Ba mất từ nhỏ, tôi thậm chí không biết mặt ông ấy như thế nào, có chăng chỉ bức ảnh loang lổ màu mà ông nội còn giữ. Mẹ tôi vì vậy mà phải thay ba lo tất cả những chuyện trong gia đình, chẳng còn ai chia sẻ, gánh nặng cứ thế ngày một lớn dần theo sự trưởng thành của chúng tôi.
Mẹ phải cặm cụi đêm ngày, từ việc đồng áng cho đến ai thuê gì làm nấy, miễn có tiền để nuôi sống con nhỏ. Chuyện ăn uống, học tập, tắm giặt, sinh hoạt của chúng tôi hiếm khi được mẹ quan tâm, săn sóc nhiều, bao nhiêu đều dồn lên vai bà ngoại. Cho đến bây giờ, ký ức tuổi thơ tôi chỉ là món cháo đậu, nồi cá nục kho khô hay dĩa muối đậu rang của bà.
Trong ký ức quê nghèo đấy là mùi khét vì nắng gió, mùi mồ hôi nhễ nhại của mẹ tôi mỗi khi đi làm về. Chúng tôi thèm được yêu thương nên kiếm cớ để đến gần mẹ, may mắn thì được một cái ôm kèm một nụ hôn trên má, còn xui thì bị mẹ mắng xối xả vì quấy rối không cho mẹ làm việc. Chúng tôi thường bị mắng nhiều hơn nhưng không ai oán trách gì cả, cái ôm của mẹ đủ để xoa dịu tâm hồn nhỏ bé, thiếu thốn đủ bề của chúng tôi lúc đó rồi.
Căn nhà mà cả gia đình đang sống, đáng ra do ba tôi làm nhưng rồi chính mẹ tôi phải tích góp để dựng nên. Rồi trước mỗi năm học, chúng tôi đều hồi hộp chờ mẹ dẫn đi mua sách vở. Thời gian nhanh hay chậm phụ thuộc vào đồng tiền mà mẹ kiếm được, nhiều lúc phải thiếu nợ vì chẳng ai thuê mướn làm gì.
Những cây bút, cuốn vở mới thơm phức, là niềm vui của chúng tôi được đánh đổi bằng sự lo âu không ngừng của mẹ. Hiểu được nỗi vất vả mà mẹ đang gánh, anh em chúng tôi chẳng ai bảo ai, mỗi người đều cố gắng học lấy con chữ, tự chăm sóc bản thân và không đòi hỏi bất cứ thứ gì như bạn bè cùng trang lứa, khỏi làm mẹ phiền lòng.
Ấn tượng mà tôi nhớ mãi đó là lúc tôi có thành tích xuất sắc vào cuối năm lớp 5. Hạnh phúc vì mình đạt được thành tích cao, nhưng cũng thấp thỏm không yên khi chờ gọi tên lên nhận thưởng, chỉ vì mẹ chưa kịp đóng học phí đúng thời hạn. Tôi chẳng trách mẹ, chỉ cầu nguyện mọi chuyện đừng bị vỡ ra, bạn bè cười đùa xấu hổ. May nhờ thầy chủ nhiệm giúp tôi đóng học phí nên không có gì xảy ra cả. Cảm giác hồi hộp, lo lắng của một đứa nhỏ giữa sân trường đầy tiếng cười vui của bạn bè đó tôi vẫn không bao giờ quên được.
Càng lớn, kinh tế cũng ổn định hơn, mẹ cũng bớt việc lại và chúng tôi càng rời xa sự chăm sóc của mẹ. Vẫn còn đó những lời quan tâm, thăm hỏi nhưng những cái ôm, nụ hôn ít dần đi. Tôi cũng không hiểu tại sao, có lẽ vì chúng tôi đi làm xa, ít có thời gian ở với mẹ. Ai cũng muốn đưa mẹ lên để sống cùng thế mà không được. Mẹ vẫn quen gốc rạ, nắng gió của quê nghèo.
Có lần về thăm, tiếng con nít đùa giỡn vang cả sân nhà. Tôi chọc bà: “Mạ ngó rứa mà hung con hí”. Bà vừa lấy bánh trái mà tôi mang về đưa cho tụi nhỏ, vừa lườm tôi rồi nói: “Cô cha thượng họ tụi bây đi quanh năm suốt tháng, tao ở một mình, bọn ni hắn thương mệ già ni cô đơn hắn tới chơi thôi”. Mẹ nói vậy chứ tôi biết, lúc còn trẻ, mẹ ít bồng bế, chăm sóc chúng tôi vì lo kiếm tiền nuôi gia đình. Giờ rảnh rang, bà muốn làm những việc đó nhưng chúng tôi đã lớn cả rồi, thế nên bà mới chuyển tình thương đó sang những đứa nhỏ quanh làng.
Rồi mẹ cũng tham gia sinh hoạt gia đình Phật tử, cố gắng học hỏi, tham gia các trại huấn luyện, trở thành huynh trưởng để có điều kiện quan tâm tới bọn trẻ nhiều hơn. Tôi cũng thán phục vì biết rằng hồi xưa mẹ chỉ mới học hết lớp 6 mà thôi, câu chữ đọc còn khó khăn nay lại thêm mắt đã kém, bệnh tật đủ thứ trong người. Ấy thế mẹ vẫn siêng năng đi sinh hoạt chẳng bỏ buổi nào, nhiều khi tôi về thăm, mẹ nấu ăn xong, dặn dò đôi câu rồi tất tả đi cho kịp giờ làm tôi dỗi không thôi.
Giờ đây, khi Vu lan về, nhìn đóa hồng phai, không còn đỏ thắm trên ngực, tôi hiểu rằng sự ra đi của ba không chỉ là nỗi đau về tinh thần mà còn để lại cho mẹ những lo toan, trách nhiệm không ai đỡ đần. Nó làm đôi vai gầy mỏng manh của mẹ ngày một thêm nặng và lấy đi những khoảng thời gian bên con khi chúng còn nhỏ. Vì vậy, chúng tôi ai cũng tạo điều kiện tốt nhất để mẹ đi chùa, làm huynh trưởng Gia đình Phật tử, trở thành một người mẹ chung của nhiều đứa trẻ trong ngôi nhà Phật pháp.