Cha

NSGN - Cha bảo bọc con cái nhưng rất nghiêm khắc. Ai cũng sợ cha vì cái nghiêm khắc ấy. Nhưng là con nít, mọi thứ cũng dễ tan biến khi cha cười, cha đem đi coi xi-nê (cinema), cha chở cho đi loanh quanh đâu đó trong thành phố hay đi Vũng Tàu. Ngày ấy tụi tôi không gọi là Vũng Tàu mà nói là đi Cấp. Đi Cấp tắm biển bố ạ!

Tụi tôi đi học bằng xe zeep rồi bằng xe hơi.

Cha có uy quyền, không quá lớn cũng không quá nhỏ, đủ để có xe bốn bánh cho chị em chúng tôi đi học, để mẹ có thể đi chợ hay mua sắm các thứ lặt vặt trong nhà khi cần.

cha.jpg

Cha cũng có uy quyền để người làm bếp trong nhà là lính, người giặt giũ trong nhà cũng là lính. Nhưng cha thích mẹ nấu cơm cho ông ăn thì phải. Một vài chú cũng loanh quanh trong nhà, nhưng tôi vẫn thấy mẹ nấu ăn. Vì mẹ biết cách luộc rau muống xanh, kho thịt thăn với nước mắm Phú Quốc để miếng thịt vẫn trắng. Ngoài những thứ đó ra, không biết trong đó còn đọng lại cái gì thiêng liêng hơn nữa mà mẹ vẫn là đầu bếp chính trong nhà, dù bà vẫn có công việc ngoài xã hội. Đi dạy. Lính mang về chỉ để phụ lặt vặt. Chủ yếu là để cho đông nhà hay sao ấy.

Đồ giặt được giao cho chú Chiểu. Ngày đó không có máy giặt. Mọi thứ đều phải giặt tay. Việc đó mẹ không làm. Nhưng riêng áo quần lót của mẹ thì nghe cha dặn mẹ phải tự giặt.  

Cha là cha của các con

Cha thích làm những việc trong nhà sau khi đi làm về.

Chùi phòng tắm cầu tiêu. Thứ mà đàn ông trong gia đình thời đó và ngay cả thời này, nếu có điều kiện như cha không bao giờ làm. Họ dành thời gian đi nhậu với bạn bè. Cha thì không. Ông không uống rượu. Cha đi công tác nước ngoài nhiều. Cha thích lối sống của người Tây phương. Đàn ông ngoại quốc không có tâm phân biệt công việc nội trợ như đàn ông thời phong kiến. Họ có thể làm tất cả để giúp người phụ nữ của họ được thong thả. Cha là loại người đó. Chỉ là cha không nấu ăn và muốn mẹ phải luôn làm việc đó cho ông.

Những ngày nghỉ là những ngày cha ở nhà với con cái. Chúng tôi có những chương trình cụ thể rõ ràng. Hôm nay, bố con cùng làm cái hồ cá trong vườn. Tụi tôi được phân công để giúp bố. Bố sẽ đào đất lên, trộn hồ và làm hồ cá. Chúng tôi đứng đó với rất nhiều nhiệm vụ quan trọng. Nào là cu Thái vào lấy nước mẹ pha ra. Con Tín đưa cho bố cái này. Con Tiên đưa cho bố cái kia. Phụ bố khiêng cái này coi v.v…

Không làm vườn thì dọn nhà. Không dọn nhà thì đi dạo qua Tax và ăn kem ở một quán nào đó. Một vài lúc, bạn cha cũng tới đánh bài. Mẹ lấy xâu. Tôi nghe thế. Còn chúng tôi chơi với con cái của họ.

Thời gian của chúng tôi đều được bít lấp bởi các giờ học. Học chữ vào buổi sáng thì buổi chiều sẽ học thêm Anh văn, Pháp văn và đàn. Đàn, chúng tôi cũng được học chính quy như học chữ. Nói chung, mọi thời gian đều được bít lấp. Khoảng thời gian còn lại trong ngày, chúng tôi chơi với nhau ở khoảng vườn rộng quanh nhà.

