GN - Tôi cảm nhận một cách sâu sắc rằng Đại lão Hòa thượng Trí Tịnh (1917-2014) là một vị Bồ-tát hiện thân lại cuộc đời này để hoàn thành đại nguyện của Người.
Thật vậy, Người hiện hữu trong thời kỳ Phật pháp khó khăn nhất, nhưng Người đã xuất gia học đạo một cách kỳ diệu. Người đã kể cho tôi nghe rằng thuở nhỏ, có một lần Người đi xe đạp bị xe đò chạy ẩu tông vô, tưởng là không còn sống. Người té nằm dưới lòng xe, nhưng không hề bị thương tích, chỉ bị trầy sơ.
>> Một hành giả Tịnh độ mẫu mực
Một điều kỳ diệu khác, Người kể rằng khi còn bé, Người lên chùa Vạn Linh, tuy lúc đó chưa tu, nhưng Tổ Vạn Linh đã chỉ vào Người mà nói với thầy Tri sự rằng ông này đời trước là Hòa thượng, tái sanh lại đời này sẽ là Hòa thượng, đừng xem thường ông ấy.
Sự gợi ý của Tổ Vạn Linh đã tác động cho Người xuất gia và nhớ lại đời trước Người đã là thầy tu. Khi Người xuất gia cũng có điều đặc biệt, Tổ Vạn Linh đã cất cốc riêng cho Người ở. Đặc biệt hơn nữa là Tổ đưa cho Người quyển kinh nào, chỉ đọc sơ qua, chẳng những Người thuộc mà còn hiểu rõ nghĩa lý của kinh. Vì vậy, Tổ đã khuyến khích Người ra Huế học.
Và khi Người học ở Huế với các Trưởng lão, cũng có điều kỳ diệu là Người nghe giảng kinh mà cảm giác như đã từng nghe rồi và thông hiểu, không phải nhọc công học nữa.
Với phước duyên được nghe Người trực tiếp kể những câu chuyện về cuộc đời tu học của Người như vậy khiến cho tôi có ấn tượng hơn nữa rằng Người là một vị Bồ-tát hiện thân lại cõi đời này để phiên dịch các bộ kinh điển Đại thừa.
Quả đúng như vậy, suốt cuộc đời Người đã dành rất nhiều thì giờ cho việc phiên dịch kinh điển. Hầu như các bộ kinh lớn của hệ Đại thừa ở nước ta đều lưu dấu ấn trí tuệ và công đức phiên dịch của Người.
Ngoài việc dịch kinh điển Đại thừa, thuyết pháp, Người cũng dồn thời gian cho việc niệm Phật, ít tiếp xúc với quần chúng Phật tử.
HT.Thích Trí Quảng trong một lần vấn an Đại lão HT.Thích Trí Tịnh tại Vô Y viện - chùa Vạn Đức - Ảnh: Bảo Toàn
Nhiều lần tham vấn Đại lão Hòa thượng, Người luôn nhắc nhở tôi cố gắng chuyên tu, bớt việc để tu, vì thời gian không còn nhiều. Người quan niệm rằng nếu làm việc nhiều cũng có thể sanh phước đức, nhưng chắc chắn phiền não, trần lao và nghiệp chướng cũng theo đó mà phát sanh. Với Người, tất cả những gì cản trở sự thanh tịnh của tâm đều phải dứt bỏ.
Vì vậy, chúng ta thấy trong nhiều năm qua, là giáo phẩm lãnh đạo tối cao của Giáo hội, nhưng trong nhiều hội nghị, các sinh hoạt của Giáo hội, Người không đến dự. Tôi cảm giác dường như tất cả tâm ý của Người đều dành cho việc suy nghĩ, hình dung, quán niệm về Đức Phật Di Đà và thế giới Cực lạc thanh tịnh tuyệt đối. Do đó, chúng ta nhận thấy ở Người luôn thể hiện sự ung dung, tĩnh tại cho đến ngày mãn duyên, xả Báo thân cũng nhẹ nhàng hiếm thấy.
Tuy Đại lão Hòa thượng không còn hiện hữu trên thế gian này, nhưng cuộc đời tu hành của Người vô cùng tốt đẹp luôn là tấm gương cho tôi noi theo, nhớ lời Người sách tấn, nghĩ lại mình tuổi đã lớn, cần bớt việc để chuyên tu. Tôi sẽ dành thì giờ nhiếp tâm niệm Phật, cảm về thế giới Phật để nhẹ nhàng bước vào Tịnh độ khi mãn duyên hành đạo ở thế gian này.
Khể thủ
THÍCH TRÍ QUẢNG
____________
* Đọc thêm:
- Ban Tôn giáo Chính phủ chúc Tết HT.Thích Trí Tịnh
- Vấn an sức khỏe HT.Thích Trí Tịnh, HT.Thích Minh Châu
- Khánh tuế Trưởng lão HT.Thích Trí Tịnh
- Trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh tới HT.Thích Trí Tịnh
- HT.Thích Trí Tịnh được suy cử tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐTS
- HT.Thích Trí Tịnh: Một đời tu Tịnh độ
- TƯGH chúc Tết Hòa thượng Chủ tịch HĐTS
- Đại lão HT.Thích Trí Tịnh viên tịch
- Giây phút Đại lão HT.Thích Trí Tịnh viên tịch
- Cung tống kim quan Đại lão HT.Thích Trí Tịnh nhập bảo tháp