Bóng mẹ

GN - Vào buổi trưa yên ả sau cả một buổi sáng tiến hành Đại lễ Vu lan tại chùa Tỉnh Hội, tôi không về nhà, mà đeo máy ảnh đi lang thang săn tìm những khoảnh khắc đẹp và lạ. Tôi tình cờ gặp chị trên đồi Trại Thủy, dưới bóng mát của tượng Kim thân Phật Tổ.

IMG_9553 (Large).JPG


Ảnh chỉ mang tính minh họa 

Ban đầu, mới thấy chị, nhìn thấy một đôi mắt đang đỏ ngầu trên gương mặt phúc hậu, tôi đâu dám đến “tiếp cận nữ giới” khi đang ở trên vùng đất thiêng liêng của chùa, vì phải giữ oai nghi của người Phật tử, hơn nữa tôi nghĩ mình sẽ làm phiền người khác nếu như người đó đang cần ngồi yên tĩnh một mình. Rõ ràng là chị đang cần ngồi một mình mới lên đến tận đỉnh đồi có “Ông Phật Lớn” này vào giấc trưa nắng chang chang. Tôi đi lướt qua, định ra phía sau Kim thân Phật Tổ để viếng thăm khu linh cốt ký gửi. Chợt, tôi nghe tiếng sụt sùi, tiếng nấc lên nghe thật nhói lòng phía sau lưng mình. Tôi đứng khựng lại. Quay nhìn. Chị đang lau nước mắt bằng chiếc khăn mù-xoa màu hồng nhạt. Tôi phân vân. Rồi quyết định bước lại phía chị bằng cái tâm tuyệt đối chân thành và trong trẻo trong veo. 

Sau một hồi thăm hỏi, có lẽ nhận thấy nơi tôi đầy thiện ý, chị đã bình tâm lại, thoải mái và cởi mở chuyện trò. Chị như tìm được chỗ để trút tâm sự của thầm kín của mình. Tôi ngồi im, chăm chú, và sẵn lòng chia sẻ nỗi buồn vui của chị như một người bạn đạo đang cùng đi trên con đường dài hun hút. Giọng thật trầm, từ tốn, chị kể hết cho tôi nghe:

 “Mẹ tôi mất năm 1979 sau một cơn bạo bệnh trên vùng kinh tế mới, trong khi cha tôi còn ở trong một trại cải tạo xa xôi tận ngoài Bắc. Giữa một vùng nương rẫy khô cằn, chị em chúng tôi trở nên chơ vơ và bé nhỏ như bầy chim non chíu chít đêm ngày. Khóc. Chỉ còn biết ngồi ôm nhau mà khóc. Nước mắt tuôn chảy đầm đìa, nhưng không tưới cho hoa màu quanh căn nhà tranh tươi lớn thêm được, mà hình như những cây bắp, những bụi chuối, những cây đậu cũng buồn mà khóc rồi rủ nhau héo úa trước một mất mát lớn lao. Chị Hai tôi thì đã có gia đình riêng, về làm dâu bên nhà chồng chẳng sung sướng no đủ gì. Anh Ba tôi quanh năm đu theo xe ben vào rừng cưa cây kéo gỗ ở tận Buôn Ma Thuột, rất ít khi trở về quê thăm nhà. Tôi, khi ấy mới 19 tuổi đầu, bỗng trở thành người chị lớn nhất của bầy em bốn đứa nhỏ dại, thay thế mẹ để chăm nom dẫn dắt các em mình đương đầu với cuộc mưu sinh đầy gian nan trắc trở …

Không nhờ cậy gì được vợ chồng anh chị Hai, đôi vợ chồng đã dửng dưng trước thảm cảnh túng thiếu của bầy em bơ vơ, tôi buộc phải đi đến một quyết định liều lĩnh: dắt bầy em vào quê mẹ ở Hồng Ngự - Đồng Tháp xa tít tắp để tìm cậu Út - người em trai duy nhất của mẹ - kiếm kế cho năm miệng ăn sinh tồn. Với vốn liếng ít ỏi nhờ bán đi một số đồ đạc kỷ niệm của cha mẹ, tôi lận lưng để rồi dắt bầy em ngây thơ lên tàu hỏa xuôi Nam. Tôi còn nhớ mãi như in trong đầu chuyến đi xa đầy gian khổ này, chẳng khác gì một cuộc phiêu lưu kinh dị phải nín thở mà chỉ có định mệnh mới đoán biết trước được kết cuộc. Lạc mất một đứa em trai, rồi bị móc túi, bị giật bớt một giỏ áo quần trên sân ga nhí nhố hỗn độn, tôi như người điên vừa chạy vừa kêu la gào thét khi nách ẵm thằng Út Khoa, tay thì xách hai chiếc giỏ đồ đạc còn lại, mắt còn phải ngó chừng ba đứa em khác đang hớt hơ hớt hải chạy theo mình… May phước là tôi đã tìm ra đứa em lạc bầy, nó đang ở trong phòng trực của công an nhà ga, tôi chỉ cần tìm lại nhiêu đó, và chị em tôi lên tàu, bắt đầu vào cuộc hành trình dài phập phồng với hy vọng thật mong manh…

