GNO - Hàng ngày, theo dõi tin tức thời sự, những hình ảnh quen thuộc như chồng đánh vợ, cha đánh con, bảo mẫu đánh trẻ nhỏ, bạo lực học đường, đánh nhau nơi công cộng, bệnh viện khiến nhiều người trăn trở.
Gần đây nhất là vụ việc hai người đàn ông (Trần Dương Tùng, Đào Vịnh Thuấn) hành hung nữ nhân viên của một hãng hàng không ngay tại sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) gây bức xúc dư luận, nhiều người quan tâm.
Hành vi đánh phụ nữ tại sân bay Nội Bài được ghi lại, gây bức xúc dư luận những ngày qua
Giác Ngộ online trở lại với vấn đề bạo lực, một biểu hiện cụ thể của sân và nhận thấy một điều đáng báo động hiện nay là các em thanh thiếu niên có mức độ bạo lực cao, mang tính nghiêm trọng từ việc đánh ghen, cạnh tranh học tập, bất hòa trên mạng xã hội Facebook…
Tất cả những nguyên nhân cỏn con ấy đã ngay lập tức tạo ra những cuộc xung đột đáng tiếc.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong năm 2012 tình hình tội phạm do người chưa thành niên (từ 16 đến dưới 18 tuổi) thực hiện chiếm 60%. Hành vi phạm tội từ 14 đến dưới 16 tuổi chiếm 32% và dưới 14 tuổi chiếm dưới 8%.
Bộ Công an đưa thêm thông tin, năm 2012, cả nước xảy ra 8.820 vụ vi phạm pháp luật (tăng 231 vụ so với 2011) do 13.300 trẻ em, người chưa thành niên gây ra.
Trước đó, trong cuộc Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc công bố cuối năm 2010, cứ ba phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người(34%) cho biết từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục.
Từ vụ việc hành hung nữ nhân viên hàng không tại Sân bay Quốc tế Nội Bài nói trên, chị Phạm Thị Thanh Loan - Phó ban Chính sách xã hội - Quỹ Nhân ái người cao tuổi thuộc Bộ Nội vụ bày tỏ, vấn đề bạo lực xã hội hiện nay như bạo lực hành hung phụ nữ, trẻ em, học đường đang xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng về mức độ (mức độ tổn thương về tinh thần là rất lớn). Nguyên nhân không phải vì họ không biết nhận thức hoặc không hiểu biết. Đó là do sự tiếp cận các vấn đề bạo lực trên phim ảnh và các game - dẫn đến việc học theo (bị nhiễm) và chính họ gây ra những hành vi tiêu cực.
“Tôi cho rằng hành vi một người đàn ông đánh phụ nữ là điều sai trái, thiếu tế nhị, thiếu văn hóa. Mặt khác, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước vì nơi đây là Sân bay Quốc tế - có rất nhiều du khách nước ngoài đến thăm Việt Nam. Ngoài ra, còn gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người đàn ông Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng”, chị Thanh Loan nói.
Chị Loan cũng đề nghị, đối với vấn nạn bạo lực cần phải xử nghiêm và đưa ra hình thức phạt, kỷ luật để nhóm đối tượng có ý định thực hiện hành vi sẽ điều chỉnh.
“Bản thân là một người mẹ và có con đã đến trường nên vấn nạn bạo lực học đường là điều tôi đang rất lo ngại. Hàng ngày tôi đều hỏi con về việc học, vui chơi, tính cách các bạn qua nhận thức của con. Tôi hướng dẫn con xử lý va chạm với bạn bè bằng hình thức hòa bình và hợp tác, không có thái độ nóng giận hay chửi bới bạn bè”, chị Phạm Thị Thanh Loan chia sẻ.
Cũng nói về vấn nạn này, bạn Lê Dương Anh (sinh viên Trường Cao đẳng Cao Thắng, Q.3, TP.HCM) bày tỏ: “Tư tưởng kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người đây là vấn đề cần uốn nắn, giáo dục để thay đổi tư tưởng đó”.
Chị Nguyễn Thị Nga ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, có con đi học và thấy hành vi bạo lực học đường diễn ra phức tạp, nhiều lúc lo lắng cho con có hòa đồng với bạn bè hay không, và bằng tình thương của người mẹ, chị thường khuyên con nên biết cách cư xử với bạn bè, có gì thì nhờ đến cô giáo làm hòa không được đánh nhau.
Một giáo viên mầm non ở TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, cô Nguyễn Thị Hằng cho rằng: “Việc giáo dục các cháu từ lúc nhỏ là điều hết sức quan trọng, theo đó phải định hướng cho các cháu tránh xa bạo lực, phim ảnh mang tính chất bạo lực”.
Cô Hằng nhắn nhủ: “Cha mẹ cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các cháu không nên nghĩ rằng các cháu còn nhỏ mà không cần thiết để ý, dặn dò điều liên quan tới bạo lực”.
Giải quyết bạo hành theo cách nhìn Phật giáo ... Cốt lõi là phải thay đổi tâm, không chỉ thay đổi cảnh. Tâm chuyển thì cảnh bên ngoài mới thực sự chuyển. Tâm không chuyển thì duyên ngoài dù có tốt, mình cũng sẽ rơi vào cái gọi là “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Chuyển tâm là chuyển ba nghiệp bất thiện thành ba nghiệp thiện. Trong ba nghiệp, ý nghiệp nắm thế chủ đạo nên đầu tiên cần thay đổi suy nghĩ và quan niệm của mình trước, thân và ngữ mới thay đổi sau, nên nói chuyển tâm. Thật ra thì tâm, ngữ và thân đều chuyển. Chân Hiền Tâm |
_______________
* Bạn đọc có góc nhìn nào về vấn nạn này? Xin mời tiếp tục gửi ý kiến chia sẻ với Giác Ngộ, bài vở gửi về: bandocgiacngo@gmail.com.