Câu chuyện ân tình

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1151- Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1151- Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Khi chúng ta đọc một cuốn sách, mục đích hướng tới có thể là tiếp nhận thông tin, tìm kiếm một vài tri kiến nào đó, giải trí, thưởng thức câu chữ,… Nhưng cũng có những cuốn sách lại mang đến cho chúng ta những điều khác hơn.

Ân tình, ở đây, là nhan đề của cuốn sách mà chúng tôi muốn nhắc đến trong bài viết. Tác giả của cuốn sách là thầy Thích Chân Pháp Nguyện, một vị Tăng sĩ tu tập theo pháp môn Làng Mai. Cuốn sách này, theo chia sẻ của tác giả, là tập hợp các bài viết nhỏ của thầy trong suốt 14 năm, được thầy gọi là “hoa trái” của sự tu học.

Những bài viết với nội dung khác nhau, là tập hợp nhiều câu chuyện, diễn ra ở nhiều bối cảnh, ấy vậy nhưng khi đặt trong một tổng thể, Ân tình, lại có một sự liên kết và xuyên suốt đặc biệt. Ở một góc nhìn khác, Ân tình hiện lên như những thước phim hồi tưởng về những chặng đường mà thầy đã đi qua, có khi như hồi ký, lúc lại như nhật ký.

Đó có thể là chuyện về những quãng đời mà thầy đã trải qua, từ lúc thơ bé ở quê hương Bạc Liêu, cho đến khi trưởng thành, xuất gia, rồi theo chân bổn sư đi đến nhiều nơi chốn; là những chia sẻ về các vấn đề trong cuộc sống mà nhiều người chúng ta từng đối diện; cũng có khi là những dòng thư, tâm sự mà tác giả dành riêng cho vị thầy khả kính của mình.

Một bác sĩ cũng là tri kỷ của Làng Mai từ Paris xuống thăm Làng Mai. Hôm ấy, bác sĩ biết Thầy không được khỏe nên xin vào thăm hỏi và khám bệnh cho Thầy.

Sau khi khám bệnh xong, bác sĩ tự tay vô nước biển cho Thầy. Con nhớ hôm đó bác sĩ run lắm. Bác sĩ cố tìm đường gân nào đủ lớn để đâm kim vào, nhưng tìm mãi cũng không thấy. Bác sĩ thử vô kim vài lần nhưng không thành công. Việc này đã làm cho Thầy chảy máu và nước biển chảy ra ngoài. Mỗi lần máu của Thầy chảy ra thì tay của bác sĩ run hơn. (…) Nhưng Thầy vẫn bình tĩnh, thản nhiên như không có gì xảy ra.

Cuối cùng, bác sĩ cũng cho kim vào được và nước biển bắt đầu được truyền vào cánh tay Thầy. Khoảng 15 phút sau thì tay Thầy, chỗ vô nước biển, bị phồng to lên. Điều này cho thấy nước biển không được đưa đúng vào đường máu mà đang chảy ra ngoài và đọng lại dưới làn da. Thấy thế con định thưa bác sĩ, nhưng Thầy nháy mắt không cho. Thầy nhẹ nhàng lấy cái khăn đậy lại để bác sĩ và mọi người khác không thấy.

Chờ khi bác sĩ rời khỏi phòng, Thầy tự rút kim ra và bảo con cất dọn đi. Con thưa với Thầy: “Bạch Thầy! Để con nhờ người gọi y tá đến làm lại cho Thầy!”. Thầy ôn tồn bảo: “Không cần đâu con!”. Sau đó, Thầy bắt đầu dạy con: “Bác sĩ ít khi làm những chuyện này nên không quen. Bác sĩ có thiện ý, đường xa xuống đây một mình nên Thầy để cho bác sĩ làm. Nếu lúc nãy con kêu y tá đến sẽ làm cho bác sĩ cảm thấy ngượng ngùng”.

Trích Ân tình, Thích Chân Pháp Nguyện

Đặc biệt hơn, thầy Pháp Nguyện là một trong số những vị thị giả của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ở vai trò của một thị giả, thầy có nhiều khoảnh khắc, trải nghiệm mà không nhiều người tiếp cận hay chứng kiến được.

Là người được mệnh danh “bậc thầy của chánh niệm”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có nhiều năm tháng hoằng hóa khắp từ Tây sang Đông. Ở bất cứ đâu, ngài luôn hiện diện với hình ảnh thật từ hòa và đầy sức sống. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đồng thời nhận được sự ngưỡng mộ rất lớn từ công chúng ở khắp mọi nơi mà ngài có mặt để chia sẻ, hướng dẫn sự thực tập chánh niệm, dù đó là trụ sở của một tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, hay một tu viện, trên quảng trường trung tâm thành phố,…

Trong những dòng ghi chép của thầy Pháp Nguyện, hình ảnh Thiền sư lại hiện lên ở một góc độ khác: một vị thầy giản dị, gần gũi nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc với các đệ tử, một con người lịch thiệp, tế nhị trong giao tiếp - đơn cử qua cách ứng xử của thầy Nhất Hạnh với một vị bác sĩ được kể lại trong sách.

Ở cái tuổi tám, chín mươi, ngài cũng là một bậc thầy già, cũng phải đối diện với ít nhiều biến cố về sức khỏe. Các thị giả như thầy Pháp Nguyện, là người đồng hành với Thiền sư trong những lúc như vậy. Có chăng, cái khác biệt của một vị thiền sư như Thầy Nhất Hạnh, đó chính là cách bình thản đón nhận cơn bệnh, kiên nhẫn để vượt qua những trục trặc trên thân thể mình. Hãy đọc về “một ngón chân nhúc nhích” để thấy được kho tàng tinh thần đặc biệt của một vị Thiền sư.

Đồng thời, cũng qua những dòng tâm sự của thầy Chân Pháp Nguyện, chúng ta cũng phần nào hiểu được cảm xúc của những vị đệ tử thân cận trước những giây phút đặc biệt bên thầy mình.

Thầy Thích Chân Pháp Nguyện là một thầy tu trẻ. Có lẽ cũng vì vậy, những câu chuyện, cảm thức của thầy cũng rất trẻ. Trong Ân tình, ngoài những kỷ niệm với quê hương, gia đình, bổn sư và huynh đệ, thầy Chân Pháp Nguyện cũng đồng thời chia sẻ cái nhìn của mình về rất nhiều vấn đề mà con người, đặc biệt là những người trẻ, phải đối diện trong xã hội hiện đại như truyền thông trong gia đình, chế tác và kiếm tìm hạnh phúc, chuyển hóa những khổ đau, thương tổn hay cả những vấn đề phần nào tế nhị mà chúng ta thường ngại nhắc tới như tình yêu, tình dục, giới tính,… Thầy Pháp Nguyện đưa ra cái nhìn trực diện vào mọi vấn đề dưới góc độ của một người tu, dưới lăng kính của đạo Phật. Cái nhìn đó xuất phát từ công phu thực tập của thầy, và bản thân thầy, khi đối diện với những biến cố của chính mình, đã vượt qua bằng công phu ấy, bằng những bài học mà thầy tiếp nhận được từ bổn sư:

“Ý chí mạnh mẽ của Thầy đã dạy cho tôi một bài học vô giá: đó là dù cuộc đời có bão táp phong ba ra sao, nhưng cũng đừng vì thế mà bỏ cuộc. Hãy can đảm đứng lên sau khi vấp ngã, hãy can đảm sống chính thực với lòng mình, và hãy can đảm làm một con người vô sự”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.