Những ngày còn nhỏ, tôi không thích học đàn. Vì đàn không phải để chơi mà để học. Nó chiếm khá nhiều thời gian chơi của chúng tôi. Tôi phải học để còn trả bài cho thầy cô giáo. Cha là người bắt tôi ngồi vào đàn, ông canh chừng và chỉ dạy. Dù muốn dù không, tôi cũng phải học khi có mặt cha. Nhưng một thời gian sau, khi tôi được khen những tiếng đầu tiên thì cũng là lúc tôi thấy thích môn học ấy. Cha không phải mất thời gian cho tôi nhiều nữa...

Cha không biết gì về Phật pháp nhưng cách cha làm tương ưng với quy luật huân tập của tâm. Thứ gì được huân tập một thời gian, nó sẽ tạo thành thói quen, có lực lôi kéo mình. Mình không làm sẽ thấy khó chịu.

Những hình ảnh khó quên

Cha là lính nên không ở hoài một chỗ. Gia đình chúng tôi cũng có những khoảng không ở gần nhau. Từ khi sinh ra cho đến khi cha mất, 13 năm, chúng tôi đã chuyển nhà mấy lần. Từ Nha Trang ra Quy Nhơn rồi vào Sài Gòn. Có những khoảng ở biệt thự đi xe hơi. Có những khoảng ở tạm trong các phòng học ở Trường Nữ Quy Nhơn, hoặc trong căn phòng cũ kỹ không mấy tiện nghi ở Dinh Gia Long.

Nhà thay đổi nhưng sinh hoạt gia đình của chúng tôi không thay đổi. Ngoại trừ những lúc cha công tác ở xa, còn lại cha vẫn săn sóc, tắm rửa, lo lắng cho con cái.

Cha đi làm về, chúng tôi đi chà sạch những con cua ở một máy nước gần đó, mang về cho mẹ nấu.

Áo tôi rách, cha lấy kim khâu lại.

Chưa đủ lớn để thấy xúc động về những gì cha đã làm cho mình và gia đình. Tôi chỉ biết ghi nhận, không gợn lên chút tình cảm thương yêu. Ghi nhận không quên. Hình ảnh cha cặm cụi khâu chiếc áo dưới ánh đèn mờ vẫn còn trong ký ức của tôi cho đến bây giờ. Gần như không có người đàn ông nào miệng hét ra lửa mà chịu ngồi vá áo cho con. Người ta bảo đó là công việc của đàn bà, một công việc nhỏ nhặt không đáng để làm. Nhưng cha là đàn ông, ông vẫn làm như thế cho chúng tôi. Mọi thứ với cha đều là việc đáng làm. Trách nhiệm và tình thương khiến cha không còn phân biệt hay lựa chọn công việc. Những gì cha có thể làm, cha đều làm hết cho con cái.

Mẹ bảo bà nội mất khi cha mới 3 tháng tuổi. Sống với nội kế và mấy chị, cha thiếu thốn đủ bề. Muốn khóc cũng phải trốn sau cánh cửa mà khóc. Hình như kinh nghiệm đau thương của bản thân dễ giúp chúng ta nhận ra những gì nên làm với tha nhân hơn thì phải.

Mẹ, với tôi không phải là người hoàn hảo. Nhưng những chỗ bà thiếu sót lại là bài học để tôi tránh hầm lọt hố sau này. Như một dạng Bồ-tát nghịch của tôi.

Buồn người này không nói thẳng, kiếm người khác nói. Người khác nghe rồi, thuật lại khó mà như ngài A Nan thuật lại lời của Phật. Thế là càng xa nhau. Gặp người cần nói thì không nói, nhân vật chính cũng không biết đường mà sửa sai. Thế là lỗi cứ thêm nhiều. Sự bực bội càng tăng. Khoảng cách ngày một xa nữa.

