Cảm Ứng tự - ngôi chùa trăm gian có từ thời Lý

Cảm Ứng tự là ngôi chùa đẹp nổi tiếng ở xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Đây là công trình kiến trúc tiêu biểu vào loại bậc nhất trên vùng quê xứ Bắc, được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1992.


Trải qua nhiều giai đoạn trùng tu, tôn tạo, đặc biệt là giai đoạn từ 2005 tới nay với mức đầu tư trên 16,4 tỷ đồng của chương trình mục tiêu quốc gia, chùa Cảm Ứng đã được phục dựng lại gần như nguyên vẹn, trở thành một điểm du lịch tín ngưỡng, tâm linh lôi cuốn nhân dân và du khách thập phương.

Chùa Cảm Ứng có 100 gian với 18 công trình, hạng mục công trình, tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo vừa hoành tráng vừa mang dáng vẻ cổ kính, rêu phong khiến cho những người tới đây có được cảm giác thăng hoa, sống trong triết lý thanh bạch và “từ bi hỷ xả”.

Chùa Cảm Ứng ngay từ thời Tiền Lê, đầu thời Lý đã là một trong những trung tâm Phật giáo của vùng Kinh Bắc và cả nước.

Theo sách “Việt sử lược" khoảng năm niên hiệu Ứng Thiên (995- 1007) chùa là nơi thiền sư Vạn Hạnh đã từng đưa Lý Công Uẩn về đây lánh nạn. Khi Vương triều Lý ra đời, chùa vẫn là nơi trụ trì và hành đạo của nhiều vị tổ sư đã có nhiều công lao đóng góp vào việc xây dựng triều chính và nền văn hóa dân tộc.

Năm 1063, để ghi dấu về việc cầu tự ở chùa Cảm Ứng, vua Lý Thái Tôn đã cho xây dựng chùa với qui mô to lớn, trở thành một danh lam thắng cảnh và một trung tâm đào tạo Phật giáo cho các tăng ni. Từ giữa thế kỷ thứ 15 trở đi, cùng với sự phát triển kinh tế của địa phương, chùa Cảm Ứng được sửa chữa với qui mô lớn vào năm 1519.

Những năm 1693-1697 chùa được trùng tu và mở rộng với nhiều hạng mục công trình, trong chùa có hàng trăm pho tượng sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Năm 1826, chùa được xây dựng hoàn chỉnh 100 gian, 18 hạng mục công trình trở nên ngôi chùa đẹp vào bậc nhất ở vùng Kinh Bắc.

Năm 1972, do bị giặc Mỹ ném bom, nhiều công trình, hạng mục trong chùa bị đổ nát, nhiều tượng Phật bị cháy hỏng. Các năm 1975 và 2000, nhân dân xã Tam Sơn đã đóng góp sức người và tiền của tu bổ di tích với qui mô kiến trúc gần như nguyên vẹn.

Chùa Cảm Ứng hiện còn lưu giữ được nhiều pho tượng Phật, cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật đặc sắc như Khánh đá tạo tác năm 1672, cây hương đá dựng khắc năm 1697, chuông đồng đúc năm 1826 và tấm bia đá “Tam Sơn xã đăng khoa bi kí" dựng khắc năm 1902.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sư dân tộc, chùa Cảm Ứng đã được bảo quản, trùng tu, tôn tạo với đầy đủ dáng vẻ cổ xưa. Chùa là báu vật và niềm tự hào của người Bắc Ninh-Kinh Bắc, quê hương của Vương triều Lý, một vương triều vàng son bậc nhất trong các thời kỳ phong kiến Việt Nam.

Vào những ngày chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, chùa luôn được tiếp đón đông đảo người dân, du khách đến thăm, thắp hương, tưởng nhớ tới nhiều bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao của họ trong các thời kỳ dựng nước và giữ nước./.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.