Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đang phân tích chiết tự chữ Hán liên quan đến tên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu |
Thính giả lắng nghe và đối thoại trực tiếp với nhà nghiên cứu, dịch giả Cao Tự Thanh về những vấn đề, những khoảng trống hiện đang tồn tại trong nhận thức về cuộc đời và tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, một danh nhân văn hóa Việt Nam nhân Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (1-7-1822 - 1-7-2022).
Trên cương vị của một nhà nghiên cứu độc lập, ông Cao Tự Thanh đã đưa ra nhiều dẫn chứng để làm sáng tỏ thêm nhận thức cho hậu nhân về tên gọi, tiểu sử cuộc đời, các tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ông cũng giải thích thêm ý nghĩa của một số câu từ trong các tác phẩm Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế sĩ dân lục tỉnh trận vong… để giúp thính giả hiểu được thủ pháp nghệ thuật, quan điểm, lý tưởng trong thơ văn của ông. Qua đó mang lại những góc tiếp cận thực tế, chân thật hơn về vị danh nhân văn hóa này trong lịch sử cũng như trong thi ca, phục vụ cho các công tác nghiên cứu sau này.
Bản Hán Nôm bài thơ "Tú tài Chiểu tự thuật thán vân" của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu |
Buổi nói chuyện cũng tiếp nhận rất nhiều ý kiến quan tâm của các học giả, nhà nghiên cứu, bạn trẻ tham dự tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp cũng như cách mà văn thơ của ông đã đi vào cộng đồng, được người dân miền Nam tiếp nhận; Giúp nhiều người lấp kín những khoảng trống hiện đang tồn tại trong nhận thức về cuộc đời và tác phẩm của danh nhân văn hóa Việt Nam này.
Đối thoại trực tiếp trong tinh thần hòa đồng |
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thì hậu nhân cần có nhận thức về sự bảo tồn những dấu tích mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã để lại, cụ thể hơn là quan tâm trùng tu lại ngôi mộ thân sinh của ông tại làng Bồ Điền, Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, thông qua sự tôn trọng của lãnh đạo Pháp thời bấy giờ đối với tinh thần yêu nước của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu, ông Sơn cũng mong muốn thế hệ sau này nên tiếp thu thái độ văn minh của họ, tôn trọng và ứng xử một cách đúng đắn hơn đối với những giá trị mà ông cha đã để lại.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Sinh 1-7-1822 tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc TP. HCM ngày nay). Tinh thần yêu nước, thương dân, khát vọng về quyền tự quyết của dân tộc của ông được thể hiện rất rõ qua nhiều tác phẩm nổi tiếng như Lục Vân Tiên, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế sĩ dân lục tỉnh trận vong và thơ điếu liên hoàn: Thơ điếu Trương Định, Thơ điếu Phan Tòng, Thơ điếu Phan Thanh Giản…
Rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu, các bạn trẻ tham dự buổi nói chuyện |
Ngày 23-11-2021 tại thủ đô Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa thuộc Liên Hiệp Quốc (Unesco) đã thông qua nghị quyết: năm 2022 sẽ tổ chức Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Cùng với Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương, thì Nguyễn Đình Chiểu trở thành người Việt Nam thứ 6 được Unesco kỷ niệm như một danh nhân văn hóa.