Không thích thì không chịu hỏi thẳng hay nói thẳng. Cứ bóng bóng gió gió. Người nghe, tôi thấy có khi ngớ người ra, chắc gãi không đúng chỗ. Thấy thì như nói họ mà họ không có mấy lỗi đó thì không ngớ người sao được? Rốt cuộc chỉ thấy cách xa. Còn người, tôi thấy họ hỏi lại. Bà bảo không, không có gì… Vì sao như thế tôi không biết. Vì sợ phải nói thẳng? Vì bản thân không nắm vững sự việc, chỉ nghe người ta nói lại nên không dám đặt thẳng vấn đề? Tôi thấy đó là những lổ hổng không hay. Không giải quyết được việc gì. Chỉ khiến các mối quan hệ thêm xấu đi và mình trở thành ươn hèn. Thành ai nói với tôi điều gì mà tôi chưa biết, tôi hỏi thẳng nhân vật chính để sự việc được rõ ràng. Tôi không nói bóng gió điều gì với ai. Đôi lúc thấy trúng tật, chỉ vì vô tâm. Tôi giải quyết sự việc ngược lại hoàn toàn với mẹ vì nhờ các lổ hổng mẹ để lại. Gần tôi, không tồn tại kẻ hai lưỡi. Tôi giải quyết việc của đạo tràng cũng như thế. Nhóc nào có lỗi, tôi kêu riêng ra hỏi thẳng. Tình thương chớ không phải sự bực bội, nên âm tiếng và nội dung lời nói không khiến đối phương thấy khó chịu. Có nhiều cách để giải quyết một sự việc, nhưng nhất quyết không bóng gió mà hỏi ngay, nói thẳng. 

Không có những sơ sót của mẹ. Ai dạy tôi bài học đó được rõ ràng?

Cha cũng có những vị Bồ-tát của mình để kẻ hữu duyên được lợi ích nhiều hơn. Những bất hạnh của cha là nhân duyên tạo nên sự may mắn cho chúng tôi.

Nghiêm khắc và vừa đủ

Chúng tôi được dạy cái tính vừa đủ ngay từ lúc còn rất nhỏ.

Dù là ở nhà biệt thự đi xe hơi, nhưng không phải thứ gì đòi cũng được. Cha nghiêm khắc nên việc đòi cái này muốn cái kia không dễ biến thành lời nói. Nó phải được quên đi ngay trong tư tưởng. Cha nói, có những thứ mình thích, nhưng nó không cần thiết trong cuộc sống của mình thì không nên mua khi bố mẹ còn phải dành dụm và mình thì chưa làm ra tiền. Câu giải thích ấy đọng mãi trong tâm tôi và làm kim chỉ nam trong cuộc sống của tôi sau này. 

Áo quần, ngoài đầm phục đi học, chúng tôi chỉ thêm được khoảng hai bộ đồ cho việc “đi ra”. Một hay hai chiếc được mua vào dịp lễ tết. Giày thì chỉ một đôi cho một năm. Sinh nhật có thể được quà theo ý mình muốn. Đương nhiên, trong mức tiền bạc trong cho phép. Sinh nhật tôi là một con búp bê rất mắc tiền. Mẹ không cho mua vì nó đen thui và rất dị dạng, lại còn mắc gấp mười lần các con búp bê khác. Nhưng cha vẫn cho. Cha nói con gái có mắt mỹ thuật, mua cho nó. Đó là món quà sinh nhật cuối cùng cha tặng tôi.

Nhờ được tập cái tính vừa đủ và không phải thứ gì muốn là liền mua từ nhỏ, nên việc tự dừng những ham muốn của mình khi điều kiện không cho phép, không phải là việc khó đối với chúng tôi. Việc đó tạo cho chúng tôi cái tính hơi so đo tính toán, nhưng cũng tốt để không buông lỏng mình trong những ưa thích không cần thiết.

