Bi hài chuyện thánh, thần cũng… bị chuyên môn hóa

Giác Ngộ - Khi dòng người đi lễ các phủ, đền, chùa, miếu ngày càng gia tăng, thì xu hướng "chuyên môn hóa" mục đích cầu xin tại các khu di tích càng rõ nét, mỗi đền, chùa "chuyên sâu" một lĩnh vực: Đền Trần chuyên phục vụ những người cầu thăng quan tiến chức; đền Bà Chúa Kho đáp ứng giới kinh doanh, buôn bán; chùa Phúc Khánh phục vụ dâng sao giải hạn; chùa Hà dành cho những người đến cầu tình yêu…

Mỗi đền, chùa "chuyên sâu" một lĩnh vực

Những năm gần đây, đã thành thông lệ, cứ vào đêm 14 tháng Giêng, giới công chức nhà nước, nhân viên ở các doanh nghiệp lại nô nức tìm về đền Trần để xin ấn, vì người ta truyền nhau rằng nếu ai nhận được bức ấn vua ban sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến trên con đường sự nghiệp. Diện tích không gian của đền Trần có giới hạn, nhưng lượng du khách đến quá đông nên năm nào cũng xảy ra tình trạng quá tải. Người ta chen chúc nhau, ai cũng cố len vào để xin ấn, nhưng dường như cứ vào gần tới nơi bán ấn lại bị dòng người đẩy bắn ra ngoài. Có người vừa cầm được tờ ấn, chưa kịp quay ra, đã bị người khác cướp mất ngay trên tay. Có người đem được tờ ấn ra ngoài, xem lại thì đã rách nát vì bị cấu xé, giành giật. Không phải ai cũng đủ sức len vào được nơi phát ấn, nên xuất hiện những "cò chạy ấn", họ cố thủ tại bên trong mua ấn và chuyền ra ngoài bán thu lợi nhuận.

chuadida.gif

Năm nay, dịch vụ kinh doanh ấn đã thực sự nở rộ tại đền Trần. Ngay từ Tết Nguyên đán đến trước ngày khai ấn, đền Bảo Lộc - nơi thờ Đức Thánh Trần ngày nào cũng tiếp đón nườm nượp người vào ra để mua ấn. Trong cung cấm, phía sau tượng Đức Thánh Trần có biển đề chữ: "Nơi để quốc ấn" màu đỏ; phía dưới là một két sắt, xung quanh có nhiều tấm vải đã xén vuông vức xếp thành từng chồng. Đến đây, du khách được trực tiếp tự tay mình cầm ấn của Thánh Trần để tự đóng ấn cho mình. Mỗi lượt như vậy, khách phải trả 100 nghìn đồng. Các quán bán hàng đồ lễ, nước, bánh kẹo xung quanh đền Trần cũng đua nhau bán ấn, nhiều cửa hàng có cả dịch vụ giao ấn đến tận nơi cho khách hàng ở Hà Nội.

Nếu như những người muốn cầu chức tước tìm đến đền Trần, thì người chuyên buôn bán cầu đạt lợi nhuận cao, kinh doanh "một vốn mười lời" lại tìm đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh để "vay vốn" và xin lộc. Đầu xuân Tân Mão, chúng tôi tìm đến đền Bà Chúa Kho cảm nhận là các dịch vụ tại đây ngày càng nở rộ và bài bản hơn trước. Khách đi vay tiền phải sắm lễ, người ta tin rằng lễ càng nhiều thì Bà Chúa Kho càng phù trợ cho làm ăn phát đạt. Cũng vì thế mà dịch vụ kinh doanh đồ lễ vô cùng phát đạt, với giá bán được nâng lên một cách vô tội vạ: một con gà luộc giá bán 200.000-300.000 đồng, khoanh giò lụa khoảng 3-5 lạng có giá 70.000-150.000 đồng, xôi gấc 20.000 - 40.000 đồng/đĩa. Dịch vụ cho thuê mâm, đĩa có đến hàng chục điểm xung quanh cửa đền, vây kín nhà sắp lễ. Mỗi lần thuê mâm, khay, du khách phải trả 10-20 nghìn đồng. Danh mục các dịch vụ tại đây liên tục được bổ sung thêm hàng năm. Tại mỗi ban thờ thường có khoảng 2-3 thanh niên trai tráng luôn túc trực, họ sốt sắng chào mời du khách đặt lễ thuê với giá 10-20 nghìn đồng/chỗ tùy từng vị trí. Sau khi khách đặt lễ xong, lập tức những người chuyên khấn thuê sấn vào tiếp thị, với giá 10-20 nghìn đồng cho một lần khấn. Cuối cùng, khi du khách lễ xong, tại các điểm hóa vàng cũng có một đội quân khá đông đảo tới tấp chào mời khách thuê hóa với giá khoảng 10 nghìn đồng/lượt. Không chỉ có dịch vụ bưng đặt lễ, khấn thuê, mà tại sân đền còn có nhiều người làm dịch vụ đổi tiền lẻ, đốt vàng mã, bán sách tử vi, bán túi đựng lộc cho du khách. Sau khi lễ xong, khách đến khu nhà phát lộc, người nào vay vàng Bà Chúa Kho thì nhận vàng (vàng mã) ở đây, người không vay thì xin lộc. Nói là vay vàng Bà Chúa hoặc xin lộc, nhưng khách phải nhét tiền vào hòm thì mới được những bà già là "nhân viên kho vàng" đưa vàng, lộc cho.

