Cây phướn ở chùa Phật

Cây phướn ở chùa Phật
NSGN - Cứ đến các ngày lễ trọng, chùa nào cũng treo cây phướn. Cây phướn cao cùng các loại phướn nhỏ dùng để trang trí đàn tràng, tạo nên cảnh trí trang nghiêm, rất riêng của lễ hội Phật giáo. Ấy thế, cội nguồn và ý nghĩa của cây phướn ra sao lại là chuyện không dễ để tỏ tường.

I.

Câu chuyện phổ biến giải thích lai lịch cây phướn ở xứ ta là Sự tích cây phướn nhà chùa(1), truyện kể rằng:

Xưa có một người chuyên môn ăn thịt người. Hắn đã từng bắt giết không biết bao nhiêu nhân mạng. Tuy hung ác vô đạo, nhưng hắn lại thờ mẹ rất có hiếu. Một hôm, có một nhà sư đi quyên giáo qua đó bị hắn bắt. Khi hắn sắp giết thịt thì mẹ hắn ra xin hộ cho nhà sư. Thấy mẹ năn nỉ quá, hắn đành buông dao rồi hỏi nhà sư làm gì và đi đâu. Nghe nhà sư kể chuyện, cả hai mẹ con rất hối hận về những tội ác từ trước đến nay. Hai mẹ con cũng muốn kiếm một vật cúng cho nhà chùa nhưng ngặt vì trong nhà chả có gì đáng giá cả. Nhưng người con đã tình nguyện nạp bộ lòng của mình đưa về cúng Phật. Vừa nói hắn vừa rạch bụng moi ruột đưa ra. Nhà sư cũng nhận lấy nhưng đến bờ suối thì quẳng luôn xuống nước. Có con quạ thấy vậy, tha bộ ruột ấy bay đến chùa, đậu trên ngọn cây kêu lên om sòm. Đức Phật rõ chuyện, khen thưởng con quạ mà phạt tội nhà sư. Đồng thời đưa hai mẹ con nhà kia lên trời thành Phật. Từ đó nhà chùa làm cây phướn để ghi nhớ việc ấy. Trên cây phướn bao giờ cũng tạc hình con quạ ngậm một tấm lụa dài độ hai ba mươi thước. Tấm lụa tượng trưng cho bộ ruột của người đã rạch bụng cúng Phật.

1.JPG

Lại nữa, ở một dị bản khác có cốt chuyện tương tự, Sự tích cá he, tức là cá lợn, cá heo, hay hải trư (marsoruin), ở Nam Bộ còn gọi là cá nược.

Ngày xưa có một nhà sư trẻ tuổi rất ngoan đạo. Sau hơn nhiều năm khổ công tu luyện mà vẫn chưa thành chính quả. Sư quyết chí tìm đường sang Tây Trúc hỏi Phật. Cuộc hành trình muôn phần vất vả. Một hôm, đến một khu rừng thì trời đã chiều. Sư xin vào tá túc một ngôi nhà. Sư vì quá mệt mỏi nên vật ra ngủ khiến người mẹ sợ đứa con hung ác của bà là Ác Lai trở về sẽ bắt nhà sư ăn thịt nên lôi sư đi giấu. Ác Lai về đến nhà ngửi thấy ngay mùi thịt người, hắn nhanh chóng chạy đi tìm. Chả mấy chốc, hắn đã kiếm được sư. Khi vị sư tỉnh dậy thì Ác Lai đang cầm một mũi mác lăm lăm ở tay. Thấy hắn cũng không khác gì người thường, sư bèn nói rõ mục đích của mình, rồi luôn miệng, sư giảng đạo từ bi cho hắn. Sư nói mãi, nói mãi, kể lại bao nhiêu nỗi gian truân dọc đường, và niềm mong muốn cuối cùng là làm sao gặp được Đức Phật để cầu Phật độ cho thành chính quả. Nghe những điều sư giảng giải, mẹ con Ác Lai cảm động đến rơi nước mắt. Thấy họ thành thật hối lỗi, sư cho họ biết là họ cũng sẽ trở nên “vô sinh vô diệt”, sẽ sống một đời sống bội phần sung sướng trên Nát-bàn, nếu họ nhất quyết bỏ ác làm thiện. Tự nhiên mũi mác ở tay Ác Lai rơi xuống sàn. Những đường nhăn hung ác trên mặt Ác Lai mới đó giờ đã dịu lại.