Vấn đề giải trí cũng có mức độ của nó. Phim ảnh được coi dưới sự kiểm soát của cha, có thể là vào thứ Bảy hay Chủ nhật cuối tuần, nhưng không thường xuyên. Bình thường tivi không được coi nhiều. Ngày đó không có game, không có máy vi tính như bây giờ. Sách báo tranh truyện không được đọc ngoài những thứ đã được kiểm duyệt.

Ăn uống ngủ nghỉ cũng có giờ giấc hẳn hoi. Một vài lúc cha vắng mặt, tụi tôi vẫn phải tuân thủ chế độ ngủ nghỉ. Ngủ trưa và ngủ tối không quá 9 giờ. Nó được lập thành thói quen. Không được ăn vặt. Chỉ trừ vài lúc bà dì ở Cần Thơ lên, ngày đầu có phá vỡ quy luật một chút. Được ăn thêm ngoài giờ một chút những gì bà đã mang lên.

Cha không cho chị em chúng tôi nói nhiều. Không được xen vào chuyện người lớn. Những đứa đủ lớn để chịu sự chi phối của cha, đã tập quen với tính ít nói. Thứ mà bây giờ thường dễ bị xem là tự kỷ. Nhưng chúng tôi không bị bệnh tự kỷ, chỉ là ông tập cho chúng tôi một cuộc sống độc lập. Ông nói, nói nhiều không lợi cho mình, nói nhiều thành thói quen, khi không có chuyện để nói, sẽ bày chuyện ra mà nói, thành nói bậy. Câu này tôi thấy cũng rất đúng.

Ông cũng không muốn con trẻ phải gánh chịu những việc không vui của người lớn. Dù nội kế đối với cha không tốt, nhưng khi bà bệnh, cha vẫn đem về săn sóc. Cha la khi chúng tôi nói đến hai chữ nội kế. Cha không muốn con trẻ huân vào đầu những việc sai phạm của người lớn. Cha muốn chúng tôi tôn kính ông bà, cha mẹ, hòa thuận với anh chị em.

Cha dạy chúng tôi đi nhẹ khi mẹ ngủ, không được để cửa đóng mạnh dù không có ai v.v…. Tiếc là cha mất quá sớm để chúng tôi được dạy dỗ nhiều hơn.                 

Cha vẫn hiện đó

Có lẽ, ít cư sĩ nào có được cuộc sống như tôi hiện tại. Tôi không phải bận tâm về vật chất. Tôi không phải đầu tư đầu óc hay sức lực cho công việc kiếm tiền. Mọi thời gian có thể dành cho việc tu hành hay Phật sự. Vì tôi có sẵn một cơ ngơi để làm việc đó. Cho thuê nhà.

Cơ ngơi này là của cha để lại. Nó được tạo thành từ công sức của cha và mẹ. Nó là nhà trả góp. Nhà này, công sức của cha nhiều vô kể. Bởi địa vị của cha mới mua được nó. Mua rồi, cha còn phải tìm cách di dời những người đang chiếm dụng. Cũng phải tạo nghiệp ít nhiều để con cái được sung sướng như bây giờ. Phước đức của tôi hiện tướng, trong đó có sự tạo nghiệp của cha và những giọt mồ hôi của mẹ.

Dù cha không còn để săn sóc thương yêu, trong từng bước đi của tôi hiện nay, cha vẫn hiện đó. 

Theo con không rời

Cha mất khi tôi 13 tuổi.

Đang giữa trưa thì nghe tin ông bị bắn chết tại sở làm.

