12/2008, tại chùa Phật Tích đã diễn ra hội thảo Thông báo kết quả khảo cổ học di tích tháp - chùa Phật Tích và nghe ý kiến đề xuất của các nhà khoa học về cách xử lý tiếp theo. Đây chính là di tích phát lộ trong quá trình thi công chùa Phật tích đã được VietNamNet phản ánh trước đây, dẫn đến quyết định tạm ngừng thi công của Cục Di sản (ngày 25/11/2008) để tập trung cho công tác khảo cổ xác định giá trị di tích.
Khẳng định giá trị quý hiếm của di tích
Những kết quả khai quật khảo cổ học (KCH) tái khẳng định giá trị của chân tháp cổ thời Lý. Như báo cáo của đoàn khảo sát Viện Khảo cổ học được TS Bùi Minh Trí trình bày, đây là móng nền tháp quý hiếm còn lại cùng với tháp Tường Long (Hải Phòng), tháp Long Đọi (Hà Nam), nhưng lớn hơn về quy mô, kỹ thuật xây dựng rất kiên cố, chứng tỏ tháp có quy mô rất lớn, như truyền tụng trong dân gian: "Đứng ở kinh đô Thăng Long vẫn thấy tháp". Tổng thể di tích tháp và chùa Phật Tích phát lộ cho thấy diện mạo đặc trưng của nghệ thuật Lý, đỉnh cao của sự tinh mỹ, chặt chẽ, cần đối và hoành tráng; vừa lưu giữ những giá trị rất riêng như tượng Phật cổ, các chân tảng điêu khắc dàn nhạc công, mười tượng linh thú, giếng rồng...
Nhiều phù điêu bằng đá trang trí trên thân tháp như tượng Garuda, Kinari, các lá đề... đều là những tuyệt tác điêu khắc hiếm có là minh chứng cho quá trình thâm nhập, hội nhập của Phật giáo vào Việt Nam. Các trang trí rồng 5 móng tinh xảo cho thấy đây là "quốc tự", chùa liên quan đến hoàng cung thời Lý. Những phát hiện này góp nhiều tư liệu quý, minh chứng cho đại lễ 1000 năm Thăng Long, đồng thời là nguồn tư liệu về niên đại chuẩn xác để nghiên cứu khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng như các di tích thời Lý trên toàn quốc.
Các ý kiến trong hội thảo đều thống nhất nhận định giá trị quý - hiếm của tháp chùa Phật Tích, nhưng những kiến nghị được đưa ra lại rất khác nhau.
Điều này cũng có lý do, bởi dù quy mô móng nền tháp rất lớn, chứng tỏ tháp rất đồ sộ, cao tầng, nhưng lại chưa biết tường thân tháp đổ về hướng nào, dù trong dân gian có câu chuyện kể về một ngôi tháp đổ về phía đông bắc. Một khoảng trống nữa là cho đến nay, chưa có tư liệu nào về mặt bằng kiến trúc chùa Phật Tích thời Lý. Khu vực chân tháp hiện nay khá nhỏ hẹp, xung quanh toàn các công trình kiến trúc đã xây dựng đè lên.
Không thể xây chùa trên nền tháp cổ"
PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học chỉ "dám" đề nghị phải khai quật KCH trên toàn bộ phần diện tích sẽ xây dựng ngôi chùa mới. "Riêng với di tích tháp chùa Phật Tích đã xuất lộ, do giá trị to lớn của nó lại xuất lộ trong tình trạng không khai quật KCH, các tường móng bê tông cốt thép được xây dựng xung quanh, Viện Khảo cổ học kiến nghị 3 giải pháp tình thế". Hạ sách là lấp cát toàn bộ, bảo vệ nguyên trạng dưới lòng đất rồi xây dựng ngôi chùa mới bên trên. Trung sách là điều chỉnh thiết kế để vừa xây dựng chùa mới, vừa bảo tồn nguyên trạng toàn bộ di tích nền tháp. Thượng sách là giữ nguyên hiện trạng mặt bằng nền tháp để làm bảo tàng ngoài trời, đồng thời khai quật nghiên cứu khảo cổ học để xác định vị trí của nền chùa thời Lý, từ đó sẽ tiến hành phục dựng chùa Phật Tích mới trên đúng vị trí cũ.
Với 3 giải pháp "tình thế" này, những đại biểu tham gia hội thảo đã có nhiều ý kiến trái chiều.
GS Khảo cổ học Hoàng Văn Khoản (Đại học KHXHNV Hà Nội) khẳng định phải bảo tồn nguyên trạng di tích, không chỉ bởi giá trị quý - hiếm của nền tháp cổ, mà còn bởi "không thể để chùa nằm trên tháp", "tượng phải đặt trong chùa", nên nhất thiết phải tìm nền chùa cổ ở phía trước nền tháp cổ, rồi xây dựng trên đó.
