Biến cố “thất thủ Kinh đô” trong lòng người Huế

Hàng năm, người Huế luôn nhớ biến cố đau thương này, và tổ chức lễ cúng cơm cháo, đốt lửa sưởi ấm an ủi những người đã vong thân...
Hàng năm, người Huế luôn nhớ biến cố đau thương này, và tổ chức lễ cúng cơm cháo, đốt lửa sưởi ấm an ủi những người đã vong thân...
0:00 / 0:00
0:00
Có lẽ chẳng nơi nào trên thế giới cúng âm hồn mà quy mô tổ chức lại có tính cách toàn dân như ở Huế trong ngày lễ cúng âm hồn 23 tháng 5 ÂL hàng năm. Đây là một hình thức cúng tế mà đơn vị tổ chức nghi lễ vừa thực hiện trong từng gia đình, lại vừa có tính chất cộng đồng một cách tự nguyện...

Ngày 11-5-1884 thực dân Pháp buộc triều đình Mãn Thanh ký điều ước Thiên Tân, cam kết rút quân ra khỏi Bắc bộ. Được yên ổn về mặt Bắc, chúng quyết định lấn thêm một bước trên con đường xâm chiếm lãnh thổ nước ta.

Với lực lượng quân sự có trong tay, tướng Patenotre buộc triều đình Huế ký hòa ước 6-6-1884 công nhận sự bảo hộ của chúng; ép triều đình phải để chúng đem quân vào đóng tại Mang Cá nhằm vô hiệu hóa các hoạt động của binh lính ta trong Kinh thành.

Thượng đại tràng phan cầu siêu cho đồng bào tại Đàn Âm Hồn

Thượng đại tràng phan cầu siêu cho đồng bào tại Đàn Âm Hồn

Ngày 2-7-1885, De Courcy, mang theo một đạo quân gồm tổng cộng 19 sĩ quan và hơn 1.000 binh lính tiến vào cửa Thuận An. Đến Huế, chúng đòi triều đình muốn yên thân phải cống nộp cho chúng một số lớn vàng bạc, đồng thời ra lệnh các đại thần như Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phải sang Tòa Khâm Sứ để hiệp thương về việc vào yết kiến nhà vua.

Một giờ sáng ngày 5-7 (tức 23-5 ÂL), Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết ra lệnh khai hỏa tấn công Trấn Bình Đài. Quân ta quyết tràn vào chiếm Tòa, lính Pháp đang ngủ, chợt thức dậy, kẻ bị bắn, kẻ bị chết cháy, số bị thương khá nhiều. Tòa Khâm sứ và Mang Cá cách xa 2.500m và ngăn cách bằng dòng Sông Hương, vì thế chúng không thể cứu viện lẫn nhau. Quân Pháp đành thúc thủ, chờ đợi…

Rạng sáng ngày 23-5, quân Pháp chia quân làm 3 ngã để phản công tiến vào kinh thành. Bị bất ngờ phản công, ban đầu quân ta chống cự rất anh dũng, Trước sự phản công của địch, quân ta không giữ được thành, phải tháo chạy về phía Lục Bộ và tràn ra cửa Đông Ba.

Tại đây đã bị toán quân của Pháp từ phía Cửa Trài tiến lên bao vây. Cuộc giết chóc tàn bạo chưa từng có đã xảy ra.

Trước đó, trong khi tiến vào Thành Nội, giặc ra sức đốt phá, hãm hiếp, giết chóc, cướp bóc không từ một ai. Trưa hôm đó, chúng chia nhau đi đốt hoặc vùi lấp những thi hài của quân và dân ta đã ngã xuống dưới gót giày của quân xâm lược.

Một cuộc chạy loạn hết sức đau thương. Hơn 1.500 người dân và binh lính của ta đã ngã xuống trong đêm hôm đó. Họ chết vì bị trúng đạn của Pháp, một số do chen lấn, giẫm đạp nhau khi cố vượt ra khỏi Kinh thành. Hầu như không có gia đình nào không có người bị tử nạn trong đêm binh biến này.

Hương khói tại Đàn Âm Hồn

Hương khói tại Đàn Âm Hồn

Năm 1894, Bộ Lễ đã cho xây về phía trước Hoàng thành một điểm tưởng niệm, gọi là Đàn Âm Hồn, rộng 1500m2; hiện ở số 73-75 đường Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa. Thật may mắn là lòng dân Huế hơn trăm năm qua không quên ngày 23-5 Âm lịch.

Những ngày này, trên nhiều đường phố, bà con tự động lập bàn thờ tưởng niệm vong linh những người đã bỏ mình vì đất nước.

Tại 2 điểm chính trong khu vực Thành Nội là Đàn Âm Hồn ở đường Ông Ích Khiêm (phường Thuận Hòa) và miếu Âm Hồn tại ngã tư Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tôn), một ngôi miếu do người dân tự lập nên từ rất lâu, người dân trong khu vực vẫn cùng nhau đến đây, bày biện lễ vật, với tất cả lòng thành, họ cùng nhau thắp nhang, đốt đèn để truy niệm hàng ngàn chiến sĩ và đồng bào ta đã mất trong đêm kinh hoàng; đêm kinh thành Huế thất thủ…

Ngoài ra, nhiều nhà dân vẫn tổ chức lễ cúng để tưởng niệm vong linh những người đã khuất trong biến cố lịch sử này.

Có lẽ chẳng nơi nào trên thế giới cúng âm hồn mà quy mô tổ chức lại có tính cách toàn dân như ở Huế trong ngày lễ cúng âm hồn 23 tháng 5 Âm lịch. Đây là một hình thức cúng tế mà đơn vị tổ chức nghi lễ vừa có tính chất đơn lẻ trong từng gia đình, lại vừa có tính chất cộng đồng trong từng đoàn thể, tổ chức, tập thể những người cùng chung một ngành nghề, cùng ở trong một xóm, khu dân cư.

Việc duy trì lễ tế Âm hồn thất thủ kinh đô hàng năm không chỉ là sự tôn trọng lễ nghi, đạo lý dân tộc và hợp lòng dân mà còn là dịp để nhắc nhớ một bài học lịch sử vẫn còn nóng bỏng: Kẻ xâm lược dù ngang ngược, tàn bạo đến đâu, rút cục vẫn phải thất bại trước dân tộc Việt đã từng tuyên ngôn từ ngàn năm trước: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.