Cái đầu chưa đủ lớn để khổ như mẹ. Tôi thấy mẹ khóc nhưng lòng vẫn dửng dưng. Cũng chưa đủ hiểu những gì mình sắp mất như cậu em trai đã nói: “Vậy là từ nay cuộc sống chị em mình thay đổi”. Chỉ những đêm nằm cạnh quan tài cha, ruột quặn lên liên hồi, nhưng tôi không thấy nó dính gì đến mặt tình cảm của tôi. Tôi vẫn chưa cảm nhận được nỗi đau khi cha mất dù đã biết “đoạn trường” là gì. Có thể đó là những gì tôi đã hiện lên khi cha ra đi, nhưng phần ý thức của tôi chưa đủ để ý thức rõ về điều đó. Cứ thấy mình trơ trơ như đá khi quanh mình mọi người khóc mùi mẫn.

Đúng là khá nhiều thứ thay đổi sau khi cha mất, dù mẹ vẫn cố gắng để con cái được đầy đủ. Một tay sáu đứa con khi của hồi môn chỉ là căn nhà chưa trả góp xong là một gánh nặng rất lớn với bà. Mẹ nói cha thanh liêm. Chết cũng vì cái thanh liêm ấy. Tiền mẹ đi dạy dành dụm mua nhà là chính.

Cha mất, chúng tôi sống vào tiền cho thuê nhà và lương đi dạy của mẹ. Còn phải dành dụm cho tương lai, làm sao mẹ dám vung vãi cho con cái như ngày còn cha? Có những thứ muốn như cũ cũng không được. Những anh lính trong nhà, giờ chỉ là những kẻ viếng thăm thân thiện. Cha mất, mấy chú cũng mất luôn khoản tiền được cha cho khi mang mấy chú về nhà làm việc. Mấy chú nói cha muốn giúp đỡ mấy chú nên làm thế. Những người nâng niu chúng tôi như nâng niu cha cũng không còn. Không còn xe hơi để đi. Chỉ việc học tập là vẫn được duy trì đầy đủ. Sáng học chữ thì chiều học đàn. Mẹ muốn thực hiện đủ những gì mà cha đã làm và muốn làm cho con cái khi ông còn sống.

Cha chết nhưng tôi vẫn gặp ông thường xuyên trong những giấc mơ.

Tôi không có cảm giác xa cha.

Những lúc tôi buồn, tôi đều thấy ông.

Những lúc tôi sắp gặp việc gì đó không hay, tôi cũng thấy bóng ông lướt qua. Nó thành thông lệ đến mức để hiểu: Cha về như thế là mình sắp gặp nạn.

Dây ân tình con cái ràng buộc, nếu tự bản thân đương sự không dứt được thì có cầu siêu bao nhiêu cũng cứ luẩn quẩn đó thôi. Cầu siêu chính là cầu sao để thân nhân yên lòng ra đi, để thân nhân thay đổi tâm tưởng không dính mắc… 

Cha chết, mẹ ăn chay trường. Mấy đứa em của tôi, có đứa cũng ăn chay trường tới giờ. Đêm nào chúng tôi cũng tới Sư bà Diệu Không ở cầu Công Lý tụng kinh cầu siêu cho cha. Đó là những ngày khá vui của chị em chúng tôi. Tụng kinh về, đi tản bộ một khúc trời mát, được ăn bánh mì rất ngon.

Mẹ cúng dường trai tăng khắp nơi, mong cha được siêu thoát. Nhưng cha vẫn luẩn quẩn quanh tôi. Cha nói chết rồi, về dưới cha vẫn đi làm việc, lâu lâu về thăm con cái. Với mẹ, cha nói ruột cha bắt đầu trương thối…