Cậu mợ Út ở Hồng Ngự cũng đang lâm vào cảnh khó khăn, nên khi chị em tôi kéo vào, khiến cho cậu mợ lúng túng. May nhờ bà con chòm xóm thương cảm, nên giúp đỡ gạo mắm trong thời gian đầu, rồi sau đó bầy em nhỏ dại của tôi tản mác đi phụ việc lặt vặt trong các xưởng chế biến mắm, nhà máy xay lúa kiếm tiền độ nhật. Riêng tôi được một ông chủ ghe lớn thuê làm việc nội trợ bếp núc, lương hậu hĩnh…

Năm tháng trôi đi, nơi ăn chốn ở tạm ổn, chị em tôi được những người miền Tây tốt bụng cưu mang bảo bọc để từng ngày thoát cảnh đói rách. Đặc biệt chúng tôi học được nhiều điều hay lẽ phải từ đạo Phật. Những giáo lý căn bản của nhà Phật đã được bà con cô bác - những con người phúc hậu chất phác của vùng sông nước - chỉ bảo cho chị em chúng tôi nghe, hướng dẫn cho chúng tôi học và hành. Từ Tam quy Ngũ giới, đến tri túc thiểu dục, rồi sang oai nghi Phật tử, lại còn được hiểu thêm về luật Nhân quả luân hồi. Riêng tôi, tôi còn học được kinh Nhật tụng, dần dần tiến xa hơn với những bài chú đà-la-ni để dùng làm “vũ khí phòng thân hộ mệnh”...

Từng năm trôi qua, được hưởng những ngày tháng ổn định, bụng không bị đói, áo được lành lặn, tình cảm của mọi người thì đầy ắp và chân tình, chị em chúng tôi chừng như đã quên hết đi quá khứ quá ư khủng khiếp đau buồn. Rồi, từng đứa em của tôi đã lớn khôn lên, giúp cho tôi vơi bớt gánh nặng trên vai, thoát được cảnh ẵm bồng, chăm sóc từng li từng tí như những năm mới mất mẹ. Nhiều đêm, khi chị em tôi đoàn tụ bên nhau sau một ngày lao động mệt nhọc, tôi nằm thao thức bên bầy em đang ngủ vùi, gẫm thấy hạnh phúc và tự hào. Tôi tự khen mình đã không làm mất đi đứa em nào trong thời gian dài khủng khiếp vừa qua, bởi có rất nhiều lần người ta khuyên tôi nên cho bớt mấy đứa em, gửi chúng vào những gia đình khá giả cho nhẹ gánh, nhưng tôi đã nhất quyết không đồng ý. Tôi muốn thay thế vai trò của mẹ để chăm nom, dìu dắt bầy em cho đến khi cha tôi được trở về đoàn tụ với gia đình…

Ngày ấy rốt cuộc cũng đã đến. Cha tôi trở về. Chị em chúng tôi giã từ miền đất Hồng Ngự đầy kỷ niệm, kéo nhau về quê cũ. Gia đình sum vầy từ đó, chị em chúng tôi đã cùng cha lên núi khai hoang làm rẫy để sinh sống. Cho đến 8 năm sau, khi tôi đã có được người chồng giỏi giang, bầy em nhỏ dại của tôi đã bỏ tôi lại nơi chôn nhau cắt rốn, để cùng cha lên máy bay đi về phương trời Tây xa xăm theo diện H.O. Tôi cho nước mắt chảy ngược vào tim, vào lòng, chia tay từng đứa em mà lòng đau như cắt…

