GNO - Khi tôi viết ra câu chuyện này có lẽ sẽ ít người tin.
Thầy tôi cũng không khuyến khích tôi viết về việc học Phật khi mình chưa tu giỏi. Tôi nhớ thầy dạy: "Người tu học là để lợi lạc - trước cho mình, sau cho người, không nên đem ra khoe khoang hay tranh luận, việc kị nhất trong học Phật là ngã mạn - ngày nào còn khoe là ngày đó còn dở!".
Học Phật cần biết giáo lý căn bản và hành trì mỗi ngày để chuyển hóa tự thân - Ảnh minh họa
Theo thầy, nếu tôi có học, có hành trì tiến bộ như thế nào đi nữa mà nguyên tắc "không khoe khoang" bị quên thì "Không môn mãi còn xa lắm". Vì vậy hãy khiêm tốn càng nhiều càng tốt.
Viết ra như vậy đã là một dạng truyền tải tâm tư, tri kiến, khả năng về cái "Biết" của mình cho thiên hạ xem - cũng là việc tôi không mong nhận được sự khen ngợi, những lời nói tạị đây quý độc giả xem như phút trải lòng về một kinh nghiệm đã qua của tôi (vẫn xin phép được giấu tên).
*
18 năm đầu đời học và chẳng có gì đặc biệt, về tôn giáo tôi cũng chẳng mấy quan tâm - miễn sao sống tốt, mình vui, người thân vui là được.
Rồi một ngày tôi được người bạn hỏi: Mày có biết Vô thường là gì không? Tôi vô tư trả lời: Không.
"Vô thường là sự thay đổi liên tục, có rồi mất, mới qua vậy nay khác, như tao nè, vợ con giờ li dị hết. Mới ngày nào cưới, đẻ con, vui vẻ - rồi giờ mất tiêu như cơn mây khói, đó là vô thường...", bạn giải thích.
Tôi: "Ừ ha, đúng tao cũng thấy Vô thường hay quá, nó đúng là Chân lý rồi, nhưng là ai nói vậy?".
Bạn: "Đức Phật nói, dạy lại cho các đệ tử của Ngài đó".
Tôi: "Hay vậy ta, sao Đức Phật nhận ra nhiều thứ hay quá, tao cũng nghe nhiều lời dạy của Ngài, mà người ta khắc, viết, treo ở chùa, ở quán cơm chay...".
Kết thúc câu chuyện đầu tiên tại đó!
*
6 năm trôi qua... Thời gian tôi đi sâu và nghiên cứu về kinh điển, tôi cũng nghe giảng từ Youtube, đọc sách, đi rất nhiều nơi từ Nam ra Bắc, các chùa Việt Nam hầu như tôi đến nhiều. Tôi cũng sang các nước như Lào, Thái, Myanmar, Singapore,... cứ công tác là tôi dành một ngày đi tìm hiểu về các ngôi chùa - một dạng hành hương mà nhiều người mơ ước, trải nghiệm rất nhiều. Từ những chuyến đi tôi đã nhận ra vài điều:
- Ta không thể dùng cả đời để tìm Phật bằng cách này.
- Ta cần một vị Thầy, một Minh Sư để học hỏi.
- Ta cần một cách thực hành chuyên sâu hơn là chỉ nghe và đọc kinh như truyện ngụ ngôn.
*
Cơ duyên đưa tôi đến đúng vị Thầy, và đến giờ tôi vẫn không thể hiểu vì sao, nhưng tôi biết người như thầy tôi hiện nay cũng khó gặp. Chữ khó đây không phải như mọi người nghĩ - là phải leo rừng băng núi, vào hang sâu tìm. Thầy tôi - ngài rất bình thường. Ngài bình thường đến nỗi nếu đã từng gặp qua thì bạn cũng không hề nghĩ sự am hiểu Phật pháp, nhất là Luận tạng của ngài sâu đến như thế nào (ngoại trừ bạn là học trò của ngài).
Sự giản dị của thầy dạy tôi, thực ra tu hành rốt cuộc không phải là trở thành một vị Thần nào cả... mà là luôn luôn phát hiện ra cái xấu, sự bất thiện trong Tâm mình. Nhìn vào nó, quan sát nó. Thầy hay nói, tu hành thực ra là chữa bệnh, chúng ta chỉ là những con bệnh: Tham, Sân, Si, Ích kỷ, Ngã mạn, Tà kiến...
Kinh nghiệm nữa: đối với Phật tử, chúng ta hãy cố gắng dung nạp cho mình vốn liếng giáo lý căn bản. Là Phật tử cần thấu tỏ Duyên là gì, Khổ là gì, Đức Phật là ai hay Bát quan trai là gì, Tam bảo là nghĩa gì, Kinh điển bao gồm các Tạng kinh gì... Và quan trọng là sống với những lời dạy đó trong cuộc sống của mình mỗi ngày, uyển chuyển ứng dụng để chữa bệnh cho tự thân!
luanminhphong@gmail.com Tôi học Phật GNO
Đây là tiểu mục nhỏ trên trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ nhân mùa Phật đản, mời bạn viết bài chia sẻ về việc tìm tới với đạo Phật, những chuyển biến tích cực từ khi học Phật, kinh nghiệm về việc tu học với những va vấp và chướng ngại mà bạn đã vượt qua.
Đó còn là việc hướng dẫn, chia sẻ giá trị của lời Phật dạy tới người thân, bạn bè hoặc người hữu duyên mà bạn làm được, họ có những thay đổi an vui, trở thành Phật tử…
Bài viết có thể là câu chuyện của bạn với những cảm xúc chân thành, đầy hoan hỷ khi thấy ánh sáng Phật pháp; hoặc cũng có thể là câu chuyện của ai đó mà bạn biết khiến bản thân xúc động…
Bài vở gửi về: bandocgiacngo@gmail.com, bài hay sẽ được chọn đăng trên tuần báo và Giác Ngộ online. Khuyến khích có hình ảnh về nhân vật/tác giả câu chuyện.