Nói vậy, không có nghĩa tôi cho rằng những gì mẹ con làm cho cha là vô nghĩa. Không có gì vô nghĩa khi chúng ta gieo duyên được với Tam bảo, nhất là với Tăng bảo đúng nghĩa. Cái chết của cha giúp chúng tôi biết Tăng bảo, biết Pháp bảo, dù Pháp bảo lúc ấy chỉ là những bài kinh đọc không hiểu nghĩa. Tôi rất sợ Sư bà Diệu Không, y như sợ cha ngày còn sống. Ái dà, Sư bà nghiêm nghị lắm. Mẹ nói Sư bà quắc thước và sắc sảo. Mẹ thương và kính Sư bà hết mực. Tôi thích quý cô hơn, tại tôi được chào đón vui vẻ như những ngày cha còn sống. Khoảng thời gian tụng kinh thì vui lắm. Tụi tôi đọc thật to để thấy tiếng mình vang vang theo tiếng mõ. Có khi còn được ăn xôi, chè v.v… Vui vậy nên chắc cha không chịu đi. Hì, kinh nói trong 7 phần phước đức có được do cầu siêu thì hương linh chỉ hưởng được một phần, người còn sống hưởng đến 6 phần. Chỉ một phần hưởng đó nên có lẽ chưa đủ bứt cha ra khỏi con cái khi ông cảm thấy ông là nhân duyên bảo vệ nó, ít nhất là về mặt tinh thần.

Có việc đó là vì ông coi tử vi rất giỏi. Ông biết ngày ông gặp nạn mà không biết cách làm sao để thoát nạn. Ông coi tử vi cho tôi. Nói tử vi tôi không mấy tốt. Cuộc đời thăng trầm khổ não không nguôi. Chắc vì việc đó mà ông đi không yên. Trong nhà, chỉ tôi là vậy. Không ai thường xuyên thấy tôi như ông.

Tôi lấy chồng cũng là người cha chọn. Cha nói tôi lấy người đó, người đó yêu thương con. Tôi không yêu thương anh, nhưng tôi yêu thương cha. Cha muốn là được. Vả lại mẹ cũng yêu thương anh. Gả tôi cho ai ngoài anh để có thể chịu đựng cái tính ngang bướng của tôi?

Ôi, có được yêu thương bao nhiêu mà trái gió trở trời quá cũng khó mà hạnh phúc, khó mà tìm thấy hạnh phúc cho bản thân. Phật không yêu thương chúng sinh sao? Thương nhiều lắm nhưng cái lũ chúng nó chướng quá, thành tự làm khổ mình. Đúng là một khoảng thời gian khổ não không nguôi. Không vừa ý cái này, thấy rất ghét người kia… Chừng đó là đủ khổ não rồi. Còn vượt biên, hư thai, ở tù, thăm nuôi chồng, đi làm đầy tớ cho thiên hạ, nghe chửi, sinh con, vật vã ở chợ đời… Có lúc đã tưởng chết trên biển trời mênh mông đen tối hay trong một tai nạn xe hơi, nhưng không. Nghiệp nạn chưa hết làm sao thoát được kiếp người? Rất nhiều thứ không hài lòng, rất nhiều thứ để nổi sân. Khổ không sao kể xiết. Nhà giàu đứt tay, ăn mày đổ ruột. Con nhà quyền quý, khổ càng tăng gấp bội khi gặp cảnh ngược lại.

Khổ, đủ để thấy cần phải thoát khỏi cái chốn trần lao này.

Khổ, đủ để bước đi mà không còn quay đầu dùng dằng hay luyến tiếc.

Khổ, đủ để thấy Đạo quý biết chừng nào!

Cái khoảng quý hóa ấy, cái khoảng như thật biết thế nào là “Khổ đế” ấy, khoanh vòng trong hai mươi ba năm.    

Sau đó, tôi đọc được cuốn Thiền đốn ngộ và Pháp bảo đàn kinh của Sư ông giảng giải. Đương nhiên không thể hiểu hết được. Chỉ vài ba câu. Ta có cái tâm Ma-ha, nếu sống lại được với nó, ta hết khổ ngay nơi thế gian này, không cần đi đâu nữa, sống hay chết mặc tình. Tôi tin. Tôi nhất quyết phải sống lại được với cái tâm ấy để thoát khổ.

