Các tôn tượng Bồ-tát Quan Âm nổi tiếng trên thế giới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1123 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1123 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Quán Thế Âm hay Quan Âm (Avalokiteśvara) là một vị Bồ-tát quan trọng trong truyền thống Phật giáo Đại thừa.

Ngài là hiện thân của lòng từ bi, luôn lắng nghe tiếng kêu cứu của chúng sinh để kịp thời giúp đỡ và tương trợ thông qua 32 hình thức ứng hóa thân.

Vì vậy, thánh tượng của Ngài được cộng đồng Phật tử trên thế giới tôn thờ, không những ở tư gia mà còn tại các địa điểm được nhiều người biết đến như danh lam, quảng trường, núi thiêng và cả hải đảo.

Các tôn tượng được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào niềm tin, mong ước và tín ngưỡng của người dân nơi đó. Dưới đây là một số tôn tượng đặc biệt của Bồ-tát Quan Âm tại các quốc gia trên thế giới.

Tượng Bồ-tát Quan Âm Nam Sơn Hải Thượng (đảo Hải Nam, Trung Quốc)

Với chiều cao 108m, pho tượng này hiện đang được biết tới là thánh tượng Quan Âm cao nhất thế giới.

Được tôn tạo bằng hợp kim titan, thánh tượng gồm ba mặt, một mặt quay vào đất liền, tay trái nâng quyển kinh, tay phải kiết ấn giáo hóa (vitarka-mudrā); mặt thứ hai hướng ra biển, hai tay bắt chéo nhau và cầm xâu chuỗi hạt; và mặt còn lại cầm cành hoa sen.

Tượng Bồ-tát Quan Âm ở đảo Hải Nam, Trung Quốc

Tượng Bồ-tát Quan Âm ở đảo Hải Nam, Trung Quốc

Việc xây dựng tôn tượng khổng lồ này mất 6 năm ròng rã. Ngài đứng trên một đài hoa sen 108 cánh, cao 10m và được nối đất liền bằng cây cầu dài 280m. Dưới chân tượng là chánh điện Viên Thông có diện tích 15.000m2, bao bọc xung quanh là quảng trường Quan Âm rộng 60.000m2, sức chứa ước tính khoảng 300.000 người.

Vì được xây dựng trên hòn đảo giữa biển, nên nhìn từ xa thì du khách có cảm tưởng như Ngài đang đi trên mặt biển. Đây là địa điểm linh thiêng thu hút rất nhiều du khách tham quan cũng như các phái đoàn Phật giáo đến chiêm ngưỡng và lễ bái cầu nguyện.

Tiên Đài Thiên Đạo Bạch Y Đại Quan Âm (Miyagi, Nhật Bản)

Tôn tượng khổng lồ này có tên gọi chính thức là Tiên Đài Thiên Đạo Bạch Y Đại Quan Âm (Sendai Tendou Byakue Daikannon, 仙台 天道 白衣 大 観 音). Tượng cao 100m, tay phải cầm viên minh châu như ý, tay trái giữ một tịnh bình cam lồ hướng xuống dưới. Đây là tượng Quan Âm lớn nhất ở Nhật Bản, được hoàn thành vào năm 1991 trên một ngọn đồi cao nhìn ra thành phố Sendai.

Tiên Đài Thiên Đạo Bạch Y Đại Quan Âm tại Nhật Bản

Tiên Đài Thiên Đạo Bạch Y Đại Quan Âm tại Nhật Bản

Dưới chân tượng là một miệng rồng mở rộng, du khách có thể vào đây để tham quan những tượng Phật và hiện vật được trưng bày trong đó. Tầng trệt có 33 tác phẩm điêu khắc khác nhau, tượng trưng cho 33 hóa thân của Bồ-tát Quan Âm. 108 vị Phật với những sắc thái khác nhau được tôn trí cân đối bên trong tủ gỗ trên 12 tầng bên trong tôn tượng khổng lồ này. Đặc biệt, ở đây, ngoài cầu thang bộ, còn có hệ thống thang máy giúp du khách có thể lên xuống các tầng một cách dễ dàng.

Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn chùa Bút Tháp, Việt Nam

Đây là một kiệt tác về nghệ thuật điêu khắc, được mệnh danh là “Tập đại thành của nền điêu khắc Việt Nam”, được tôn tạo vào thế kỷ XVII, hiện là Bảo vật Quốc gia (2012). Tượng ngồi trên tòa sen do một con rồng đỡ lên từ mặt biển nổi sóng, sâu bên dưới là bốn bức tượng nhỏ.

Pho tượng có 42 cánh tay lớn và 958 cánh tay nhỏ. Một trong những vẻ đẹp riêng của pho tượng là các cánh tay lớn hoàn toàn trong tư thế tự do thanh thoát. Thường những pho tượng thế này thì các tay lớn sẽ cầm các pháp khí như kim cương chử, vòng, chuỗi hạt, hạt châu.... Nhưng ở đây tay tượng hoàn toàn thoải mái với những động tác mềm mại. Những cánh tay tỏa ra sau lưng như vầng hào quang rộng mở, trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt.

“Phật Bà” Quan Âm (Thái Lan)

Với một đất nước Phật giáo theo truyền thống Nam tông như Thái Lan thì tôn tượng Quan Âm được xây dựng công phu và tỉ mỉ như thế này là một điều hy hữu.

“Phật Bà” Quan Âm tại chùa Plai Laem, Thái Lan

“Phật Bà” Quan Âm tại chùa Plai Laem, Thái Lan

Tôn tượng này là một công trình tiêu biểu và ấn tượng nhất của wat Plai Laem trên đảo Koh Samui, Thái Lan. Nổi bật với hóa thân gồm 18 tay, mỗi tay cầm một loại pháp bảo, tượng trưng cho uy lực và khả năng cứu độ cho nhiều đối tượng chúng sanh khác nhau, tượng Quan Âm này nhận được rất nhiều sự kính ngưỡng của người dân ở xứ sở Chùa Vàng, đặc biệt là nơi nương tựa tâm linh vững chắc cho những thủy thủ ra khơi nhiều ngày trên biển.

Thiết kế quy mô và tinh xảo của ngôi chùa này được thực hiện bởi Jarit Phumdonming, một nghệ sĩ hàng đầu của Thái Lan; đây là một trong những di sản điển hình của Trung Quốc ở Koh Samui.

Quan Âm Nghìn mắt nghìn tay (Hồ Nam, Trung Quốc)

Được làm bằng chất liệu đồng mạ vàng và chiều cao 99m, đây là bức tượng cao thứ tư ở Trung Quốc; chính quyền quận Nam Sơn, cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức tôn giáo và doanh nghiệp địa phương, đã đầu tư 260 triệu nhân dân tệ để hoàn thành việc xây dựng tôn tượng khổng lồ này vào năm 2009.

Quan Âm Nghìn mắt nghìn tay tại Hồ Nam, Trung Quốc
Quan Âm Nghìn mắt nghìn tay tại Hồ Nam, Trung Quốc

Hóa thân nghìn mắt nghìn tay của Bồ-tát Quán Thế Âm đã khiến cho tôn tượng thực sự nổi bật và càng thêm tính linh thiêng. Với tổng cộng là 11 đầu và 40 cánh tay được thể hiện một cách mềm mại và cân đối, đây là một công trình tâm linh đáng tự hào của cộng đồng Phật tử nói riêng và người dân Trung Quốc nói chung.

Trên đây là một số tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm nổi tiếng. Tuy vị thứ xếp hạng có thể thay đổi theo thời gian, nhưng giá trị tâm linh của những bức tượng này luôn bất biến đối với các cộng đồng Phật tử trên toàn thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.