Đồng quan điểm với GS Khoán, nhưng mạnh mẽ hơn, GS Sử học Nguyễn Quang Ngọc (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển) lập luận, "Nền móng tháp này là di tích quý giá nhất, đưa đến hình ảnh chính xác nhất, để hậu thế tìm hiểu văn hóa Phật giáo thời Lý. Không thể chọn giải pháp để sau này không chiêm ngưỡng được di tích, hoặc chiêm ngưỡng hết sức gượng ép trong "hầm". GS Ngọc đưa dẫn chứng tại Osaka (Nhật Bản), dù công nghệ làm hầm rất cao, nhưng họ vẫn thừa nhận đã biến di tích thành vật trong triển lãm, giá trị văn hóa cực thấp. "Không thể xây chùa trên nền tháp cổ. Hãy tìm nền chùa Phật Tích cổ rồi phục dựng chùa trên đó. Ta không nghèo đến mức không có tiền để bảo tồn nguyên trạng. Một ngày nào đó, ta có thể dựng lại tháp Phật Tích trên nền tháp cổ này", GS Ngọc hùng hồn.
TS Nguyễn Hữu Toàn, người được hội thảo "mệnh danh" là nhà Bắc Ninh học, với cách lập luận rất "mềm mỏng", rằng "không nên cứng nhắc trong ứng xử với di tích". Nhưng TS Toàn vẫn khẳng định "Phật Tích là trường hợp đặc biệt, bà con đến đây không chỉ sinh hoạt Phật giáo, nên càng giữ được di tích quý thì càng tạo nên xúc động lịch sử. Nếu đưa xuống hầm thì xúc động lịch sử chỉ còn với những người nghiên cứu. Nếu chúng ta có quyết sách không đúng thì di sản đặc biệt quý hiếm sẽ một đi không trở lại. Giữ được nguyên trạng là tốt nhất".
Có "thượng sách" nhưng chọn..."trung sách"
Trái với những ý kiến ủng hộ việc bảo tồn nguyên trạng, không xây dựng mới nền chùa trên nền tháp cổ, nhiều ý kiến đưa ra tại hội thảo lại ủng hộ "trung sách", theo những lập luận rất "trung dung", dù không phủ nhận phương án bảo tồn nguyên trạng, dừng việc xây chùa lên trên là hoàn hảo nhất.
TS Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo thì sợ "Phương án tuyệt vời nhất là dừng việc xây chùa trên nền tháp cổ, nhưng đã đầu tư đến thế này rồi, bỏ đi có phí không, khi tiền Nhà nước cũng là tiền của dân? Hay TS Nguyễn Văn Sơn, GĐ Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, lập luận "Nếu Bắc Ninh triển khai nghiên cứu Phật Tích toàn thể từ 2005 thì sự thể đã khác. Giờ chỉ còn là xử lý tình huống để bảo vệ nền móng tháp cổ thời Lý, phải thay đổi kiến trúc, dựng chùa lên trên để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng. Dĩ nhiên, thực hiện được theo thượng sách thì quá tuyệt vời".
Cũng đồng quan điểm theo phương án "trung sách" là ông Đỗ Văn Quỹ, Trưởng ban công tác mặt trận làng, bởi "vừa giữ được di tích cổ, có nơi để khách chiêm bái công trình. Còn nếu chuyển chùa đi chỗ khác thì không có không gian. Cũng do việc xây chùa mới mà năm 2009 tới đây, làng tôi không có không gian tổ chức lễ hội Xuân".
Đại đức Thích Đức Thiện – Trụ trì chùa Phật Tích còn "căng" hơn: Thời Hậu Lê không phải là cha ông, mà chỉ thời Lý mới là cha ông chúng ta sao? Có những chùa mới 100 năm mà chúng ta còn ca tụng là quý, trong khi thời Lê đã mấy trăm năm. Nếu bảo chùa nằm trên tháp là sai, thì đó là lỗi của cha ông chúng ta, chứ không phải lỗi chúng ta.
Thời Lê đã xây dựng chùa trên tháp rồi. Mục tiêu dự án Bộ VH ra quyết định là trùng tu ngôi chùa thời Hậu Lê. Tôi cũng đã sang thành Nara rồi, nhưng người Nhật là người Nhật, người Việt là người Việt, không việc gì phải theo nước ngoài nhiều. Phải căn cứ vào khí hậu thời tiết của chúng ta, xem bảo quản của ta như thế nào.
Phật giáo chúng tôi theo giải pháp trung dung, phục dựng chùa thời Hậu Lê lên trên, bảo quản tháp cổ bên dưới, nhưng cũng làm nhỏ thôi, vì tâm linh không cho phép, nếu làm lớn sẽ bị loãng huyệt, mà đây là huyệt của quốc gia". Xem ra, ý định của nhà chùa đã quá rõ, dù chính thầy Thiện cũng tự hiểu "Sư trụ trì lẽ ra chỉ lãnh đạo tinh thần thôi, còn đây là việc của các nhà khoa học".
Là việc của các nhà khoa học, nhưng thành phần phát biểu trong hội thảo lại được mở rộng ra ngoài giới quá nhiều. Nếu ý kiến của các nhà khảo cổ học sau khi tiến hành khảo cổ di tích này cũng ngang với ý kiến của đại diện các giới thì không nên gọi đây là hội thảo khoa học mà đây chính là cuộc trưng cầu ý kiến của các giới về một vấn đề khoa học.
Điều gây bất ngờ tại hội thảo là ý kiến của đại diện đơn vị thi công, KTS Đoàn Bá Cử. Không khó hiểu khi ông Cử khẳng định "Dù tháp cổ thời Lý quý, nhưng ta không có tư liệu nào, dù có để bảo lâu nữa, để có thể phục dựng ngôi tháp này. Trong khi phục dựng ngôi chùa thời Lê, cũng là một di tích quý, là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Chỉ cần để tháp cổ thời Lý dưới tầng hầm có phạm vị nhất định, giới thiệu cho số ít nhà nghiên cứu thôi, còn phần lớn người dân không có nhu cầu".
"Đây là vấn đề nhạy cảm"
Chính vì có nhiều ý kiến khác nhau từ những thành phần khác nhau cùng tham gia hội thảo nên PGS- TS Nguyễn Quốc Hùng, Cục Phó Cục Di sản đã phải thừa nhận: "Đây là vấn đề nhạy cảm, Bộ đã quyết định cho trùng tu di tích, việc dừng lại giữa quá trình triển khai làm chậm hoạt động của nhà chùa, gây bức xúc trong dân và tín đồ Phật giáo. Phải bảo vệ di tích như thế nào để không ảnh hưởng tổng thể. Sau khi nghe các ý kiến thì ta chọn được phương án trung sách, vẫn giữ di tích, trên đó vẫn xây chùa được. Sở VH-TT-DL Bắc Ninh làm ngay văn bản đề nghị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ, đồng thời giao cho tư vấn làm ngay phương án thiết kế, để triển khai được sớm việc xây chùa".
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, dù biết di tích là tháp quý nhất trong tất cả tháp thời Lý chúng ta tìm được đến nay, lại có tính chất cung đình, dù "Điều tôi mong muốn thật sự là dừng toàn bộ việc xây dựng để bảo tồn nguyên trạng di tích", nhưng cũng phải "nén lòng" để chọn giải pháp trung dung. Trong phát biểu của mình, GS Lê đã gián tiếp "điều chỉnh" nhiều nhận thức không chuẩn xác như việc "Nhất trí nói di sản chùa Phật Tích thì phải nói đến 2 thời kỳ Lý - Hậu Lê. Nhưng quan niệm bảo tồn lại khác, bảo tồn di sản càng cổ xưa, càng đặc biệt thì càng quý hiếm. Tôi rất băn khoăn vì ta chỉ mới biết một phần di sản, nên nhận thức hạn chế, chắc chắn ứng xử mang yếu tố tình thế, bộ phận, độ tin cậy chưa cao. Bản chụp chùa Phật Tích thế kỷ 17 là bản chụp tương đối, toàn bộ hồ sơ bản vẽ tương đối rõ ràng, nhưng di tích trong lòng đất thì vẫn là ẩn số. Tôi đã nhiều lần đề xuất Cục Di sản dành thời gian cho nghiên cứu cơ bản, nhưng không thành".
Tuy nhiên, giải pháp "trung dung" của GS Phan Huy Lê rất khác với đề xuất "trung sách" của Viện Khảo cổ học, và càng khác với ý kiến của đại diện nhà chùa và đơn vị thi công. Dù chấp nhận sẽ xây chùa lên trên nền tháp, nhưng GS Lê thẳng thắn yêu cầu, phải "bảo vệ toàn bộ nền tháp đã phát lộ. Khai quật KCH toàn bộ diện tích xây dựng, có một vài hố thám sát xem có tìm ra chùa thời Lý không, xây dựng hồ sơ đầy đủ, thu nhận các hiện vật quý. Trên cơ sở đó, phỏng dựng trên cơ sở tư liệu khoa học ngôi chùa thời Hậu Lê trên đúng khuôn viên chùa thời đó". GS Lê không "né tránh" rằng việc bảo tồn nguyên trạng dưới lòng đất là việc không đơn giản, chỉ giới KTS xây dựng của ta thì không thể đủ khả năng, nên rất cần phải có nghiên cứu liên ngành. "Đây chỉ là ứng xử tình thế. Tôi mong đây là sự tùy tiện chắp vá đầu tiên và duy nhất". - GS Phan Huy Lê cảm thán.
Chỉ vì dự án đã được phê duyệt mà chưa tính đến những giá trị có một không hai của di tích, các nhà khoa học có mặt tại Phật Tích hôm qua đã phải chấp nhận một giải pháp "trung dung". Đúng như PGS Tống Trung Tín tổng kết: "Nếu chúng tôi được tham gia ý kiến tư vấn ngay từ đầu, không bao giờ Viện lại đề ra phương án hạ sách, trung sách. Phải nghiên cứu kỹ, cụ thể, có phương án bảo tồn tổng thể, mới tính toán trùng tu và phục dựng thế nào. Mong các lãnh đạo Cục Di sản, Bộ VH - TT - DL trong các chương trình phê duyệt chủ trương đường lối trùng tu lưu ý với các Sở điều này".