Chùa Phúc Khánh ở Ngã tư Sở, Hà Nội đã trở thành địa chỉ có "thương hiệu" nhất trong lĩnh vực giải hạn. Với mong muốn giảm nhẹ vận hạn, cầu cho gia đình mạnh khỏe, cứ vào dịp đầu xuân, là người Hà Nội và bá tánh thập phương lại ùn ùn kéo nhau đến đây để xin cúng sao giải hạn. Bởi vậy, mỗi đêm diễn ra lễ giải hạn là khu vực Ngã tư Sở lại chứng kiến cảnh dòng người chật như nêm cối. Năm nay tại chùa Phúc Khánh, ngày mồng 8 Tết làm lễ cho sao La hầu, ngày rằm làm lễ khóa sao Thái bạch và ngày 18 tháng Giêng khóa sao Kế đô. Mỗi người đăng ký sẽ phải đến ghi danh, nộp cho người phụ trách lễ ở nhà chùa một ít tiền để chuẩn bị hương, lễ, đồ chay cúng sao. Người già cầu tài lộc, còn sinh viên, người trẻ lại mong muốn cầu tình duyên. Không biết từ khi nào, chùa Hà (ở Cầu Giấy - Hà Nội) đã trở thành nơi tin cậy cho những nam thanh, nữ tú, muốn cầu duyên cho mình, họ luôn tin sự linh nghiệm tại đây. Cũng không cứ ngày Tết, mà bất kể khi nào, nhất là vào ngày rằm, ngày mồng 1, nếu có dịp ghé thăm chùa Hà, ta sẽ không khỏi ngạc nhiên vì có rất nhiều bạn trẻ (đa số trong đó là nữ) tới để dâng hương, xin sớ, xem quẻ cầu duyên. Bởi vậy, các quầy hàng dọc con phố dẫn vào chùa Hà chỉ bán hoa hồng - hoa tượng trưng cho tình yêu. Các hàng lưu niệm cũng nở rộ quanh chùa, bán rất nhiều vòng, nhẫn… mà cái nào cũng đi theo đôi, theo cặp…

chuadida-2.gif
chuadida-3.gif

Nếu như những người muốn cầu chức tước tìm đến đền Trần, thì người chuyên buôn bán cầu đạt lợi nhuận cao, kinh doanh "một vốn mười lời" lại tìm đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh để "vay vốn" và xin lộc... - Ảnh: C.K

Vẫn ngổn ngang nạn rải tiền lẻ

Đến các đền, phủ… đâu đâu cũng thấy người ta dâng thật nhiều lễ, cúng thật nhiều vàng mã, rải tiền, nhét tiền vào các pho tượng để cầu xin đủ thứ: xin chức tước, xin tiền tài, xin mùa màng, xin bình an, xin sức khỏe.

Dù báo chí đã nói nhiều, nhưng cảnh rải nhét tiền nơi tôn nghiêm vẫn diễn ra. Ở ban thờ trong các đền, chùa, phủ cũng ngồn ngộn những tờ bạc lẻ 500, 1.000 đồng được đặt lễ, nhiều nơi những đồng tiền này bị "xả" xuống như… rác. Câu hỏi đặt ra là, thay vì cúng tiền lẻ rải ra nhiều ban thờ, tại sao du khách không dồn vào một lần dâng bằng tờ bạc có mệnh giá lớn hơn cho vào một hòm công đức duy nhất? Làm như vậy, vừa đơn giản, vừa không phải mất chi phí "nuôi" đội quân chuyên đổi tiền lẻ. Một người đi lễ giải thích rất hồ đồ với người viết rằng: nếu đặt tiền ở ban thờ của ngài này, không cúng tiền cho ngài khác thì lại e rằng ngài khác sẽ ghét và quở phạt mình. Bởi vậy, đã cúng thì phải cúng cho đủ hết các chư vị thánh, thần. Dường như nắm bắt được tâm lý này, nên ở các phủ, đền người ta ngày càng lập ra thật nhiều ban thờ. Ban Quản lý các đền, phủ cố vắt óc nghĩ ra thật nhiều tên các vị thánh mới để mà tạc tượng: đệ nhất, đệ nhị… đệ thất, chầu bà, chầu cô, chầu cậu… Thượng Ngàn Đông Cuông, Thượng Ngàn La Bình, Mạ vàng công chúa… Mỗi ban thờ đặt một hòm công đức, vì càng nhiều hòm công đức thì càng hút được nhiều tiền của bá tánh.

Cách suy nghĩ của các Tăng, Ni trong các ngôi chùa mà chúng tôi tìm đến để tìm hiểu lại trái ngược với cách suy nghĩ của Ban Quản lý các đền, phủ. Tìm hiểu từ một số nơi thờ tự thì được biết rằng xử lý, gom xếp, phủi đếm những đồng tiền lẻ đặt lễ này là cả một cuộc vật lộn vất vả của sư sãi, của những người đến giúp việc ở cửa Phật, đền thờ Thánh. Theo quan niệm nhà Phật và của Phật tử thì đó là tiền giọt dầu, tiền nhang đèn. Du khách đến những di tích nên tùy tâm công đức để các di tích có tiền xây sửa chùa, nơi thờ tự, tiền để nhà chùa làm từ thiện và đóng góp cho xã hội. Vì vậy, hầu hết các nhà chùa đều không khuyến khích việc người ta rải tiền lẻ ra khắp các ban thờ, mà mong muốn khách đi lễ tùy tâm bỏ tiền vào hòm công đức, nếu không có cũng không sao, chỉ cần cúng thanh bông hoa quả là được.

Mong sao, ngoài các điểm lễ hội, người hành hương đến chùa lễ Phật ngày càng ý thức, giữ sự tôn nghiêm chốn cảnh Bụt thanh tịnh, thường khuyên mọi người lánh ác làm lành.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.