Bây giờ, các em tôi đều đã có công ăn việc làm, có đứa đã lập gia đình, cuộc sống đều no đủ. Tuy xa cách nhau đến nửa vòng trái đất, nhưng từng lá thư, từng cuộc gọi điện thoại của các em tôi đều mang nặng niềm tri ân, nỗi thương nhớ về chị Tư của chúng, là tôi. Tôi chỉ mong nhận được niềm vui tinh thần như vậy thôi, không cần phải gửi từng xấp đô-la tươi rói, hay những thùng bưu phẩm nặng trịch. Tôi hạnh phúc vô bờ khi thấy bầy em của mình đều được khôn lớn. Và, trong mắt tôi, bầy em của tôi vẫn luôn luôn còn nhỏ dại, vì một lẽ đơn thuần: chúng đều xem tôi như một người mẹ thứ hai giữa cuộc đời lắm chông gai này…

Nhưng thú thật, trong sâu thẳm trái tim mình, tôi vẫn mong ước có một ngày nào đó thật đẹp trời, các em của tôi ở phương xa rồi cũng sẽ trở về với mảnh đất quê hương đầy kỷ niệm buồn vui sướng khổ, để chị em chúng tôi cùng ngồi bên nhau sum vầy đầm ấm, từng đứa sẽ kể lại những kỷ niệm về cha, về mẹ với lòng thương nhớ khôn nguôi. Riêng tôi, tôi thật sự toại nguyện vì đã thực hiện lời hứa thầm kín thiêng liêng trước vong linh cha mẹ mình là sẽ cưu mang đùm bọc, chăm sóc và nuôi dạy các em của tôi nên người. Đâu ai biết, đâu ai nghe được lời hứa ấy, chỉ một mình tôi hay biết thôi, và anh là người đầu tiên được tôi tiết lộ cho nghe đó!”…

Tôi xúc động thật sự trước câu chuyện một người chị đã hóa thân làm chiếc bóng của một người mẹ. Thật lặng lẽ, kiên trì, nhẫn nhục, và thật bản lĩnh. Điều gì đã khiến cho chị có được một sức mạnh “đại hùng đại lực”, cũng như có được một niềm tin vững chãi trước tám ngọn gió của cuộc đời bi lụy này, để vượt qua được những đợt sóng dữ mà cập vào bờ bến yên lành? Tôi không thể không hỏi chị câu hỏi đó. Chị trầm ngâm thật lâu, rồi hạ giọng xuống, nói thật khẽ khàng như làm sợ động sợ đau đến ai đó:

- Tôi có được phép mầu!

- Phép mầu? Có phải là thần thông? Làm gì chị có được?

- Chỉ cần niềm tin. Một niềm tin mãnh liệt và tuyệt đối vào pháp của Phật!

- Pháp Phật có đến tám vạn bốn ngàn, chị tin vào pháp nào?

- Tôi chỉ học và trì chú, niệm chú “Phật Mẫu Chuẩn Đề đà-la-ni”, đôi khi là “Dược Sư quán đảnh chơn ngôn”. Tôi ăn chay trường, trì chú, đoạn ác tu thiện, vậy là có sức mạnh để chịu đựng, để lăn lộn lặn hụp với đời qua từng ấy năm…

Gió lồng lộng từ hướng Đông mang theo hương vị của biển từng cơn thổi qua đỉnh đồi Trại Thủy cao cao. Im lặng. Một lúc lâu, khó khăn lắm tôi mới bật lên câu hỏi:

- Sao khi nãy chị ngồi đây khóc một mình?

Đôi mắt chứa đầy u uẩn của chị nhìn về phương Nam xa xăm… Tôi cùng nhìn theo. Tôi biết chắc nơi ấy có vùng sông nước và những con người lam lũ chất phác đã một thời dang rộng vòng tay ôm ấp những sinh linh bé nhỏ hoạn nạn. Chị nghẹn ngào:

- Tôi nhớ ơn Ni sư Như Tịnh. Bổn sư của tôi đó. Với tôi, Ni sư là một người Mẹ, người Mẹ thứ hai, đã cho tôi và mấy đứa em được hồi sinh chỉ bằng tình thương yêu và những lời chỉ dạy cặn kẽ tận tình. Không có Mẹ Như Tịnh, không biết tôi có vượt qua được những sóng gió của cuộc đời để ngồi tại đây hôm nay mà tâm sự với anh hay không?

Những giọt nước mắt của chị chảy lăn tăn xuống gò má. Chiếc bóng rộng lớn của tượng Kim thân Phật Tổ đã đổ dài ra trên mặt đất nóng ran trước mắt tôi và chị. Bỗng dưng, tôi nghĩ đó không phải là bóng của Đức Như Lai vĩ đại, mà là bóng của những người Mẹ - chữ được viết hoa - trên cõi trần gian mộng mị này…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.