GN - Có ai được diễm phúc như tôi, gần 40 tuổi đời, đã có chồng, có con, mỗi khi bước chân về nhà lại được má chăm như em bé? Má cạo gió, xức dầu, xoa bóp, tìm hái lá thuốc nấu nước cho xông. Thử hỏi, bến bờ nhân gian có nơi nào bình yên và dịu ngọt như bến bờ có mẹ?
Tôi quê ở miền Trung, má tôi là người đàn bà miền quê lam lũ. Má lam lũ từ thuở thiếu thời, cực khổ từ lúc bước chân từ nhà mẹ ruột sang mẹ chồng. Đàn bà quê chịu nhiều cay đắng từ quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, 6 lần vượt cạn là 6 lần đối mặt với tử thần. Ấy vậy mà má vẫn sống sót cho đến ngày hôm nay dù bao nhiêu lần vì cùng cực, vì uất ức má tìm đến cái chết, tự kết liễu đời mình. Nhiều người nói rằng, má nợ đời nhiều quá, nợ đám con gái của má nhiều quá nên ông trời bắt má phải sống. Má phải sống lâu để trả nợ đời, trả nợ kiếp khổ của trần gian. Ông trời bắt má phải sống để nhìn đám con gái má lớn lên rồi yên bề gia thất. Ông trời biểu má phải sống lâu, sống bền với cuộc đời dù thân hình má bé mọn, nhỏ nhoi.
Má một đời gánh nặng chồng, con… - Ảnh: Huyền Nga
Từ nhỏ, tôi đã được nghe hàng xóm nói rằng má là người đàn bà “giỏi”. Giỏi ở đây là giỏi chịu đựng, giỏi chịu được khổ cực, lầm than, giỏi chịu những lần đánh đập của ba và những lời chì chiết của nội. Má giỏi ở cái sức chịu đựng của một người đàn bà “dám” san sẻ bầu sữa của mình để nuôi con riêng của chồng vì cái tội “không đẻ được con trai”. Má giỏi nhẫn nại, chịu khó chịu thương hơn 50 năm làm dâu bà nội, từ cơm bưng, nước rót đến việc đổ bô. Má giỏi hy sinh vì những năm tháng ba bỏ theo người đàn khác, má bụng mang dạ chửa vừa cắt lúa ngoài đồng vừa tránh bom đạn vừa là chỗ dựa cho bầy con nheo nhóc ở nhà. Có người nói rằng má là hiện thân của Phật vì má phúc hậu quá, má vĩ đại quá.
Theo chồng từ thuở 17, đến nay đã 70 tuổi đời, bước chân đã qua bên kia đồi dốc, má vẫn phải “cơm bưng nước rót” phục vụ chồng và cả mẹ chồng. Má làm lụng cả ngày lẫn đêm, giấc ngủ chập chờn chưa bao giờ được thẳng giấc, nhưng má vẫn cười hiền, vẫn bao dung, vẫn là điểm tựa cho con cháu quay về, khi mệt mỏi với cuộc sống ngoài kia. Như tôi, gần 40 tuổi đời, tìm về má khi bước chân rệu rã, tinh thần mỏi mệt thì má lại lăng xăng cạo gió, xức dầu xoa bóp dù chỉ bị cảm xoàng. Má sang mấy nhà hàng xóm xin cho được nắm lá bạc hà, lá sả, lá ổi… đủ thứ loại để nấu nước xông hơi cho tôi giải cảm và giải mệt.
Hai lần tôi sinh nở, 2 lần vượt qua “cửa tử” là 2 lần má truyền cho tôi sức mạnh. Má đón mẹ con tôi từ ngoài phòng mổ, từ phòng thủ thuật hậu sinh; má lặn lội gần 700 cây số đường xa để vào chăm nom tôi những ngày ở cữ... Vậy mà, ngày Vu lan, tôi đặt cái bánh kem nhỏ xíu gửi tặng, má la, má bảo “tiền để mua sữa cho con, con đau con ốm mà mua cho má làm gì?”. Nói vậy nhưng má cũng đi “khoe” khắp xóm rằng có con gái mua bánh tặng ngày Vu lan.
Cuộc đời của má là những trang đời bất hạnh. Má cực khổ từ thuở tóc còn xanh non cho đến lúc bạc đầu. Bao nhiêu lần má tìm đến cái chết và bao nhiêu lần chốn nhân gian lại “rộng mở” vòng tay đưa má trở lại cuộc sống. Tâm hồn non nớt của một đứa trẻ lên năm lên ba của tôi lúc đó, đâu hiểu nước mắt và nỗi tủi nhục của má trong những lần bị đánh đập, bị chì chiết mắng la.
Tôi nhớ, có lần, má cùng ba đang tát nước trên đám ruộng kỳ khô hạn. Đang tát nước bỗng dưng má thả dây gàu và chạy ù sang đường cái. Má chạy thẳng xuống tới con đường ven ruộng, ngay chỗ cái đìa nhà ông Ba Qua rồi cởi chiếc áo khoác dài tay, vứt bỏ chiếc nón lá rồi nhảy ùm xuống đìa. Tôi chứng kiến toàn bộ sự việc. Một lần nữa má lại tìm đến cái chết. Tôi chạy theo má không kịp. Bà con lối xóm chứng kiến mới hô hoán vớt má lên. May thay, lần đó má không chết nhưng lần tự vẫn đó vẫn chưa kết thúc được cuộc đời đầy đau khổ của má.
Sau lần chứng kiến đó, tôi như người mất hồn. Tâm hồn một đứa trẻ như tôi chưa đủ lớn để hiểu biết cặn kẽ mọi việc. Tôi chỉ biết rằng má có cuộc sống vô cùng đau khổ. Tôi dặn lòng, sau này lớn lên sẽ học thật giỏi, sẽ là người chín chắn, hiểu biết, sẽ ngồi chuyện với ba, thưa chuyện với nội để phần nào giúp má giải tỏa bớt “nợ trần gian”. Và rồi chị em tôi cũng làm được, ba không còn đánh đập má như trước đây, nội cũng phần nào bớt mắng chửi chì chiết.
Những ngày 8-3, 20-10, sinh nhật má và đặc biệt là ngày Vu lan, chị em tôi dù ở xa cũng không quên gọi điện thăm hỏi má. Và thỉnh thoảng, công việc có bận rộn cỡ nào thì chúng tôi cũng thu xếp về thăm má. Như mới Vu lan vừa rồi, tôi về thăm má, má nấu cho nồi nước lá xông hơi. Nồi nước lá xông quê mùa nhưng có thể giải cảm, giải mệt mỏi và tiếp cho tôi thêm nhiều sức mạnh. Đó, đâu đơn giản là nồi nước lá xông mà là tình yêu thương của má.
Bến bờ nhân gian nơi đâu dịu ngọt bằng bến bờ có mẹ?
Luôn bình yên, luôn dịu ngọt, mát lành
Bến bờ nhân gian nơi nào thanh cao bằng bến bờ có mẹ?
Luôn chở che, luôn ôm ấp, yêu thương
Xin một đời cho ta luôn có mẹ
Bến bờ nhân gian luôn có chốn quay về…
* Tin, video liên quan: