Hội thảo có sự tham gia của hàng trăm chư tôn, giáo phẩm, hoà thượng, đại đức, tăng ni, các nhà khoa học. Cùng dự có nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An...
Với 91 bản tham luận, hội thảo tập trung vào 3 chủ đề lớn: Vua Trần Nhân Tông - con người và thời đại; Vua Trần Nhân Tông - anh hùng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; di sản tư tưởng - văn hoá của thời đại nhà Trần và Vua Trần Nhân Tông, góp phần giúp nhân dân hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và một giai đoạn Phật giáo phát triển rực rỡ trong lịch sử VN. Đây là cơ sở để Bộ VHTTDL cùng các cơ quan chức năng xem xét trình lên UNESCO công nhận Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hoá thế giới. Tại hội thảo, UBND tỉnh Nam Định cũng trao tặng bản sao của bản sắc phong sớm nhất của đời Vua Trần Thái Tông cho Giáo hội Phật giáo VN.
Phát biểu khai mạc, Hoà thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN, Trưởng BTC - cho rằng: Thông qua hội thảo để có dịp chư tăng ni trong GHPGVN, giới phật tử và xã hội có dịp chiêm ngưỡng và hiểu biết hơn về thời đại của nhà Trần rất hào hùng trong lịch sử nước nhà với vị vua - Phật đã đại diện cho ý chí vươn lên thống nhất đất nước. Vua Trần Nhân Tông cũng là một vị sư đã để lại cho đời sau sự nghiệp hành đạo sáng chói của Người, kết hợp hài hoà giữa vai trò của một nhà vua và một nhà sư...
Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) tên thật là Trần Khâm - lên ngôi năm 1278, là con trưởng của Trần Thánh Tông, mẹ là Nguyên thánh Thiên cảm Hoàng Thái hậu; là vị vua lãnh đạo quân dân cả nước đánh tan quân Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285) và thứ ba (1287). Triều đại ông nổi bật với tinh thần quân dân đại đoàn kết, nổi tiếng qua hội nghị Diên Hồng và hội nghị Bình Than.
Sau cơn binh lửa, Trần Nhân Tông chú trọng khuyến khích nông tam, chiêu mộ dân khai khẩn ruộng hoang, mở rộng các công trình thuỷ lợi, chia ruộng đất cho dân, khuyến khích học hành thi cử, tuyển chọn nhân tài, tha tô thuế tạp dịch cho những vùng bị tàn phá, miễn dịch cho các vùng khác... Năm 1293, ông nhường ngôi cho con là Trần Thuyên (Vua Trần Anh Tông) và làm Thái Thượng hoàng cùng con lo việc nước. Năm 1299, ông rũ sạch bụi trần, lên núi Yên Tử tu hành khai sáng thiền phái Trúc Lâm.
Đã 700 năm trôi qua, kể từ ngày Điểu ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông - vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm tạ thế (16.11.1308), nhưng cùng với sự trường tồn của dân tộc, tinh hoa thiền học của Người vẫn lấp lánh như ngọn hải đăng soi rọi cho sự phát triển của Phật học VN, với phương châm bất tử "cư trần lạc đạo" - nghĩa là sống trong cõi trần vui với đạo!