Bước qua nỗi sợ

Giác Ngộ - Có những người lớn tuổi nhưng họ vẫn có rất nhiều nỗi sợ. Có những người giàu có, nắm nhiều quyền hành nhưng họ vẫn có những nỗi sợ hãi…

Nhắc điều đó để chúng ta nhớ rằng: nỗi sợ có thể đến với bất kỳ ai, không phải nỗi sợ chỉ dành riêng cho trẻ con và những người nghèo khó, bệnh tật, không có một chút quyền hành nào.

w so 1.jpg
 

Không phải nỗi sợ là "đặc quyền" của trẻ con - Ảnh minh họa

Nỗi sợ thường xuất hiện khi bạn không chấp nhận một sự thật nào đó hoặc khi bạn phạm phải những nguyên tắc sống nào đó đã được mặc định (thường đi kèm với những hình phạt nếu làm trái, nếu sơ sẩy vi phạm). Người già sẽ rất sợ cái chết nếu họ chưa bao giờ tư duy về cái chết. Tôi dùng từ tư duy vì cái chết cũng có một triết lý, mà nếu ai hiểu về triết lý ấy thật đúng, thật trúng thì tự nhiên khỏe re, nhẹ nhàng. Kiểu như “cát bụi sẽ trở về cát bụi”, “khi sinh ra ta chẳng mang gì đến, lúc chết cũng chẳng mang gì đi” hoặc “chết là điều hiển nhiên của cuộc sống bởi người ta sinh ra là để… chết cơ mà”…

Chết, có nghĩa là dừng lại hơi thở vào-ra. Thân này phân hoại theo quy luật hợp-tan, sinh-trụ-dị-diệt. Nếu chúng ta cưỡng lại điều đó thì sẽ khổ đau. Có những người nghĩ rằng chết không mang theo gì hết, thế là tiếc và liền khổ.

Nỗi sợ những người khác lãng quên mình khi mình chết đi cũng làm người ta sống không còn ý nghĩa.

w so 2.jpg
 

Có những nỗi sợ ám ảnh người ta dữ dội - Ảnh: Internet

Khi mình đi ngược lại những quy tắc ứng xử nào đó cũng làm mình bất an. Vì những nguyên tắc ứng xử khi đặt ra thường sẽ có chế tài đi kèm. Nếu bạn đi ngược chiều thì sẽ bị phạt. Nếu bạn sống không lương thiện thì sẽ bị xa lánh. Nếu bạn có dã tâm thì bạn sẽ cô đơn (vì ai dám ở gần người có dã tâm, hung dữ?)… Nó là kết quả tất nhiên. Thế nhưng vì mình không nhận diện được nguyên nhân và bản chất của những điều đó nên mình sợ.

Sợ mất mát, sợ bị phạt, sợ bị chấm hết một mối quan hệ nhưng lại không chịu chữa trị cái gốc là sửa đổi cách sống cho phù hợp, cho đúng với nguyên tắc làm công dân, làm người. 

Kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Đó là một câu khẩu hiệu mà đôi khi mình chỉ biết đọc suông chứ chưa nghiệm hết nghĩa lý trong đó. Hoặc có nhiều khi hiểu nhưng khi đưa vào ứng dụng thì lại có gia giảm liều lượng của từng vế (tùy người). Có những người kỷ cương đến mức cứng nhắc, đến mức thiếu tình thương và trách nhiệm. Kiểu như đem luật ra để áp lên người ta mà thiếu lắng nghe sâu xa nguyên nhân phạm tội.

Có những người gây ra hành vi trộm cướp vì tham lam, nhưng cũng có người bị ép buộc hoặc vì hoàn cảnh cha mẹ bệnh không tiền chữa trị… Nếu lắng nghe để hiểu rõ nội tình thì mình sẽ có cách ứng xử phù hợp hơn, bằng tình thương và trách nhiệm của người đưa ra phán quyết, thực thi pháp luật.

 
w so 3.jpg

Bình yên chỉ có mặt khi mình biết trân quý cuộc sống và sự bình yên của người khác - Ảnh: Internet

Trong cuộc sống, không phải bao giờ mình cũng đủ bản lĩnh để vượt qua những nỗi sợ và đi đúng trên con đường mình đã chọn. Do đó, khi phát hiện mình đi “trật đường rầy” có thể mình sẽ sợ người khác biết mà cười chê, có thể mình sẽ sợ mình sẽ bị những hố đen vây bũa mà đánh mất bản thân, trượt dài…

Nhưng, dù là nỗi sợ nào thì mình phải nhận diện là mình sai, để định vị lại bản thân, “lái” mình trở về đúng con đường mà mình đã nguyện đi. Nghĩ đến đây mới thấy giá trị của lời nguyện. Nó giúp mình đi đúng hướng và kịp quay về khi “trật đường rầy”.

Chúng ta có thể dạo chơi ở đâu đó. Có thể trong một lần dạo chơi nào đó ta quá say mê với những cảnh đẹp, con người và mải miết đi hoang… Nhưng nếu có lời nguyện thì ta sẽ biết đường quay về, biết dừng lại đúng lúc.

ww so 4.jpg
 

Bình yên - Ảnh minh họa

Có đôi khi ta bắt gặp những con người rất trẻ nhưng có khả năng là chỗ dựa cho số đông con người. Vì sao lại có người như thế? Vì họ là người rất vững chải, có khả năng chế tác được bình yên. Đừng tưởng họ chỉ chế tác trong một đời này (khoảng mấy chục năm) mà thực tế họ đã nhiều đời ngồi im, định tĩnh rồi.

Như đức Karmapa đời thứ 17 (sinh năm 1983) chẳng hạn. Ngài là người được dự báo sẽ thay thế đức Dalai Lama 14 trong tương lai. Do vậy, khi một người có năng lực định tĩnh, có sự chế tác năng lượng từ bi-trí tuệ, nhìn thấu suốt mọi thứ của thế gian và thong dong thì họ sẽ có khả năng lãnh đạo tinh thần của chính mình, không để cho sợ hãi, khổ đau, tham muốn… trấn áp. Và họ cũng có thể là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho nhiều người!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.