Sáng hôm sau, khi sư sắp sửa lên đường thì mẹ con Ác Lai vui vẻ sắp sẵn lương thực cho sư. Họ lại tiễn đưa sư sang tận bên kia một ngọn núi đá. Khi sắp từ biệt, Ác Lai hỏi: Tôi biết lấy gì mà dâng Phật đây? Sư đáp: “Tâm tức thị Phật, Phật tức thị tâm”. Chỉ tấm lòng mình là đủ.

Ác Lai hiểu theo nghĩa đen của câu pháp ngữ, nhanh như cắt, rút mũi mác tự rạch bụng mình lôi ra cả một mớ ruột gan đưa cho sư và nói: Nhờ Hòa thượng dâng hộ tấm lòng thành này lên Đức Phật.

Sư lấy làm bối rối quá, chẳng biết làm sao nên đành gói bộ lòng Ác Lai quảy lên vai, cất bước ra đi...

Bộ lòng càng ngày càng thối, sợ hàng quán không ai dám chứa mình, sư bèn vứt bộ lòng Ác Lai xuống biển.

Đến Tây Trúc, khi phủ phục trước Phật đài nói lên nỗi thắc mắc của mình vì sao chưa được đắc đạo thì bỗng nhiên trên điện cao có tiếng vọng xuống bảo chàng:  “Còn thiếu một vật nữa mới thành chính quả”. Sư rất đổi kinh ngạc, ngước lên trên cao vòi vọi, sư thấy Đức Phật ngự giữa tòa sen sáng chói, sau lưng có bóng dáng hai người tựa hồ như hai mẹ con Ác Lai. Sư bỗng hiểu hết: Đức Phật đã rõ sự thiếu thành thực, thiếu tận tâm của mình rồi; còn mẹ con Ác Lai nay đã thành chính quả chỉ là nhờ trong một lúc, ngộ đạo mau lẹ và chân thành.

Nhà sư sau đó trở lại chốn cũ để tìm bộ lòng. Tuy biển mênh mông sâu thẳm, nhưng sư cũng cố lặn hụp để mong thấy lại món quà dâng Phật mà Ác Lai gửi cho mình. Sau đó sư hóa làm loài cá mà người ta vẫn gọi là cá he/cá nược/cá ông sư. Và cho đến ngày nay, dòng dõi loài cá đó con nào con nấy có cái đầu trọc như đầu ông sư và vẫn làm cái việc của nhà sư, nghĩa là chúng đi thành đàn, cứ lặn xuống nổi lên luôn, không chịu nghỉ.

Theo Mỹ Ấm tùy bút thì mẹ Ác Lai được Phật độ cho làm mụ Thiện. Ác Lai trở thành hai vị Hộ pháp được Phật cho giữ chùa mà ta thường gọi là ông Thiện - ông Ác. Tại sao một người lại hóa thành hai? Đó là vì tuy là một nhân vật nhưng kể từ khi rạch bụng cúng Phật đã tách thành hai con người khác hẳn. Ông Thiện là hiện thân của quãng đời sau của Ác Lai (thời kỳ ngộ đạo), Ông Ác là hiện thân của quãng đời trước (chưa ngộ đạo).

Truyện Sự tích cá he lưu hành ở miền Nam. Nhân dân miền Bắc có Sự tích chim bìm bịp với nhân vật chính là sư nữ, yêu mẹ và yêu con, nội dung tương tự, cuối truyện vị sư nữ được Phật cho hai cái cánh để tìm lại bộ ruột nhưng tìm hoài không thấy nên sư biến thành chim bìm bịp, ngày đêm chui rúc hết bụi này đến bụi khác, thỉnh thoảng lại lên tiếng than thở, phảng phất như tiếng “bìm bịp”. Loài chim này đầu đen, mình nâu, mắt đỏ như máu. Đó là di tích của hình tướng vị sư nữ: đầu chít khăn đen, mình mặc áo vải nâu già. Còn mắt đỏ là vì khóc nhiều mà sinh ra thế.

Ở Nghệ An có dị bản nữa: Xưa, Đức Phật sai một người đi sang một nước khác để lấy kinh về cho mình. Người ấy đưa về đến nửa đường thì bị một con hổ ăn thịt (Về tình tiết này, một người khác ở Cát Ngạn/Thanh Chương kể rằng người ấy bị một con rùa lớn làm chìm mất thuyền kinh). Thấy kinh Phật tan tác giữa đường, một con quạ bèn tha về cho Đức Phật. Để trả ơn quạ, Đức Phật sai làm một cây nêu rất cao cho quạ đậu trên đó. Về sau, nhà chùa thường trồng cây phướn, trên có quạ ngậm dải lụa/vải dài là vì thế(2).

Thêm vào đó, một dị bản có chi tiết khác như sau: Một nhà sư sang Tây Trúc thỉnh kinh, đến bờ biển không có đò, nhờ có con rùa nổi lên chở đi. Dọc dường rùa dặn:

-  Xin ông hỏi hộ với Phật tại sao tôi cứ phải ở nước mãi khổ lắm.

Sư ta nhận lời... Khi sư quay về lại được rùa đón chở. Đi được nửa đường, rùa hỏi về điều mình nhờ hỏi hộ. Sư đáp:

- À quên!

Rùa giận lặn mất, vì thế kinh kệ ướt cả! May có con diều bay đến, tha kinh lên phơi phóng. Do câu chuyện này người ta cho rằng rùa bị tội đội bia. Còn diều thì được biểu dương bằng cách ngậm phướn(3).

Sự tích cây phướn ở chùa Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) quả là một truyện đặc sắc. Chuyện kể: Bên dòng sông Thiên Đức có bác chài sống độc thân bằng nghề đánh cá. Nhân năm chùa trùng tu, dân làng tỏa đi các nơi quyên giáo. Khi đoàn người qua sông, bác chài xin chở đò không lấy tiền công. Nhưng lòng vẫn băn khoăn vì tiền bạc chẳng có, biết lấy gì cúng cho nhà chùa.

Tài sản ngoài con thuyền nát thì chỉ có hai cái khố. Chiếc rách đóng trên thân. Nghĩ mãi, bác quyết định mang chiếc khố mới ra làm vật cúng.

Những người quyên giáo chẳng thấy bác đưa vật phẩm gì, lại đưa khố thì không bằng lòng, cho rằng bất kính. Bác chài nghe vậy ngẩn người, giãi bày đây là tấm lòng thành, trong lều chẳng có gì hơn. Rốt cuộc, họ không nhận khố và cũng không lên đò. Mọi người quay về vì cho là... xuất hành gặp chuyện xúi quẩy.

Dân làng đâu có biết bác mấy ngày không hạt cơm trong bụng. Tài sản quý nhất dành đem cúng thì bị từ chối. Bác tủi thân nghĩ chỉ có một cách giải bày tâm can là rạch bụng moi hết ruột gan cho mọi người biết. Nghĩ rồi làm ngay việc đó trước mặt dân làng.

Sự việc xảy ra trong chớp mắt, dân làng bàng hoàng sợ hãi. Trong lúc tất cả đang bối rối thì có hai con quạ từ trên trời cao sà xuống quắp luôn bộ lòng bác chài bay thẳng về hướng chợ Nành rồi vứt xuống gốc đa Thạch Sàng, kêu lên ba tiếng xong bay thẳng hướng Tây.

