phóng sự nhỏ còn chưa viết nổi để cộng tác cho các tòa soạn báo thì nói gì đến chuyện làm những việc lớn lao khác? Chẳng những ghen tỵ với anh An, tôi còn tự thấy bản thân mình sao mà bất tài, vô dụng đến thế? Tôi sinh ra trong cõi đời này để làm gì?

*

Tôi lại lao đầu vào viết lách, viết những thứ linh tinh với suy nghĩ những con chữ sẽ giúp mình quên đi mọi ấm ức, tủi buồn. Dù không muốn, hình ảnh cha lại hiện lên trên trang giấy, nụ cười ấy, ánh mắt ấy cứ thế ám ảnh trong từng vần thơ, dòng văn tôi sáng tác. Khi tôi đang gạch gạch, xóa xóa những thứ vừa viết xong thì nghe tiếng xe máy bành bạch tiến gần đến con đường mòn chạy qua nhà chòi.

- Bình ơi, cháu có ở đây không?

Là giọng của thím tôi. Ngó qua ô cửa nhỏ, tôi nói vọng xuống:

- Sao thím biết cháu ở đây?

Thím tôi hớt hải:

- Cháu về nhà nhanh đi, nhà cháu có chuyện rồi!

Hốt hoảng, tôi cuống cuồng bước nhanh xuống từng bậc thang nhỏ đến mức suýt chút nữa thì trượt chân té ngã. Tôi lắp bắp:

- Chuyện… chuyện gì vậy thím?

- Cha cháu bị chủ nợ sai người đánh gãy chân, giờ đang nằm điều trị ở bệnh viện thị xã.

Trống ngực tôi rung lên từng hồi thình thịch. Mặt tôi nóng ran như lửa đốt. Tôi không còn tin vào tai mình nữa.

- Tại sao vậy thím? - Lúc này đây, tôi chẳng còn giữ được bình tĩnh.

Thím đặt nhẹ bàn tay lên vai tôi rồi nói:

- Lên xe thím đèo về nhà. Chuyện dài lắm…

- Vâng ạ…

Thím chầm chậm chạy xe theo con đường tắt, rồi kể:

- Nghe đâu thằng An bị mắc bệnh hiểm nghèo. Sang Sing học đến cuối năm tư mới phát hiện ra. Nhưng cha và anh cháu nhất định không nói cho cháu biết, để cháu còn chuyên tâm học hành, thi cử. Tội nghiệp cha cháu quá, một thân một mình vừa buôn bán, vừa chạy vạy ngược xuôi để kiếm tiền gửi sang bên kia cho anh cháu chữa bệnh! Sáng nay bọn chủ nợ đến tận nhà đòi tiền thì mọi sự mới vỡ lở ra…

Đầu tôi cứ dần nặng trĩu. Tôi thấy hối hận vô cùng. Nhắm chặt mắt lại, tôi mong rằng đây chỉ là một giấc mơ mà thôi. Và trong giây phút ấy, hình ảnh cha tôi lại hiện lên với nụ cười hiền từ, phúc hậu…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.