Bình an từ nụ cười của ba mẹ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1208 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1208 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Quốc Tuấn không còn xa lạ với sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM. Anh là một trong những giảng viên trẻ tài năng, tâm huyết của trường. Nhiều bệnh nhân đã khám và điều trị với “bác” Tuấn chắc chắn lần sau đến Bệnh viện Đại học Y Dược cũng sẽ tìm anh vì “đúng thầy đúng thuốc”.

Ở ngoài xã hội, Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Quốc Tuấn thành công trong nhiều vai trò, là thầy, là bác sĩ, diễn giả cho một số chương trình sức khỏe trên tivi, báo, đài, nhưng theo lời anh, về nhà, anh vẫn là đứa con bé nhỏ của ba mẹ như năm nào.

Những bệ phóng yêu thương

Sinh năm 1987, quê ở Bến Tre, Bác sĩ Lê Quốc Tuấn cho biết bản thân từng trải qua những tháng ngày cực kỳ khó khăn. “Lúc ấy, không được đủ điều kiện thiết bị, điện thoại thông minh hay laptop như hiện nay. Quá trình đi tìm con chữ gắn liền với những quyển sách chia sẻ từ các thầy cô đi trước, mà bọn học trò ngày ấy thường gọi là ‘bí kíp’. Tôi là cậu học trò ở tỉnh nhỏ, nguồn sách vở gặp nhiều hạn chế, nhưng may mắn nhờ sự giúp đỡ của nhiều thầy cô cấp 3 rất chân tình và nhiệt huyết”, anh kể.

Ít ai biết, Bác sĩ Tuấn cũng từng nhận được động lực từ những lời khuyên của quý thầy ở những ngôi chùa anh và gia đình hay thăm viếng TP.Bến Tre: “Con cố gắng học thành danh để mai mốt giúp đời, trước tiên là cho ba mẹ được yên tâm về mình”. Bác sĩ Tuấn cho biết, đó cũng là động lực để anh nỗ lực, có ý thức cao cho việc học vì ai cũng mong mình có một tương lai tươi sáng hơn.

Lúc ấy, hiếm hoi có lần được lên TP.HCM, việc đầu tiên Tuấn làm là tìm đến các nhà sách lớn để truy lùng tài liệu. Theo anh, có lẽ cuộc sống khó khăn làm cho con người nhanh trưởng thành và có khả năng tự lực tốt hơn.

“Là một sinh viên ngành y, tôi càng phấn đấu nhiều hơn nữa để thỏa mãn được sự hiểu biết và tránh sai lầm trong điều trị bệnh nhân sau này. Lúc nhỏ, tôi thích nhất là 2 môn Văn và Sinh, có lẽ may mắn đó là 2 môn học cần thiết cho cuộc đời và sự nghiệp của một bác sĩ y khoa, vừa nắm vững chuyên môn vừa hiểu được phần nào cảm xúc của người bệnh”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Tất nhiên, để có được thành tích tốt và vươn tới học vị như hiện nay, ba mẹ chính là người dõi theo, là động lực quan trọng. Anh cho biết, không thể quên những ngày tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia thời trung học. Cuộc sống gia đình tuy nhiều khó khăn, nhưng ba mẹ rất thương Tuấn, ủng hộ anh hết mình trong chuyện học hành.

“Những ngày chuẩn bị thi, mẹ thì dậy sớm chuẩn bị nấu đồ ăn sáng, ba thì đưa tôi đến tận trường thi trên chiếc xe đạp kỷ niệm của gia đình. Lúc hay tin con được giải, ba mẹ mừng vui muốn rơi cả nước mắt. Cho đến tận những ngày xa quê lên Sài Gòn học đại học, ba mẹ vẫn luôn dõi theo và là nguồn động viên to lớn để giúp tôi vượt qua những khó khăn trong hành trình cuộc sống cũng như hành trình đi tìm tri thức”, anh nhớ lại.

Đáp đền ơn trọng

Khi đã thành công trong sự nghiệp, bác sĩ Lê Quốc Tuấn càng nghĩ đến việc phải làm gì đó cho ba mẹ nhiều hơn, nhất là khi họ còn hiện diện bên mình. Bác sĩ Tuấn trải lòng: “Báo hiếu là việc làm cần thiết để đáp lại ân nghĩa vô cùng to lớn của ba mẹ. Tùy điều kiện của mỗi người, chúng ta có thể làm theo những cách khác nhau, quan trọng nhất là tấm lòng chân thành của mình đối với ba mẹ”.