Thạch Sàng là nơi khi xưa Thiền sư Khâu Đà La ngày đi truyền giáo, tối về nằm ngủ trên phiến đá dưới gốc cây.

Sự việc đập vào mắt sư trụ trì chùa Nành. Ngài vội chắp tay niệm Phật theo hướng quạ bay, lập tức cho dựng một cây tre thật cao trong sân chùa. Trên cao tạc hình con quạ ngậm dải lụa trắng, biểu thị tấm lòng trong sáng của một Phật tử. Rồi sư lại cho dựng hai cây tre ở góc ao trước cửa chùa, trên treo hai dải lụa ngắn tượng trưng cho hai cái khố của bác chài, ghi nhớ tấm lòng thành tâm(4).

2.JPG

 Lá phướn ở chùa Nành.

II.

Những dị bản về sự tích cây phướn cho thấy, ở những tọa độ địa lý - lịch sử khác nhau có những quan niệm cũng như kiến giải riêng biệt về cây phướn nhà Phật. Điều này cho thấy Phật pháp đã ăn sâu vào đời sống tinh thần và tình cảm của nhân gian theo các tầng mức khác nhau. Do đó, việc truy nguyên về nguồn gốc phan/phướn giúp chúng ta thấy được cội nguồn đích thực và chân nghĩa của loại pháp khí nhà Phật này.

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Phan(5) (Phạn: Pataka/Ketu) là từ gọi chung các loại cờ xí. Phật giáo dùng phan để hiển bày uy đức hàng ma của chư Phật, Bồ-tát.

Theo kinh Quán đảnh thì hình dạng cơ bản của phan gồm: đầu phan hình tam giác, thân phan hình chữ nhật dài, phần dưới tua gọi là chân phan. Có thể dùng nhiều thứ vật liệu để tạo phan như gấm, lụa, sa-tanh, đồng dát mỏng, ngọc báu, gỗ... Con về màu sắc, có loại phan chỉ có một màu như trắng, đỏ, vàng, xanh, vàng nhạt, hồng. Mật giáo thường dùng phan 5 màu: xanh, vàng, đỏ, trắng, đen để phối hợp với ngũ hành và ngũ tạng trong thân thể. Ngoài ra còn có phan 8 màu, phan 9 màu, phan tạp sắc...

Ngoài ra, căn cứ các hình được vẽ trên phan và hình dáng của phan mà chia thành 4 loại: 1. Hội phan: Phan vẽ các hình chư Phật, Bồ-tát, Minh vương, Thiên thần; 2. Chủng tử phan: Phan viết các chủng tử để thay thế cho các hình tượng Phật, Bồ-tát; 3. Tam muội da hình phan (còn gọi: Phật pháp phan): Phan vẽ hình Tam muội da của chư Phật, Bồ-tát; 4. Tràng phan: Phan có hình lục giác hoặc bát giác. Các loại phan này, còn được gọi tên theo nơi treo phan như Kim đường phan (Trung đường phan, Phật điện phan), Giảng đường phan, Di Lặc đường phan, Đình phan.

Về công năng của phan theo kinh Quán đảnh 11, người tạo phan sẽ được lìa khỏi 8 nạn khổ, sinh về Tịnh độ 10 phương của các Đức Phật và theo kinh Quán đảnh 12, tạp phan ngũ sắc sẽ thoát ly được bệnh khổ, mạng sống lâu dài. Mặt khác, tùy theo pháp sự, tức các khoa nghi khác nhau, phan được gọi tên khác nhau và có công năng đặc thù: Quán đảnh phan (dùng trong lễ Quán đảnh của Mật tông); trong lễ cầu an, cầu thọ có Tục mạng phan, Thọ mạng phan; trong việc tang tế có: Tiến vong phan, Mạng quá phan; và trong khoa nghi thí thực có Thí ngạ quỷ phan...

