GN - “Tôi đọc báo thấy không ít người làm từ thiện có hoàn cảnh giống như mình, vậy tại sao mình không làm được. Làm từ thiện có gì vui, tôi trăn trở nhiều ngày với câu hỏi đó”, anh Tài nhớ lại câu chuyện của chính mình.
Sau nhiều ngày suy tư, anh Trần Văn Tài (sinh năm 1954, ngụ phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) mới nghiệm ra “chân lý” làm việc thiện là làm cho nhiều người khác được hạnh phúc, mình có niềm vui. Có niềm vui tức là được sống.
Có khoản tiền tích góp dành dụm cả đời trong ngân hàng, mỗi tháng tiền lãi được 15 triệu đồng, anh bèn rút ra làm từ thiện. Bằng nguồn kinh phí tự lực này, tháng 3-2013, bếp cơm chay miễn phí Quê Hương do anh Tài khởi xướng bắt đầu “nổi lửa”.
Người lao động nghèo dùng cơm tại quán chay miễn phí
Anh Hồ Duy Thọ, thành viên Ban Điều hành bếp ăn cho biết, lúc đầu cơ sở chỉ có một nền đất của gia đình anh Tài. Cảm kích nghĩa cử tiên phong làm việc thiện của anh, chủ hộ kế cận đã tự nguyện cho bếp ăn mượn hai nền liền kề trong thời hạn 5 năm.
Sau khi cùng một vài người bạn chí cốt xây cất cơ sở và mua sắm bàn ghế, vật dụng cần thiết. Mỗi ngày, bếp ăn phục vụ gần 300 suất cơm trưa cho đối tượng học sinh, người lao động nghèo địa phương. Theo đó, Hồng Ngự là huyện vùng xa, vùng biên giới, dân tứ xứ kéo về mưu sinh lập nghiệp nên cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Ban Điều hành bếp ăn gồm có 7 người. Họ là huynh đệ tâm giao “đồng thanh tương ứng”. Những khi “trà dư tửu hậu”, anh em thường chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và niềm vui về hiệu quả tình người mà cả nhóm cùng tâm đắc gầy dựng.
Thông qua bạn bè, người thân ở địa phương, anh chị em, cô bác phục vụ có người ở tận Cần Thơ, An Giang lên giúp sức… tất cả đều chung một tấm lòng, sẵn sàng vì người nghèo.
Ông Huỳnh Văn Mẫn (sinh năm 1947, ngụ xã Long Khánh, huyện Hồng Ngự) chia sẻ: “Trước đây, tôi đạp xe đạp mỗi ngày hơn 10 cây số đi làm phụ hồ nuôi vợ thường xuyên đau bệnh, bốn người con đi làm thuê xa. Dân phụ hồ như tôi vô đây ăn nhiều lắm. Ba năm nay, tôi để dành tiền ăn trưa mua được xe Honda”.
Còn bà Trần Thị Manh, sinh năm 1949, ngụ xã Bình Thạnh làm nghề bán vé số cùng đứa cháu nội 14 tuổi, đang học lớp 7 cho biết, hai bà cháu ăn cơm trưa từ thiện, tiết kiệm được 20.000 đồng/ngày. Bà cho biết, sẽ cố gắng lo cho cháu ăn học đến nơi đến chốn.
Nhìn thành quả của chính mình được chắt chiu từ mồ hôi, nước mắt, tất cả thành viên bếp ăn Quê Hương trong lòng như được “thắp lửa”. Ngọn lửa tình thương ấy xuất phát từ sự bao dung, từ sự cảm thông của những người cùng cảnh ngộ.