Bóng đá và tình yêu non sông

GNO - Thực sự, rất nhiều người ngồi chờ đợi hàng giờ để xem trực tiếp từng trận bóng ở những giải đấu có đội tuyển Việt Nam thi đấu không hẳn là họ có tình yêu với môn thể thao này nhiều đến mức đó, thậm chí rất ít quan tâm, nhưng vì có đội nhà đá nên... phải coi và cổ vũ hết mình.

Bóng đá khi đó không còn đơn thuần là môn thể thao nữa, nó còn là màu cờ, sắc áo!

bongda.jpg


Niềm tin chiến thắng - Ảnh: TTO

Vì yêu nên dẫu xếp hàng hằng giờ để có vé và dù vé đắc đỏ cỡ nào cũng mua và mua được còn hoan hỷ. Vì yêu nên bỏ công và tốn tiền vẫn đáp chuyên cơ sang tận Malaysia để cổ vũ, để khoảng sân có màu đỏ của áo, của cờ Việt Nam cho đội nhà thi đấu không lẻ loi.

Yêu bóng đá Việt cũng là một trong những biểu hiện của tinh thần dân tộc, và như đã nói, tinh thần ấy vẫn thấm nhuần từ xưa nay, trong bất kỳ ai mang dòng máu Việt. Bóng đá vì thế khơi gợi lên sự kết nối giữa người Việt với nhau, xoá nhoà mọi cách ngăn, khi chúng ta, anh-tôi cùng hướng về một khát vọng, một ước mơ, một niềm tin chưa bao giờ cạn vơi dẫu có lúc thất vọng, buồn, rơi nước mắt tiếc nuối...

Không khó lý giải chuyện người Việt bỗng yêu tha thiết một ông người Hàn, bởi vì ông ấy đã dẫn dắt đội bóng mang màu cờ Việt Nam thăng hoa trên nhiều đấu trường, chạm tay vào giấc mơ của cả 90 triệu người, và hơn thế nữa (cả những người Việt đang ở nhiều nơi trên thế giới) - và trân trọng gọi ông là ngài Park!

Tình yêu bóng đá và tình yêu nước, tinh thần dân tộc hòa quyện, phấn chấn, đầy nhiệt huyết và tin tưởng trong những thời khắc như hôm nay, 15-12-2018, chung kết lượt về AFF Cup sau 10 năm vô địch! Những yêu thương, hào hứng và đợi chờ, hướng về Mỹ Đình (Hà Nội) chắc chắn đã là năng lượng tích cực cổ vũ cho những chàng trai hai mươi mấy luôn biết truyền cảm hứng đẹp cho số đông.

Tất nhiên, yêu bóng đá, khát vọng vô địch một giải đấu cần được thể hiện văn minh - và đó cũng là cách tạo nên thương hiệu một dân tộc có vị trí thực sự với bạn bè năm châu. Bóng đá vì thế đâu chỉ là cúp, là trận đấu trên sân mà còn ở bên ngoài sân, trên khán đài, và cả trên đường phố tối 15-12 này cũng như nhiều tối khác.

Làm sao để trở thành một người yêu bóng đá, với tinh thần dân tộc biểu hiện thật dễ thương - đó là câu chuyện bắt đầu từ ý thức với bản thân, với cộng đồng để mọi thứ trở thành cảm hứng đẹp cho ngày mai và ngày sau, chúng ta phấn chấn, nhận ra: mọi kết quả tốt đẹp là sự nỗ lực, là đầu tư đúng, là biết phát huy tinh thần đoàn kết, hâm nóng trái tim của mỗi người trong một tập thể thống nhất.

Và nhận ra điều đó cũng là để thêm một lần nữa thấy rằng, bóng đá đâu chỉ là bóng đá, nó nhắc đất nước mình, đạo nhà của chúng ta cần “đi như một dòng sông” để không tan thành hơi nước dễ dàng.

Lưu Đình Long

Nhật ký cuộc sống

Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác.

Với ý niệm đó, từ số báo này, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ sẽ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV.

PG-TT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.