Trong thực tế, hiện tượng phổ biến là sự nhập nhằng giữa phan và tràng. Về đại thể thì tràng và phan không khác nhau mấy, nhưng nếu phân biệt theo hình dạng thì loại có hình chiếc thùng tròn gọi là tràng, loại hình dẹp dài gọi là phan.

Tràng (Phạn: Dhvaja/Ketu), còn gọi là Bảo tràng, Thiên tràng, Pháp tràng. Trên tràng có hình dáng chiếc thùng tròn có vẽ hoặc thêu các dấu hiệu, dùng để trang nghiêm trước Phật, Bồ-tát và đạo tràng(6).

Đại nhật kinh sớ 9 (Đại 39, 673 thương) ghi: “Tiếng Phạn là Đà-phạ-nhã/Dhvaja, Hán dịch là tràng; tiếng Phạn là Ketu/Kế-đô, Hán dịch là kỳ. Hình dáng của hai loại này hơi khác nhau, tràng chỉ dùng màu sắc để biểu thị sự trang nghiêm, còn Kế-đô có hình dáng đại khái cũng giống như tràng nhưng có thêm mật hiệu, như quân đội cổ vẽ các thứ hình rùa, rồng, chim, thú”.

Theo Đại nhật kinh sớ thì hình thức, kích thước của Đà-phạ-nhã cũng giống như Kế-đô, nhưng đặc biệt xem trọng sự liên quan giữa Kế-đô và cờ quân đội, nghĩa là nếu với vua hoặc tướng quân thì thêm hình vẽ các động vật trên cờ, còn cờ mà Phật, Bồ-tát sử dụng thì phụ vẽ viết thêm văn tự đại biểu cho Phật, Bồ-tát. Tràng tượng trưng cho ý nghĩa phá dẹp, nên được coi là pháp cụ trang nghiêm dùng để tán thán Phật, Bồ-tát và trang nghiêm đạo tràng.

Trong các dụng cụ trang nghiêm của Mật giáo, có thuyết cho rằng tràng và phan giống nhau, như phan dùng trong giới đàn Quán đảnh Tam muội da gọi là tràng; tức nối liền 3,4 đoạn vải hình vuông, phía trên kết móc với 1 tấm vải hình tam giác trên đỉnh, đều có kết một sợi vải thòng xuống, dưới cùng lại kết 4 sợi lụa rủ xuống dưới, trên mỗi tấm vải hình vuông đều có vẽ hình Tam muội da của Phật, Bồ-tát. Thuyết khác cho rằng tràng là cờ treo trên trụ cao, biểu thị tâm đại Bồ-đề của Mật giáo. Trên đỉnh của cán cờ có đặt hạt bảo châu như ý thì gọi là Bảo tràng, Như ý tràng, Ma-ni tràng. Còn ấn Dữ nguyện là hình Tam muội da của Bảo Sanh Như Lai, Bồ-tát Kim Cang Tràng, Bồ-tát Trừ Cái Chướng và Bồ-tát Địa Tạng. Ở Nhật Bản thì tràng và phan chỉ là một vật.

Theo Mật tông thì Thắng lợi tràng (Dhvaja) còn gọi là kim tràng (cờ vàng), bảo tràng (cờ quý), tràng mang nghĩa là chỉ cờ. Tràng vốn có nguồn gốc từ một loại cờ trong quân đội của Ấn Độ cổ, khi chiến thắng đối phương, cờ của kẻ thắng sẽ được giương cao lên, muôn người hô lớn. Đối với Phật giáo, tràng thường đặt trên bốn góc của đỉnh điện Phật và hai bên cửa của chùa tháp, tượng trưng Phật Đà chiến thắng tứ ma.