Với bác sĩ Tuấn, đó chính là tạo cho ba mẹ một nơi ở thoải mái, nơi gần thiên nhiên khi họ bước vào tuổi 70. Nhiều năm trước, anh chọn vùng ngoại ô của TP.Bến Tre để mua một căn nhà với tiện nghi đầy đủ. Đó là nơi có không gian trong lành và lấy việc chăm cây chơi kiểng làm thú vui tao nhã của tuổi già. Ở tuổi ngoài 70 tuổi, ba mẹ còn được anh lái xe đưa đi nhiều nơi, khắp miền Tây rồi cả Tây Nguyên. Dù bận nhiều vai trò công tác, dịp cuối tuần, bác sĩ Lê Quốc Tuấn cũng luôn cố gắng dành thời gian cho gia đình, đặc biệt là cho ba mẹ.

“Cuộc sống không ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra, ba mẹ lại lớn tuổi. Do đó, bất kỳ thời gian nào cho phép, tôi luôn dành tặng cho ba mẹ, để ba mẹ có được những giây phút bình an và thư thái tuổi xế chiều”, anh tâm niệm.

Việc báo hiếu đối với bác sĩ Tuấn không hẳn là bạc tiền, mà là tình yêu thương của mình dành cho đấng sanh thành. Cảm được sự cô đơn của ba mẹ ở tuổi thất thập cổ lai hy, bác sĩ Tuấn cho rằng, điều họ cần nhất chính là sự chia sẻ đến từ con cái, cả chia sẻ vật chất và lẫn chia sẻ tinh thần.

“Ba mẹ cần sự thấu hiểu của con cái, bởi tuổi già làm cho người ta dễ có cảm giác lạc lõng và cô đơn giữa thế giới của những người trẻ. Họ có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mà bạn cho là hiện đại, và do vậy họ rất cần chúng ta ở gần bên để mang đến cảm giác bình yên và an toàn”, anh Tuấn bày tỏ.

Có lẽ vì thế, cuối tuần nào cũng thấy gia đình ba người gồm ba mẹ, “bác” Tuấn chia sẻ những góc sum vầy bên nhau trên Facebook, có khi ở tiệm cà-phê, lúc quán ăn mới mở, một điểm đến đặc biệt nào đó. Bác Lê Văn Hai và Võ Vân - ba mẹ của anh Tuấn - khi nói về con mình đều hài lòng, tự hào không chỉ vì sự thành công trong sự nghiệp mà cả sự trọng tình mà anh dành cho những người thầy, người ơn, cho cuộc đời này.

Cả gia đình họ có duyên với Phật pháp nên bác Lê Văn Hai, bác sĩ Tuấn thi thoảng lại viết nhiều bài với góc nhìn mới mẻ, sâu rộng của một trí thức hiểu đạo. Có lẽ, đó cũng chính là sự “gặp nhau” trong cách sống mà họ chia sẻ sâu sắc hơn bên cạnh cái tình của “gia đình huyết thống”.

Chia sẻ về sự tử sinh, lòng hiếu, bác sĩ Tuấn khá tự tại khi nói: “Chúng ta sinh ra trên cõi đời này đều là để chuẩn bị cho hành trình đi về với hư vô, do vậy tâm lý nên sẵn sàng cho cuộc giác ngộ và thanh thản khi ra đi. Có lẽ với tôi, đó là một việc quan trọng và thiết thực mà bất kỳ ai cũng có thể làm được để trợ duyên cho ba mẹ trong tuổi xế chiều. Sự bình an trong tâm hồn sẽ quyết định sự bình an trong thể xác của tất cả chúng ta”.

Điều đó, theo anh Tuấn, anh mong muốn gieo những hạt mầm bình an từ những nụ cười của ba mẹ, nụ cười toát ra từ bên trong…

“Tôi thường hay đưa ba mẹ đi đó đây để họ có những trải nghiệm thoải mái. Mình cũng đưa ông bà về một căn nhà rộng rãi ở ngoại ô sinh sống, ở đó có không gian trong lành và lấy việc chăm cây chơi kiểng làm thú vui tao nhã của tuổi già. Ngoài ra, thỉnh thoảng, tôi cũng đưa ba mẹ đi lễ chùa hoặc nghe các sư thầy trò chuyện về đạo pháp, triết lý sống an vui. Chỉ cần ngày nào còn ở bên mình, ba mẹ vẫn cảm thấy an yên là được.

Mọi sự báo hiếu sau khi ba mẹ mất chỉ là để cho người đời nhìn thấy, chứ không hẳn là vì tình thương thật sự. Do đó, sự báo hiếu thiết thực nhất là ngay khi ba mẹ hãy còn hiện diện bên mình. Hãy dành cho họ sự chia sẻ, tình thương và niềm tin, trước khi thời gian vội đến chia cách chúng ta và ba mẹ mãi mãi.

Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Quốc Tuấn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.