Mọi thứ đều bắt đầu từ chồng. Chồng tự ngộ tâm nơi kinh Lăng nghiêm. Lang thang tìm sách nơi chốn chợ trời, cầm về những cuốn kinh đầu tiên mà Sư ông Trúc Lâm đã giảng. Đơn sơ, xấu xí không đẹp như sách bây giờ.

Chồng đó, do cha mà lấy. Không thì không hề có ý tưởng phải thân thuộc hay kề cận bao giờ.     

Tôi phát tâm Bồ-đề và bắt đầu tự tu tập cùng chồng.

Một năm sau, bỗng thấy cần một chỗ nương tựa rõ ràng, không phải chỉ là những cuốn sách quay rô-nhô của Sư ông.

Tôi gặp Thầy.

Một năm sau nữa, tôi thấy cha về…

Cha giao tay lái cho tôi. Cha nói cha đi đầu thai. Tôi gật đầu, nói tôi có thể lái được, ông đừng lo. Cha đi. Vẻ mặt chưa nguôi lo lắng. Tội cha hết sức! Làm con cái mà thiện nghiệp không biết gieo, tự mình không biết chấn chỉnh con người mình sao cho con đường phía trước được tốt đẹp cũng là bất hiếu. Vì đã khiến cha mẹ lo lắng không nguôi. Vẻ lo lắng của cha trong giấc mơ cũng là động lực giúp tôi cố gắng hoàn thiện con người mình hơn, như một cách báo hiếu cha mẹ.

Cha chết rồi, vẫn còn dạy tôi nhiều điều. Thành trong gia đình, em út thế nào, con cái ra sao, tôi vẫn một tâm lấy việc chỉn chu con người mình làm chính. Mình hiểu đạo, chúng chưa hiểu thì phải biết bao dung và xả tâm với chúng. Để cha yên tâm. Không ai không yên tâm khi thấy con gái mình có cái đầu hiểu việc và một tâm hạnh nhu hòa để sự xào xáo không xảy ra trong gia đình. Tôi làm mọi thứ không khó khăn khi đã có mục đích và lý tưởng hẳn hoi. Trả hiếu cho cha mẹ và tích thêm tư lương cho con đường mình đang đi. Tôi không muốn cha mẹ lo lắng cho mình, Thầy Tổ không yên tâm về mình. Nói thương yêu cho nhiều mà cứ để cha mẹ Thầy Tổ phải để tâm vì mình thì lời thương yêu ấy không có giá trị.    

Từ đó tôi không còn thấy cha nữa.

Cũng không còn hoạn nạn nữa.

CŨNG KHÔNG CÒN BUỒN ĐẾN NỖI PHẢI GỌI CHA TRONG NƯỚC MẮT. KHÔNG AI LÀ CHỖ NƯƠNG TỰA THỰC SỰ CỦA MÌNH NGOÀI CHÍNH MÌNH. PHÁP BẢO LÀ CHỖ Y TỰA ĐỂ GIẢI QUYẾT NHỮNG TỒN ĐỌNG TRONG TÔI. VUI, BUỒN, KHỔ, SƯỚNG ĐỀU TỪ TRONG CHÍNH MÌNH MÀ RA, NƯƠNG TỰA AI ĐỂ TÌM THẤY NIỀM VUI NẾU KHÔNG TỰ MÌNH GIẢI QUYẾT NHỮNG NHÂN TỐ PHIỀN NÃO TRONG MÌNH? NGÀY NÀO CÒN NƯƠNG TỰA, NGÀY ĐÓ CÒN CHƯA HẾT HỤT HẪNG. THÂN CHA ĐÃ CHUYỂN THÀNH THÂN PHÁP ĐỂ TÔI Y TỰA. Y TỰA CHỖ KHÔNG Y TỰA ĐỂ TÔI NHẬN RA SỰ YÊN Ả TRONG CHÍNH MÌNH.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.