Dạng thức của cờ chủ yếu có hai loại: Một là loại cờ bằng lụa, hình ống dài, dùng chín tầng lụa bạch kết nối mà thành. Màu sắc của nó có xanh lam, trắng, đỏ, xanh lục, vàng; trên đỉnh có gắn châu báu hoặc mấu 3 cạnh, chủ yếu đặt ở trong Phật đường. Một loại khác là cờ được làm bằng đồng, trên đó có khắc câu chú, đầu sư tử, chuỗi ngọc, trên đỉnh là vòng lửa; cờ có hình lục giác hoặc bát giác, trên mỗi góc có treo một chiếc chuông. Cờ đồng được mạ vàng, khi để dưới ánh sáng mặt trời sẽ phát sáng, ánh sáng rạng rỡ vô cùng. Cờ đồng thông thường đều được đặt trên đỉnh phòng, bốn góc hoặc hai bên trước trong Phật đường của chùa viện. Trong đó cờ hình trụ tròn thường thấy nhất, cờ trắng nhỏ biểu thị sự che chở chúng sinh, cờ sắc vàng có hình ảnh đầu ma yết (thủy quái Makara) tượng trưng cho Phật Đà chiến thắng tất cả dục thần và tất cả ma chướng.

Phật giáo dùng cờ để ví với nghiệp chướng, phiền não được giải thoát, giác ngộ thành chánh quả. Phật giáo Tạng truyền cho rằng, nó là tượng trưng của giới, định, tuệ, giải thoát, đại tuệ, phương tiện, vô ngã, ngộ duyên khởi, ly thiên kiến và không, vô tướng, vô nguyện. Vì thế, thắng lợi tràng đại diện cho thân Phật, biểu thị sự cứu chữa bệnh tật cho chúng sanh, giải trừ các ma chướng phiền não, cuối cùng được giải thoát lên cõi Niết-bàn.

Sau khi Phật giáo hưng thịnh, tràng phan dần dần được các tăng nhân chọn dùng trong các hoạt động liên quan đến nghi lễ Phật giáo, biểu thị ý nghĩa Phật pháp vững chắc, chiến thắng được tà môn ngoại đạo, phát triển không ngừng.

Nói chung, cờ là biểu hiện của chiến trận, vừa là dấu hiệu của quyền chỉ huy, dấu hiệu tập hợp và là biểu hiện của bản thân chủ tướng. Tranh tượng Ấn Độ giáo đã nêu rõ ý nghĩa đó: lá cờ chiến thắng là dấu hiệu của chiến tranh và từ đó, là dấu hiệu của hành động chống lại các sức mạnh ác hại. Trong Đạo giáo, lá cờ hiệu là tiếng hô gọi, thỉnh triệu (gọi hồn, cầu thần, hô phong hoán vũ) và đồng thời là sự bảo trợ bằng pháp thuật. Có quan niệm như vậy là vì ở Trung Hoa xưa, những lá cờ không chỉ là biểu hiện của những đoàn quân hay của các tướng lĩnh thực sự có tài năng và đức độ(7). Như đã trình bày trên đây, phướn là một loại cờ đặc biệt với những công năng diệu dụng. Ở xứ ta, ngoài các công năng đó, các sự tích suy nguyên về lá phướn lại là những câu chuyện đậm đà tính chất khuyến thiện, đề cao thiện tâm của con người.

 Chú thích

(1) Theo Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi, NXB. Giáo Dục, 2000.

(2) Theo Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính (Bản khai của xã Đức Mỹ), 1915.

(3) Theo Tạp chí Đông Dương, tập XIII, số 1 (1910) (Bản khai của sách Hữu Lập, sách Vĩnh Lại.

(4) Theo Đông Ngàn: Cây phướn chùa Nành (báo Tiền Phong).

(5), (6) Theo Từ điển Phật học Huệ Quang, Thích Minh Cảnh chủ biên, tập 6; tập 10.

(7) Từ điển biểu trưng văn hóa thế giới, NXB. Đà Nẵng, 1997.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.